Hôm nay,  

Đại Hàn: Hy Vọng Hòa Bình

13/05/201800:00:00(Xem: 2645)
SEOUL, Nam Hàn -- Trong khi tình hình hòa bình có vẻ ló dạng trên bán đảo Đại Hàn, một số vướng mắc còn chưa giải quyết xong...

Bản tin NHK ghi rằng con trai 1 công dân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt cóc hàng thập niên trước bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hối thúc nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trả những người bị bắt cóc về Nhật Bản.

Ông Iizuka Koichiro đã phát biểu với đài NHK sau khi Tổng thống Trump thông báo địa điểm và thời gian của hội nghị thượng đỉnh sắp tới với ông Kim. Mẹ ông là bà Taguchi Yaeko, là 1 công dân Nhật Bản bị Bắc Triều Tiên bắt cóc.

Ông Iizuka nói Tổng thống Trump đã thể hiện mong muốn đề cập đến vấn đề bắt cóc tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới và sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề này.

Ông Iizuka nói ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ mở đường cho việc cho phép những người bị bắt cóc trở về nhà, trong bối cảnh người thân của họ đang ngày càng già đi. Ông Iizuka và người thân của những người bị bắt cóc đã đến Mỹ vào tuần trước để kêu gọi hợp tác giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, bản tin VOA  cho thấy nhiều hy vọng hòa bình: Mỹ mong muốn Triều Tiên trở thành một "đối tác thân cận" và không phải kẻ thù, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói hôm thứ Sáu, lưu ý rằng Mỹ trong lịch sử thường trở thành bạn tốt với những đối thủ cũ.

Ông Pompeo cho biết ông đã nói với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về hy vọng đó trong chuyến thăm ngắn ngủi của ông tới Bình Nhưỡng trước đó trong tuần này. Trong chuyến thăm, ông đã hoàn tất những chi tiết về hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 sắp tới giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump và thuyết phục Triều Tiên phóng thích ba người Mỹ bị cầm tù ở nước này.

Ông nói rằng cuộc nói chuyện với ông Kim hôm thứ Tư là "nồng ấm," "mang tính xây dựng," và "tốt đẹp" và ông đã nói rõ rằng nếu Triều Tiên loại bỏ vũ khí hạt nhân của mình một cách vĩnh viễn và có thể kiểm chứng được, thì Mỹ sẵn lòng giúp đỡ quốc gia nghèo khổ này vực dậy nền kinh tế và mức sống ngang bằng nước láng giềng Hàn Quốc thịnh vượng.

Ông không nêu tên các nước đối thủ khác, nhưng ông Pompeo và những người khác thường lưu ý rằng Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Nhật Bản và các cường quốc Châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Với sự trợ giúp của Mỹ, những quốc gia đó đã phục hồi từ sự tàn phá của cuộc xung đột.

"Nếu Triều Tiên có hành động táo bạo để nhanh chóng giải trừ hạt nhân, Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với Triều Tiên để đạt được sự thịnh vượng ngang bằng với người bạn Hàn Quốc của chúng ta," ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đang thăm Mỹ.

Bà Kang ca ngợi cuộc gặp gỡ sắp tới giữa ông Trump và ông Kim ở Singapore là một cơ hội "lịch sử," nhưng cũng lưu ý thêm một số hoài nghi. Giữa lo ngại Triều Tiên sẽ đòi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, bà Kang nhấn mạnh sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó phải là "một vấn đề đối với liên minh Mỹ-Hàn Quốc trước nhất và trên hết."

Bà nói sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam trong 65 năm qua đã đóng "một vai trò thiết yếu cho việc răn đe," cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, bà nói bất kỳ thay đổi nào về quy mô của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không nên nằm trên bàn đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh.

Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim, nghi vấn đã liên tục được nêu lên về việc liệu hai nhà lãnh đạo có cùng một mục tiêu khi họ nói về chuyện "giải trừ hạt nhân" hay không. Đối với Mỹ, chuyện này có nghĩa là miền Bắc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ đã chế tạo. Nhưng Triều Tiên đã nói rằng họ sẵn sàng đàm phán bây giờ bởi vì họ đã thành công trong việc trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, khơi lên hoài nghi rằng miền Bắc có thực sự sẵn lòng từ bỏ những vũ khí đó hay không.

VOA ghi thêm:

“Ông Pompeo nói sẽ cần một sự giải trừ hạt nhân "hoàn toàn" và "có thể kiểm chứng được" mà sẽ loại trừ Triều Tiên như một mối đe dọa cho miền Nam, Mỹ và phần còn lại của thế giới. Ông nói sẽ cần một chế độ thanh sát và giám sát quy mô lớn để đảm bảo sự tuân thủ của Triều Tiên.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.