APEX Viếng Thăm Little Saigon
Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh.
Nguyễn-Viết Kim
Vào ngày chủ nhật 25 tháng 4 năm 2010, APEX đã mời giáo sư Nguyễn-Lâm Kim Oanh phát biểu và diễn giảng vào buổi tiếp tân nhân dịp Little Saigon Visit and Tour. APEX (Asian Professional Exchange) là một tổ chức vô vị lợi, không đảng phái (non-profit, non-partisan) với chủ trương giáo dục, văn hóa, từ thiện. Định chế này là một trong những cơ cấu lớn nhất tại Hoa Kỳ, qui tụ các chuyên viên , doanh nhân Á Châu trẻ trung, đa số trong khoảng 20 đến 40 tuổi tại miền Nam California . APEX khuyến khích, trợ giúp những gặp gỡ hội thảo trau dồi kiến thức và khả năng chuyên môn; học hỏi và tìm hiểu về văn hóa; tổ chức dự án phục vụ cộng đồng và xã hội .
Đoàn APEX trong chuyến viếng thăm.
Khoảng 45 thành viên của APEX, đa số cư ngụ tại Los Angeles và vùng phụ cận đã hội họp tại quán Zen trên đường Bolsa vào buổi trưa ngày chủ nhật 15 tháng 4 năm 2010. Tại đây cô Kim Chi, hội viên APEX, người tổ chức buổi họp mặt tại Little Saigon nhằm mục đích giúp hội viên tìm hiểu cộng đồng tị nạn gốc Việt đã đón tiếp mọi người cùng anh Phong Lý, Victor Liệu , Tổng Hội Sinh Viên Nam California, cô Gia Lý, anh Chris Phạm và bác sĩ Tâm Nguyễn, Phòng Thương Mại Quận Cam .
Giáo sư Nguyễn-Lâm Kim Oanh đã trình bày những điểm chính về sự hình thành cộng đồng tị nạn gốc Việt khắp Hoa Kỳ và tại Little Saigon dựa trên những dữ kiện lịch sử và con số thống kê, từ lúc hình thành sau biến chuyển lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975; với làn sóng tỵ nạn đầu tiên tại Camp Pendleton, căn cứ lớn nhất của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC: United States Marine Corps), toạ lạc gần thành phố San Diego. Sau khi rời trại rất đông đồng hương gốc Việt đã định cư tại tiểu bang California. Nhiều đồng hương khác từ các trại tị nạn, tiếp cư khác như Fort Chaffee ở Arkansas, trại Eglin Air Base ở Florida, trại Fort Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania dần dần cũng tìm về miền nam nắng ấm Cali hội tụ tại Little Saigon và mật độ ngày càng gia tăng. Từ đó, các dịch vụ cần thiết xuất hiện như chợ thực phẩm, văn phòng bác sĩ và các dưỡng đường với các dich vụ y tế . Cũng bắt đầu có các quán ăn, những chương trình văn nghệ , các văn phòng luật sư, các cơ sở sửa chữa xe cộ và những tờ báo .
Theo thống kê thì vào thập niên 1980, mức lương trung (median income) của người Việt tại Hoa Kỳ là $16,000 một năm. Chỉ trong vòng một thập niên, vào năm 1990 mức lương trung đã tăng lên gấp đôi là $33,000 - trên mức trung (median) của người dân Hoa Kỳ nói chung. Theo thống kê năm 2000 mức lương trung thường niên (annual median income) của người Mỹ gốc Việt đã lên tới $47,000. Về việc hội nhập và thông thạo Anh Ngữ, sĩ số người Việt thông thạo Anh Ngữ vào thập niên 1980 là 27%, 1990 là 40% , và 2000 là 50%. Một con số khác nói lên sự thành đạt kinh tế của người Việt hải ngoại là số tiền gửi về quê nhà giúp gia đình bà con hàng năm đã tăng với tốc độ vượt bực: vào những thập niên 80, 90 số tiền gửi về Việt Nam được ước đoán khoảng 100-200 triệu Mỹ Kim mỗi năm. Năm 2001 thì lên đến 1.76 tỉ Đô La , 2002 là 2.2 tỉ Đô La, 2003 là 2.7 tỉ Đô La và 2004 đã lên đến 3.2 tỉ Đô La . Tổng cộng từ năm 1991 đến 2005 người Việt đã gửi về Việt Nam tất cả là 15.5 tỉ Đô La. Mặc dầu đây chỉ là ước đoán, con số này bằng 60% tổng số ngoại tệ đầu tư vào Việt Nam từ sau 1975 đến 2005. Đối với chính phủ Hà Nội , họ ý thức đây là một nguồn tài trợ mãnh liệt và dễ dàng nhất hiện nay và có thể mức gia tăng sẽ là nhiều trăm triệu Mỹ Kim mỗi năm. Các con số thống kê Census 2010"
Nói chung người Mỹ gốc Việt đã đạt được những tiến triển rất mau từ 1975 đến nay. So sánh với toàn dân thì các con số thống kê rất ngoạn mục: số sinh viên tốt nghiệp đại học cao hơn trung bình, số lượng gia đình trong cảnh nghèo túng thấp hơn trung bình toàn quốc . Trong sự đóng góp thì số quân nhân tại ngũ, trừ bị và ngay cả số thương vong tương đương với tương quan dân số . Thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại đây để ý đến việc tìm hiểu cội nguồn, ưu tư và ủng hộ các tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ tại quê hương .
Bác sĩ Tâm Nguyễn và 2 thành viên của Phòng Thương Mại (Chamber of Commerce) thuyết trình về các vận hành kinh tế, doanh thương tại Little Saigon với rất nhiều dịch vụ từ ẩm thực, in ấn, cơ khí xe cộ, thẩm mỹ, y khoa, văn nghệ giải trí, nghiên cứu văn học chính trị văn hoá , tất cả đều phát triển . Hiện tại có hơn 4 nhật báo, rất nhiều tuần báo và nguyệt san, cùng các đặc san . Có nhiều đài truyền thanh, khoảng 6 đài truyền hình, trong đó có vài đài có khả năng phát sóng toàn quốc . Little Saigon phát triển rộng ra khỏi thành phố Westminster và bây giờ được coi như bao gồm một phần của Garden Grove, Fountain Valley, Huntington Beach . Mỗi cuối tuần và vào dịp lễ tết thành phố sống động thêm lên với những hội ngộ của các hội đoàn đồng hương, ngành nghề, trường học, chuyên môn, hành chánh, quân đội các buổi gây quỹ từ thiện . Các trung tâm dạy nghề cung cấp nhân viên cho địa phương rất là tấp nập . Các khu thương xá thật nhộn nhịp . Phòng Thương Mại bảo trợ, đóng góp rất nhiều các chương trình phát triển văn hoá giáo dục, trợ giúp xã hội và huấn nghệ . Cũng như các cuộc hội thảo để thông tin về luật lệ và các cuộc tiếp xúc với giới chức thẩm quyền để cùng nhau có sự hợp tác trong sự phát triển để tạo sự phồn thịnh trong cộng đồng .
Anh Phong Lý và một thành viên nói về Tổng Hội Sinh Viên Nam California với những hoạt động văn hoá, xã hội, đặc biệt là gần 10 năm đã tổ chức rất thành công Hội Tết Nguyên Đán, thường là vào khoảng tháng 1, tháng 2 vào đầu năm Âm Lịch .Đây là một dịp để mọi người xét lại năm cũ với niềm hy vọng cho năm tới (đêm ba mươi tống thằng bần ra cửa, sáng mồng một đón ông phúc vào nhà) . Nhiều đồng hương ở xa về, từ các tiểu bang xa xôi ,các nước lân cận như Gia Nã Đại, từ Âu Châu, Úc Châu và ngay cả từ Việt Nam . Cuộc thi hoa hậu đặt căn bản trên văn hóa và ý tưởng phục vụ xã hội được hưởng ứng nồng nhiệt . Số tiền thu được sau khi trừ những chi phí cần thiết được trích ra 50% hỗ trợ cho mọi hội đoàn hoạt động văn hoá, xã hội , phục vụ công ích .
Sau buổi ăn trưa ngon miệng và nhẹ nhàng, những câu hỏi tìm hiểu thêm chi tiết, những đối thoại tạo sự quen biết, những tiếp xúc trao đổi ý tưởng thân tình ; một xe bus lớn đã đưa các thành viên APEX đi thăm các thắng tích điển hình như Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ (Freedom Park), khu thương xá Phúc Lộc Thọ (Asian Garden Mall) và một vài nơi khác .
Tiếp xúc với một thành viên APEX gốc Việt, anh cho biết gia đình đã định cư tại đây từ đầu vì tình tự dân tộc, khí hậu giống như ở quê, môi trường văn hoá Việt quen thuộc và ý tưởng là quê hương dù nghìn trùng, xa cách cả một đại dương song cũng chỉ là một khối lượng nước giữa quê hương cội nguồn và quê hương sinh sống, coi như chỉ là đôi bờ cách biệt . Anh rất hãnh diện với sự tiến triển của Little Saigon từ lúc khởi đầu khó khăn tới những thành quả như hôm nay và hy vọng thế hệ của anh sẽ có thể phục vụ và đóng góp hữu hiệu .