Hôm nay,  

Ngã ba Dầu Giây

21/09/201908:54:00(Xem: 4762)

 

Hồ Thanh Nhã
 

         Ngã ba Dầu Giây

 

Trở về thăm Dầu Giây

Một phần đời bỏ lại

Người xưa đâu chẳng thấy

Mịt mù như bóng mây

 

Mười lăm năm đi qua

Anh về như khách lạ

Ngỡ ngàng quanh phố xá

Hiu hắt làn gió xa

 

Đâu ai chờ anh về

Mười lăm năm vẫn thế

Ngôi giáo đường lặng lẽ

Hồi chuông dài lê thê

 

Dầu Giây đầu mùa mưa

Dấu giày vương đất đỏ

Ngọn thác gầm núi Nứa

Bông tre già lưa thưa

 

Ngã ba nầy mùa khô

Rừng cao su lá úa

Vườn chôm chôm chin rộ

Mái lá buồn xác xơ

 

Người đi người lại đi

Hai ngã đường thiên lý

Mới xa rời phố thị

Đã ngậm ngùi phân ly

 

Anh về đường Hai Mươi

Chắc còn ai đứng đợi ?

Con dốc dài ven suối

Đỉnh đèo Man-Đa-Gui

 

Em đi về hướng biển

Đường số Một trăng buông

Thuyền ra khơi khẳm chuyến

Gió mát bờ đại dương

 

Ta chia tay từ đây

Mũi  tàu xưa còn đấy

Đã mấy mùa cây trái

Nhớ quá ngã ba nầy !

 

Nghĩa địa buồn thê lương

Bao nhiêu người nằm xuống

Anh về cho dẫu muộn

Như lá rụng bên đường

 

Người nằm đây bao lâu

Lối xưa giờ mất dấu

Rêu xanh rờn bia mộ

Khói trầm bay đâu đâu…

 

       Hồ Thanh Nhã

                   

Quốc lộ 20 – hành lang của Tử thần

   
Trích : Bút ký chiến trường của
Kỵ Binh Vũ Đình Lưu – Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh –Long Khánh.

  

…Đêm đó 13 tháng 4 năm 1975, ngã Ba Dầu Giây được phòng thủ bởi Tiểu đoàn 1/52 ( - ) bị Sư đoàn 6 Cộng sản Bắc Việt tràn ngập. Mất ngả Ba Dầu Giây, toàn bộ lực lượng Đặc nhiệm 52 còn lại như cá nằm trên thớt, tứ bề thọ địch. Trên Quốc lộ 20, địch đã tiếp cận đơn vị chúng tôi. Phía Nam, trên Quốc lộ 1 địch đã chiếm ấp Trần Hưng Đạo và giao tranh với chúng tôi trọn ngày hôm qua. Đêm nay lại mất Dầu Giây nữa ! Tình hình mặt trận chắc còn tệ hơn lực lượng Pháp đóng ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Ngày 14 tháng 4  năm 1975, một ngày yên bình hiếm hoi. Sáng thức dậy tôi mới biết là mình còn sống. Tôi xin trực thăng tản thương. tiếp tế  xăng dầu, đạn dược, lương khô. Phát hết cho các chi đội, số còn dư chất hết trên xe M548 ( một loại xe tải chạy bằng xích ) và xe GMC. Tôi cho anh em binh sĩ kiểm tra, bảo trì xe sau 2 ngày vừa qua liên tục quần thảo với địch, sẳn sàng cho cuộc giao tranh mới. Buổi trưa tôi cùng các đơn vị trực thuộc có cuộc họp tại trung tâm  hành quân của lực lượng Đặc nhiệm 52 đóng tại sân banh ấp Nguyễn Thái Học –xã Dầu Giây –tỉnh Long Khánh, nằm cạnh Quốc lộ 20. Sau cuộc họp, tôi được biết tình hình vô cùng nguy ngập. Trên tấm bản đồ hành quân, nhiều ký hiệu màu đỏ chỉ lực lượng Cộng sản Bắc Việt đang bao vây chúng tôi gồm có : Sư đoàn 341, Sư đoàn 6, Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 325 và 2 Trung đoàn địa phương 33 và 274. Trong khi đó thì lực lượng Đặc nhiệm 52 chỉ có Tiểu đoàn 1/52 kiệt sức vì thiệt hại nặng ( hơn 200 chết và bị thương ), Tiểu đoàn 3/52 trấn giữ đồi Móng Ngựa ( Tây Bắc ấp Nguyễn Thái Học ), 1 Trung đội Hỏa tiển Tow, Chi đoàn 2/5 Thiết kỵ, Đại đội 52 Trinh sát, Pháo binh, Công binh. So sánh tương quan lực lương thì phía Cộng sản Bắc Việt là 20, còn lực lượng ta chỉ có 1. Địch dùng lực lượng áp đảo nầy để xóa sổ lực lượng chúng tôi hầu mỡ đường cho đại binh chúng tiến đánh Sài Gòn. Trong những ngày kịch chiến vừa qua Pháo binh chỉ yểm trợ cầm chừng . Vì mặt trận ở Thị xã Xuân Lộc đang hồi quyết liệt nên các phi tuần oanh tạc đều tập trung vào đó. Đơn vị tiếp ứng là Lử Đoàn 3 Kỵ binh thì bị chận đứng ở ấp Hưng Nghĩa  2 ngày không tiến lên hướng Dầu Giây nổi. Trên Quốc lô 1, địch bao vây thị xã Xuân Lộc và khống chế một đoạn đường dài 20 km từ ngả ba Cua Heo ven  thị xã Xuân Lộc đến ấp Hưng Nghĩa thuộc xã Hưng Lộc. Còn phía Quốc lộ 20 thì địch quân đã chiếm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, chi khu Định Quán, Túc Trưng, Gia Kiệm. Lực lượng ta như một ốc đảo trong sa mạc, tứ bề thọ địch.

Ra khỏi phòng họp, tôi ngồi bệt trên một thân cây cao su ngả, lấy thuốc ra hút. Miệng cay xè, râu ria tua tủa, mắt đỏ ngầu vì mấy đêm không ngủ. Nhìn về phía chi đoàn, các binh sĩ tất bật lau chùi vũ khí, chuẩn bị cho trận kịch chiến sắp tới, biết chắc sẽ  xảy ra bất cứ lúc nào, đêm nay, ngày mai ? Cường độ trận đánh chắc sẽ vô cùng khốc liệt, ai còn, ai mất ? Đem thân làm lính kỵ binh thì ngày xưa lấy da ngựa bọc thây, còn ngày nay nguyện chết trong lòng  xe bọc thép. Bất giác tôi nhớ đến 4 câu thơ cổ của Vương Hàn trong bài Lương Châu Từ :

                  Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

                  Dục ẩm tì bà mã thượng thôi

                  Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu

                  Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi ?

(Bồ đào chén ngọc khuyên mời

Tiếng tì trên ngựa dục người ra đi

Sa trường nghiêng ngã cười chi  

Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về ?)

Về lại xe, tôi họp các sĩ quan chi đội trưỡng phổ biến tình hình. Gương mặt mọi người nặng chĩu  nhưng không ai lộ vẻ hốt hoảng hoang mang. Phải chấp nhận đối mặt với mọi tình huống xấu nhất. Đêm đó toàn thể quân nhân từ kỵ binh, đến bộ binh, pháo binh. .từ cấp chỉ huy cao nhất đến anh tân binh vừa bổ sung tuần qua đều không ai ngủ được, căng mắt nhìn bóng đêm. Bóng dáng tử thần lảng vảng mọi nơi, từ trên không trung, từ hàng trăm thân cây cao su già mập mờ trong màn sương, từ những hàng cây rậm rạp ven suối Gia Nhan... Nhưng thật bất ngờ. .là đêm đó địch không tấn công.

Nhưng lại đánh vào sáng sớm ngày hôm sau, lúc 6 giờ sáng  ngày 15 tháng 4 năm 1975. Ngày  dài nhất đã đến. Mới rạng sáng đồi Móng Ngựa – vị trí đóng quân dã chiến của Tiểu đoàn 3/52 hứng pháo, càng lúc càng dồn dập. Pháo 130 ly, hỏa tiển 122 ly, súng cối 82 ly từ nhiều hướng, nổ chụp trên đồi Móng Ngựa. Cả ngàn trái pháo trên vị trí chưa đầy 5 km vuông. Sau chừng 1 giờ mưa pháo, Trung đoàn 95 của Sư Đoàn 325 tấn công biển người vào vị trí phòng thủ của Tiểu đoàn 3/52 từ ven suối Gia Nhan. Các pháo đội của Tiểu đoàn 182 Pháo binh bắn tối đa từ căn cứ ấp Nguyễn Thái Học. Nhưng không bao lâu chính vị trí pháo binh nầy cũng bị đè bẹp bởi mưa pháo 130 ly và hỏa tiển 122 ly, hết phương yểm trợ cho Tiểu đoàn 3/52 nữa. Tới trưa sau hơn 4 giờ dằng co từng mét đất, đồi Móng Ngựa bị tràn ngập. Những lời yêu cầu tuyệt vọng của 2 Đại đội trưỡng của Tiểu đoàn 3/52 là Trung úy Nguyễn Thanh Trừng và Trung úy Mai Mạnh Liêu mà tôi nghe được qua hệ thống truyền tin của lực lượng Đặc Nhiệm 52, xin pháo binh dập nát đồi Móng Ngựa, cứ bắn trên đầu họ vì họ đã bị tràn ngập. Lời yêu cầu đó lập đi lập lại vài lần rồi tắt hẳn. Tôi ứa nước mắt khi nghe những lời yêu cầu nầy. Thật là bi hùng, mã thượng như một bản anh hùng ca ! Các cao điểm bảo vệ Bộ chỉ huy Chiến đoàn 52 đã hoàn toàn bị địch khống chế. Tới 4 giờ chiều ban chỉ huy Tiểu đoàn 3/52 len lỏi địa thế rậm rạp, rút được về bố trí tại phía Tây  quốc lộ 20, gần ấp Nguyễn Thái Học.

Mất đồi Móng Ngựa, căn cứ Chiến đoàn bị pháo liên tục. Mặt khác Sư đoàn 6 Bắc Việt bắt đầu tấn công Chiến đoàn từ hướng Nam và từ đồi Móng Ngựa mà họ vừa chiếm được. Bắt đầu 1 giờ chiều, căn cứ nằm trong biển lửa, hàng ngàn loạt pháo đủ loại dội lên đầu chúng tôi. Khoảng 2 giờ chiều thì hầm của Bộ chỉ huy chiến đoàn hứng hàng chục quả đạn pháo 130 ly chính  xác nên sụp đổ. Như một trận đại hồng thủy đổ ập xuống Bộ chỉ huy căn cứ. Tôi đứng trong xe thấy toàn bộ nhân viên của Bộ chỉ huy chạy  băng qua bên kia Quốc lộ 20 vào vườn cao su. Và tiếp theo, địch bắt đầu tấn công chúng tôi dưới ánh nắng gay gắt. Địch bò sau hàng trăm gốc cao su già, len lỏi từ bờ suối chạy lên. Sau hàng chục quả mìn Claymore được kích hỏa nổ vang trời, và tiếp theo là tiếng nổ của 4 khẩu đại bác của chi đội chiến xa M41, 20 khẩu đại liên 50, 40 khẩu đại liên 30, 3 khẩu súng cối 81 ly, 3 khẩu đại bác 106 ly không giật và hàng trăm vũ khí cá nhân M79, M16 của bộ binh đồng loạt khai hỏa vang cả góc trời chiến địa. Phía bên kia, từng lớp, từng lớp người như những con thiêu thân lao lên và ngã gục. Cơn cuồng phong dử dội không quật nổi tinh thần quyết chiến của con cháu thánh Gióng. Giữa cơn hổn độn âm thanh súng đạn của ta và địch, tôi nhận được báo cáo là 1 chiến xa M41, 1 xe M113 bị bắn cháy và 1 xe M113 bị đứt xích vì đạn B40. Tuyến 1 của Đại đội trinh sát 52 bị cày nát. Phía sau xe chỉ huy của tôi, chiếc M548 và chiếc xe tải GMC chở đạn bị pháo trúng bốc cháy. Rất may là chiều hôm trước các xe nầy đã tiếp tế nhiên liệu và đạn dược cho tất cả các xe trong chi đoàn. Nếu không thì với 5 ngàn lít xăng và cả tấn đạn dược nổ sẽ hỏa thiêu xe M113 của tôi và các xe kế cận. Trong lúc vạn tử nhất sanh đó, thiếu tá Trước, tiểu đoàn 182 pháo binh, mặt mày đen sạm vì khói súng, đã cố gắng kéo 2 khẩu đại bác 105 ly còn lại ra sát phòng tuyến, trực xạ vào địch quân.

Tình thế cực kỳ hiểm nghèo, tôi buộc lòng phải liên lạc với Đại tá Ngô Kỳ Dũng , chiến đoàn trưỡng để xin lịnh rút lui. Nguy ngập quá ! Trước sau gì cũng bể tuyến vì lực lượng địch quá đông và hung hản. Lúc đó đại úy Mừng – đại đội trưỡng 52 trinh sát leo lên xe tôi và bảo : “ Lưu ơi ! rút lui mầy ơi ! “. Tôi vói tay bịt miệng anh ta và nói : “ Tao đang liên lạc với 18 đây, im chút coi ! “. Tôi bảo đại úy Mừng cho anh em lên xe gấp, kể cả các anh bị thương và tử thương đều được đưa lên xe càng nhanh càng tốt. . Rồi cho lịnh rút lui qua bên kia Quốc lộ 20 , vào sâu trong vườn cao su. Đoạn hậu là 3 chiến xa 41 và 2 chi đội thiết kỵ và phá hủy 2 xe M113 bất khiển dụng.

May mắn làm sao, chi đoàn và đại đội trinh sát  rút lui an toàn. Vừa vào sâu được trong vườn cao su phía Tây bên kia Quốc lộ 20, bố trí xong tôi liên lạc với đại tá Dũng. Ông đến và lên xe tôi. Nếu không nhờ cặp lon đại tá trên bâu áo, tôi đã không nhận ra ông. Ngay trước mắt tôi, cả thân thể, quần áo ông nhuộm đỏ màu đất và đen màu thuốc súng, chỉ có đôi mắt là sáng quắt, đầy nghị lực. Ngay lập tức tôi cũng nhận ra quần áo, hình dáng mình cũng không khác ông và đại úy Mừng. Chúng tôi trao đổi nhau chừng 10 phút thì ngoài đường dầu, dân chạy loạn, báo là có 1 đoàn chiến xa địch đang chạy xuống từ Gia Kiệm. Tiếp liền theo đó là 1 M113  bị đại bác 75 ly không giật bắn trúng. Đến nay tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh lính tài xế tên Nghiêm đã khôn ngoan, dũng cảm đã lái chiếc xe đó ra khỏi đội hình, chạy lẹ ra Quốc lộ 20 một khoảng xa. Tới đó anh liền nhảy ra khỏi xe, thoát thân bằng cửa tài xế. Vừa chạy ra khỏi xe chừng 1 trăm mét thì chiếc M113 bật cháy ngùn ngụt.

Chưa bao giờ tôi có cảm giác vừa buồn vừa đau khổ như lúc nầy, miệng khô đắng, mắt cay xè. Chỉ trong 12 ngày, chi đoàn tôi đã mất 8 xe M113 và 1 xe M41, chỉ còn lại 15 xe. Địch quân nhất quyết xóa sổ chúng tôi. Hướng Đông nơi chúng tôi vừa lui quân, địch đã lố nhố xuất hiện. Hướng Tây vườn cao su, tức hướng ấp Bàu Hàm nhìn bằng mắt cũng thấy địch chạy lúp xúp. Hướng Bắc, tức hướng Gia Kiệm địch bắt đầu tấn công mạnh. Hướng Nam, tức hướng xã Dầu Giây súng nổ như bắp rang. Tứ bề thọ địch  ! Nếu còn chần chờ không quyết định nhanh, chúng tôi sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Địch đã bịt kín mọi sinh lộ. Nhìn qua đại tá Dũng, tôi đọc được trong ánh mắt của ông. Chúng tôi gần như cùng nói một lúc : “ Mỡ đường máu ! “. Tôi vội vả ra lịnh cho bộ binh lên xe, ai gần xe nào lên xe đó. Chúng tôi quyết định mỡ đường máu về phía Tây vườn cao su hướng về ấp Bàu Hàm, một ấp nhỏ của người Nùng chuyên sống về nghề làm rẫy hoa màu, cách ngã ba Dầu Giây 7 km về hướng Tây Bắc . Dựa vào hỏa lực mạnh , di chuyển nhanh, chúng tôi xuyên phá vòng vây. Ba chiếc chiến xa M41 dẫn đầu, các xe M113 bố trí trái phải, rồi cùng tiến về phía trước với đội hình quả trám. Cũng may là vườn cao su còn non nên các chiến xa dễ dàng cán rạp, đè bẹp hầm hố địch. Tất cả các loại súng liên tiếp nhả đạn, đại bác 76 ly của chiến xa hạ thấp nòng, bắn trước đầu xe bằng đạn nổ, xới tung từng hầm hố. Hàng chục khẩu đại liên 50, đại liên 30, hàng trăm súng M16, M79 thi nhau bắn xối xả về phía trước, phía hông xe để địch không ngóc đầu lên bắn B40 và đại bác 75 ly được. Địch quân chống trả mãnh liệt nhưng thiết giáp càn qua đầu chúng mà tiến , khiến chúng bung ra khỏi chốt chạy tán loạn và bị bắn hạ. May mắn thay là chi đoàn tôi có 2 hạ sĩ quan trưỡng xa và 2 tài xế là người địa phương, trước làm rẫy ở ấp Bàu Hàm. Họ đóng góp quan trọng vào việc dẫn đoàn quân thoát nhanh và chính xác ra khỏi vòng vây của địch. Vừa di chuyển vừa bắn. Không biết bao nhiêu trở ngại gặp phải : suối sâu, đá to, gốc cao su lớn vừa cưa, chưa mụt lổm chổm, dễ dàng làm trật xích chiến xa. Mà bị trật xích trong tình huống hiểm nghèo nầy thì kể như chạm mặt với tử thần. Hỏa lực địch chống trả mạnh mẻ nhất là trong bề dày 500 mét đầu, tới gần bờ suối Bàu Hàm thì áp lực nhẹ dần.

Sau hơn 1 giờ hành quân vượt thoát thì lực lượng chúng tôi bắt tay được với chi đoàn 1/18 thiết kỵ do đại úy Hồ Trọng Hiếu, bạn cùng khóa với tôi làm chi đoàn trưỡng, thuộc Lữ đoàn 3 kỵ binh. Đến gần ấp Bàu Hàm, chúng tôi bố trí phòng thủ trong một khu rừng chồi thưa thớt. Xa xa về hướng ấp Nguyễn Thái Học , lửa còn cháy đỏ cả vòm trời. Lúc đó là 8 giờ tối ngày 15 tháng 4 năm 1975, một ngày dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Trên bầu trời hàng chục ánh hỏa châu treo lơ lửng cộng với khói và những áng mây trôi bàng bạc. Tất cả quyện vào nhau tạo thành một thứ ánh sáng vàng vọt, buồn phiền ….

        Kỵ binh Vũ Đình Lưu.

        Chi Đoàn trưỡng chi đoàn 2/5 thiết kỵ.

        Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh –Long Khánh.

 



 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.