Hôm nay,  

Chuyện Mãi Lộ Trên Sông

07/06/200000:00:00(Xem: 5610)
Bạn,
Tháng 5, tháng 6 là mùa làm ăn của các chủ phương tiện vận tải đường thủy, từ các loại xuồng ba lá, ghe thuyền 100 tấn trở lên đến sa lan trọng tải từ 300 đến 500 tấn chở gạo, phân bón, cát, đá... xuôi ngược trên các tuyến đường sông ở miền Tây. Thời gian này cũng là mùa kiếm tiền các toán công an kiểm soát giao thông đường thủy tại các trạm đăng trình (kiểm tra giấy tờ tàu thuyền) cố định cũng như di động trên sông. Mời bạn nghe câu chuyện sau đây theo lời kể của hai phóng viên báo Tuổi Trẻ.

Chiều tối hôm đó, chúng tôi xuất phát từ một bến tại Rạch Gầm ở Tiền Giang trên chiếc ghe của thuyền trưởng V.A đi Sa Đéc để nhận 135 tấn gạo xuất cảng chở về cảng Sài Gòn. Thuyền trưởng A cho biết ghe của anh có trọng tải 144 tấn, nghĩa là còn thiếu đến 9 tấn nữa mới đủ tải trọng nhưng theo anh thì qua bất cứ trạm nào thì cũng phải xì tiền. Ngay cả tại trạm tỉnh nhà Tiền Giang là chỗ quen biết cũng ít nhất phải nộp một gói thuốc ba số 5. Khi được hỏi mỗi ngày đêm có bao nhiêu loại tàu ghe qua lại trên sông. Thuyền trưởng A cho biết vào lúc được mùa như hiện nay, mỗi ngày có khoảng 400-500 tàu thuyền các loại lưu thông qua lại. Nếu tính trên tuyến sông từ Sa Đéc về Sài Gòn thì có 8 trạm cảnh sát giao thông đường thủy cả cố định và di động. Ngoại trừ 3 trạm thuộc Công an Tiền Giang mà anh quen, chỉ phải nộp gói thuốc 555, còn lại trạm nào cũng phải chung tùy theo phương tiện và tùy trạm. Giá chót phải là 50 ngàn, còn phổ biến là 100 ngàn đồng.

Trạm đăng trình Sa Đéc là một trạm di động được cặp ngay tại cửa chợ Sa Đéc. Trước đây, trạm này được gần chiếc cầu cách chợ một quãng, nhưng bị phản ứng dữ dội vì dễ gây tai nạn vì luồng qua cầu hẹp nên đã di động về cửa chợ. Nhưng đây cũng là cửa tử đối với ghe thuyền vì khoảng cách nối hai bờ sông chỉ trên dưới 30 mét trong khi tàu bè tại cửa chợ lúc nào cũng đông đúc.

Thuyền trưởng V.A tàu TG kể: lần nọ anh lên đăng trình, thử đưa 50 ngàn đồng, viên cảnh sát giao thông nhìn anh từ đầu xuống chân, rồi chửi, hỏi: “Ghe gì mà chỉ có bấy nhiêu hả ông"” Mới cách đây vài ngày, viên cảnh sát giao thông này nói thẳng thừng “cho bao gạo về ăn coi”. Anh thuyền trưởng thật thà hứa: Để lần sau chở gạo loại ngon. Lần sau anh chủ hàng này không nhận được loại gạo ngon vì thế đã bị rắc rối. Nhiều chủ hàng cũng từng cho gạo thay vì tiền cho cảnh sát giao thông trạm này. Thuyền trưởng tàu TG nói: Nếu không chịu chung chi thì có cả 1001 lý do để cảnh sát giao thông đường thủy viện ra hoạnh họe đòi tiền. Nào là tàu thiếu thiết bị chống cháy, chở quá tải, hệ thống đèn báo đặt sai quy định. Nói tóm lại, nếu không chung thì không bị phạt kiểu này cũng bị phạt kiểu khác.

Chiếc ghe của chúng tôi từ từ tiến qua trạm Sa Đéc vào 6 giờ chiều. Tiếp chúng tôi, đội phó trạm lật lật từng trang cuốn sổ, vừa nhìn lên tivi, vừa “từ tốn” gấp đôi hai tờ giấy 50,000 đồng lại rồi nhét vào túi và gật đầu nói “đi, đi”. Tuyệt nhiên không hề thấy viên đội phó kiểm tra hoặc ghi chép gì vào sổ. Quay lại tàu, thuyền trưởng A nói những lần trước bao giờ họ cũng dựng đứng quyển sổ lên cho tiền lọt kín đáo xuống hộc bàn đang mở sẵn trước mặt, không hiểu sao lần này lại sơ hở thế"

Bạn,
Theo phóng viên báo Tuổi Trẻ, mục đích của các trạm này là tuần tra giao thông để phát giác các tàu bị nghi ngờ chở hàng lậu hoặc quá tải, nhưng thực tế thì nếu tàu có hàng lậu thì cảnh sát giao thông tại các trạm này cũng không thể biết vì sau khi nhận được tiền chung chi là các tàu cứ bình an mà chạy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.