Hôm nay,  

Những Phép Lạ Trong Tù

8/3/201600:00:00(View: 8277)

Khi nói đến hai chữ “phép lạ”, chúng ta thường nghĩ ngay đến những sự việc lạ lùng xẩy ra hiển nhiên, công khai, có chứng nhân hay vật chứng, mà khoa học không thể giải thích được các liên hệ giữa các sự kiện. Các chuyên viên, cảnh sát, thám tử, và những người viết phóng sự, tường thuật, khi nói về một sự kiện thì luôn luôn theo một mô thức như sau: What? Who? Why? When? Where? How? (Cái gì? Người nào? Tại Sao? Khi Nào? Ở đâu? Như thế nào?) Riêng các nhà khoa học, nghiên cứu thì theo một mệnh đề khác: Positive Causes(n) – Negative Causes(n) = Event. (Nguyên nhân tích cực + nguyên nhân tích cực - Nguyên nhân tiêu cực = Kết quả!) Hoặc A + B + C = D… Thí dụ: Về khoa học thường thức: Hơi nóng > nước bốc hơi > gặp lạnh = mưa! Về khoa học tâm lý: người bình thường + chấn động tâm lý (sinh lý) = người mất bình thường. Về y khoa: ăn nhiều chất đường + bột gạo – (thiếu) thể dục = bệnh…

Đối với “phép lạ” thì các mô thức kia bị triệt tiêu, vì không có cơ sở để lý giải được. Và vì không thể chứng minh bằng khoa học thường thức, nên những kẻ xấu thường dè bỉu các “phép lạ” như là những trò lường gạt của những kẻ mê tín. Nhưng với tôi, khi còn trong tù Cộng Sản đã nhiều lần được thoát hiểm trong tích tắc, mà không chuyên gia khoa học nào giải thích được, nên tôi vẫn tin có “phép lạ”.

Trường hợp thứ nhất: Ngày đầu tiên trình diện tại trường Chu Văn An để đi “học tập”, tôi đem theo một cuốn vở học trò, dầy 200 trang, với mục đích để ghi nhật ký những ngày trong tù, hầu sau này có dịp cho thế hệ sau hiểu về nhà tù Cộng Sản (ý định bắt chước Aleksandr Solzhenitsyn viết Quần Đảo Ngục Tù). Tên bộ đội kiểm soát hành lý của tù nhân tại bàn giấy đặt tại cổng Trường, sau khi tịch thu mất cái đèn pin, quẹt Zippo, và dao cạo râu của tôi, định lấy luôn cuốn vở, tôi vội nói: “Tôi là người muốn tìm hiểu về cách mạng Xô Viết, nên mang theo cuốn này để ghi chép các bài học về Mác xít -Lê Nin nít, Mao ít…”. Nghe thấy tôi nói môt tràng “ít ít”…, tên bộ đội ngẩn người ra, và trả lại tôi cuốn vở. Mừng quá, tôi dấu ngay cuốn vở vào bụng. Sau đó, nhóm chúng tôi được chuyển lên Trảng Lớn, được chỉ định ở ngay trên mặt đường nhựa, không có nhà cửa chi cả. Chúng tôi phải đi nhặt ống giấy đựng đạn đại bác dựng đứng lên, rồi xé bao cát ra làm giây cột, tự dựng thành nhà ở. Trong những buổi tối, sau khi lao động về, tôi nằm dài ra đất, giương mắt ra mà viết nhật ký. Trang đầu tiên, tôi vẽ ngay bức hình cái nhà ở nham nhở làm bằng ống vỏ đạn, và từ đó, những ngày tháng đầu tiên được trải ra giấy. Việc tôi viết nhật ký cũng như vài anh em làm thơ nhớ nhà, có lẽ bị “ăng tên” nào đó báo cáo, nên một buổi chiều, đang loay hoay với cuốn nhật ký, thì bất ngờ, một đoàn vệ binh ào vào như cơn lốc, chĩa lưỡi lê vào bụng chúng tôi và gào thét bắt mang đồ đạc ra sân, đứng thành hàng, cho tên quản giáo xét đồ! Tụi chúng đến nhanh quá, tôi không kịp dấu cuốn nhật ký đi, đành ôm tất cả gia tài ra ngoài sân, mà mồ hôi bắt đầu nhỏ giọt trên trán. Tôi đứng vào hàng gần sau cùng, với cuốn vở đó như

một kết liễu cuộc đời tôi nằm chình ình trên cái ba lô tôi làm bằng bao cát có hai lớp đáy để hàng ngày giấu cuốn vở. Tên quản giáo, từng nằm vùng ở miền Nam, đi từ hàng đầu đến cuối, tới mỗi chỗ đứng của một tên tù, hắn ngồi xổm xuống lục hàng. Gặp bất cứ môt miếng giấy nhỏ có viết chữ nào là lập tức người chủ miếng giấy đó bị lôi ra ngoài, xếp hàng riêng, chờ tống vào một cái ngục nào không ai biết. Tôi nhớ có anh bạn họ Bùi.. viết có 4 câu thơ tả núi Bà Đen, và nhớ vợ, bị lôi xềnh xệch đi ngay.. Một anh khác cũng viết dở một lá thư cho vợ cũng bị lôi đi.. Khi tên quản giáo đến gần chỗ tôi, thì mồ hôi tôi tuôn ra ướt hết trán, trôi xuống cằm! Tôi biết số phận tôi đã kết liễu vì cuốn nhật ký của tôi ghi toàn bộ những lời nói láo của tên quản giáo, và các việc làm lao động khổ sai của chúng tôi gần hai chục trang…Không còn cách nào khác để cứu mình, tôi chỉ biết đọc kinh và cầu Chúa! Khi tên quản giáo tới chỗ tôi, hắn ngồi xụp xuống, thấy cuốn nhật ký, hắn mở ra, và đọc.. Tôi nhắm mắt lại, thầm thì lời nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu con. Nếu Chúa muốn con còn sống, thì con sẽ sống, nhưng nếu Chúa muốn con chết, thì con cũng xin vâng theo ý Chúa”.

Tôi đọc kinh xong thì nhìn thẳng lên trời, nghe mồ hôi nhỏ giọt trong lưng áo và nghe thấy tên quản giáo từ từ mở từng trang giấy xột xoạt… Lạ lùng thay! Tên này đọc hết mấy chục trang, rồi.. gấp cuốn vở lại, đứng dậy, và bước sang bên cạnh, hoạnh họe anh bạn có tới mấy cây bút Bic! Tôi đứng cứng cả người, không cử động được! Khám đến người cuối cùng, thi tên quản giáo cho giải tán. Nhìn ra phía trước, thấy mấy anh làm thơ cho vợ bị lôi đi xềnh xệch, tôi ngơ ngác như người mộng du.. Phép lạ của Chúa đã cứu tôi trong khi tôi mới là kẻ đáng bị xử lý nhất, vì cuốn nhật ký của tôi lù lù ra đó, dầy cui, có hàng ngàn chữ ghi tội ác của chúng! (Cuốn nhật ký này, tôi vẫn còn giữ đến bây giờ! Khi sang Mỹ theo diện H.O, tôi cũng dấu theo được mà chẳng có tên Công An nào thấy!)

Sau khi về lại chỗ ngủ, mấy anh nằm gần vẫn thấy tôi viết nhật ký lại nắm vai tôi, lắc mạnh, ngơ ngác…Không anh nào hiểu được tại sao tôi viết nhiều nhất lại an toàn trong khi mấy anh kia chỉ viết có vài câu nhớ vợ mà bị lôi đi biệt tích???

Phép lạ thứ hai:

Ở trại tù Cà Tum, láng chúng tôi có lệ là ai sắp có thân nhân lên thăm thì nhờ mang theo thư từ và chút quà. Khi anh A được vợ lên thăm, anh A sẽ nhờ bà vợ mang địa chỉ của mấy anh B, C, D, E… nằm gần anh A, chuẩn bị thư từ và quà để gửi cho vợ anh B sắp lên thăm vào cuối tháng. Rồi anh B lên, mang theo thư và quà của anh A, C,D, E… Hôm đó, tới lượt tôi được thăm nuôi. Vợ tôi nhìn trước, sau thấy tên bộ đội quay đi, thì dúi cho tôi một cọc thư buộc dây thung. Tôi nhét ngay vào bụng. Vợ tôi chỉ cho tôi biết mấy gói quà nhỏ của các anh nằm gần.. để trao cho họ. Sau 15 phút phù du, tôi chia tay với người vợ thân yêu, rồi lủi thủi, đeo ba lô đồ thăm nuôi, ra về. Đường về trại phải đi qua một cánh rừng “le”, môt loại tre nhỏ, mảnh mà cao, mọc thành chùm như cái nấm. Một nhóm thân “le” tụ lại sát nhau, rồi tỏa cành tre mỏng ra bốn hướng, rơi xuống đất theo hình vòng cung làm thành cái mũ nấm tròn với các nhọn le chạm đất kín mít. Bên trong thì rỗng không, có thể cho nhiều người đứng. Mỗi khi chúng tôi muốn lấy măng, thì bò toài dưới đất, vạch mấy ngọn le ra, trườn vào gốc, cắt măng rồi bò lùi ra. Ít người dám ngồi trong đó, vì “vắt” sẽ phóng tới, bám vào tai, tay, cổ.. để hút máu. Hôm đó, trên đường về, nhìn quanh quất không thấy ai, tôi vạch một bụi le ra, chui vào trong “bụng” cây nấm, đặt ba lô xuống đất, ngồi lên và bóc thư vợ ra xem! Nhưng lá thư đầu tiên trong cọc thư lại là thư của một anh bạn nằm cùng láng, gấp đôi lại, không có phong bì. Vô tình, tôi liếc qua vài dòng, và rồi giật bắn người lên, bàng hoàng! Lá thư viết vội cho chồng mở đầu bằng hàng chữ: “Anh L.! Nếu anh không về sớm, thì chắc em tự tử mất! Đ.M. bọn Cộng Sản! Đ.M. thằng Hồ Chí Minh! Nó cướp mất nhà của mình rồi, em đang ở nhờ nhà mẹ, nếu không về nhà mẹ thì em phải đi kinh tế mới! bọn cộng sản chó đẻ khốn nạn quá, chúng không từ nan việc khốn gì mà không làm… Đ.M. Cộng Sản!” (Những chữ tục này viết đủ, không viết tắt!)


Mới đọc đến đây, tôi hoa cả mắt! Chết rồi! Lá thư này mà lọt vào tay bộ đội, thì tôi bị bắn tức thì! Bà này muốn giết tôi chết sao? Vừa nghĩ đến đây, một mũi súng chĩa vào mạng sườn tôi và một tiếng quát lớn: “Làm gì ngồi đây? Đọc thư phản động hả?” Tôi hết hồn nhìn sang thấy một tên bộ đội trẻ đang quắc mắt nhìn tôi, mũi súng AKA của nó đẩy đẩy vào bụng tôi. Nó lại quát: “đưa bó thư đây!”

Thế là hết! Thế là chết! Tôi lẳng lặng đưa chùm thư cho tên bộ đội hung hăng, và biết rằng mình sắp lãnh một viên đạn đồng, tôi nhắm mắt lại và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu con! Con không có hy vọng gì sống sót! Chỉ có Chúa mới cứu được con mà thôi!” Rồi tôi nhìn tên bộ đội đang đọc lá thư khủng khiếp kia, chờ hắn giải tôi về phòng an ninh gồm những tên trọ trẹ Nghệ An, quê hương “Bác Hồ” rồi bị trói vào cọc.. Nhưng không ngờ… tên kia đọc hết lá thư đó, rồi đọc thêm vài thư nữa, rồi đột nhiên trở giọng hiền từ: “Thôi! Đi về đi! Anh em đang đợi!” Vừa nói, hắn vừa gài lại dây thung như cũ, đưa sấp thư cho tôi, rồi cúi người xuống, chui ra khỏi cái lỗ mà nó vạch ra lúc nãy…Tôi sững sờ một lúc rồi mới lững thững về trại, kể cho anh em nghe về lá thư khát máu kia. Mọi người đọc xong, chửi anh L. thậm tệ: “Con vợ mày là đứa khốn nạn! Nó nhờ người ta đưa giùm thư lại viết như thế, có khác gì đưa người ta ra cọc bắn không?..” Anh L., người nhận thư, không biết nói sao, chỉ ngồi khóc! Tôi lại phải an ủi anh ta…

Phép lạ thứ ba:

Một hôm đi rừng ở Cà Tum, tôi bị vấp chân vào một cái dây kẽm gai bỏ lăn lóc trong đống cỏ, bị sước bắp chân chừng 1 cm, tôi coi thường, rồi quên đi. Ngày hôm sau, chỗ sước đóng vẩy lại, tưởng là sẽ khỏi. Ai ngờ, đến ngày thứ ba, đang lao động bỗng thấy sây sẩm, chóng mặt, và người nóng bừng, tôi té ngồi xuống đất. Anh em chạy lại đỡ tôi lên và bảo tôi đi về vì thấy người tôi quá nóng. Tôi lết về đến lán, leo lên được cái chõng tre thì hết hơi. Nghe tin tôi bệnh nặng, anh bạn tôi, đại úy quân y, lúc đó đang làm nhiệm vụ “Vệ sinh Viên” (y tá) của trại chạy đến. Anh khám tôi và chỉ cho tôi thấy cái chân của tôi, từ ngón chân trở lên đến trên đầu gối đã tím đen! Anh thở dài, nói: “Tao nói mày đừng buồn! Mày bị hoại huyết rồi! Bệnh này cần đến trụ sinh cực mạnh mới trị được! Mà ở đây làm gì có trụ sinh? Chỉ có nước.. cưa! Cưa càng sớm càng tốt, kẻo nó chạy lên đến háng thì ra nghĩa địa!” Tôi nghe bạn nói mà thẫn thờ…Một lúc sau, tôi nói: “Mày lên trạm y tế hỏi đại xem sao!” Bạn tôi nói: “Đi cũng thế thôi, nhưng để cho mày yên lòng, tao đi.” Khoảng 15 phút sau, anh trở lại, lắc đầu: “Tao đã nói mà! Chúng nó nói chỉ còn cách cưa!” Nhưng nhìn thấy tôi buồn bã quá, anh nói: “Tao chạy đi một vòng, xin bạn bè, xem có đứa nào có trụ sinh không?” Rồi anh đi ngay. Tôi nằm trên võng mà thở dài, vì nhớ đến một anh bạn đạp mìn khi đi phá bãi mìn theo lệnh bộ đội, phải cưa chân. Anh bị cột chặt vào chõng tre như cột heo, mồm thì bị nhét giẻ, không có thuốc mê. Một bác sĩ dùng cái cưa thợ mộc mà kéo qua kéo lại “rít.. rít…”. Nghĩ đến đây, tôi thấy hàm răng tôi tê buốt. Lại cũng nhớ đến niềm hy vọng cuối cùng của một con người, tôi nhắm mắt và cầu nguyện. Tôi dâng mọi sự lên cho Chúa, xin Chúa cứ làm theo Ý Ngài. Một lúc sau, bạn tôi hổn hển trở về, đưa cho tôi một nắm thuốc viên trắng, nói: “Tao xin mỗi nơi một, hai viên trụ sinh, không cần biết là loại nào, mày bỏ hết vào mồm, làm một lần. Số mày còn sống thì qua khỏi, số mày phải chết tại đây, thì đành chịu.”

Tôi cám ơn bạn và tống hết nắm thuốc vào mồm, uống một hơi nước và nhắm mắt lại, ngủ mê man 9,10 tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, đột nhiên thấy thoải mái, không còn sốt nữa, tay chân hình như nhẹ nhàng hơn. Tôi ngồi phắt dậy, nhìn vào chân mình thì thấy.. da đã trắng trở lại, không còn dấu vết đen tím nữa!

Phép lạ thứ tư:

Về nhà được chừng 1 tháng, tôi tính đường vượt biên. Tôi dự định lên nhà người cậu họ ở Cát Lở, Vũng Tầu, nhờ cậu cho đi ké. Lên đường, tôi giả dạng công nhân bằng cách mặc cái áo sơ mi nâu, bỏ ngoài quần, đi dép lốp, tay cầm cuốn “MÁC XÍT- LÊ NIN NÍT”. Xe đò khởi hành đi Vũng Tầu ồn ào vì hàng trên chỗ tôi ngồi là một nhóm công an mặc thường phục, nói cười vung vãi. Tôi ngồi hàng ghế sau cùng, dựa vào cửa kính sau. Xe đò đi thoải mái được chừng 1 tiếng, bỗng bất ngờ dừng lại tại một trạm công an đặt ngay bên đường. Một tên công an leo lên xe, quát: “Xuống! Xuống hết!” Bà con lục tục kéo nhau xuống. Tên công an trạm đi từ đầu xe xuống cuối xe, thấy mấy tên mặc áo sơ mi này còn ngồi đó thì quát: “Sao mấy tên này không xuống?” Một tên trong bọn cười gằn: “Bọn tao là công an đây!” Tên khám xe trợn mắt: “Công An cũng phải xuống!” Mấy tên kia vùng vằng một lúc rồi cũng phải xuống vì mũi súng của tên kia chĩa thẳng vào người. Tôi ngồi cứng đơ! Vừa mới đi tù về, chỉ có giấy ra trại, mà mới ra trại lại đi Vũng Tầu, nhất định là Vượt Biên! Thế thì thêm vài năm nằm ấp nữa! Tôi lại nhắm mắt, cầu nguyện! Sau khi mấy tên công an kia xuống hết, thì tên khám xe tiến đến tôi, trợn mắt! Tự nhiên tôi thấy một cái lực đẩy tay tôi đang cầm cuốn sách đưa cho tên kia nhìn cái bìa, mà không nói một tiếng nào! Thật lạ lùng! Tên khám xe vừa nhìn thấy cái bìa sách như nhìn thấy một cái gì đó, mà bỗng cúi đầu, chào tôi một cách cung kính, rồi quay lưng đi ra! Tôi bàng hoàng môt lúc rồi mới tạ ơn Chúa! Sau đó chừng nửa tiếng, bà con lục tục đi lên, nhưng thiếu mất 3 người bị bắt vì mưu toan vượt biên! Còn mấy tên công an chìm kia vừa lên xe vừa chửi tục um xùm...Số mạng tôi, một lần nữa đã được Chúa cứu ngoạn mục. (Chuyến vượt biên này và hai chuyến sau đều không thành công, sau những ngày nằm “ém” khốn khổ tại các nhà cầu, bãi sình, ruộng lúa, trên ghe “tắc xi”…có lẽ ý Chúa muốn tôi đi cả nhà theo diện H.O.!)

Những câu chuyện trên đây chỉ là một số trong hàng trăm điều lạ mà tôi nhận được từ Chúa Giê Su từ mấy chục năm rồi. Ngày hôm nay, tường thuật lại, không có mục đích nói về mình, mà về Tình Thương vô cùng to lớn của Chúa, một tình thương mà không có bút mực nào, tranh vẽ nào, bản nhạc nào có thể diễn tả đầy đủ được. Từ khi Chúa Giê Su xuống trần đến nay đã mấy ngàn năm, Ngài vẫn ở lại với Con Người và giúp đỡ hàng tỷ con người vượt qua nhiều thử thách, hoạn nạn. Với Việt Nam, biết bao người vượt biên nhờ lời cầu nguyện! Biết bao người đã thoát chết kỳ lạ trong các trại lao tù khổ sai! Biết bao gia đình thành công bên Mỹ một cách lạ lùng! Vì thế, với lòng chân thành, xin dâng câu chuyện này để cùng với hàng tỷ người Tạ Ơn Chúa đời đời, kiếp kiếp chẳng cùng.

Chu Tất Tiến

Reader's Comment
8/4/201617:30:55
Guest
Đồng ý với tác giả. Quả là những phép lạ.
8/4/201606:10:12
Guest
Tôi tin tuyệt đối vào Đấng Tối Cao. Tôi không theo Công Giáo, và cũng không phải là mồt Phật tử thuần thành, nhưng tôi đã nhiều lần chứng nghiệm sự linh ứng của Phật Bà Quan Âm cứu sống cuộc đời của tôi.
8/3/201618:11:25
Guest
'Phước cho kẻ chảng thấy mà tin'
'Vả đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong.là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy [thánh kinh sach hebreux 11 :1]
Cám ơn Chúa về bài vết của tác giả , như một lần nữa tái xác tín lòng tin vào TINH YÊU tuyệt đối của Chúa cứu thế Jesus.Tôi rất cảm động về lòng thành của tác giả , trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng dâng trình lên Chúa và phó thác hoàn toàn trong 'Ý Chúa được nên 'Xin Chúa tiếp tục trong dụng ngòi bút của tác giả như một chứng nhân trung thành của Chúa Amen
Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Trật tự thế giới là một vấn đề về mức độ: nó thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào các yếu tố công nghệ, chính trị, xã hội và ý thức hệ mà nó có thể ảnh hưởng đến sự phân phối quyền lực trong toàn cầu và ảnh hưởng đến các chuẩn mực. Nó có thể bị thay đổi một cách triệt để bởi các xu hướng lịch sử rộng lớn hơn và những sai lầm của một cường quốc. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, và gần một năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã tuyên bố về một "trật tự thế giới mới". Hiện nay, chỉ hai tháng sau nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump, Kaja Kallas, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, đã tuyên bố rằng "trật tự quốc tế đang trải qua những thay đổi ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 1945". Nhưng "trật tự thế giới" là gì và nó được duy trì hoặc phá vỡ như thế nào?
Hãy bắt đầu niềm tin này với câu nói của John Kelly, tướng thủy quân lục chiến hồi hưu, cựu Bộ trưởng Nội an, cựu chánh văn phòng của Donald Trump (2018): “Người phát điên vì quyền lực là mối đe dọa chết người đối với nền dân chủ.” Ông phát biểu câu này tại một hội nghị chuyên đề về nền Dân chủ ở Mount Vernon vào tháng 11/2024, ngay tại ngôi nhà của George Washington, vị tổng thống đầu tiên, người mở ra con đường cho nền dân chủ và tự do của Hoa Kỳ. Không đùa đâu! Tướng Kelly muốn nói, những người phát điên vì quyền lực ấy có thể giữ các chức danh khác nhau, thậm chí là Tổng Thống, nhưng trong thâm tâm họ là bạo chúa, và tất cả các bạo chúa đều có cùng một đặc điểm: Họ không bao giờ tự nguyện nhượng quyền lực.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng chính sách áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ, trước đó Trump cũng đã áp đặt biện pháp trừng phạt chung đối với Liên Âu, Canada, Mexico và Trung Quốc, nhưng lại tạm hoãn trong 30 ngày để cho Canada và Mexico thương thuyết. Các biện pháp bất nhất này gây nhiều hoang mang cho chính giới và doanh nghiệp các nước đối tác.
Trong buổi phỏng vấn ngày 31 tháng 10 năm 2024 với bình luận gia cánh hữu Tucker Carlson, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng dưới thời Joe Biden, Hoa Kỳ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi vô tình đẩy Nga và TQ lại gần nhau. Theo Trump, một trong những ưu tiên hàng đầu khi ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ là phá vỡ liên minh này. Khi đó, Trump tự tin tuyên bố: “Tôi sẽ phải tách họ ra, và tôi tin mình sẽ làm được.” Và ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã tỏ rõ mong muốn đàm phán với Nga nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Ukraine. Một cách giải thích cho chính sách này là: Trump đang làm đúng những gì từng nói trong cuộc trò chuyện với Carlson. Việc rút Hoa Kỳ khỏi cuộc xung đột tại Âu Châu và khôi phục quan hệ với Moscow, kể cả khi phải bỏ rơi Ukraine, là một phần trong chiến lược tập trung đối phó với TQ.
Cuộc đua vào Tòa án Tối cao Wisconsin rất quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến các vấn đề pháp lý và chính sách trong tiểu bang. Wisconsin là một bang chiến địa quan trọng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tòa tối cao tiểu bang có thể đóng vai trò lớn trong các tranh chấp liên quan đến luật bầu cử, quyền tiếp cận lá phiếu và các thách thức đối với kết quả bầu cử. Cuối cùng, sự lo lắng có cơ sở của người dân cuối cùng đã được hóa giải. Số tiền “đầu tư” $20 triệu của Musk đã không thắng được sự lựa chọn của Wisconsin.
Lịch sử là sự lập lại, nhìn ngược về thời gian: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 211 (trước Công Nguyên) Ông đã nghe lời vị Tể Tướng Lý Tư đốt tất cả các ghi chép của Sử Gia không thuộc nước Tần, kể cả Kinh Thi. Bất cứ ai thảo luận về Kinh Thi và Kinh Thư sẽ bị xử tử. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, vụ đốt sách chôn Nho được gọi là “Phần thư khanh nho”, bao gồm việc đốt sách và chôn sống hơn 460 học giả. (1) Năm 1958, Mao Trạch Đông đã liên hệ bản thân ông với Tần Thuỷ Hoàng. Khi ông ta chôn sống 460 học giả ông nói trong một bài phát biểu với các đồng chí của mình: “Các bạn (những nhà trí thức) căm ghét chúng tôi, coi chúng tôi là những Tần Thuỷ Hoàng. Các bạn nhầm rồi. Chúng tôi thậm chí còn vượt Tần Thuỷ Hoàng một trăm lần”.(2) Năm 1975 khi CS miền Bắc, chiếm Việt Nam Cộng Hòa, phong trào đốt sách cũng xảy ra ngay tại miền Nam, Việt Nam. Hàng trăm cuốn sách được người Cộng Hòa mang đi giấu hay mang ra nước ngoài và hàng ngàn cuốn sách bị đố
Hai tháng đã trôi qua. Trên những diễn đàn mạng xã hội và cả trong những cuộc đối thoại đời thường, rất nhiều người thổ lộ về một thói quen vừa xuất hiện: đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền hiện tại. “Đếm thời gian trôi” vốn không phải là một thói quen tích cực trong đời sống. Nó phản chiếu tâm trạng chán nản, buông xuôi, thậm chí là sợ hãi. Hàng loạt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”; “Rồi chuyện gì nữa?”; “Chúng ta đang sống ở thời đại nào?”… Trong đó, câu hỏi lớn nhất, và biểu lộ sự phẫn nộ của người dân nhất, đó là: “Đảng Dân Chủ đang làm gì?”
Người tị nạn đã không còn được chào đón tại Hoa Kỳ kể từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Ngay trong ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program, USRAP) trong vòng 90 ngày. Dù vào tháng 2 năm 2025, tòa án liên bang đã ra phán quyết yêu cầu khôi phục chương trình tái định cư người tị nạn, chính quyền Trump vẫn khẳng định rằng không thể thực hiện điều đó ngay lập tức, do hệ thống tiếp nhận người tị nạn đã bị giải thể gần như toàn bộ.
Trong bài diễn văn dài 90 phút trước Quốc hội Hoa Kỳ, Donald Trump nhắc lại tham vọng “giành lấy” Greenland “bằng cách này hay cách khác.” Trump tuyên bố rằng Greenland có ý nghĩa “sống còn đối với an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ. Dù nhấn mạnh rằng chính phủ của mình “hoàn toàn ủng hộ quyền tự quyết của Greenland,” ông vẫn không quên mời gọi “nếu các bạn đổi ý, chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Khi Ukraine từ bỏ kho vũ khí nguyên tử và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT Nuclear Nonproliferation Treaty) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân vào năm 1994, họ đã thi hành một phần của Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum), gồm một số các đảm bảo an ninh bởi Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Những đảm bảo này nhằm bảo vệ chủ quyền của Kyiv, và biên giới của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, những cam kết đó đã chứng tỏ là vô nghĩa. Ukraine thấy mình đơn độc, sự sống còn phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây và nằm trong tay một kẻ thù được trang bị bằng chính những vũ khí mà Kyiv đã giao nộp. Những tác động này không dừng tại Ukraine mà lan rộng. Trên toàn cầu, các chính phủ đang đánh giá lại ý nghĩa thực sự của các bảo đảm an ninh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.