Hôm nay,  

Ôi, Hoa Tàn Trăng Khuyết

10/11/201500:00:00(Xem: 5948)

1. Tôi không bao giờ ngờ rằng bài văn tế bằng chữ Hán, dưới đây, của một trạng nguyên Việt Nam, Mạc Đĩnh Chi, khóc một công chúa Tàu, nhân dịp cụ đi sứ sang Trung Hoa, cách nay bảy thế kỷ, lại có ngày trở về trong trí nhớ,

Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt,
Y! Vân tán, tuyết tiêu,
Hoa tàn, nguyệt khuyết.

để cho lòng tôi hôm nay khóc một giai nhân, “công chúa” Mỹ, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, Elizabeth Anne Thompson Phạm, vợ của người bạn chúng tôi, nha sĩ John Phạm Anh Bình. Y! Vân tán, tuyết tiêu / Hoa tàn, nguyệt khuyết, còn gì nữa đâu, hỡi ơi! Liz –tên thân mật của chị– đã đột ngột, tức tưởi vĩnh biệt cuộc đời, giữa tuổi thanh xuân, dạt dào sức sống.

a) Liz đẹp cả người lẫn nết, mai cốt cách tuyết tinh thần, như hai chị em mỹ nhân nhà họ Vương của thi hào Nguyễn Du. Ai cũng công nhận. Dù chỉ gặp chị một hay vài lần, như hai người bạn thân quý của tôi, cũng đã lần lượt ra đi trước chị chưa đầy một tháng: Paul Dương Xuân Kính và Linh mục Thomas Đặng Kim Hoàng. Liz hiền thục, lịch sự, hiếu khách, niềm nở, mà lại tự nhiên, chân tình. Giống như một phụ nữ Việt Nam truyền thống. Trong ánh mắt chị, chưa bao giờ người ta bắt gặp một sự phiền hà, khó chịu, giả dối, đóng kịch Tất cả từ chị toát ra một vẻ đẹp thanh cao, và nếu tôi không quá lời, vẻ đẹp thiên thần. Bạn bè, dù thân dù sơ, hay người mới quen biết chị không ai là không đem lòng thương mến. Nhà thơ Ngọc Bội gọi chị là “nàng tiên”, xinh đẹp và đầy phẩm hạnh. Giáo sĩ Huỳnh Quốc Bình so sánh chị với một người vợ trẻ Việt Nam đảm đang, tuyệt vời. Còn tôi thường phong cho chị tước hiệu Miss America. Mỗi lần được ai khen như thế, chị đều cười vui. Anh Bội và tôi, lớn tuổi nhất trong đám, luôn xem chị, và đối xử với chị, như một cô em (út) ngoan hiền. b) Nha sĩ Bình yêu thương chị thật lòng, và đáp lại, chị lúc nào cũng

lo lắng, chăm sóc anh và ba con từng chút. Điều đó, không bạn bè nào phủ nhận. Một lần ăn tối tại tệ xá, sau khi nhắp một hớp rượu nhỏ, chị mệt, và lẳng lặng ra nằm duỗi chân trên sofa, lim dim mắt, đám bạn thấy Bình đến bên, âu yếm hỏi nhỏ vợ: “Hon, how do you feel?”, rồi vuốt lên má, và hôn nhẹ lên môi, như vỗ về, trìu mến. Một lần, anh hãnh diện kể cho một mình tôi, và lần khác cho cả bàn tiệc, nghe về buổi gặp gỡ ban đầu, ly kỳ như tiểu thuyết, giữa hai người, khác với những lời đồn đải, đôi khi ác ý, về cuộc hôn nhân dị chủng hi hữu này. Sau khi nghe câu chuyện của anh, chúng tôi tin rằng họ đã gặp nhau, lấy nhau vì tình yêu, và duyên số. Không bởi lý do nào khác. Danh phận, bạc tiền, nhà cửa, tiện nghi… không quan trọng đối với người thiếu phụ Mỹ có mái tóc vàng óng ả, dáng vẻ tuyệt đẹp, và tâm hồn dịu hiền rất Việt Nam –mà một trăm năm nữa, chúng tôi nói với nhau, cũng không dễ tìm được. Dù là vợ một nha sĩ, chị vẫn ăn mặc giản dị, vẫn mang cái xắc loại thường, vẫn không mướn người làm, để tự tay chăm sóc con cái, nhà cửa, vẫn làm việc trong clinic của chồng. Mười lăm năm chung sống và ba mặt con (đứa nhỏ nhất mới được bảy tháng) đủ để minh chứng chuyện của một tình yêu đích thực, qua nhiều thử thách. Giống như chuyện của bất cứ tình yêu đích thực nào, bất diệt và tầm thường, mang đến mỗi ngày tất cả hạnh phúc và thương đau, với lúc bên nhau vai kề vai và lúc nói lời vĩnh biệt, với những đêm âu lo và những sáng tuyệt vời, như qua lời hát của Dalida, một hồng nhan bạc mệnh khác, trong bài “Histoire dun amour” bất hủ:

C'est l'histoire d'un amour éternel et banal
Qui apporte chaque jour tout le bien tout le mal
Avec l'heure où l'on s'enlace, celle où l'on se dit adieu
Avec les soirées d'angoisse et les matins merveilleux

Sau câu chuyện kể về mối tình đầy thơ mộng của hai người, trong một buổi tiếp tân tại nhà anh, cách đây gần một năm, có đông khách dự, tình cờ tôi đứng cạnh Liz, và bất ngờ chị quay sang hỏi tôi có biết chuyện tình lãng mạn nào trong văn chương thế giới không, để kể cho chị nghe. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn điểm nhanh trong trí nhớ những chuyện tình kim cổ nổi tiếng. Nhiều lắm, mà không hiểu sao, tôi dừng lại với thiên anh hùng ca The Aeneid, ít phổ quát, của thi hào La tinh Virgil. Trong đó có đoạn kể về Aeneas, hoàng tử và anh hùng bại trận thành Troy, vượt biên, tắp vào một hòn đảo, gặp Dido, nữ hoàng Carthage, và hai người yêu nhau say đắm. Rồi Aeneas, theo lệnh của mẹ, là nữ thần Venus, tìm cách bỏ trốn Dido, để tiếp tục cuộc hành trình đến Cumae, rồi sông Tiber, và sau đó lập nên thành Rome. Tuyệt vọng, Dido than khóc, rút kiếm tự đâm vào ngực. Về sau, Aeneas, với sự trợ giúp của nàng Sibyl of Cumae, tên Deiphobe, vượt được sông Styx, xuống âm phủ tìm cha, đang trú ngụ tại Elysium –nơi ở của những anh hùng và người công chính. Kế bên Elysium  là The Mourning Fields (Lugentes Campi), Những Cánh Đồng Nước Mắt, bao la, dành riêng cho những mỹ nhân đã chết vì tình, và tại đây chàng tình cờ gặp lại Dido, nay chỉ còn là hình bóng nhạt nhòa, đang rảo bước vô một khu rừng bát ngát. Tới đoạn này, thấy hơi mệt, tôi ngừng kể, hẹn Liz một dịp khác. Và dịp đó, không bao giờ còn nữa...  Chị nghe xong, tấm tắc khen: “Its very interesting. I like it. Thank you, anh Kuy!”.

2.  Tối thứ ba 27/10, nhận được tin cảnh sát đã tìm thấy xác chị trên sông Cowlitz, cả gia đình tôi bàng hoàng. Sững sờ. Như vậy, một chút hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng cũng tiêu tan. Loan, vợ tôi, người vẫn tin rằng Liz đang tá túc đâu đó, sẽ trở về bình an, đã bật khóc, và thút thít kể: “Hèn chi lần cuối cùng mình ăn tại nhà anh chị, cách đó hai tuần, khi về, Liz đã tiễn em ra tận ngoài sân, ôm hug em đến bốn, năm lần, thật lâu, khác với thường lệ. Đó là điềm báo rõ ràng, mà em đâu có hay.” Trong khi hai con tôi, Marie-Joséphine và Xavier (bạn với Keatan, con trai của anh chị), mặt buồn hiu, mắt đỏ hoe, ngưng cãi nhau, và ngồi thức với tôi cho đến một giờ sáng để nói về những kỷ niệm với “cô Liz”, rồi cuối cùng chấm dứt bằng câu, “we miss her so much!”. Buồn đau, như khi được biết chị mất tích, cách đó ba tuần, ngày nào tôi cũng dán mắt vào màn ảnh TV để chờ tin mới. Phu nhân của những người bạn khác, như chị Bình, chị Dương, chị Trường, cũng chan chứa lệ rơi.


Tôi còn nhớ những bữa ăn cuối tuần tại nhà anh chị, hoặc tại nhà tôi, có đông bạn bè. Là gia chủ, lúc nào chị cũng được trông thấy trong bếp, bận bịu nấu nướng và chăm lo mọi thứ cho khách, kể cả rót thêm nước, thêm rượu, mời thay cho ông chồng đang thao thao bất tuyệt về đề tài chính trị hay thời sự. Tại nhà tôi, vừa bước vào, chị đã đi thẳng tới bếp, hoặc giúp Loan sửa soạn bữa ăn, hoặc giành rửa chén. Loan luôn can ngăn, nói (tạm dịch): “Mình đã làm xong hết rồi. Còn việc rửa chén, đó là job của anh Quý, my husband, you know. Thôi, Liz ra bàn ngồi nghỉ cho khoẻ, please.” Trong bữa ăn, ở đâu, chúng tôi cũng có thói quen xài tiếng Việt, để dễ bề tranh luận về chính trị, có khi rất sôi nổi, và vì lâu lâu mới gặp lại nên thèm nói tiếng mẹ đẻ, cho hả, nhất là Bình –suốt tuần phải tiếp toàn bệnh nhân Mỹ. Liz cũng phải nghe, không hiểu, nhưng vẫn gật gù, tươi cười. Khi còn cô nha sĩ Mai, dân Canada, qua hành nghề trong clinic của Bình, tôi luôn xếp Mai ngồi cạnh Liz, để làm thông dịch viên thường trực. Lúc Mai về lại Canada, thỉnh thoảng tôi nhắc chị Bình, hay chị Dương, hay chị Trường, ngồi gần, dịch cho Liz. Tôi không muốn Liz cảm thấy lạc lõng trong một rừng tiếng Việt, mặc dù có lần chị đã ghi danh theo học Việt ngữ tại trường Văn Lang. Nay chị mất rồi, nhớ lại vẻ mặt ngơ ngác của chị khi không hiểu tại sao thỉnh thoảng chúng tôi cười ầm lên, hoặc lớn tiếng, tôi rất ân hận, nghĩ rằng đúng ra, chúng tôi phải dùng Anh ngữ lúc có chị, cho phải phép.

Lấy chồng Việt Nam có tính thần quốc gia chống Cộng, như nha sĩ Bình, Liz cùng anh đến tham gia những buổi lễ quan trọng của Cộng đồng Oregon, mỗi cuối tuần từ Chehalis xuống Portland. Và trong những dịp ấy, chị mặc chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam kiêu sa, quấn trên cổ một dây choàng thêu hình cờ Vàng. Có khi được mời lên phát biểu cảm tưởng, chị không quên ca tụng “đồng hương” hải ngoại và nói chị thích nghe những bài hát Việt Nam. Khiến tập thể người Việt Tỵ Nạn quốc gia chống Cộng càng quý mến chị hơn. Quả vậy, Chúa Nhật 25/10, trong dịp Bình tổ chức lễ cầu nguyện cho chị tại tư gia, hai cô Vương Ngọc Lan và Mary Nguyễn, đại diện Ban Chấp Hành Cộng đồng Oregon, cũng đến tham dự.

3. Tất cả dường như hứa hẹn cho Liz một hiện tại đầy hạnh phúc và một tương lai đằm thắm với chồng, với con. Mặc dù, tôi biết, hạnh phúc thật không có trên cõi đời, bởi vì choáng ngợp trước ảo ảnh lừa phỉnh, có mấy ai còn để ý, nâng niu hạnh phúc bên mình, cho đến lúc tất cả vuột khỏi tầm tay, biến mất? Tất cả hứa hẹn cho Bình và Liz một đời bình an, thương yêu, gắn bó bên nhau. Nhưng vì đâu phải ra nông nỗi này, hả Trời? Vì sao, vì sao, vì sao, Chúa ơi? Cơn mê, hay cơn muộn phiền, nào đã khiến buổi sáng 10/10 ấy chị lặng lẽ bỏ nhà ra đi, không một lời vĩnh biệt, trong bộ đồ ngủ, chân không giày? Nỗi tuyệt vọng ghê gớm nào đã bắt chị ngồi ngắm thật lâu dòng sông Cowlitz –dòng sông mà sau đó đã cuốn trôi thân xác chị đi biền biệt, để cho “Oan kia theo mãi với tình / Một mình mình biết một mình mình hay” (Kiều)?

Than ôi!  Vì sao cùng buổi sáng đó, cùng giờ phút đó, anh Bội và tôi lên Seattle tham dự cuộc “Hội thảo về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều”, cũng chạy ngang qua exit 57, nơi mà chị đã bỏ xe lại, nhưng ngược đường, không thấy gì hết, không biết chi cả? Vì sao, chị không gặp được một người thân quen nào, và những cư dân Mỹ xa lạ quanh khu phố đã gặp chị, trong trạng thái bất thường, vô hồn, mà không ai gọi báo cảnh sát? Vì sao phép lạ đã không xảy ra để có ai đó chận lũ “ma đưa lối quỷ đưa đường / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” (Kiều), giùm cho chị?

Phải chăng, tất cả đó là Định Mệnh? Định Mệnh, ôi! Giờ này tôi chỉ còn biết trách Định Mệnh nghiệt ngã đã bắt chị đầu hàng, bất lực, nằm xuống trong cô đơn, thê thiết. Định Mệnh nghiệt ngã của những vở bi kịch Hy Lạp nhuốm màu huyền thoại cổ xưa, mà nạn nhân khốn khổ, bất hạnh, tiêu biểu nhất vẫn là Antigone, con vua Oedipe –người đã vô tình giết cha và cưới mẹ mình. Antigone, hay Dalida, hay Elizabeth, hay Ngô Đình Lệ Thủy, hay Ngô Đình Lệ Quyên, hay bất cứ mỹ nhân mệnh yểu nào, không có tội tình gì, ngoại trừ một tội là đã trẻ đẹp và đức hạnh, và bởi thế cứ bị Định Mệnh đeo đuổi mãi, không buông tha. Cũng như, lãng mạn hơn, Thúy Kiều bị “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.

4. Bây giờ, khi Liz không còn nữa, tôi mới chợt hiểu tại sao chị thích câu chuyện tình mà tôi đã bất ngờ kể cho chị nghe một lần, như tự tiềm thức, về nàng Dido trong tác phẩm của Virgil. Có lẽ chị bị quyến rũ bởi The Mourning Fields, Những Cánh Đồng Nước Mắt, dưới địa phủ, nơi mà những linh hồn mỹ nhân chết vì tình trú ngụ trước khi được đưa về Cõi Vĩnh Hằng. Nơi có những vạt cỏ myrtle xanh tận chân trời, những hàng bạch dương soi bóng bên dòng nước, những đám mây trắng lững lờ, và không gian thinh lặng cho ngày tháng muộn phiền khôn nguôi. Tôi tin rằng Liz trên dương thế đã sống trọn vẹn tình yêu cho chồng, cho con, và khi lìa đời đã mang theo trọn vẹn tình yêu ấy xuống tuyền đài, tức Những Cánh Đồng Nước Mắt.

Thôi, chị Liz ơi! Thôi hết rồi những ưu tư, phiền muộn. Thôi hết rồi những cơn mê, cơn đau Thôi hết rồi những tuyệt vọng ê chề. Hãy trả lại hết khổ lụy, hay hạnh phúc, cho đời. Chị đã được giải thoát, và cứu rỗi rồi. Tại bất cứ nơi đâu, trong Những Cánh Đồng Nước Mắt của Virgil hay trên Thiên Đàng rực rỡ, hãy ru giấc mộng lành ngàn năm, bình an, thảnh thơi, trong vòng tay rộng mở của Thiên Chúa nhân từ, luôn luôn yêu thương, luôn luôn tha thứ. Khác với Định Mệnh nghiệt ngã của những vở bi kịch Hy Lạp nhuốm màu huyền thoại cổ xưa.

Portland, 2/11/2015

Ngày Lễ Các Linh Hồn

Kim Thanh Nguyễn Kim Quý

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.