Hôm nay,  

Thạch Sanh Ở Miền Núi

06/06/200000:00:00(Xem: 5835)
Bạn,
Chuyện dân gian kể rằng, ngày xưa có Thạch Sanh ngày ngày lên rừng kiếm củi mang ra chợ bán lấy tiền nuôi mẹ. Và giờ đây, theo báo Tuổi Trẻ, tại tỉnh Lạng Sơn, một tỉnh sát biên giới phía Bắc, cũng có một Thạch Sanh là Hoàng Văn Thu, sắc tộc Tày, hiện học lớp 11 ở Bình Gia, một huyện nghèo nhất ở tỉnh này. Ngoài giờ đi học, cậu học trò này vẫn hàng ngày lên rừng kiếm củi về bán lấy tiền nuôi mẹ và nuôi mình ăn học.

Theo ghi nhận của một phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đến tận làng của cậu học trò nghèo này, thì người mẹ sinh ra cậu khi đã lớn tuổi và cậu chưa một lần biết mặt cha. Quanh năm, cậu chỉ có hai bộ quần áo thay đổi khi đi học. Những ngày đông vùng cao giá rét cắt da cắt thịt, cậu cũng chỉ có thêm một manh áo len mỏng đã sờn cũ. Năm ngoái khi lên nhận phần thưởng cuối niên khóa, các bạn cậu lại cười ồ vì cái gấu quần rách chưa kịp khâu. Việc học của cậu thật gian nan. Bất cứ lúc nào rảnh cậu đều tận dụng làm bài tập. Với những cố gắng liên tục trong nhiều năm liền, năm học vừa qua, cậu đã đoạt giải ba học sinh giỏi môn Hóa của tỉnh Lạng Sơn.

Theo mô tả của phóng viên báo Tuổi Trẻ, ngôi nhà của Thu nằm gần ngay chân núi. Nhà vách đất, trống tuềnh toàng. Hai mẹ con chẳng ruộng, chẳng nương nên cuộc sống chỉ dựa vào chăn nuôi và việc kiếm củi của Thu. Phía trước nhà vỏn vẹn một luống rau lang nhỏ. Mẹ Thu tâm sự bây giờ đã có tuổi, sức khỏe lại giảm sút, chủ yếu chỉ làm những việc lặt vặt trong nhà như chăn nuôi, còn toàn bộ công việc nặng đều trông cả vào Thu. Có những buổi trái nắng trở trời không ngồi dậy được, Thu đi củi về lại phải thái chuối, băm rau chăn lợn, cơm nước hết cả buổi tối. Câu chuyện về Thạch Sanh ngày nay được báo Tuổi Trẻ ghi lại qua đoạn ký sự dưới đây.

Mười hai tuổi, Thu theo mẹ lên rừng lấy củi. Mỗi ngày sức mẹ mỗi yếu, mình em lặn lội lên rừng. Những gánh củi của em không chỉ thấm mồ hôi mà có cả nước mắt qua bao lần lên núi lấy củi bị dao chạm vào tay hay trượt ngã. Muốn đi lấy củi phải đi thật sớm, từ một hai giờ trưa để sẩm tối kịp có mặt ở nhà. Tôi (phóng viên) đã bước cùng em từng bước nhọc nhằn lên núi lấy củi. Đường đi vượt qua những dốc dựng đứng, trơn trụi, qua hai ba cái lân (lân là khoảng đất rộng bằng phẳng giữa hai quả núi) mới đến nơi lấy được củi. Vừa làm Thu vừa trò chuyện: Anh biết không, may nhất là những hôm đi củi gặp những cành gỗ to do dân khai thác gỗ bỏ lại. Khi đó, hai ba đứa bọn em cưa từng khúc dài chừng nửa mét ngang mang về. Loại này bán được tiền. Thợ mộc vẫn tận dụng để đóng đồ. Kiếm cũng được anh ạ. 300 đồng một ký, bọn em mỗi đứa vác một khúc cũng được 30-35 kí.

Đường lúc đi đã khó khi về vác nặng lại càng khó hơn. Những bước chân nặng nhọc mồ hôi ướt dầm lưng áo khiến tôi ái ngại cho em. Mỗi lần xuống dốc, Thu căng người mang hết sức mình giữ thăng bằng. Đi mãi, nghỉ ba bốn lần rồi chúng tôi cũng xuống về chân núi. Nhìn bó củi vừa to vừa nặng em vác về, tôi thầm hỏi nghị lực nào giúp em bao năm vượt khó học giỏi. Việc học của em, như lời em kể, vất vả lắm. Chỉ cố sao những môn chính không thua các bạn nhiều. Khi tôi đem chuyện này hỏi cô giáo viên chủ nhiệm thì được biết Thu học đều tất cả các môn, điểm trung bình đều trên 8/10 cả. Em rất có năng khiếu về những môn khoa học tự nhiên.

Bạn,
Khi phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi Hoàng Văn Thu em mơ ước điều gì, em chỉ cười và mãi mới chịu trả lời: em sẽ là thầy giáo. Em nói: Em sinh ra ở vùng sâu, vùng xa, nếu sau này có nhận phân công về vùng xa hơn nữa em cũng chẳng sợ, bởi nếu không về thì ai sẽ về.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.