Hôm nay,  

Làng Lặn Bến Tre

27/07/200400:00:00(Xem: 5289)
Bạn,
Ngôi làng được nhắc đến trong lá thư này là 1 làng nghèo nằm "gọn lỏn" bên bờ sông, sát với bến phà Hàm Luông, ấp Thanh Sơn 1, thuộc xã Thanh Tân, Mỏ Cày, Bến Tre , được người dân nơi đây đặt cho cái tên làng lặn. Và từ những căn nhà lô xô, xiêu vẹo như muốn chồm hẳn ra phía mé sông của cái làng này, nhiều thân phận con người đã "lặn hụp" cùng dòng đời cũng giống như chính cái nghề của họ... VASC viết như sau.
Qua bến phà Hàm Luông, phía bên kia sông thuộc địa phận huyện Mỏ Cày, rẽ tay trái, đi hết con đường đất đỏ nhỏ tẹo chạy cong cong cặp mé sông Hàm Luông là làng lặn Thanh Sơn. Chắc hẳn, dù chưa một lần tới, nhưng bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ngay cái xóm này bởi dọc bến sông là những chiếc ghe được gắn loại máy thổi khí to đùng, lồ lộ giữa thuyền. Trong khoang thuyền, nào là dây nhợ rồi "cả đống" ống cao su để thở, còn chiếc mỏ neo bốn khía chuyên dùng cho thuyền lặn toòng teng trước mũi, móc cong như những chiếc lưỡi câu.
Nghề lặn này, sợ nhất là cái lỗ tai. Bởi, khi lặn càng sâu, áp lực nước càng mạnh, lúc đó tai đau nhức còn chân tay đôi khi bị cứng đờ. Một chuyện khác, thở bằng ống cũng phải... điệu nghệ. Ém nơi mũi, hít và thả hơi bằng miệng. Nói thì đơn giản nhưng nhiều người mới vào nghề, sặc lên sặc xuống. Mùa lặn thuận lợi nhất trong năm phải kể từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch. Thời gian này nước ròng chảy mạnh, cuộn vòng dưới đáy sông cuốn trôi lớp đất cát đáy, hàng sẽ lồ lộ ra. Lúc đó, người lặn sẽ ít bị trầy xước hơn so với những tháng còn lại khi nước đục ngầu phù sa.

Đấy, cuộc sống xóm lặn cứ trôi đi như vậy. Bảo những người đang làm nghề này thuộc loại hạ bạc thì cũng chẳng phải, nói nghề này không phải ai cũng làm được kể cũng chẳng sai. Nhưng có một điều, cứ chiều buông xuống là cả nhóm lại bày trận ra: Nhậu. Dường như họ nhậu để quên đi nỗi nhọc nhằn dưới đáy sông, họ nhậu bởi chẳng biết ngày mai sống chết thế nào khi mà chính họ tự đi lùng sục vào nơi... thần chết. Họ đi tìm bom, tìm đạn. Ranh giới của sự sống và cái chết mỏng tang cũng chỉ bởi miếng cơm manh áo.
Bạn,
Báo quốc nội viết tiếp: đúng ra, đám thợ lặn của làng sẽ có việc lâu hơn nữa ở khúc sông này. Nhưng, chẳng hiểu sao vào năm 1990, hàng đoàn ghe dài thườn thượt của những ông "Chà" (Campuchia) đã rầm rộ kéo về nơi đây, họ cạnh tranh "mò" hàng với xóm thợ lặn. Những thợ lặn của làng khỏe là thế nhưng khi đụng độ với mấy ông Chà họ cũng phải... chịu thua. Người gì đâu mà đen trùi trũi, lặn hụp quên cả cơm. Đã vậy, những người này mang theo cả vợ con nên họ ở lỳ tháng này qua tháng khác. Chưa hết, khoảng năm năm sau (1995), ven sông của năm xã này đã "đặc lềnh" ghe Chà. Họ làm ngày làm đêm và chẳng mấy chốc, việc tìm phế liệu nơi đây cũng giống như tìm kim đáy bể.Lý do trên đã "đẩy" xóm lặn đi xa về miệt biển. Hết Ba Tri lại qua Thạnh Phú về Trà Vinh rồi tới Bạc Liêu để rồi đến năm 1995 xóm lặn ra "hành nghề" nơi biển. Làng lặn vẫn xác xơ, cái nghèo vẫn còn bám chặt lấy từng hộ nơi đây.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.