Hôm nay,  

Ao Bà Om Cạn Nước….

13/03/201611:04:00(Xem: 12080)

Cblank


Ao Bà Om Cạn Nước….

Nguyễn Văn Sâm


Năm Mỵ học lớp Mười thì Trị, bạn với anh Tư, tấn công tình cảm rát rạt. Trị nói ba bốn năm nay đâu dè cái thằng cù lần đen đúa như vậy mà có em gái đẹp mê hồn. Nghe thì vui trong bụng nhưng ngoài mặt tỉnh queo làm thinh. Nói gì được khi con trai gặp lần đầu mà tán tỉnh tới bến còn hơn trực tiếp rủ rước đèn công viên ngay.

Sau vài lần kiếm cớ la cà ở nhà Mỵ, Trị nói mình đã bỏ phí tuổi thanh xuân bốn năm nay không được quanh quẩn hầu hạ em gái bạn.  Nói vậy mà nói được! Bốn năm trước thì Mỵ có vẻ con gái đâu nà. Áo dài suông đuột thôi. Gương phẳng. Chưa biết điệu đà. Chải đầu còn làm qua loa cho có nữa là!  Xin phép xuống bếp lúi húi với nồi cá thu má đã kho xong xuôi và nêm thêm nồi canh chua cũng đã sẵn sàng dọn khi khách ra về. Nhà chật chội chỉ có hai phòng, phòng đàn bà thì mẹ Mỵ đương nghỉ mệt, phòng đàn ông thì anh Tư đương mở nhạc um xùm bát nhã, nhà bếp là nơi có thể lánh mặt đỡ khổ trong chốc lát.

Vậy mà mưa dầm thấm đất, Mỵ trở thành người tình của Trị khi bắt đầu lên lớp 12. Và những buổi tới nhà bạn mượn tập, mượn bài, học tổ… được Mỵ thường xuyên xin phép mẹ dùng đi dạo khắp xứ Trà Ôn chật hẹp.  Quận huyện gì mà bằng cái bụm tay, lần nào đi cũng sợ người quen thấy mặt, hai đứa thường trốn trong những vườn trái cây.  Thét rồi như là người thân thích của chủ vườn. Kể cả mấy con chó cũng theo quanh quẩn làm quen. Nghỉ Tết, Trị chở Mỵ về thành phố Trà Vinh viếng chùa Ông Mẹt, đi thăm di tích Lưu Cừ 2, cùng nhau tẳng mẳng ngắm nghía từng chi tiết đền thờ đặc biệt nầy mà Trị cắt nghĩa là một trong những di tích hiếm hoi xót lại của văn hóa Óc Eo. Nghe chưa có chứ học sinh chưa qua Trung học, sống lẩn quẩn trong quận như Mỵ, biết gì về văn hóa Óc Eo đâu.

Lần đó Trị rủ Mỵ đi ao Bà Om. Ao Bà Om đó, Đà Lạt của đồng bằng Cửu Long đó, nước ao cao lấp liếm bờ cát. Cảnh trí xinh đẹp. Bầy vịt trời nhóm nầy đàn khác xà xuống nhởn nhơ trên nước. Khách du hồ lẳng lặng đứng yên thưởng thức cảnh, không ai tỏ ý muốn bắt loại chim trời đáng yêu nầy. Mỵ lột giày ra xách tay, tung tăng trên đồi cát và thường đứng tạo dáng dựa mấy rể cây có hình thể kỳ dị, thầm cám ơn tạo hóa dày công tạo nên cảnh trí ưa nhìn.

Trị dựng xe vô một cây sao nói với Mỵ sau khi liếc mắt hãnh diện về những cặp khác:

‘Mỵ biết không, tới mùa Hè sen hồng sún đỏ nở đầy hồ, đây là chỗ để con người biến mình thành Thần Tiên một ngày.’

‘Một ngày thôi?’

‘Phải! Ngày nào hưởng vẻ đẹp ở đây, ngày đó là Thần Tiên!’

Mỵ đỏng đảnh, chu mỏ: ‘Còn đêm?’

‘Tới lễ hội Ok Om Bok, người Khmer làm lễ, thả đèn trôi trên mặt nước, ao đầy đèn thì ai  được thưởng thức cũng thành Thần Tiên hết.’

Mỵ thấy trong những yếu tố mình kết Trị là đây, có tính nhân văn, thỉnh thoảng thêm chất thơ trong lời nói.

Trị nắm tay Mỵ, rủ đi sâu vô bờ bên kia, nói đứng dưới gốc cây có cái hốc lớn đùn coi bộ thô tục, con gái mất duyên đi. Bấy giờ Mỵ mới để ý. Đỏ mặt. Mỵ đi theo sức đẩy của cánh tay Trị dìu sau lưng.

‘Mỵ biết không, Ao nầy còn có tên là Ao Vuông vì gần như vuông vức, dài gần nửa cây số, ngang cũng phải tới hơn ba trăm thước. Chút nữa vô chùa Âng –Angkorajaborey-, Trị  sẽ đọc cho Mỵ nghe câu ca dao nầy hay lắm về Ao Vuông. Phải đọc trong chùa Âng mới có ý nghĩa vì chùa được xây hơn mười thế kỷ rồi, linh lắm. Người ta thường vào đây khi có điều quan trọng cần giải quyết.’

Lần đầu vô hẵn trong chùa Khmer, Mỵ choáng ngợp trước cảnh trí khác thường, kiến trúc nào đối với Mỵ cũng như công trình cả ngàn ngày của một tập thể thợ chuyên ngành chăm chú tỷ mỷ. Vô giá đã đành mà còn là biểu tượng của sức sống tiềm tàng và nghệ thuật Phật giáo diệu kỳ.

Dẫn Mỹ tới trước một tượng thần mặt mày dữ tợn, Trị nói nghiêm trang:

‘Thần nầy chứng kiến lời hứa, hứa trước thần thì phải giữ lời.’

Trực giác con gái đương xuân Mỵ thấy hình như Trị  sắp hứa yêu mình lâu dài đồng thời đòi mình điều gì đó trả lại. Chờ đợi bằng cách đảo mắt qua các điêu khắc khác và những trang trí giăng giăng trên đầu.  Tiếng Trị trầm nhỏ, kéo dài như ngâm thơ:

Chừng nào cạn nước Ao Vuông/ Nhập chìm Long Trị mới buông lời thề.

‘Hứa khác thề chỗ nào?’

‘Thề là hứa trang trọng hơn, có sự chứng kiến của người khuất mặt.’

Giả vờ không hiểu, Mỵ hỏi: ‘Trị hứa gì với thần?’

‘Không! Hứa với Mỵ, hứa yêu Mỵ suốt đời!’

Biết sẽ nghe câu nầy từ lâu, sự xúc động cũng đến với Mỵ.  Chỉ trả lời bằng cách tự động nắm tay Trị rủ về vì trời coi cũng đã trưa.

Rồi lần nào đó Trị chở Mỵ đi bến đò Long Đức nói rằng qua cù lao Long Trị chơi cho biết. Hai đứa lình xình làng xàng sao mà trời xụp tối không kịp trở tay. Bông bần rũ gần kín hết lá bần, đẹp mê hồn. Từ nhỏ tới lớn Mỵ đâu biết bông bần ra sao đâu. Những đàn đơm đớm lượn lờ trên mấy nhánh bần gie ra sông tạo nên cảnh mờ ảo lung linh trong bóng đen của trời chập tối. Gợi cảm. Trong lòng lo sợ về trễ sẽ bị rầy lớn, vậy mà cảnh cũng thu hút  Mỵ đứng ngó đờ đẫn.

Trị choàng ngang hông Mỵ đọc câu ca dao rất hợp cảnh:

Bần gie đơm đớm đậu sáng ngời. Rồi anh lặng thinh lấy thuốc ra hút. Mỵ rất khó chịu với làn khói thuốc  không phải lúc nên bực mình đòi về. Búng tàn thuốc xuống sông, Trị ngó Mỵ, đọc tiếp, giọng ranh mảnh: ‘Lỡ duyên tại bậu trách trời sao đang.’

Mỵ hiểu như Trị đòi được sớm cho yêu thiệt, trao cho anh trái cấm chớ không yêu chay, yêu nháp như bấy lâu nay. Mỵ cười cười:

‘Thôi về, em sợ đơm đớm, ánh sáng chớp chới như ma trơi.’

Trên đường về Mỵ không ôm Trị xiết chặc như mọi khi, cũng không nói gì, chỉ trả lời nhát gừng khi cần thiết. Trị hỏi tại sao bỗng nhiên lại có vẽ buồn, Mỵ nói trơn tru là sợ cha mẹ rầy đi về khuya khoắc ông bà không yên dạ.

Đèn đường thi đua với đèn nhà sáng lên càng lúc càng nhiều. Xe máy chạy rọi đèn chói mắt. Về đêm mấy ông bà lái xe chạy bạt mạng, coi như mình da đồng xương sắt.

Gần tới chỗ Trị thường lệ bỏ Mỵ xuống anh đề nghị hai đứa cùng về nhà một lượt, thú nhận với cha mẹ em rằng mình yêu nhau và hẹn ngày cha mẹ Trị qua nhà nói chuyện. Mỵ gạt ngang lạnh lùng: ‘Lỡ duyên tại ai thì con gái cũng thiệt thòi, trách trời trách đất gì thì cũng rồi.’ Mỵ xuống xe thiệt mau khi  chưa hết lăn bánh. Trị xót xa ngó người yêu như xin lỗi, chẳng kịp nói gì thì Mỵ đã chào từ giả bước đi.

Cả hai tháng Mỵ tránh mặt Trị với lý do mắc học bài cho kỳ thi sắp tới. Mỗi lần Trị tới nhà Mỵ đều trả lời đơn giản rồi bỏ vô phòng ngồi suy nghĩ mông lung.

Rồi thì một ngày kia Trị tìm dịp nói với Mỵ rằng anh được cử đi ngoại quốc học một năm về thụ tinh trong ống nghiệm và kỹ thuật nuôi  giữ phôi ngoài môi trường tự nhiên. Trị xác nhận ngành nầy không hợp với mình, sang đó sẽ tìm cách bẻ kèo chuyển ngành khác. Mắc gì phải theo ngành không ở trong thang giá trị làm người mà mình đặt ra. Mỵ nghe tới đây thì thấy Trị  đáng yêu, tính bớt giận làm lành thì nghe Trị nói lâu nay Mỵ giận sảng Mỵ thấy mình nên làm khó thêm. Thế là anh chàng ra đi không có Mỵ tiển đưa, anh Tư Mỵ đi đưa tiển bạn về ỡm ờ rằng thiếu gì người đẹp trong bịnh viện đưa nó ra phi trường.

Mỵ cười như méo nhưng lòng dửng dưng. Chừng nào ao Bà Om cạn Mỵ mới sợ.

Cả hai tháng nay nghe thiên hạ nói ao Bà Om cạn khô tới đáy. Phần sâu nhứt còn chút bùn sền sệt, phần cạn gần bờ thì cỏ đã xanh rì mả Đạm Tiên. Mỵ không tin ao bị thảm quá như vậy. Năm nay hạn hán, ừ, nhưng chắc không tệ hại đến đổi. Đồng bằng Cửu Long xưa tiếp nhận nguồn nước khổng lồ từ thượng nguồn, nay thượng nguồn xây đập quá thừa, hạ nguồn có cạn chút đỉnh nhưng không thể khô!  Ao Bà Om có thể thu hẹp nhưng không thể cạn!

Rồi Mỵ cũng tới ao để chứng nghiệm sự thất vọng vô bờ. Ao cạn thiệt tình. Trơ đáy. Chiếc xuồng hồi đó hai đứa tưởng tượng là thuyền lan chèo quế đưa Mỵ vu quy bây giờ nằm trơ vơ. Gảy đỗ. Ngó tới cây dầu rể cao hơn mặt đất có cái hang hơi thô Mỵ muốn bật khóc.

Lời thề được buông rơi rồi sao? Cả hai tháng nay không thấy điện về, một cái email cũng không ngơ! Mỵ ngồi bẹp trên gò cát, kệ mắt tò mò của trẻ con cũng như của mấy cặp tình nhân nhí. Họ tung tăng hồn nhiên và Mỵ nát lòng. Vớt một bụm cát lên tay, Mỵ xoè ngón ra theo dõi luồng cát rớt xuống, nhuyễn  như tơ, linh động như dòng nước. Hứa như cát trôi kẽ tay! Tình như nước khô cạn!

Trời chiều, mặt trời xuống thấp lần, biến mất sau chơn trời, đèn quán nghèo bán dừa và mấy thứ nước uống bình dân bên kia đường đã bật lên. Mỵ đứng dậy, phủi cát trên quần áo, ngó lại cái ao cạn như ruộng khô và chiếc xuồng bể lần nữa. Rười rượi buồn. Ờ mà Trị nói cạn nước ao Om, chìm cù lao Long Trị, bây giờ chỉ mới có một điều.  Chưa sợ!

Trên đường về Trà Ôn, Mỵ thấy hứng khởi. Thề chỉ để xác định một lời hứa. Thề củng cố lòng tin người nghe, tình cần chung thủy của cả hai đứa. Những xác quyết nầy nọ kèm theo lời thề như xe cán, như bà bắn, như cạn nước ao Vuông chỉ là yếu tố tạo tin, không phải lòng chung thủy. Không có sự liên lạc giữa hai chủng loại khác biệt là cạn nước ao Vuông và buông rơi lời thề! Không tin! Không tin! Tin là mù quáng lệ thuộc lời thề và coi nhẹ tình yêu. Ao đầy hay ao cạn chỉ là chuyện của Ao, không phải của lòng Trị. Mỵ bật cười với mình. Mỵ, mi làm luật sư cho chàng hay mi tự an ủi đánh lừa nỗi thất vọng của mình vậy?

Về tới nhà.

Mẹ nói con gái đi sao không mang theo điện thoại, thằng Trị gọi điện về nhà không có con để trả lời.

Không cần hỏi xem Trị nói gì, Mỵ biết ngay rằng Ao Bà Om cạn và buông lời thề là hai thứ chẳng ăn nhập gì với nhau hết. Mỵ hiểu tại sao có sự trễ nãi nầy và nhận chân rằng tình yêu của mình chỉ mới thiệt sự bắt đầu từ hôm nay. Đẩy xe lên dốc nhà, Mỵ hạnh phúc  nheo mắt với mẹ trong sự ngạc nhiên của bà trước khi nhảy chưn sáo vô phòng.

Ao Bà Om, ta yêu mầy vô cùng! Cạn cũng yêu như thường!

.

Nguyễn Văn Sâm

(Sàigòn, March 8, 2016, một tuần sau ngày đi Trà Vinh.)





.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.