Hôm nay,  

Cuộc Chiến Cô Đơn

01/12/200700:00:00(Xem: 4236)

Không thể hiểu rõ lịch sử nếu chỉ tìm hiểu việc làm của những người lãnh đạo quốc gia. Lịch sử La mã không đơn thuần là lịch sử của những hoàng đế, tướng lãnh mà gồm cả của những người dân, nhân sĩ,  công chức, lính lê dương, đã đóng góp cho guồng máy đế quốc trải rộng từ Bắc Phi đến Anh cát lợi. Thì "Cuộc Chiến Cô Đơn - Hồi ký Chánh Trị" của Thẩm phán Phạm đình Hưng là một phần của thiên lịch sử dân gian, của một người trong khối quần chúng Việt Nam Cộng Hòa trong thời kỳ độc lập của VN, thời bị CS thống trị, và thời lưu vong tỵ nạn CS.

Thẩm phán Phạm đình Hưng sanh trong thập niên 1930, là một mẫu người của thế hệ thứ nhứt đang sống ở Mỹ. Ong sanh ra, lớn lên, ăn học và làm việc ở VN, qua ba thời đại: Pháp thuộc, Việt Cộng, Việt Nam Cộng Hòa Đệ nhứt, đệ nhị, và Cộng sản. Một người đã sống và làm việc trong chánh quyền tam lập của VNCH, hành pháp, lập pháp, tư pháp, và có thể nói tứ lập khi Hiến Pháp VNCH noi gương Đài Loan thêm quyền giám sát. Mà cơ quan hiến định là  Giám sát viện chuyên bài trừ tham nhũng. Một người đã sống qua mấy đời quốc trưởng  TT Ngô đình Diệm, Phan khắc Sửu, Nguyễn văn Thiệu như Thẩm phán, Dân biểu, Giám sát viên. Một người tù cải tạo qua nhiều trại. Một người vượt biên bằng thuyền nan vượt đại dương được tàu Pháp vớt thay vì định cư ở Pháp, lại chọn Mỹ làm quê hương thứ hai, chọn Orange County có Little Saigon làm chánh quán. Và là một người như mọi thành phần ưu tú của VNCH đến Mỹ dễ dàng để ra phía sau dĩ vãng huy hoàng, chấp nhận đi làm công, ngành nghề có khi không thích ứng với khả năng để mưu sinh và giúp gia đình còn kẹt trong nước. Nhưng lòng yêu  nước mãi gắn bó với nước nhà đang nằm trong gông kềm CS, ra hoạt động với cộng đồng mong muốn giải trừ CS, đem lại tự do, dân chủ, công lý cho đồng bào. Nhưng sau cùng nghe vị đắng thiếu đoàn kết của cộng đồng Việt trong môi trường mới quá tự do, dân chủ, còn quá mới với người Việt nên lắm tiếng bấc tiếng chì.

Thẩm phán Phạm đình Hưng, tác giả của với "Cuộc Chiến Cô Đơn - Hồi ký Chánh Trị", thời làm việc cho VNCH tự do, dân chủ mới manh nha, ngọn lửa chiến tranh nóng cháy, có bất mãn. Bất mãn vì thụ lý nhiều vụ tham nhũng lớn mà không trị được, lại  bị trù dập vì chống tham nhũng. Nhưng vẫn được Giám sát Viện dành học bổng đi học ở Pháp. Những ngày VNCH gần sụp đổ vì tình yêu nước và nặng gánh gia đình, vì mánh lới tuyên truyền quốc ngoại của CS tinh vi  và mạnh mẽ ở Pháp nên sai lầm, từ Pháp trở về VN để bị nhiều năm tù của CS. Một bài học quá đắc nhưng đáng giá cho một người Việt có thể gọi là trí thức. Không phải một mình Phạm đình Hưng mà hàng triệu người sau đó mới ý thức được cái độc của CS. Trong thời CS, xã hội VN là một trại tù lớn, trại tù cải tạo là khám đường nhỏ giam người không cần xét xử, triền miên bị tra tấn tâm hồn và thể xác. Cả triệu người vượt biên tỵ nạn CS, phân nửa chết trên biển hay trong rừng sâu.  May mắn tác giả đến được bến bờ tự do.

Người Việt trong hay ngoài nước đọc "Cuộc Chiến Cô Đơn - Hồi ký Chánh Trị" sẽ thấy mình trong tác phẩm. Trong nước đồng bào VN vẫn còn sống dưới chế độ cảnh sát trị mà quản giáo là cường hào ác bá đỏ ở nông thôn và tư bản đỏ ở thành thị khi CS Hà Nội mở cửa cho đầu tư ngoại quốc vào, dân chúng chịu hai tầng áp bức bóc lột tài phiệt ngoại quốc cấu kết với CS. Ngoài nước nhớ lại thân phận tỵ nạn CS của mình, chưa tròn lời nguyền khi bỏ nước ra đi tìm tự do cho mình, cho gia đình và đồng bào còn kẹt ở lại. Tiếng gọi đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN sẽ đánh động lương tâm.

Như bao nhiêu quân dân cán chính VNCH, thế hệ thứ nhứt của người Việt hải ngoại, "Cuộc Chiến Cô Đơn - Hồi ký Chánh Trị" là tự sự giông giống thân phận công bộc của mình thời VNCH, thân phận tù nhân của mình, thân phận tỵ nạn CS của mình. Diễn tiến nhận thức cho thấy già dặn theo tuổi tác nhờ so sánh được với nhiều tài liệu Mỹ đã giải mật và trước cảnh phũ phàng mà CS đang gieo rắc ở nước nhà.  Thương VNCH hơn. Phục Quân lực VNCH hơn. Dè dặt với những chánh trị gia của Mỹ hơn. Nhận rõ VNCH chết là do  nhà cầm quyền Mỹ quá thực dụng, thiếu tình nghĩa, được trăng quên đèn, được Trung Cộng, bỏ VNCH. Nhận rõ TT Ngô đình Diệm, Thủ Tướng Trần văn Hương, TT Nguyễn văn Thiệu là những nhà lãnh đạo quốc gia tốt. Tuy có nhiều bất bình trong thời đệ nhị công hòa, tác giả vẫn xem TT Thiệu là một tổng thống gốc quân nhân tài giỏi trong việc chống CS.

Cuộc sống của một cá nhân vốn là một cuộc chiến đấu không ngừng. Cuộc sống của một quốc gia dân tộc là một cuộc chiến tranh chánh trị không bao giờ dứt. Lịch sử VN chưa bao giờ bị ách nô hộ "tự thực dân" (auto- colnialisme) của CS Hà nội như bây giờ. Hà khắc, bóc lột, áp bức còn hơn thực dân ngoại bang, 1000 năm giặc Tàu, 100 giặc Tây. Lịch sử VN chưa có một cuộc di tản nào lớn như cuộc tỵ nạn CS sau 1975. Lịch sử VN chưa bao giờ có một VN hải ngoại kiên nhẫn đấu tranh cho đồng bào trong nước, quốc tế vận mạnh như bây giờ.

Người ta nói người lính già không chết, mà mờ dần trong  xã hội và lịch sử. Tác giả Phạm đình Hưng của "Cuộc Chiến Đấu  Cô Đơn -- Hồi Ký Chánh trị", xuất thế, trở lại với gia đình dưỡng sức, tu tỉnh, khuây khỏa với những chuyến du lịch. Nhưng đoàn hậu tấn đầy nhiệt huyết đang thiếu kinh nghiệm cần những suy nghĩ, kinh nghiệm đã qua của mẫu người như Thẩm Phán Phạm đình Hưng, sống và làm việc ba thời ky VN, học ba thứ học Khổng Mạnh, học Tây, học Mỹ. Phải chăng tác phẩm này là một di sản kinh nghiệm mà tác giả muốn để lại cho lớp trẻ VN. Trong cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập cho VN, Cụ Phan bội Châu có nói, đời ta không thành, thì có con ta, con ta không thành, thì có cháu ta, cháu ta không thành thì có chắc ta.

Không ai có thể điểm sách hay hơn người đọc. Nói chuyện với tác giả về tác phẩm lại càng hay hơn. Cuộc ra mắt sách sẽ được tổ chức lúc 1 giờ 20 trưa ngày 9 tháng 12, năm 2007, tại Civic Center, 9200 Westminster Bld, TP Westminster CA 92683.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.