Hôm nay,  

Đảng CH Đang Tự Chiếu Bí

26/04/201600:00:00(Xem: 10760)

Câu đố hợp thời trang: đảng CH và con tàu Titanic khác nhau chỗ nào?

Câu trả lời hợp lý nhất: con tàu Titanic không nhìn thấy tảng đá trước mặt.

Nghe có vẻ như chuyện vui, nhưng đối với cấp lãnh đạo cũng như khối đảng viên trung kiên của đảng CH, thì... không vui chút nào. Khác với Titanic, con tàu CH nhìn thấy rõ tảng đá khổng lồ trước mặt nhưng cho dù ông thuyền trưởng hò hét, thủy thủ đoàn vẫn kiên trì cho tầu thẳng tiến về tảng đá, tuyệt đối chẳng có ý định rẽ phải, rẽ trái, hay đi chậm lại, trong sự hò hét cổ võ của tất cả hành khách. Họ tin rằng con tàu dư thừa khả năng xông tới đâm cho bể tảng đá. Biết đâu họ có lý? Có thể. Nhưng xác xuất họ sai lầm lại... có vẻ lớn hơn nhiều.

Cho đến nay, tất cả các chuyên gia, truyền thông, cấp lãnh đạo cao cấp nhất của đảng CH, đều nhìn thấy rõ ràng viễn tượng ông tỷ phú Trump sẽ đắc cử đại diện cho CH, để rồi sau đó, ra tranh cử với bà Hillary, họ đều nghĩ sẽ bị bà này vắt như vắt chanh. Cho dù ông Trump thắng và vào Toà Bạch Ốc, thì theo họ, cũng vẫn là... đại họa cho CH và tất nhiên cho cả nước Mỹ luôn, trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Có ba yếu tố quan trọng nhất mà cấp lãnh đạo CH nghĩ đến là phát sốt.

Thứ nhất, theo tính toán của họ, ông Trump không thể nào hạ bà Hillary được. CH nghĩ đến việc lại thêm 4 hay 8 năm dưới đảng DC cấp tiến là đổ mồ hôi hột, nhất là dưới sự lãnh đạo của bà Hillary. Cơ may hiếm có trực diện một địch thủ yếu như bà Hillary mà lại bị thua thì không... tức đến đứng tim rồi chết như Chu Du gặp Gia Cát Lượng mới là lạ. Chẳng những CH thua mất Nhà Trắng, mà biết đâu bà Hillary lại kéo theo cái đuôi dài lê thê, đưa đến thắng lợi cho DC tại cả hai viện quốc hội, dây dưa qua thắng lợi tại Tối Cao Pháp Viện luôn. Biết đâu lại mất luôn hàng loạt chính quyền cấp tiểu bang và địa phương nữa. Thế là CH mất hết cả chì lẫn chài. Toàn diện. Soạn cáo phó là vừa.

Thứ nhì là nếu do phép lạ hay sự phù hộ của cố TT Reagan, CH chiến thắng và ông CH Trump đắc cử tổng thống, thì cấp lãnh đạo CH cũng vẫn run lẩy bẩy. Chỉ vì ông Trump không phải là bảo thủ, cũng chưa bao giờ là đảng viên CH. Ông chỉ là một đại doanh gia thời cơ tuyệt đỉnh, biết khai thác tâm lý quần chúng đúng chuyện, đúng lúc, và đúng cách để... trúng thầu một vố vĩ đại. Khai thác cơn thịnh nộ của quần chúng chống chính quyền Obama, chống hậu quả của chính sách cấp tiến của ông ta, đồng thời chống luôn tập đoàn cầm quyền –establishment- của CH, bị coi như yếu đuối, nhu nhược, tham quyền cố vị bất chấp lý tưởng bảo thủ, bó tay nhìn TT Obama và phe cấp tiến lộng hành. Đe dọa đến lý tưởng cũng như quyền lợi, thậm chí cả mạng sống của họ.

Yếu tố này là mối lo sợ lớn nhất của cấp lãnh đạo đảng: với một người thời cơ như vậy, không có gì bảo đảm quyền lợi và lý tưởng bảo thủ sẽ được TT Trump bảo vệ.

Yếu tố quan trọng thứ ba là CH sẽ mất hết kỷ cương. Chẳng ai kiểm soát được TT Trump hết. Ông Trump chưa khi nào là một chính trị gia, bất kể phe nào, vào được Tòa Bạch Ốc tuyệt đối không nhờ vả mà lại còn chống lại guồng máy đảng, chẳng nhận một xu nào của các tài phiệt đang nắm cán dao của đảng. Do đó, ông sẽ đích thực là anh cao bồi một người một ngựa, muốn làm gì cứ làm, tuyệt đối bất cần thiên hạ, bất cần ban lãnh đạo của đảng, bất cần guồng máy của đảng, bất cần tài phiệt của đảng. Nói cách khác, ông Trump đã cưỡng chiếm CH và biến đảng CH thành... đảng Trump, ai theo thì tốt, ai không theo, ông bất cần. Qua những tuyên bố nẩy lửa của ông, người ta lo sợ ông cũng sẽ coi Hiến Pháp như pha luôn.

Mất kiểm soát bình thường đã là chuyện nguy hiểm, nhưng trong trường hợp của ông Trump còn nguy hại gấp bội vì chẳng ai rõ quan điểm chính trị của ông là gì. Nay vầy mai khác, nói năng lung tung, biết đâu mà mò?

Chỉ có chính sách chống di dân lậu là có vẻ rõ rệt nhất. Nhưng trục xuất hết đám một chục triệu di dân ở lậu, nếu làm được, bảo đảm sẽ gia tăng mức lương nhân công ngay, một điều không mấy hấp dẫn cho các ông chủ các đại công ty, nhất là trong những ngành như canh nông, xây cất là những ngành có ảnh hưởng lớn nhất trên kinh tế Mỹ. Ta không nên quên là số di dân vào lậu gia tăng kiểu lũy tiến từ thời TT Reagan chứ không phải mới đây, mà chẳng ai muốn trục xuất hết. Chính TT Reagan là người đầu tiên đã ký sắc lệnh không được trục xuất di dân ở lậu, chứ không phải TT Obama.

Di dân lậu ào ào vào Mỹ mà không bị trục xuất là do sự đồng lõa giữa các chính khách DC cần cử tri và các đại công ty và đại tài phiệt cần nhân công rẻ, rẻ trực tiếp từ từng cá nhân, hay gián tiếp qua việc cả khối này giúp tăng số lượng cung của nhân công rẻ tiền trên cả nước. Các tranh cãi giữa hai đảng DC và CH hiện nay trong vấn đề di dân lậu khiến nhiều người tưởng lầm là khối DC ủng hộ việc nhận di dân trong khi khối CH chống. Sự thật, cả hai khối đều chấp nhận nếu không muốn nói là hoan nghênh khối di dân. Khác biệt là DC muốn hợp thức hoá để kiếm phiếu cử tri, trong khi CH chỉ muốn nhân công rẻ tiền mà không cho quyền công dân để họ đi bỏ phiếu cho DC.

Ông Trump là người duy nhất công khai hô hào và hứa hẹn trục xuất hết khối di dân lậu, đối với khối bảo thủ da trắng nghe rất mát tai, nhất là khối thợ thuyền lo sơ cạnh tranh mất job. Nhưng chẳng có gì bảo đảm ông ta sẽ dám làm, hay sẽ làm được vì cả hai khối DC và CH đều chống. Chính khách hứa loạn xà bần đã trở thành mô thức tranh cử cơ bản của dân chủ Made in USA.

Trước mối nguy cơ vĩ đại Trump, cấp lãnh đạo CH đang bù đầu tìm cách ngăn cản. Đại khái, họ đang tìm mọi cách không cho ông Trump có được đủ số 1.237 phiếu đại biểu trong vòng đầu phiếu đầu tiên để đắc cử đại diện CH. Nếu ông Trump đủ số phiếu này ngay vòng đầu thì đại hội kéo màn bế mạc. Ông Trump đại thắng. Nếu ông Trump không đủ số phiếu này thì qua những vòng đầu phiếu tiếp theo, các đại biểu không còn bị bắt buộc phải bầu cho ứng viên mình đại diện nữa, mà có thể bầu cho bất cứ ai khác. Từ đó, tất cả đều là kết quả của thương lượng. Tiếng Mỹ gọi là "brokered convention", tức là một đại hội mà tất cả các ứng viên, các đại biểu, các chính khách tai to mặt lớn, các cấp lãnh đạo đều có tiếng nói để thương thảo, trả giá, điều đình, tìm cho ra được một ứng viên với sự ủng hộ đồng thuận.

Bài toán của ông Trump và CH rất giản dị: ông Trump kiếm đủ 1.237 phiếu đương nhiên là đại diện CH, không đủ thì có nhiều triển vọng một chính khách khác sẽ đại diện CH. Nhất chín nhì bù, hết chuyện.

Bầu sơ bộ để tuyển lựa ứng viên trong nội bộ một đảng được ra đời cách đây trên dưới 100 năm, nhưng những đại biểu đến dự đại hội hầu hết là chính khách lãnh đạo địa phương của đảng không bị bắt buộc phải bầu theo kết quả bầu cử sơ bộ, nên đều có thương lượng, họp kín với phe này, nhóm nọ để điều đình, bỏ phiếu có khi cả chục vòng, sau mỗi vòng lại là một dẫy điều đình, thương thảo, đổi trác, cho đến khi có một ứng viên đạt được đa số tuyệt đối trên 50%. Chứ không có hình thức hoàn toàn tuỳ thuộc vào kết quả bầu sơ bộ như hiện nay. Tiếng nói của cấp lãnh đạo đảng bây giờ coi như đã mất hết rồi, thay thế bằng lá phiếu của đảng viên hạ tầng.

Người ta còn nhớ năm 1968, TT Johnson bất ngờ không ra tranh cử sau vụ Mậu Thân và các điều đình sơ khởi với Bắc Việt thất bại. Giờ chót, DC đành phải đưa PTT Hubert Humphrey ra tranh cử thay thế, chống lại ứng viên phản chiến Eugene McCarthy. Ông Humphrey chẳng tranh cử sơ bộ gì hết, chẳng thắng sơ bộ tại bất cứ một tiểu bang nào, nhưng vào đại hội lại thắng ông McCarthy dễ dàng vì cử tri đoàn và cấp lãnh đạo đảng DC khi đó nhất tề đứng sau lưng chính quyền Johnson-Humphrey, dồn phiếu cho PTT Humphrey cho dù ông McCarthy đại thắng trong vòng sơ bộ. Đại Hội Đảng DC năm 1968 tại Chicago đã là một trong những đại hội rối loạn nhất lịch sử cận đại khi bên trong thì các đại biểu chửi bới nhau và bên ngoài thì hàng ngàn người biểu tình bị cảnh sát và chó dữ đàn áp. Đưa đến đại bại của PTT Humphrey trước Nixon, bắt buộc DC phải cải tổ phương thức bầu đại diện đảng, tôn trọng lá phiếu của cử tri sơ bộ.


Bên CH, luật bắt buộc các đại biểu phải bỏ phiếu vòng đầu cho ứng viên mình đại diện xuất hiện và được áp dụng lần đầu tiên tại đại hội đảng CH năm 1976, do đương kim TT Ford cho đàn em dàn xếp ra cái luật giống bên DC để cản không cho Thống Đốc Reagan thắng. TT Ford được nhiều phiếu cử tri đoàn qua các cuộc bầu sơ bộ, hơn xa TĐ Reagan, nhưng TĐ Reagan lại được hậu thuẫn nhiệt liệt của một số rất lớn cử tri đoàn đến dự đại hội đảng. Nếu không ra luật bắt buộc các cử tri đoàn phải bỏ phiếu cho người mình đại diện, ít nhất trong vòng đầu, thì TT Ford có thể sẽ thua TĐ Reagan. Ban lãnh đạo đảng phải sửa luật bầu bán để bảo vệ TT Ford.

Điều lệ bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng viên mình đại diện ít nhất trong vòng đầu vẫn còn hiệu nghiệm trong cả hai đảng. Do đó, cấp lãnh đạo CH chỉ còn hy vọng ông Trump không đủ phiếu đa số, rớt vòng đầu, thì mới tính chuyện thay thế được.

Ở đây ta nhìn qua quan điểm của ba ứng viên CH còn lại. Ông Trump dĩ nhiên khẳng định ứng viên được nhiều phiếu sơ bộ nhất, cho dù là chưa đủ con số mầu nhiệm 1.237, bắt buộc phải là đại diện CH. Nguyên tắc dân chủ sơ đẳng. Không tôn trọng và không cho ông thắng, ông sẽ quậy phá cho tan hết. Ông Cruz dĩ nhiên không đồng ý nguyên tắc đa số này, vì theo ông, cử tri đang tức giận mù quáng, trách nhiệm của đại hội là bảo vệ đảng tránh mối nguy cơ một ứng viên mỵ dân, có tiền như ông Trump sẽ phá tan đảng vĩnh viễn, nhất là khi ông Trump lại chưa bao giờ thật sự là bảo thủ theo đúng lý tưởng của CH. Ông Kasich thì nhất quyết vẫn chạy đua dù cho đến nay, chỉ mới thắng được tại mỗi một tiểu bang nhà là Ohio. Ông cho rằng tiếp tục tranh cử là cách duy nhất để khiến cho ông Trump không đủ số phiếu đắc cử vòng đầu, sẽ đưa đến thương thảo. Qua những thảo luận, đại hội sẽ ý thức được cả hai ông Trump và Cruz đều là khùng –crazy- không thể thắng bà Hillary được chứ đừng nói tới làm tổng thống do đó, có thể đến vòng đầu phiếu thứ ba hay thứ tư thì đại hội sẽ phải dồn phiếu cho ông Kasich, và ông sẽ hạ bà Hillary dễ dàng.

Mới nghe qua, câu chuyện có vẻ hoang đường, nhưng xét cho kỹ, có triển vọng thành sự thật chứ không phải là chuyện nói đùa khơi khơi.

Ông Trump, theo kết quả sơ bộ cho đến nay, rất khó thắng được ngay vòng đầu với 1.237 đại biểu. Mà nếu không thắng vòng đầu thì coi như ông Trump thật khó có hy vọng thắng mấy vòng sau. Điểm này cực kỳ quan trọng vì một khi đại hội đi vào thế thương thảo thì vai trò của cấp lãnh đạo, các nhân sĩ lớn trong đảng trở thành yếu tố then chốt, mà hầu hết cấp lãnh đạo đảng đều chống ông Trump.

Ông Cruz trông cậy vào vòng nhì, nhưng lại kẹt vì ông cũng đã có thành tích chống đối cấp lãnh đạo đảng, chẳng thân thiện gì với các đồng nghiệp trong quốc hội, cũng chẳng có kinh nghiệm kinh bang tế thế ghê gớm gì vì chỉ mới vào Thượng Viện đầu năm 2013, cách đây hơn ba năm.

Kẹt với hai ông này, đại hội chỉ còn cách quay qua ông Kasich. Ông Kasich là chính khách tương đối ôn hoà, gần 20 năm trong Hạ Viện, từng là dân biểu quyền uy nhất Hạ Viện, Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách trong 6 năm từ 1995 đến 2001, giúp ngăn cản các chi tiêu vung vít của TT Clinton và tái tạo thặng dư ngân sách đầu tiên của Mỹ từ mấy chục năm (ở đây có chuyện hơi khôi hài phải nhắc: Hạ Viện là cơ quan nắm hầu bao Nhà Nước, và chính Hạ Viện đã khoá tay TT Clinton, bác bỏ hay cắt xén không biết bao nhiêu dự án chi tiêu của TT Clinton, có lần tranh chấp đưa đến đóng cửa Nhà nước cả tuần, mới đi đến thặng dư ngân sách dưới thời TT Clinton; dù vậy TT Clinton vẫn đấm ngực khoe công đã tạo thặng dư và các đệ tử vẫn nhắm mắt tung hô). Ông Kasich hiện nay là thống đốc được hậu thuẫn mạnh tại tiểu bang then chốt Ohio. Ông cũng có uy tín lớn và được hậu thuẫn rất mạnh trong cấp lãnh đạo đảng.

Theo các chuyên gia, nếu ông Kasich đắc cử làm đại diện cho CH, thì đó sẽ là kịch bản tốt đẹp nhất cho CH, tránh tai tiếng nhiều nhất và có nhiều hy vọng nhất. Ông Kasich là ứng viên CH duy nhất đã hạ bà Hillary sát ván trong tất cả các thăm dò dư luận từ mấy tháng qua, trong khi cả hai ông Trump và Cruz đều sẽ bị bà Hillary đè dẹp lép. Đặc biệt nếu ông Kasich mời ông Marco Rubio hay Jeb Bush của Florida đứng chung liên danh thì bà Hillary sẽ bạc ngay một mớ tóc. Không có được hai tiểu bang Ohio và Florida, bà Hillary không có cách nào đắc cử tổng thống được, bất cứ dưới kịch bản nào. Khối CH gọi đây là liên danh mơ ước, "dream team".

Nghe qua tưởng chừng như CH có thể thoát thế bí. Nhưng chưa hẳn. Kịch bản này có hai cái gai lớn.

Cái gai thứ nhất là cử tri sẽ mất niềm tin vào những cuộc bầu sơ bộ, trong ngắn hạn sẽ bất bình, nằm nhà ngủ không đi bầu vào tháng Mười Một hoặc ngược lại, đổ xô đi bầu cho ông độc lập Trump như sẽ bàn dưới đây cho bõ ghét. Trong dài hạn có thể sẽ không đi bầu sơ bộ trong những kỳ bầu bán tới.

Cái gai thứ nhì là ông Trump bất phục, bỏ đảng, và ra tranh cử với tư cách độc lập. Ông Trump đã công khai mang việc này ra đe dọa CH vì nếu ông ra với tư cách độc lập thì coi như sẽ chia phiếu khối bảo thủ, có nghiã là khỏi cần bầu bán chi cho mệt, đưa chìa khoá Nhà Trắng cho bà Hillary cho tiện.

Luật lệ tranh cử của Mỹ cực kỳ lỏng lẻo, bất cứ ai là công dân Mỹ, trên 35 tuổi tính đến ngày bầu, đều có quyền ra tranh cử nếu ghi tên đúng kỳ hạn và hội đủ vài chi tiết thủ tục địa phương của mỗi tiểu bang. Ông Trump dư thừa khả năng này và có thể tranh cử với tư cách cá nhân chẳng đại diện cho đảng nào hết.

Ông Trump có thể ra tranh cử với tư cách độc lập ngay từ đầu, nhưng như vậy thì cũng chẳng ai để ý, để rồi cuối cùng đến ngày bầu tháng Mười Một, may ra được 10%-15% là nhiều. Trong lịch sử cận đại, đã có nhiều người ra tranh cử độc lập, nhưng chưa ai thành công cả, chỉ đóng vai trò phá bĩnh. Như thống đốc DC của Alabama George Wallace ra tranh cử chia phiếu DC, đưa đến chiến thắng cho ông CH Nixon năm 1968. Hay tỷ phú Ross Perot năm 1992 lấy phiếu của đương kim TT Bush cha, khiến TĐ Clinton đắc cử. Hay ông Ralph Nader ra tranh cử năm 2000, lấy bớt phiếu của PTT Al Gore đưa đến chiến thắng khít nút của ông Bush con.

Ông Trump hiểu rõ nên mới ghi tên vào đảng CH và mượn thế của đảng để tung mình ra. Nên nhớ là ông Trump chưa bao giờ là chính trị gia, chỉ là doanh nhân, mới ghi tên vào đảng CH trước khi ra tranh cử một năm thôi, để có thể dựa hơi CH ra tranh cử. Bây giờ, nếu cần phải "bỏ đảng" để ra tranh cử độc lập, ông Trump sẽ chẳng áy náy nửa giây đồng hồ. Và nếu việc ông ra tranh cử gây bất lợi cho CH, ông cũng chẳng mất ngủ nửa phút. Mà đáng ngại hơn nữa, hầu như tất cả các cử tri ủng hộ ông Trump cũng sẵn sàng "sống chết" với ông ta, bất cần biết chuyện chia phiếu đưa đến thắng lợi cho bà Hillary. Đối với họ không phải ông Trump thì ai cũng thế, bà Hillary hay ông Cruz hay ông Kasich cũng không khác nhau mấy.

Cái thế bí vĩ đại của CH bây giờ là chấp nhận ông Trump làm đại diện đảng sẽ chết, mà không chấp nhận ông Trump cũng chết chắc luôn. Chỉ khiến kẻ viết này nhớ lại câu chuyện Chu Du: "Trời đã sinh CH sao còn sinh Trump!".

Vị nào có kế sách giúp CH thoát ra thế bí, xin liên lạc với ông Reince Priebus, Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Gia của CH, bảo đảm sẽ được hậu đãi, tặng ngay chức "cố vấn vĩ đại". (24-04-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
01/05/201606:44:39
Khách
Gán ghép cho Donald Trump có những đặc tính của một tên chóp bu cộng sản độc tài khét tiếng Kim Jong Un của xứ Băc hàm là một hồ đồ và vô căn cứ.
Không thể đem ông Trump , một nhà đại tư bản của một xứ tự do văn minh nhất thế giới so với một tên đồ tể coi mạng sống của con người như cỏ rác của một xứ cộng sản độc tài đối khổ bị thế giới cô lập khép kín.
30/04/201601:04:19
Khách
Donald Trumpf có những đặc tính của Kim-Yun-Ủn. Tin cậy được sao?
27/04/201600:14:25
Khách
Chính trị gia của Mỹ là những tên bá đạo. Cần phải bầu cho Trump để làm cuộc cách mệnh chính trị. TT Trump sẽ có nhiều bạn hơn thù, những kẻ thù sẽ tình nguyện trở thành bạn của Mỹ, tin điều đó đi. Dẹp bỏ hai đảng DC và CH, tính đảng phái một cách ngu xuẩn.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lịch sử là sự lập lại, nhìn ngược về thời gian: Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 211 (trước Công Nguyên) Ông đã nghe lời vị Tể Tướng Lý Tư đốt tất cả các ghi chép của Sử Gia không thuộc nước Tần, kể cả Kinh Thi. Bất cứ ai thảo luận về Kinh Thi và Kinh Thư sẽ bị xử tử. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, vụ đốt sách chôn Nho được gọi là “Phần thư khanh nho”, bao gồm việc đốt sách và chôn sống hơn 460 học giả. (1) Năm 1958, Mao Trạch Đông đã liên hệ bản thân ông với Tần Thuỷ Hoàng. Khi ông ta chôn sống 460 học giả ông nói trong một bài phát biểu với các đồng chí của mình: “Các bạn (những nhà trí thức) căm ghét chúng tôi, coi chúng tôi là những Tần Thuỷ Hoàng. Các bạn nhầm rồi. Chúng tôi thậm chí còn vượt Tần Thuỷ Hoàng một trăm lần”.(2) Năm 1975 khi CS miền Bắc, chiếm Việt Nam Cộng Hòa, phong trào đốt sách cũng xảy ra ngay tại miền Nam, Việt Nam. Hàng trăm cuốn sách được người Cộng Hòa mang đi giấu hay mang ra nước ngoài và hàng ngàn cuốn sách bị đố
Hai tháng đã trôi qua. Trên những diễn đàn mạng xã hội và cả trong những cuộc đối thoại đời thường, rất nhiều người thổ lộ về một thói quen vừa xuất hiện: đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa kết thúc nhiệm kỳ bốn năm của chính quyền hiện tại. “Đếm thời gian trôi” vốn không phải là một thói quen tích cực trong đời sống. Nó phản chiếu tâm trạng chán nản, buông xuôi, thậm chí là sợ hãi. Hàng loạt câu hỏi “Chúng ta phải làm gì?”; “Rồi chuyện gì nữa?”; “Chúng ta đang sống ở thời đại nào?”… Trong đó, câu hỏi lớn nhất, và biểu lộ sự phẫn nộ của người dân nhất, đó là: “Đảng Dân Chủ đang làm gì?”
Người tị nạn đã không còn được chào đón tại Hoa Kỳ kể từ ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Ngay trong ngày nhậm chức 20 tháng 1 năm 2025, ông đã ký một sắc lệnh hành pháp đình chỉ Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program, USRAP) trong vòng 90 ngày. Dù vào tháng 2 năm 2025, tòa án liên bang đã ra phán quyết yêu cầu khôi phục chương trình tái định cư người tị nạn, chính quyền Trump vẫn khẳng định rằng không thể thực hiện điều đó ngay lập tức, do hệ thống tiếp nhận người tị nạn đã bị giải thể gần như toàn bộ.
Trong bài diễn văn dài 90 phút trước Quốc hội Hoa Kỳ, Donald Trump nhắc lại tham vọng “giành lấy” Greenland “bằng cách này hay cách khác.” Trump tuyên bố rằng Greenland có ý nghĩa “sống còn đối với an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ. Dù nhấn mạnh rằng chính phủ của mình “hoàn toàn ủng hộ quyền tự quyết của Greenland,” ông vẫn không quên mời gọi “nếu các bạn đổi ý, chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Khi Ukraine từ bỏ kho vũ khí nguyên tử và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT Nuclear Nonproliferation Treaty) với tư cách là một quốc gia phi hạt nhân vào năm 1994, họ đã thi hành một phần của Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum), gồm một số các đảm bảo an ninh bởi Nga, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Những đảm bảo này nhằm bảo vệ chủ quyền của Kyiv, và biên giới của họ sẽ được tôn trọng. Nhưng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, những cam kết đó đã chứng tỏ là vô nghĩa. Ukraine thấy mình đơn độc, sự sống còn phụ thuộc vào thiện chí của phương Tây và nằm trong tay một kẻ thù được trang bị bằng chính những vũ khí mà Kyiv đã giao nộp. Những tác động này không dừng tại Ukraine mà lan rộng. Trên toàn cầu, các chính phủ đang đánh giá lại ý nghĩa thực sự của các bảo đảm an ninh.
Trong thế giới đấu tranh sinh tồn của loài vật, chuyện cá lớn nuốt cá bé là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong xã hội loài người ngày nay dù đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba hơn hai thập niên và được mệnh danh là thời đại văn minh tiến bộ vượt bực vẫn không thiếu chuyện kẻ mạnh ăn hiếp người yếu trong mối quan hệ giữa người với người. Tình trạng mạnh hiếp yếu còn diễn ra khốc liệt hơn trong mối quan hệ ở cấp quốc gia: nước lớn bắt nạt hay xâm lăng nước nhỏ. Ở đây cũng xin giải thích một chút về cách dùng chữ nhược tiểu trong tiêu đề của bài viết này. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này hoàn toàn không có ý nghĩa đánh giá tiêu cực về quốc gia được đề cập đến. Chữ nhược tiểu dùng trong bài này là để chỉ cho sự yếu kém về quân sự và kinh tế so với những nước mạnh về quân sự và kinh tế đi xâm lược. Sự yếu kém về quân sự và kinh tế không đồng nghĩa với sự yếu kém về quyết tâm và đồng lòng bảo vệ đất nước của quốc gia bị xâm lược. Ngược lại, cuộc chiến tại Ukraine hiện nay và Việt Nam
Trong lịch sử thế giới, Việt Nam là dân tộc đã trải qua một cuộc nội chiến với kết quả là bản án tử kết thúc chế độ tự do dân chủ miền Nam ngày 30/4/1975. Hơn ai hết, những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm xưa hiểu rõ cảm giác “bị lừa dối” hoặc “bị phản bội” từ bản Hiệp Định Paris do Henry Kissinger và Lê Đức Thọ thỏa thuận sau lưng chính quyền VNCH, với sự ủng hộ của Tổng Thống Richard Nixon lúc đó. Vì thế mà kể từ khi Putin phát động cuộc tấn công xâm lược Ukraine ba năm trước, người dân Việt Nam luôn tỏ rõ lập trường cùng với các lãnh đạo Châu Âu đứng về phía dân tộc và đất nước Ukraine, trừ chính quyền CSVN đã hai lần bỏ phiếu trắng nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Điều gì thực sự xảy ra khi niềm tin nơi người đàn ông ở Tòa Bạch Ốc đang lung lay? Chúng ta sắp tìm ra câu trả lời rồi. “Ông ta không thể cho biết khi nào Canada sẽ tổ chức bầu cử. Chuyện gì thực sự đang diễn ra ở đó? Ông ta đang cố gắng duy trì quyền lực phải không?” Donald Trump đã viết trên mạng xã hội sau cuộc trò chuyện với Thủ tướng Justin Trudeau vào tuần trước.
Tưởng tượng một khu vườn xinh đẹp như vườn thượng uyển của vua chúa ngày trước với hoa lá muôn màu lung linh trong gió hiền và nắng ấm. Rồi bỗng dưng một cơn mưa đá đổ xuống. Cây, lá, cành, nụ… đủ sắc màu quằn quại dưới những cục đá thả xuống từ không gian. Tàn cơn mưa, những nụ, những hoa, những cánh lá xanh non tan nát. Những cục nước đá tan đi. Bạn không còn tìm ra dấu vết thủ phạm, bạn chỉ thấy những thứ bạn phải gánh chịu: ấy là những tổn thất bất ngờ. Ở một nơi mà vô số các sắc tộc sống chung với nhau như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mỗi ngôn ngữ là một loài hoa đầy hương sắc trong khu vườn muôn sắc màu ấy. Nhưng rồi trong trận thiên tai, mỗi sắc lệnh của chính phủ là một hòn đá ném xuống, hoa lá cành tan nát theo nhau. Bạn không biết những cơn mưa đá còn bao lâu. Bạn cũng không thể nào đoán trước được những tổn thất chúng đổ xuống cho khu vườn yêu quý mà bạn dày công gầy dựng.
Elon Musk đang có một vị trí vô cùng quan trọng trong chính quyền mới của Trump. Là người đứng đầu Bộ Cải Tổ Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE), Musk có quyền lực gần như vô hạn trong việc cắt giảm hoặc tái cơ cấu lại chính phủ liên bang theo ý mình. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Musk còn có ảnh hưởng đến tổng thống trong nhiều vấn đề chiến lược quan trọng. Một trong những vấn đề nổi bật chính là TQ. Trong khi phần lớn nội các của Trump đang theo đuổi chính sách cứng rắn đối đầu với Bắc Kinh, Musk lại là một ngoại lệ rõ rệt. Là một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, Linggong Kong (nghiên cứu sinh của trường Auburn University) không hề ngạc nhiên trước những phát biểu ủng hộ Bắc Kinh của Musk trong suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ, từ trước đến nay, ông luôn tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh tại TQ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.