Hôm nay,  

Tuồng Hát Bắt Đầu

10/02/201500:00:00(Xem: 5177)

...diễn văn tràng giang đại hải, với chủ đề gần như duy nhất là... sỉ vả TT Obama...

Cuối tháng Giêng vừa qua, đảng Cộng Hoà (CH) tổ chức một họp mặt gọi là thượng đỉnh tại tiểu bang Iowa. Coi như là màn trình diễn khai mạc cuộc chạy đua làm đại diện cho CH trong cuộc bầu tổng thống năm 2016. Đặc biệt, đây được coi như họp mặt của những thành phần bảo thủ nhất của đảng CH, đại đa số là dân Mỹ trắng trung lưu.

Tính về dân số, Iowa đứng hàng thứ 30 ở Mỹ, với trên 3 triệu dân. Nhưng tính về ảnh hưởng chính trị thì lại là tiểu bang quan trọng nhất trong các cuộc bầu tổng thống, vì đây là tiểu bang đầu tiên có bầu sơ bộ trong nội bộ của cả hai chính đảng, vào tháng Hai năm tới. Một chiến thắng ở Iowa, hay ngược lại một thất bại tại đây, sẽ gây tiếng vang vĩ đại trên truyền thông, có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc bầu tại đại hội của cả hai đảng. Ta còn nhớ, ông nghị sĩ vô danh Barack Obama bất ngờ thắng tại Iowa năm 2008, hạ sát ván hai ứng viên hàng đầu là TNS Hillary Clinton và TNS John Edwards, cuối cùng đưa ông vào Tòa Bạch Ốc luôn.

Nói chung tiểu bang này phần lớn sống bằng nghề nông, tuyệt đại đa số là dân Mỹ trắng, tương đối có khuynh hướng bảo thủ. Cả hai thượng nghị sĩ đều là CH, trong bốn dân biểu thì ba là CH. Nhưng trong hai cuộc bầu tổng thống vừa qua, đều bầu cho Obama. Nhưng vấn đề không phải là cuộc bầu tổng thống tối hậu, mà là hai cuộc chạy đua trong nội bộ của hai đảng.

Bên phiá Dân Chủ, không có tin tức gì đáng nói vì không ai nghĩ sẽ có cuộc chạy đua nào bên DC. Bà Hillary ngồi nhà ôm cháu ngoại, không cần đi vận động nửa ngày cũng đương nhiên đại thắng, nếu bà quyết định ra tranh cử. Vấn đề nhức răng của đảng DC là làm sao tìm ra được vài đối thủ có ký lô chút đỉnh tình nguyện ra kamikaze với bà Hillary cho có vẻ đỡ nhằm chán, thu hút chú ý của cử tri chút đỉnh. Rồi có thể sẽ được bà Hillary tưởng thưởng cho chức phó. Ở đây, cần mở ngoặc: nếu bà Hillary vì bất cứ lý do gì không ra tranh cử, đảng Dân Chủ sẽ gặp đại hoạ vì chưa có ai sẵn sàng thay thế. Ông Phó Biden hoàn toàn vô vọng. Bà Elizabeth Warrens, TNS Massachusetts, một ngôi sao mới mọc nhưng thiên tả cực đoan gấp mấy lần TT Obama. Cựu TNS Jim Webb là một ngôi sao chưa bao giờ nổi bật, lại mang tội trước đây thân cận với Cộng Hòa, là Bộ Trưởng Hải Quân của TT Reagan.

Hết. Chưa thấy ai khác.

Tuồng hát vui vẻ nhộn nhịp là bên CH.

Gần một tá ứng viên CH đủ màu sắc từ thiên hữu cực đoan đến thiên tả tương đối đều tham gia buổ họp mặt tại Iowa. Đọc diễn văn tràng giang đại hải, với chủ đề gần như duy nhất là... sỉ vả TT Obama. Đây là chủ đề có thể nói duy nhất tạo đoàn kết nhất trí tuyệt đối trong đảng CH. Ở đây CH đáng ra phải cám ơn TT Obama, dù sao cũng giúp cái đảng ô hợp này có được ít nhất một yếu tố đồng thuận.

Đây là dịp gây tiếng vang lớn đầu tiên, nên phải làm sao cho mình nổi bật hơn mọi người khác, phải có những câu tuyên bố thật ngắn gọn, vài giây đông hồ thôi, nhưng phải nổi đình nổi đám để có thể được lên TV, dễ nhớ và dễ được truyền thông phổ biến lại.

Vài điều đáng nói về cuộc họp mặt này. Gần một tá chuẩn ứng viên có mặt, nhưng đều là ứng viên hạng hai hay hạng ba. Những ứng viên hàng đầu như Jeb Bush, Mitt Romney, và Marco Rubio không tham dự vì như đã trình bày, đây là cuộc họp mặt của những thành phần bảo thủ nhất của CH. Những ứng viên hạng thứ, bảo thủ nặng, cần đưa tên tuổi mình ra nhiều hơn nên bắt buộc phải có mặt, mấy người kia có quyền nán chờ thêm ít lâu, để tránh bị cháy quá sớm. Có hai nhân vật khá đặc biệt là bà Sarah Palin, cựu ứng viên phó của ông McCain năm 2008, và ông bác sĩ da đen Ben Carson. Cả hai đều được đưa lên hàng đầu, chiêng trống rầm rộ, chủ ý để chứng minh CH cũng có phụ nữ và dân da đen vậy.

Thú thật, không biết có phải vì thành kiến cá nhân gì không, nhưng kẻ viết này nhất định không tin bà Palin hay ông Carson có một mảy mai hy vọng nào. Ngay cả thống đốc Louisiana, ông Bobby Jindal –gốc Ấn Độ- cũng không có bao nhiêu hy vọng.

Lý do thứ nhất, phải thẳng thắn nhìn nhận phụ nữ và dân da màu khó có nhiều cơ hội trong đảng bảo thủ. Lý do thứ nhì quan trọng hơn, cả ba đều không phải chính khách có tầm vóc lớn. Bà Palin trước đây đã bị truyền thông đánh tan xương nát thịt, bây giờ vẫn mang đầy xẹo khắp người. Ông Carson là bác sĩ, tuy có lập trường chính trị vững chắc, nhưng không một chút kinh nghiệm trong chính trường gió tanh mưa máu. Có vẻ là người hơi quá chân chỉ hạt bột, hiền lành. Ông Jindal chỉ là thống đốc một trong những tiểu bang bị coi là chậm tiến, nghèo nhất nước, cỡ như Alabama, Mississippi thôi. Cả ba đều không có hy vọng đại diện cho CH ra tranh cử tổng thống, mà nếu có thành công đi nữa thì cũng sẽ bị bà Hillary ăn tươi nuốt sống.

Ta hãy thử duyệt xét lại những nhân vật chính bên CH xem ra sao. Phải nói ngay cho rõ, chưa có bất cứ một nhân vật nào bên CH chính thức tuyên bố ra tranh cử hết. Tất cả đều còn đang thả bóng thăm dò dư luận.

Trước hết bắt đầu bằng những nhân vật đã tham gia buổi họp tại Iowa. Ở đây, danh sách được đưa ra không theo thứ tự ưu tiên gì cả, chỉ là nhớ đến người nào trước thì viết trước thôi.

Ông Mike Huckabee. Đây là lần thứ hai ông cựu thống đốc Arkansas ra tranh cử tổng thống. Được ủng hộ rất tích cực và rất mạnh của khối công giáo bảo thủ, Southern Baptist. Nhưng ngoài cái khối này ra thì không còn bao nhiêu người ủng hộ. Cái thế của ông là ít người dám đánh ông quá mạnh, sợ mất phiếu khối Công giáo nhiệt tình này. Ông này không có hy vọng gì nhiều, nhưng chủ ý ra tranh cử để bảo đảm khối công giáo này có tiếng nói quan trọng, không ứng viên tổng thống nào có thể lờ là.

Ông Chris Christie. Đây là thống đốc tiểu bang cấp tiến New Jersey. Để có thể đắc cử tại đây, quan điểm của ông tương đối ôn hoà. Đã từng bị tố là quá thân thiện với TT Obama, nhất là sau trận bão năm 2008, khiến ứng viên tổng thống CH năm đó là ông McCain bị bối rối không ít. Ông từng là ngôi sao sáng của CH, nhưng bị vài vết xám. Thứ nhất là không có tướng tổng thống lắm vì mập quá cỡ, tuy đang cố gắng tìm cách giảm cân. Thứ nhì là tính tình nóng nẩy ăn nói mạnh bạo, ít tế nhị, dễ gây mích lòng, hay tạo mưa to gió lớn không cần thiết. Bù lại, ông là người có thể mạnh dạn lớn tiếng tấn công TT Obama. Quan trọng hơn, ông dính dáng vào xì-căng-đan kẹt cầu từ New Jersey vào New York. Cây cầu sinh tử này bị một đệ tử của ông chơi xấu, cho chặn hai lằn lưu thông khiến bị kẹt cả mấy tiếng đồng hồ trong mấy ngày liền để trả đũa việc ông thị trưởng thành phố không hậu thuẫn TĐ Christie khi ông này ra tranh cử năm 2012. Cuộc điều tra cho thấy ông Christie không dính dáng gì, nhưng dù sao cũng mang tội không kiểm soát được đàn em làm bậy.

Ông Ted Cruz. Đây là thượng nghị sĩ Texas, gốc Cuba, bộ mặt của phong trào cực hữu Tea Party, đắc cử năm 2010 khi cao trào Tea Party đưa vào quốc hội hàng loạt nghị sĩ và dân biểu chống Obama rất mạnh. Bảnh trai, ăn nói rất hùng hồn, ông này có khá nhiều hy vọng đắc cử trong nội bộ CH, nhưng sẽ là một đại hoạ nếu ra tranh cử với bà Hillary.

Ông Rand Paul. Đây là thượng nghị sĩ của Kentucky, đắc cử năm 2010 trong cơn sóng thần Tea Party. Con của ông Ron Paul, một chính khách thuộc loại gàn, đã từng ra tranh cử tổng thống không ai nhớ rõ bao nhiêu lần. Cũng giống như ông bố, thuộc khuynh hướng “tự do” cực đoan của khối “libertarian”, chủ trương giảm thiểu vai trò Nhà Nước càng nhiều càng tốt. Quan điểm cực hữu của ông Rand Paul chắc chắc sẽ có tiếng vang lớn như ông Ted Cruz trong cuộc bầu nội bộ của CH. Vấn đề là phiếu của khối Tea Party sẽ bị chia cho hai ông Cruz và Paul. Nhưng nếu ông Paul đắc cử làm đại diện cho CH trong cuộc bầu tổng thống năm 2016 thì CH có quyền đóng vai trò đối lập thêm 8 năm nữa.

Ông Rick Perry. Cựu thống đốc Texas năm 2012 ra tranh cử phạm nhiều lỗi khủng khiếp khó quên, như trong cuộc tranh luận, quên mất mình phải nói gì, cà lăm, ú ớ không ra tiếng. Lại chứng tỏ có tư cách, hành động và lời nói rất cao bồi của Texas. Cái tướng của ông trông rất giống anh cao bồi quảng cáo thuốc lá Malboro! Khi đó, ông ra tranh cử dựa trên thành tích kinh tế khả quan của Texas so với tình trạng kinh tế bết bát của cả nước. Nhưng năm nay, kinh tế Mỹ đã vươn lên lại phần nào, trong khi kinh tế Texas bị đe dọa nặng bởi dầu mất giá quá mạnh, có nguy cơ gặp khó khăn lớn. Lấy đi yếu tố kinh tế hùng mạnh của Texas thì ông Perry không còn lý do gì để được bầu.

Ông Scott Walker. Đây là thống đốc tiểu bang cấp tiến Wisconsin, một vùng xôi đậu hết sức quan trọng trong các cuộc bầu tổng thống. Ông Walker trước đây ít lâu nổi tiếng vì những biện pháp chống nghiệp đoàn, bị các nghiệp đoàn vận động đủ chữ ký để đòi bầu lại, nhưng ông vẫn thắng. Sau đó, tháng 11 vừa qua, lại thắng cử nữa. Việc ông Walker bất ngờ nổi lên như ngôi sao sáng nhất trong cuộc họp mặt tại Iowa, được hoan hô nồng nhiệt nhất, đã là một bất ngờ lớn vì trước đó, mọi người ít để ý đến ông. Điểm mạnh nhất của ông Walker: đã chứng tỏ khả năng đối đầu với nghiệp đoàn, và nhất là... một cái tên mới lạ, không cũ mèm như những Bush, Romney,... Ông Walker năm nay 47 tuổi. Hai chục năm nữa ông có ra tranh cử cũng vẫn còn nhỏ tuổi hơn bà Hillary bây giờ. Đây sẽ là một trong những nhân vật đáng lưu ý của CH trong những năm tháng tới.

Bây giờ ta bàn đến ba ứng viên khá nặng ký, nhưng đã không có mặt tại Iowa.

Ông Marco Rubio. Cũng là một tân thượng nghị sĩ đắc cử tại Florida trong cơn sóng thần Tea Party năm 2010. Nhưng ông này tương đối ôn hoà hơn hai ông đồng nghiệp Ted Cruz và Rand Paul. Ông là dân gốc Cuba, còn trẻ, ăn nói trôi chẩy và cũng nghiêm chỉnh, có tướng, cựu Chủ Tịch Hạ Viện Florida. Có thể được hậu thuẫn của khối dân gốc Nam Mỹ khi ông đưa ra một lộ trình giúp hợp thức hoá tình trạng di dân ở lậu, tuy không đi xa như đề nghị của TT Obama, nhưng cũng đủ để được khối dân gốc Nam Mỹ ủng hộ, và khối bảo thủ da trắng chống. Việc ông không có mặt tại Iowa chứng tỏ ông biết rõ khối này sẽ gây khó khăn cho ông khá nhiều. Lợi thế lớn nhất của ông là tiểu bang Florida là then chốt trong mọi cuộc bầu tổng thống. Nhưng đó cũng là cái kẹt lớn nhất của ông khi cựu thống đốc Florida, Jeb Bush, cũng ra tranh cử. Dân Florida sẽ phải lựa một trong hai. Sự nghiệp chính trị của ông Rubio phần lớn do ông Jeb Bush đỡ đầu. Bây giờ coi như là “đàn em” ra chống lại với “ông thầy”, nói theo ngôn ngữ Việt Nam ta. Quả là đau đầu.

Ông Jeb Bush. Một cái tên quá quen thuộc. Em của TT Bush 43 (con) và con của TT Bush 41 (cha), cựu thống đốc Florida. Ta sẽ có dịp bàn xa hơn về ông Jeb Bush trong những bài tới. Ngay bây giờ, chỉ cần biết ông Jeb là một câu hỏi rất lớn. Một mặt, ông là người có thể nói là nặng ký, với nhiều yếu tố thuận lợi nhất trong tất cả các chuẩn ứng viên CH. Chẳng những vậy, xét cho kỹ, ông Jeb cũng là một đối thủ nguy hiểm nhất, có thể hạ được bà Hillary bên DC. Mặt khác, ông cũng lại là người mang nhiều hành trang nặng nề nhất trong đám, và có ít hy vọng vượt qua cái ải bầu sơ bộ trong nội bộ nhất vì không được hậu thuẫn của khối bảo thủ cực đoan.

Đối với đảng CH, ông có cái tội lớn nhất là tương đối ôn hoà, chủ trương chấp nhận ân xá cho di dân ở lậu và chủ trương cải tổ giáo dục theo một đường hướng mà khối bảo thủ chống đối kịch liệt. Đối với đảng DC, cái tội lớn nhất là … cái tên Bush, nghe thấy là muốn nổi da gà. Lợi thế của ông là nắm chắc trong tay Florida và Texas, hai trong bốn tiểu bang lớn nhất nước, có hậu thuẫn mạnh trong khối dân gốc Cuba và Nam Mỹ, có thể kéo các tiểu bang gần vùng biên giới như New Mexico, Nevada, Colorado ra khỏi vùng ảnh hưởng Dân Chủ. Ông Jeb cũng được hậu thuẫn của khối độc lập ôn hoà đang lo sợ bà hoàng cấp tiến Hillary, một Obama thứ hai.

Cuối cùng dĩ nhiên là ông Mitt Romney. Sau hai lần thất bại, ông Romney thả bóng thăm dò xem có thể ra lần nữa được không. Nhưng phản ứng từ phiá CH đã tỏ ra bất lợi. Nhiều phụ tá thân cận của ông đã xé rào nhận việc với nhiều ứng viên khác rồi, nhất là với ông Jeb. Nhiều đại gia cũng đánh tiếng không hồ hởi hậu thuẫn ông nữa. Họ cảm thấy ba ông ôn hòa Romney, Bush và Christie, mà đều ra sẽ giết nhau, bảo đảm mấy ông cực đoan sẽ thắng. Ông Romney đã chính thức tuyên bố không ra tranh cử nữa.

Danh sách trên dĩ nhiên là chưa đầy đủ vì còn nhiều người khác cũng đang ngắm nghé, như TNS Lindsey Graham của South Carolina, người chủ chốt trong vụ đàn hạch TT Clinton, Thống Đốc John Kasich của tiểu bang then chốt Ohio, cựu TNS Rick Santorum của tiểu bang then chốt Pennsylvania, và cả tỷ phú tuồng chèo Donald Trump. Chưa kể từ giờ đến cuối năm, có thể nhiều người nữa nhẩy vào cuộc.

Ở đây phải nhắc lại là theo cách tổ chức bầu cử nội bộ, thông thường những ứng viên ôn hoà gặp khó khăn nhiều hơn các ứng viên cực đoan. Lý do giản dị là đi bầu tới bầu lui, nhiều lần, có khi phải tham gia họp hành, tranh luận, đầu phiếu liên tục hai ba bốn vòng, nhất là trong mùa đông giá lạnh, tuyết ngập đầu tại Iowa, New Hampshire, là những tiểu bang cực kỳ quan trọng vì có bầu cử sơ bộ trước tiên. Chỉ có những cử tri hăng hái, nhiệt tình nhất mới thấy hứng thú tham gia. Mà mấy cử tri loại này thường là cực đoan. Cực đoan bên tả trong đảng DC, cực đoan bên hữu trong đảng CH. Có nghĩa là tuy các ông Jeb Bush, Chris Christie có tiếng ôn hoà và có ít nhiều hy vọng thắng cuộc chạy đua với đảng DC, nhưng sẽ gặp khó khăn thắng cử nội bộ. Trong khi các ông Ted Cruz, Rand Paul cực đoan, ít hy vọng hạ phe DC, nhưng lại có nhiều hy vọng thắng cử nội bộ hơn.

Tình trạng này gây rắc rối lớn cho các ứng viên ôn hoà. Họ sẽ phải tỏ ra cực hữu trong cuộc bầu sơ bộ để có thể thắng tại đây, nhưng sau đó khi ra tranh cử chống DC, lại phải de lui, hay rẽ qua phiá ôn hoà hơn. TĐ Romney, tương đối ôn hoà, đã phải chuyển qua cực hữu trong cuộc chạy đua nội bộ, sau đó ra tranh cử chống TT Obama lại phải trở về ôn hoà lại. Đưa đến tình trạng bị tố là bất nhất, thời cơ chủ nghiã.

Điều đáng lo cho CH là ai cũng thấy rõ, một ứng viên bảo thủ cực đoan như Ted Cruz hay Rand Paul sẽ không có mảy mai hy vọng nào thắng được bà Hillary. Nhưng khối bảo thủ cực đoan dường như không thắc mắc lắm về chuyện đắc cử. Ưu tiên của họ không phải là thắng cử, mà là dương cao ngọn cờ bảo thủ, gọi là nghiến răng “bảo vệ chính nghiã” bằng mọi giá, kể cả việc chấp nhận thất cử, làm đối lập thêm 8 năm nữa.

Tóm lại, trong cái rừng chuẩn ứng viên, ta thấy thực sự có chừng nửa tá có hy vọng: Bush, Christie, Walker, Rubio, Cruz và Paul. Hai ông cuối cùng, cực đoan nhất, cũng lại có hy vọng thắng cử nội bộ khá cao, nhưng sẽ bị bà Hillary đè bẹp nát dễ dàng. Bốn ông còn lại đều nặng ký và có nhiều hy vọng hơn với bà Hillary. Nếu họ chịu ngồi chung lại với nhau thì hy vọng sẽ cao hơn, ví dụ như ông Florida Bush ngồi với ông Wisconsin Walker, hay ông New Jersey Christie ngồi với ông Florida Rubio, hay ông Walker ngồi chung với ông Rubio.

Một chuyện đáng suy nghĩ là trước viễn tượng khó hạ nổi bà Hillary, người ta sẽ thấy đảng CH chú tâm nhiều hơn vào lưỡng viện quốc hội, nhất là Hạ Viện. Chỉ cần CH nắm được Hạ Viện, tức là nắm hầu bao, thì có thể trói tay bà Hillary phần nào. Bà Hillary có thể là tổng thống những sẽ không làm được chuyện gì đáng nói, giống như TT Obama từ sau cuộc bầu cử năm 2010 đến nay, đã chẳng làm ăn được chuyện gì nữa, ngoài chuyện đi đánh gôn, đi tắm biển Hawaii, đi gây quỹ, rồi làm ẩu, ký sắc lệnh quá quyền hạn của mình. (08-02-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.