Hôm nay,  

Chiến Lược Barack Obama

31/07/200800:00:00(Xem: 5807)
Thượng nghị sĩ Barack Obama, ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ, đã đi thăm Afghanistan, qua Iraq và một số nước Trung Đông rồi đến ba nước Âu Châu Đức, Pháp và Anh. Từ lúc được nổi bật như một người chắc chắn sẽ là ứng cử viên của đảng Dân Chủ, có dư luận cho rằng Obama không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Vậy kinh nghiệm có nghĩa là gì" Đó là những thử thách, những bài học của quá khứ. Kết quả những thử thách đó có thể tốt, có thể xấu, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải ghi nhớ bài học để hành động trong hiện tại và dự tính chuyện tương lai. Một ông Tổng Thống đương nhiệm cần phải học những bài học đó để ứng phó với hiện tại. Còn người muốn đảm lãnh vai trò lãnh đạo cũng có dịp suy ngẫm những việc đã xẩy ra hay đang xẩy ra để tính chặng đường sắp tới.

Khi có chiến tranh, chính sách đối ngoại hiển nhiên là vấn đề chiến lược. Đến thăm Afghanistan, Obama xác nhận ông ủng hộ cuộc chiến này, nhưng không ủng hộ chiến tranh Iraq, vì đánh Iraq là một sai lầm chiến lược của Tổng Thống Bush. Vậy giải quyết chiến tranh Iraq như thế nào" Tại Baghdad, Obama đã hội đàm riêng với Thủ tướng Maliki rất lâu, sau đó chính quyền Iraq đã đặt ra một hạn kỳ chót là đến cuối năm 2010, Mỹ sẽ rút hết quân ra khỏi Iraq. Từ nhiều tháng trước, Obama nói nếu ông lên làm Tổng Thống, nội trong 16 tháng ông sẽ rút hết quân ra khỏi Iraq. Đặt ra một hạn kỳ chót để rút hết quân là một điểm nhậy cảm cho chính phủ Bush cũng như cho ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là Thượng nghĩ sĩ John McCain, vì cho rằng đặt kỳ hạn chót là khích lệ cho khủng bố. Tuy nhiên khi thấy dư luận có vẻ tán thành những lời tuyên bố của Maliki, McCain đã dịu giọng, nói có thể đặt ra hạn kỳ chót rút quân "theo tình hình chiến trường cho phép".

McCain là người đã chỉ trích gắt gao Obama trong chuyến đi này. Trước đây McCain chê bai Obama từ khi làm TNS chưa hề đi Trung Đông, nay McCain lại phê một câu bất hủ: "Tôi không bao giờ chịu thua một cuộc chiến chỉ cốt để được làm Tổng Thống". Đến nay ông chấp nhận ý kiến đặt kỳ hạn rút quân...nhưng có điều kiện. Một chuyện đôi co khác xẩy ra.  McCain nói nhờ ông chủ trương tăng thêm quân Mỹ từng đợt để củng cố an ninh vùng Baghdad nên mới gây được sự thức tỉnh (awakening) của dân chúng Sun-ni tại tỉnh Anbar nổi lên chống lại khủng bố. Nhưng trong nhóm cố vấn đối ngoại của Obama, người ta vạch ra rằng quân Mỹ chỉ được đặc cách tăng cường từ đầu năm 2008, trong khi sự "thức tỉnh" đã bắt đầu từ khoảng tháng 9-2007. Chúng tôi thiết nghĩ tăng cường quân số chỉ là vấn đề chiến thuật, không phải chiến lược. Chiến thuật có thể quyết định thắng bại trong một trận đánh, nhưng chiến lược mới là yếu tố then chốt cho cả cuộc chiến.

Tại Trung Đông, Obama đã đi thăm Israel, một chặng đường quan trọng. Tình hình Trung Đông rắc rối đầy máu lửa như ngày nay là do năm 1948, người Do Thái trở về Palestine để lập thành quốc gia Israel. Dân Do Thái từ thời xa xưa đã bị mất nước, người Do Thái tản mát ra khắp mọi phương trời. Sau Thế chiến II, Đức Quốc xã bị diệt, người Do Thái đã trở về lập lại nước, được LHQ công nhận. Nhưng dân Á Rập ở Palestine cũng như các nước Á Rập ở gần đã chống lại Do Thái, nhiều cuộc chiến tranh đã xẩy ra. Từ thập niên 80, những giáo sĩ cực đoan của Hồi giáo đã chủ trương Thánh chiến, đặc biệt Osama bin Laden tổ chức đạo quân khủng bố al-Qaida, chuyên đánh bom tự sát. Từ hơn nửa thế kỷ qua, các ông Tổng Thống Mỹ đều ủng hộ quốc gia Israel và mưu cầu một thế hòa giữa Do Thái và người Á rập Palestine. Nay Obama tuy chưa làm Tổng Thống, nhưng đã xác nhận rõ rệt lập trường ủng hộ quốc gia Do Thái. Đây là một điểm chiến lược quan trọng cho Trung Đông, vì nếu phe Hồi giáo cực đoan chiếm được Israel, phe khủng bố sẽ làm chủ cả cõi Trung Đông với những hậu quả không thể lường cho toàn bộ thế giới.

Cũng trong khung cảnh chiến lược toàn cầu này, Obama đã đến Đức, đọc diễn văn trước 200,000 người tại Đài Chiến thắng ở Công viên Tiergan trung tâm Berlin. Từ nơi đây Obama hướng về Brandenburg Gate, nơi còn di tích của bức tường Bá Linh năm xưa. Cũng nên nhắc đến lịch sử. Năm  1963,TT John F. Kennedy đã đến đây và cảnh cáo vụ Khrushchev hăm dọa sẽ xua quân vượt qua bức tường để chiếm toàn bộ Berlin. Năm 1987 TT Ronald Reagan cũng đến đây vào dịp chế độ Cọng sản Nga đã lung lay,  kêu gọi Gorbachev hủy bỏ bức tường Bá Linh để chấm dứt chiến tranh lạnh. Kẻ thù của Mỹ năm xưa là Đức quốc xã và Liên Sô không còn nữa, nhưng ngày nay kẻ thù của Mỹ là khủng bố, Đức đã trở thành một nước trong khối NATO. Obama nói đánh khủng bố là phải đánh vào gốc rễ của chúng ở Afghanistan, nên Mỹ cần đến sự đoàn kết của các nước đồng minh NATO ở mặt trận này.

Sau Đức, Obama đến Pháp hội kiến với Tổng Thống Nicolas Sarkozy, người đã thay thế TT Jacques Chirac từng công khai chống Mỹ đánh Iraq năm 2003, tạo thành một sự căng thẳng giữa Pháp và Mỹ. Hiển nhiên Obama chủ trương nối lại tình đồng minh NATO để Pháp góp phần tích cực hơn trong cuộc chiến Afghanistan, đồng thời cùng Liên Âu cảnh cáo Iran toan tính chế tạo bom nguyên tử. Các biện pháp trừng phạt của LHQ không làm Iran nao núng, nhưng giờ đây Mỹ đã có khuynh hướng cùng Liên Âu thương thuyết trực tiếp điều đình với Iran, vai trò của Pháp không phải nhỏ. TT Pháp Sarkozy đã từng gặp cả hai ông Obama và McCain ở Washington tháng 9-2006. Sarkozy nói: "Người Pháp yêu dân Mỹ". Lần này gặp lại Obama, Sarkozy khen: "Dân Pháp mê mải theo dõi ông".

Sau Pháp, Obama đã đến London là chặng chót hành trình. Tại đây ông đã hội kiến với Thủ tướng Anh Gordon Brown, thảo luận về những vấn đề đối ngoại chính yếu mà cả hai nước Anh và Mỹ đang phải đối phó, nhất là hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Ngoài ra Obama đã gặp cả Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, hiện là đặc phái viên của cộng đồng quốc tế ở Trung Đông. Pháp và Anh là hai nước Âu châu có nhiều ảnh hưởng nhất đối với các nước Á rập. Chuyến đi của Obama tóm lại nhằm củng cố tinh thần đoàn kết giữa Mỹ và các nước đồng minh NATO, trong đó Liên Âu nắm vai trò chính trị then chốt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.