Hôm nay,  

Syria: TT Obama Đang Làm Gì?

10/11/201500:00:00(Xem: 8327)

...leo thang nhỏ giọt luôn luôn là sách lược quân sự chủ yếu của các tổng thống Dân Chủ...

Tin chiến sự mới nhất cho biết TT Obama đã quyết định gửi 50 lính lực lượng đặc biệt qua Syria giúp các lực lượng chống Assad cũng như giúp các lực lượng Kurds đang đánh nhau với ISIS. Chính thức trên danh nghiã, chính quyền Obama khẳng định đây không phải là thay đổi chính sách, từ yểm trợ vũ khí chuyển qua tham chiến trực tiếp. Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc khẳng định chính quyền Obama đã không thay đổi sách lược gì hết. Quân Mỹ chỉ có trách nhiệm “cố vấn” quân sự chứ không có vai trò tác chiến. Dù sao, cũng đã đi ngược lại lời tuyên bố long trọng của TT Obama cách đây hai năm là ông sẽ không bao giờ gửi quân đánh bộ -“boots on the ground”- vào Syria.

Dĩ nhiên, tầm vóc tham chiến của TT Obama không nghiã lý gì so với chiến lược đánh ào ạt của TT Bush, nhưng dù sao, cũng đánh dấu lần đầu tiên TT Obama nhẩy vào một cuộc chiến mới.

Một khác biệt quan trọng giữa hai quyết định tham chiến của hai TT Bush và Obama. TT Bush mang quân đi đánh vì nguy cơ an ninh trực tiếp đe dọa Mỹ, như tại Afghanistan để trừng phạt al Qaeda về vụ 9/11, rồi đánh Iraq để diệt kho vũ khí giết người tập thể, đề phòng một 9/11 thứ hai. Lý do rất rõ ràng và chính đáng được lưỡng viện quốc hội đồng ý, cho dù lý do đánh Iraq sau đó đã bị chứng minh là sai vì dựa trên tin tình báo sai lầm hay thiếu sót.

TT Obama hai lần dùng võ lực tại hai chiến trường mới, Libya và bây giờ Syria. Trong cả hai trường hợp, cả hai xứ này chẳng phải là đe dọa an ninh trực tiếp gì đối với Mỹ. Do đó, hiển nhiên quyết định tham chiến của TT Obama khó giải thích hơn nhiều. Mà cũng đều không có sự phê chuẩn của quốc hội. Rõ ràng ông tổng thống cao bồi của Texas tôn trọng Hiến Pháp hơn ông tổng thống phụ giảng Hiến Pháp.

Tại Libya, nhà độc tài Khaddafi đã cai trị một cách sắt máu nhất từ thập niên 1960. Trong suốt thời gian từ đó, nhiều phong trào chống đối nổi dậy đều bị Khaddafi tàn sát không nương tay. Đến thời TT Obama, câu chuyện cũng không khác gì lắm. Vẫn một nhóm võ trang nổi dậy và bị đe doạ tàn sát bởi xe tăng của Khaddafi. Nhưng rồi lần này, vì những tính toán chiến lược và quyền lợi chính trị cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, Pháp và Anh quyết định trực tiếp can thiệp để trên nguyên tắc cứu các nhóm chống đối, nhưng trên thực tế để có cớ diệt trừ Khaddafi luôn.

Chính quyền Obama dưới áp lực trực tiếp của Pháp và Anh, nhẩy vào dội bom và “lãnh đạo từ phiá sau”. Khaddafi bị giết, Libya trở thành một Somalie mới, một nước vô chính phủ, với các nhóm chống đối quay súng qua giết nhau loạn đả trong khi Mỹ, Pháp, và Anh rút ra, bình chân như vại xem cuộc ẩu đả, với hậu quả trực tiếp là xô đẩy hàng vạn dân Libya nhẩy xuống tàu, vượt biển qua Âu Châu tỵ nạn.

Một lý do nữa để can dự là lý tưởng cứu nhân độ thế ngây ngô của các bà cấp tiến cực đoan Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power, phụ tá đặc biệt về Nhân Quyền, là hai trợ tá tri kỷ của TT Obama, và Hillary Clinton, ngoại trưởng.

Cái cớ đưa ra, cứu sinh mạng vài trăm quân chống Khaddafi là loại cớ vớ vẩn, đưa ra bởi những phụ tá thiếu trí tưởng tượng nhất, cũng như coi thường dư luận nhất, không khác gì chuyện đưa cuốn phim diễu dở phỉ báng Đấng Tiên Tri làm cớ khiến dân Libya biểu tình tự phát giết đại sứ Mỹ tại Benghazi. Trong lịch sử thế giới, không bao giờ có chuyện một nước mang quân đi đánh một nước khác để bảo vệ vài trăm dân của cái xứ khác đó khỏi bị giết. Nếu có thì luôn luôn chỉ là cái cớ để xâm lăng xứ đó thôi. Ông già Noel cho dù có thật, cũng không rảnh hơi làm những chuyện vớ vẩn đó.

Tại Syria, ngay từ đầu, TT Obama không muốn hay không dám dính liú tới. Nhưng vì uy tín đại cường, TT Obama ở trong thế phải lên tiếng, hùng hồn chỉ trích việc tàn sát dân và giết các nhóm kháng chiến chống đối, rồi hùng hổ vạch lằn ranh đỏ, và hùng dũng hăm dọa nếu Syria sử dụng vũ khí hoá học thì Mỹ sẽ can thiệp quân sự ngay. TT Syria phớt lờ, sử dụng bom hóa học trên khắp các chiến trường Syria. TT Obama lúc đầu tảng lờ, viện cớ chưa đủ bằng chứng rõ rệt. Đến khi bằng chứng hiển hiện không còn chối cãi được nữa thì TT Obama tự xoá lằn ranh, vẫn không can thiệp, ngó lơ, mặc dầu TT Assad giết trên hai trăm ngàn dân.

Ở đây ta thấy hai cảnh trái ngược: tại Libya, Mỹ can thiệp giết Khaddafi để cứu vài trăm quân chống Khaddafi. TT Obama sau khi nặng lời kết án những thảm sát của Khaddafi, dõng dạc tuyên bố: “Có những quốc gia có thể nhắm mắt không chịu nhìn những cảnh kinh hoàng tại các nước khác, nhưng nước Mỹ khác. Với tư cách tổng thống, tôi từ chối ngồi chờ trước những hình ảnh dân bị tàn sát và mồ chôn tập thể trước khi có hành động”.

Nghe rất đáng nể, nhưng tại Syria, Mỹ không nhúc nhích khi cả trăm ngàn dân vô tội bị giết. Khác biệt rất dễ hiểu: Assad không dễ nuốt như Khaddafi.

Nhưng rồi ngó lơ cũng không xong. Tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS ra đời tại Syria chiếm một nửa phiá bắc Syria, rồi mang quân tràn qua chiếm luôn một nửa phiá bắc của Iraq, ào ạt nam tiến, trực tiếp đe dọa luôn cả thu đô Baghdad khiến TT Obama phải nhẩy vào cứu chính quyền Baghdad, đánh ISIS. Mà đánh ISIS thì không thể chỉ đánh ở Iraq, vì cứ điểm của ISIS là Syria. TT Obama không thể mang quân vào Syria đánh ISIS. Đành phải tích cực giúp võ trang các lực lượng Hồi giáo kháng chiến đang đánh nhau chống cả TT Assad lẫn ISIS. Cuộc chiến tại Syria biến thành cuộc chiến tay ba giữa 1) chính quyền Assad thuộc khối Hồi giáo Shiites, được Nga và Iran hậu thuẫn, 2) các lực lượng chống Assad, tuy cũng là Hồi giáo, nhưng thuộc khối Sunnis, được Ả Rập Saoud và Mỹ hậu thuẫn, và 3) quân khủng bố ISIS.

Sự hậu thuẫn của Mỹ được giới hạn trong việc gửi giúp vũ khí đạn dược phần lớn có tính tượng trưng thôi, vì dù sao, lồng trong cuộc chiến chống khủng bố ISIS cũng chính là cuộc “thánh chiến” giữa hai khối Hồi giáo Shiites và Sunnis, mà Mỹ rất sợ dính líu vào.

Tình trạng bất phân thắng bại giữa ba phe cứ lai rai như vậy, kéo dài mấy năm nay. Nhưng rồi bất ngờ biến chuyển mạnh vì TT Putin.

TT Putin chiếm Ukraine xong, muốn tiếp tục bành trướng xuống vùng Trung Đông với những mỏ dầu hoả vô tận. Có đồng minh như Iran và Iraq cung cấp dầu hỏa cũng đỡ nghẹt thở trước cấm vận của Mỹ và Tây Âu. Nhưng ông ta cũng muốn lấn vào Trung Đông để tìm thế trả giá, đổi chác với Mỹ và Tây Âu, mong tìm cách chấm dứt phong tỏa kinh tế Nga của mấy xứ này, một phong toả tốn rất nhiều tiền đối với Nga, đổi lấy việc giúp đánh ISIS.

TT Putin can thiệp vào Syria dưới danh nghiã giúp đánh khủng bố ISIS. Nhưng trên thực tế, giúp giữ ngai vàng của Assad bằng cách đánh ISIS nhưng cũng đánh luôn các lực lượng kháng chiến do Mỹ yểm trợ.

Đưa đến tình trạng chẳng đặng đừng, TT Obama bắt buộc phải can thiệp trực tiếp mạnh hơn qua quyết định gửi quân “cố vấn” qua Syria.

Thực tế, TT Obama cho lính vào Syria để cứu các lực lượng đồng minh đang bị đe dọa tiêu diệt trọn vẹn bởi bom đạn Nga hoặc ISIS, đồng thời xác định Mỹ sẽ không bỏ cuộc dễ dàng, và sẵn sàng tham chiến để bảo vệ quyền lợi của mình. Đó là cách hậu thuẫn ngoại trưởng Kerry đang điều đình một giải pháp cho Syria tại hội nghị quốc tế Vienna, thủ đô Áo Quốc, với sự tham dự của trên dưới 20 phái đoàn, trong đó có Mỹ, Nga, Liên Âu, và Iran, nhưng không có đại diện của Syria.

Cuộc điều đình đang đi vào bế tắc vì bất đồng ý kiến giữa Mỹ và Nga về vai trò của TT Assad. Nga và Iran đưa ra ý kiến một chính phủ liên hiệp do Assad cầm đầu để đoàn kết các phe Syria chống ISIS. Mỹ và Liên Âu chấp nhận một chính phủ liên hiệp nhưng với điều kiện Assad phải ra đi. Hai bên đang kỳ kèo trả giá.

Nhiều quan sát viên cho rằng sách lược của TT Obama, đặt vấn đề thay đổi chế độ tại Syria lên ưu tiên hàng đầu, tiêu diệt ISIS là ưu tiên hạng thứ, là sai lầm lớn. Nguy cơ thực sự cho Trung Đông là ISIS chứ không phải Assad. Nhưng Mỹ quan niệm chế độ độc tài Assad là nguyên nhân của cuộc nội chiến tại Syria, giúp ISIS lớn mạnh. Lật đổ Assad mang lại dân chủ, tự do cho Syria thì ISIS sẽ hết đất sống.


Quan niệm của TT Obama là cái nhìn cổ điển của ngoại giao Mỹ. Độc tài là nguyên nhân của mọi xung đột chính trị và chiến tranh, và dân chủ là viên thuốc màu nhiệm vãn hồi hoà bình. Trước sau, đó vẫn là cái nhìn ngây ngô chung của tất cả các chính quyền Mỹ, Dân Chủ hay Cộng Hoà, kể cả TT Bush khi ông hô hào dân chủ cho Trung Đông như là biện pháp chống khủng bố hữu hiệu nhất. Thực tế, chỉ cần nhìn vào Libya sau khi Khaddafi bị giết, hay Iraq sau khi Saddam bị lật đổ thì thấy lật đổ một nhà độc tài không có nghiã là thiết lập được chế độ dân chủ trong cái vùng chưa bao giờ biết dân chủ là gì từ mấy ngàn năm nay.

Việc TT Obama gửi quân qua Syria tham chiến để tạo áp lực trả giá với Nga tạo cảm tưởng thông điệp răn đe của TT Obama rất rõ ràng, mạnh mẽ, và rất đáng phục, nhưng thực tế, có tính diễu dở.

Trong khi TT Putin mang hoả tiễn, phản lực chiến đấu, chiến hạm, thiết giáp và cả ngàn “cố vấn” võ trang tối đa vào chiến trường, thì TT Obama đáp ứng bằng... 50 “cố vấn” lực lượng đặc biệt. Không ai có thể tưởng tượng được TT Putin và TT Assad đang run lẩy bẩy trước việc phô trương thanh thế khủng khiếp của ông tổng thống Nobel. Cũng chẳng ai nghĩ ngoại trưởng Kerry sẽ mang 50 anh lính “thầy dùi” này vào bàn họp tại Vienna làm yếu tố hù dọa, đổi chác với Putin, Assad, hay các giáo chủ Iran. Chẳng ai hiểu 50 anh này làm được trò trống gì để đối phó với hàng trăm ngàn quân của Nga, Syria, Iran và ISIS!

Thực tế mà nói, TT Obama đã tự trói tay mình ngay từ khi mới ra tranh cử tổng thống khi ông kịch liệt đả kích TT Bush, bây giờ cho dù có muốn cũng không thể tung quân ào ạt vào Syria như TT Bush đã làm tại Iraq và Afghanistan. Điều lạ lùng là trong khi tham chiến nhỏ giọt, vá viú, chạy theo chống đỡ đòn của TT Putin mà vẫn bạo phổi ngụy biện khoe công. Thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken khoe Mỹ đã thành công kéo Nga vào “vũng lầy” (“quagmire”, danh từ dùng trong cuộc chiến tại VN để mô tả sự sa lầy của TT Johnson) để Nga sẽ chết lần.

Đúng ra, đường đi nước bước của TT Obama tuyệt đối không có gì mới lạ và đáng ngạc nhiên. Trái lại, nó thể hiện sách lược quân sự đối ngoại tiêu biểu chẳng những của ông tổng thống Nobel Hoà Bình, mà cũng tiêu biểu cho tất cả các chính quyền Dân Chủ trong lịch sử cận đại Mỹ từ thời TT Roosevelt đến nay.

Đó là một chính sách tránh can dự quân sự càng lâu càng tốt, cho đến khi đối phương hiểu lầm Mỹ là cọp giấy, đánh quá mạnh, thì bắt buộc Mỹ phải có phản ứng, phải can thiệp để chống đỡ. Mà can thiệp thì cũng hết sức miễn cưỡng, kiểu càng nhỏ giọt càng tốt. Như trước đây ngoại trưởng Kerry đã từng tuyên bố khi ban hành các biện pháp trừng phạt Syria, “extremely small”!

Bằng chứng không thiếu.

Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, TT Dân Chủ Roosevelt cố trì hoãn, đứng ngoài cuộc chiến, mặc cho Đức và Nhật lộng hành tiến chiếm khắp nơi. Dĩ nhiên, Mỹ giúp cho có lệ, gửi vũ khí qua Âu Châu, ngăn cấm vài thuỷ lộ tiếp liệu của Nhật tại Đông Nam Á, hay phong tỏa vài nguyên liệu cần thiết cho cuộc chiến, như dầu hỏa. Cho đến khi Hitler gửi tầu ngầm đánh phá các tầu hàng và chiến hạm của Mỹ trên Đại Tây Dương, rồi Nhật đánh thẳng Hạ Uy Dy, mới miễn cưỡng tuyên chiến, nhẩy vào cuộc.

Tại Triều Tiên, cho dù có hiệp ước phòng thủ với Nam Hàn, TT Dân Chủ Harry Truman vẫn lửng lơ con cá vàng khi Bắc Hàn tung quân đánh Nam Hàn. Phải đợi đến khi quân Bắc Hàn chiếm cả thủ đô Hán Thành, tràn xuống đến gần Busan, tức là Mũi Cà Mau của Hàn Quốc, thì TT Truman mới nhẩy vào can thiệp.

Dĩ nhiên, người ta có thể lý luận Mỹ không thể cứ thấy đóm lửa nào trên thế giới cũng phải nhẩy vào làm lính chữa lửa hay cảnh sát thế giới ngay lập tức, bắt thanh niên Mỹ chết thế cho dân địa phương. Nhưng đồng thời, người ta cũng có thể nói trong nhiều trường hợp, nếu Mỹ can thiệp sớm hơn thì cường độ chiến tranh sau đó đã không quá lớn, số người chết có thể ít hơn nhiều vì chiến tranh có thể đã không lan rộng ra, hay chấm dứt sớm hơn nhiều.

Lấy ví dụ, tại Việt Nam, dưới thời TT Esisenhower, Mỹ khó có thể can thiệp mạnh hơn khi VN còn là thuộc địa của Pháp. Nhưng dưới thời TT Kennedy, khi miền Nam VN đã thực sự độc lập, Mỹ đã có thể can thiệp giúp TT Diệm mạnh hơn ngay từ đầu khi Mặt Trận Giải Phóng còn trong thời kỳ phôi thai, miền Bắc còn đang sống dở chết dở sau vụ Cải Cách Ruộng Đất “long trời lở đất”, và trong nội bộ lãnh đạo CSVN còn đang có sự tranh cãi nên đánh mạnh để “giải phóng” miền Nam sớm, hay nên giữ hòa bình tạm thời để củng cố, xây dựng chế độ CS tại miền Bắc.

Dĩ nhiên không ai đòi Mỹ phải thả cả chục sư đoàn thủy quân lục chiến vào miền Nam ngay khi đó, nhưng việc yểm trợ TT Diệm đã có thể mạnh hơn là dưới hình thức lèo tèo vài trăm cố vấn, cùng với vài cây súng cạc-bin thời đệ nhị thế chiến. Biết đâu một sự can thiệp mạnh hơn qua huấn luyện quân sự quy mô, vũ khí tối tân hơn hay nặng ký hơn như M-16, xe thiết giáp, đại pháo, trực thăng, máy bay phản lực, ... ngay từ đầu (như đã làm trong thời kỳ “Việt Nam hoá” chiến tranh) đã giúp phe chủ hoà để xây dựng chế độ CS tại miền bắc thắng thế trong khi phe chủ chiến Lê Duẩn thất bại và cuộc chiến xâm lăng miền Nam đã không xẩy ra, ít ra là trong thời điểm đó? Một sự trì hoãn như vậy cùng với một sự giúp đỡ tích cực hơn của Mỹ chắc chắn đã giúp củng cố quân lực VNCH cũng như chế độ chính trị tại miền Nam, giúp ta có dịp chống đỡ cuộc xâm lăng hữu hiệu hơn.

Rồi sau đó, nếu như TT Johnson không áp dụng sách lược leo thang nhỏ giọt, vừa đánh vừa run, lúc thả bom, lúc ngưng cho CSBV thở, mà áp dụng chiến thuật mạnh bạo, đánh thẳng tay của TT Cộng Hoà Nixon, đánh qua Cam-Pu-Chia, đường mòn HCM bên Lào, thả bom ào ạt BV, phong toả bến Hải Phòng, cắt đường tiếp liệu từ hải cảng Kompong Som, ... thì có thể kết cuộc đã khác xa. TT Johnson không dám mạnh tay vì sợ TC, thua xa TT Nixon một mặt điều đình với TC để cầm chân TC, mặt khác đánh VC chí tử. Nếu không có phong trào phản chiến của khối cấp tiến và nếu không bị đảng Dân Chủ khoá tay, có nhiều triển vọng TT Nixon đã giúp miền Nam kết thúc cuộc chiến theo kiểu chiến tranh Triều Tiên rồi.

Tất cả dĩ nhiên, chỉ là lý luận giả tưởng, nhưng nghĩ cho kỹ, không phải là hoàn toàn vô lý.

Sách lược leo thang nhỏ giọt luôn luôn là sách lược quân sự chủ yếu của các tổng thống Dân Chủ, và luôn luôn đưa đến kết quả là cứ phải leo thang tiếp tục cho đến khi sự việc trở nên quá lớn, phải dùng sức mạnh quá nhiều, chi phí về sinh mạng cũng như tiền bạc quá lớn như thế chiến thứ hai; hay ngược lại, cho đến khi dân Mỹ mất kiên nhẫn thì phải xuống thang rồi... tháo chạy như tại Nam VN.

Sách lược đối ngoại của khối cấp tiến luôn luôn mang dấu ấn một mâu thuẫn vĩ đại. Vì lý tưởng cấp tiến, luôn luôn muốn can thiệp để làm chuyện cứu nhân độ thế, bảo vệ nhân quyền, tự do dân chủ trên khắp thế giới. Từ Kennedy đến Carter đến Obama. Cho tới các bà Rice, Powers và Hillary khi đòi can dự, mang lại dân chủ tại Libya. Nhưng hễ đụng  đến xung khắc quân sự, là hệ quả tất yếu của những can thiệp chính trị, thì lại run rẩy, lo tháo chạy trước.

Trong lịch sử chiến tranh, sách lược chân trong chân ngoài, vừa đánh vừa run, chưa bao giờ đưa đến thành công mà chỉ đưa đến thảm hoạ. Một là không đánh, hai là đánh cho ra đánh, chứ đánh nhỏ giọt thì giỏi lắm là không thua thôi, chứ không thể nào thắng.

TT Obama khi tranh cử, đã hứa hẹn sẽ chấm dứt hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, mang hết quân Mỹ về. Thực tế, có nhiều triển vọng đầu năm 2017 khi ông mãn nhiệm, gia tài ông để lại cho vị tổng thống kế nhiệm sẽ là việc Mỹ vẫn tiếp tục tham chiến không phải chỉ tại hai nước Afghanistan và Iraq, mà là ba nước, thêm Syria nữa. Ta sẽ có dịp nghe hàng loạt … rằng thì là mà! (08-11-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
03/01/201621:28:06
Khách
ột khác biệt quan trọng giữa hai quyết định tham chiến của hai TT Bush và Obama. TT Bush mang quân đi đánh vì nguy cơ an ninh trực tiếp đe dọa Mỹ, như tại Afghanistan để trừng phạt al Qaeda về vụ 9/11, rồi đánh Iraq để diệt kho vũ khí giết người tập thể, đề phòng một 9/11 thứ hai. Lý do rất rõ ràng và chính đáng được lưỡng viện quốc hội đồng ý, cho dù lý do đánh Iraq sau đó đã bị chứng minh là sai vì dựa trên tin tình báo sai lầm hay thiếu sót.

TT Obama hai lần dùng võ lực tại hai chiến trường mới, Libya và bây giờ Syria. Trong cả hai trường hợp, cả hai xứ này chẳng phải là đe dọa an ninh trực tiếp gì đối với Mỹ. Do đó, hiển nhiên quyết định tham chiến của TT Obama khó giải thích hơn nhiều. Mà cũng đều không có sự phê chuẩn của quốc hội. Rõ ràng ông tổng thống cao bồi của Texas tôn trọng Hiến Pháp hơn ông tổng thống phụ giảng Hiến Pháp.
Vu Linh,hau nhu bai viet nao cua Vu Linh cung deu lam ngua tai doc gia,Vu Linh la nguoi cua dang Cong Hoa?? Vu Linh da trang !!Vu Linh khong thich Tong thong da mau,va nhat la VL thich !!!!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.