Hôm nay,  

Hồ Hữu Tường và Sứ Mệnh Giai Đoạn của Phụ Nữ Ý Thức Trong Giai Đoạn Đất Nước Sắp Chuyển Mình

22/08/201300:00:00(Xem: 11900)
Giai đoạn từ 1945 đến 1950 sách của Hồ Hữu Tường gây sôi nổi nhất, in đi in lại nhiều lần, từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Bắc, từ Saigon sang Paris, gây thành những cuộc bút chiến thú vị (với nhóm Chân Trời Mới về Hồ Hữu Tường bỏ hay vượt Marx, vấn đề văn hóa nhân bản, vấn đề Tân Xuân Thu, vấn đề hoài nghi trong quyển Thu Hương…).

Đại khái ta có thể kể tác phẩm của Hồ Hữu Tường:

Tương lai kinh tế Việt Nam (Hàn Thuyên)
Kinh Tế học nhập môn (Tân Việt)
Xã hội học nhập môn (Tân Việt)
Muốn hiểu chánh trị (Minh Đức)
Vấn đề dân tộc (Minh Đức)
Tương lai văn hóa Việt Nam (Minh Đức)
Nỗi lòng của thằng Hiệp (Lê Lợi)
Thu Hương (Sống Chung)
Chị Tập (Sống Chung)
Ngàn năm một thuở (Sống Chung)
(Phi Lạc sang Tàu)

Viết quyển sách nầy, chúng tôi không có tham vọng làm một cuốn văn học sử, cũng không có ý định tìm hiểu tất cả những vấn đề do một tác giả đặt ra, nhất là một tác giả có một sức học uyên thâm và đạt nhiêèu vấn đề như Hồ Hữu Tường. Chúng tôi chỉ chú ý đến phần đóng góp của các nhà văn tương đối xứng đáng cho giai đoạn 45 - 50 về văn chương tranh đấu, kháng chiến mà thôi, nên chỉ xin để ý đến hai tác phẩm tiêu biểu: Chị Tập và Thu Hương.

Với hai quyển nầy họ Hồ đã trình bày được vai trò của người Phụ Nữ Việt Nam trong giai đoạn đầu của cách mạng giải thực. Họ là những người ý thức và hoạt động hữu hiệu. Chị Tập tượng trưng cho phụ nữ bình dân lao động, nói theo nhóm Chân Trời Mới, đó là người của quần chúng và Thu Hương đại diện cho phụ nữ tri thức thành thị. Họ có điểm chung là theo kịp phong trào, đã hoạt động mạnh mẽ lúc ban đầu và cuối cùng đều bị loại ra ngoài vì giai đoạn của họ đã xong.

Người đàn bà xuất hiện trong lúc tác phẩm văn nghệ không phải là điểm mới, trong thơ văn chúng ta không thiếu những nàng tiên kiều diễm, với tình cảm phong phú. Người phụ nữ ý thức trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng cũng có nữa, một Ngôn của Sơn Khanh, một Phượng của Thẩm Thệ Hà, nhưng những cô gái nầy cuối cùng đều bị thất bại, thất bại vì chính thời thế (hay tác giả) bắt họ phải chịu cảnh thua thiệt. Còn Thu Hương hay Chị Tập ở đây bóng dáng tha thướt bị che lấp, tình cảm nhỏ nhặt, đặc biệt của đàn bà không còn, họ sống bằng lý trí sáng suốt, lành mạnh và cuối cùng họ không bị thất bại, mà bằng lòng rút lui vì cảm thấy giai đoạn mình đã vượt qua, không còn có thể đảm nhiệm vai trò lịch sử nữa, ở lại là thất bại là cản bước tiến của quốc gia.

Đại khái hai quyển nầy bố cục vững chắc, văn sắc, gọn, ý tưởng được trình bày minh bạch lý luận khá chặt chẽ.

Ngoài ra mỗi tác phẩm nhằm đặt ra một số vấn đề liên hệ trực tiếp với thời cuộc biến chuyển dồn dập lúc đó.

Tác giả không có mục đích làm văn nghệ để khêu gợi cảm quan người đọc. Do đó chúng tôi tránh dùng chữ nhà văn, mà chỉ gọi một cách giản dị: Tác giả Hồ Hữu Tường. Và chúng tôi cũng chú ý đến các vấn đề chánh hơn là cốt truyện và những tình tiết của nó.

Người Phụ Nữ Ý Thức trong tác phẩm của Hồ Hữu Tường.

1) Thu Hương, Người Con Gái Trí Thức Tư Sản Thành Thị.

Thu Hương làm một sinh viên trường thuốc Hà Nội, đảng viên của một đảng cách mạng bí mật. Khác với những người trang lứa cùng giai cấp, cô đã thức tỉnh, giác ngộ, mặc dù còn bị ràng buộc bởi bao nhiêu liên hệ chằng chịt. Nhưng đối với hành động có ý thức của cô, những nghi ngờ ngộ nhận của người khác giai cấp đều biến mất. Ta hãy nghe Tập nói: “Hồi nào đến bây giờ, tôi cứ tưởng rằng người dám hy sinh và có can đảm chỉ có bọn lao khổ của chúng tôi. Không dè, cô là người trưởng giả mà...” (trang 12)

Thật vậy, Thu Hương là một cô gái tuy rất đẹp nhưng liều lĩnh (hợp tác với đoàn khất thực để gây ảnh hưởng trong quần chúng (Chương IV), gan dạ (dám thi hành bản án ám sát giữa thành phố, ban ngày dám cướp sân khấu để tuyên truyền cho cách mạng giữa lúc đồng bọn của nàng quá ít oi (Chương IV), không chịu ép mình trong khuôn sáo cũ kỹ, lỗi thời mà can đãm dùng lý luận để cảm hóa, thuyết phục mẹ rằng con đường con đi là đúng trong giai đoạn nầy(Chương II ).

Tuy nhiên không phải Thu Hương liều lĩnh, gan dạ mù quáng, không tính toán gì hết, trái lại rất thận trọng trong hành động, mỗi khi hoạt động đều vạch ra một kế hoạch chu đáo chẳng hạn như kế hoạch ám sát nữ gián điệp địch (Chương I ), kế hoạch cướp sân khấu (Chương IV)…

2) Chị Tập, Người Con Gái Bình Dân, Lao Động.

Cuộc đời của Thu Hương dễ dàng, ít xáo trộn bao nhiêu thì cuộc đời Chị Tập phi thường và thay đổi bấy nhiêu. Tập bị đem bán khi còn nhỏ, vì nhà nghèo cực lại gặp năm đói kém. Năm mười sáu tuổi, lớn lớn một chút, xém bị chủ nhà hiếp dâm. Bị vu oan, Tập bị tù. Nhà tù là nhà trường của Tập. Tập làm quen với trùm móc túi, với mẹ mìn, với tụi buôn lậu, với đảng viên cách mạng.

Ra tù, Tập học buôn bán, học tổ chức, tuyên truyền, xách động bãi thị chống đối, theo phường xiệc, học nghề cỡi ngựa quăng dây, giao thiệp rộng với đám nhà văn, nhà báo, tổ chức buôn á phiện lậu và khí giới lậu, làm luôn nghề thổ phỉ, rồi lập chiến khu, cướp khí giới Nhật, xây dựng lực lượng thành một vùng độc lập to rộng.

Không phải thời thế đưa Chi Tập lên nắm những vai trò đặc biệt đó, chị là người có thực tài, học mau biết, mau thành tài, có trí xét đoán, có tổ chức, có khả năng điều khiển, biết hoạch định chương trình và nếu cấn thì liều lĩnh để thực hiện cho được chương trình đó.

Vài Vấn Đề Đặt Ra Trong Bộ Gái Nước Nam Làm Gì?

Hồ Hữu Tường là cây bút phong phú, ông đặt ra rất nhiều vấn đề cho người đọc, đại khái ta có thể kể sơ lược:

I) Đánh Thức Lương Tâm Con Người.

Ông kêu gọi mọi người thức tỉnh bằng cách trình bày những thảm trạng do tình trạng bị thống trị đem lại.

Điển hình là nạn đói năm 1945 ở Bắc. Hàng triệu người là nạn nhân. Ai gây ra những thảm cảnh đó? Chắc chắn không phải là dân tộc nạn nhân rồi. Tác giả trút hết tội trạng cho bọn phát xích Nhật. Tranh đấu là chống Nhật. Tác giả trình bày những thảm trạng cho chúng ta nhận diện rõ rệt bộ mặt của kẻ thù chính của dân tộc. Đoạn văn tả nạn đói, ngắn nhưng cực kỳ cảm động, bi đát. Đọc xong, chúng ta thấy cấn phải có một phản ứng, một thái độ, chớ không thể dửng dưng. Chúng ta phải làm một cái gì ? Độc giả biết đặt câu hỏi như vậy tức là tác giả đã thành công trong việc thức tỉnh mọi người:

“Bây giờ phố nào cũng dẫy đầy người đi xin ăn. Người ? Không phải. Đó là những bộ xương có một lớp da vừa mốc, vừa nhăn, bọc lấy, không thể phân biệt đàn ông hay đàn bà. Họ không có quần áo che thân, chỉ có hoặc một manh vải rách, hoặc một miếng bố vụn, hoặc một miếng lá to, để che một chút.

Kẻ còn sức sống, thì gượng gạo bước run run, bu quanh người làm phước. Kẻ yếu hơn thì lết, giương cặp mắt tròn xoe mà không sáng, với giọng khàn khàn, kêu gọi lòng nhân từ của người đi đường. Xa xa, có một cái xác không lết nổi, không ngồi nổi, không kêu nổi, cũng không mở mắt nổi, chỉ có thể lắc bàn tay, để tỏ rằng mình còn chút đỉnh hơi sống trong mình... và ai đã sẵ lòng cứu thì may ra, hãy còn mong cứu được.

Thỉnh thoảng có xe lượm xác chết đẩy qua. Kẻ đẩy xe cũng là những bộ xương, như mấy bộ xương nằm trên xe. Nhưng còn một chút sinh lực, nên người ta cho ăn khá hơn, đê làm cái công việc khó mướn người làm được.

Đã trưa rồi mà nhiều phố chưa được xe lượm xác đi ngang qua. Thấy vẫn còn nằm nơi vỉa hè. Một vài bà mẹ đã trút linh hồn hồi nào, mà đứa con đói hãy còn nút chùn chụt cái vú teo nhách và lạnh ngắt.” (Thu Hương, trang17 - 18)

Bởi vậy, ngồi yên rồi mai mốt cũng tới lượt mình, thà vùng dậy còn hơn.

“Người Nhật tàn ác không nề hà gì mà chẳng giết chóc. Trong trí nàng hiện ra hình ảnh của mấy chục chiến sĩ bị bắt, cột thúc ké vào những cây nọc, đàng kia có một tốp lính nạp súng nhắm bắn.” (Chị Tập, trang 31) Ngoài ra còn khủng bố, đàn áp. Những chiến sĩ lọt vào tay họ thì thế nào cũng bị bắn hay bị khổ sai chung thân (Chị Tập, trang 30).

2) Gây Dựng Lực Lượng.

Trong Thu Hương và Chị Tập, Hồ Hữu Tường đều cho rằng có thể vận dụng mọi phương tiện, miễn đạt được kết quả thì thôi, dùng phương tiện nào cũng được hết, miễn là đoạt được mục đích mà thôi (Chị Tập, trang 28). Muốn lực lượng lớn mạnh phải liều lĩnh. Nhiều lúc, Thu Hương vượt ra khỏi khuôn khổ và bị các bạn đồng hành xử khiếm diện. Nhưng nhờ liều lĩnh, nhiều sáng kiến tân kỳ, Thu Hương đã thành công rực rỡ và đã đem về cho đoàn thể nhiều ảnh hưởng trong quần chúng (Thu Hương, trang 32).

Đoàn thể của Chị Tập càng ngày càng đông, phải trang bị súng ống cho họ, vì đó là chuyện cần thiết để thúc đẩy lòng hăng say của mọi người. Cho nên Chị Tăp khổ công lập kế và đích thân điều khiển công việc cướp khí giới của bọn Nhật, “cướp được rồi thì chỉ riêng về mặt khí giới các chiến sĩ rất hài lòng mà thấy mình bây giờ đã được làm chủ mấy liên thanh và một cây cao xạ nữa” (trang 60).

Súng ống không đủ phải tìm thêm người đồng tâm đồng chí với mình, và Tập đánh liều về Hà nội, giả làm một chị buôn bán ở chợ Đồng Xuân để tuyên truyền và tổ chức một mớ đồng chí mới (trang 90).

Có lực lượng rồi những vấn đề khác cũng đặt ra. Phân công là việc cần (trang 88) nhưng cần phải biết đường lối chung để hòa nhịp với việc làm của đoàn thể (trang 88 ) do đó ta thấy công việc tổ chức Tập giao cho những người trắng trẻo ở xa thành xuống, còn nàng, nàng chỉ lo việc của một nữ tướng...

3) Tổ Chức Đánh Du Kích Làm Tiêu Hao Lực Lượng Địch.

Tập giữ việc tổ chức thành những đội dân quân rất giỏi về việc đánh lẩn núp trong rừng núi (trang 72).

Ta thử đọc ít dòng của Hồ Hữu Tường bàn về lối đánh du kích (hay phục kích cũng vậy).

“Ta lấy ít mà đánh đông, lấy dự bị mà đánh không dè. Thì phải dựa vào địa hình. Bí quyết là chỗ đó. Một lần ở suối, Chị Tập chọn một cuộc đất mà bọn nghịch có bắn lại cũng không trúng ta được. Vì ta núp dưới suối cũng như núp trong hầm trú ẩn.

Ta lại ở trong một cái bụi che kín mà còn có mô đất to đỡ cho. Còn bên địch thì ở nơi trống trải, ngay tầm súng của ta, lại không thoát đường nào được. Còn như lần mà mình núp trong hang đá, do một kẹt đá mà bắn ra, thì dầu cho trẻ con cũng bắn chết hết địch quân. Bí quyết của phép du kích là chọn địa hình thuận cho mình thì phần thắng đã nắm được chín chục phần trăm rồi. Nhưng phải chờ cho quân nghịch lọt đến chỗ ấy mới đánh được” (Chị Tập, Trang 94).

Không phải chỉ lý thuyết suông, trong quyển Chị Tập ông đã mô tả một cuộc phục kích của hai người với toán tám tên lính Nhật và cuộc đột kích cướp súng giặc. Đánh mau đánh mạnh phối hợp với những hiểu biết rõ ràng về địa hình, các chiến sĩ cách mạng đã thành công vẻ vang. Căm phẩn để lên đường, gây lực lượng, làm tiêu hao địch đó là những vấn đề quân sự. Vấn đề chánh trị cũng không qua khỏi mắt của Hồ Hữu Tường.

4) Cải Cách Những Gì Đáng Sửa Đổi.

Quần chúng thường dốt nát. Tâm lý chung là cầu an. Phải khiến cho họ thức tỉnh. Khổ nhứt là người mù chữ còn rất nhiều. Giải quyết vấn đề nầy mới có thể xúc tiến việc gây ý thức cách mạng được. Công việc tích cực gồm vào việc truyền bá quốc ngữ, phổ thông những bài hát hùng hồn...(Chị Tập, trang 72 ). Nhưng đây không phải là việc dễ, truyền bá quốc ngữ thì dễ vì có cái gì mới lạ, và nhất là không va chạm đến tín ngưỡng, nên dễ đi sâu vào dân chúng, còn những hủ tục thật là khó lòng vì đó là những việc mọi người lâu nay đều tin rằng đúng, đều coi là một vấn đề không cần bàn cãi nữa, bây giờ đột nhiên có người đề nghị bỏ thì bị phản đối là chuyện dĩ nhiên. Mấy lần cố gắng bỏ đi (hủ tục) đều bị thất bại, mà dân chúng thêm không ưa và phản đói lại kịch liệt là khác. (trang 73).

Nhưng chuyện chánh là đặt thành vấn đề, hễ đặt ra được rồi thì có cơ hội giải quyết, huống chi vấn đề nầy nhỏ, nằm trong vấn đề lớn hơn, gây ý thức cách mạng, và rồi những người mới đã biết đã làm được nhiều chuyện có kết quả. Trước kia công việc luộm thuộm, bê trễ bao nhiêu thì ngày nay rành rọt, đàng hoàng bấy nhiêu (trang 77).

5) - Kết Hợp Các Đảng Phái Quốc Gia Để Thống Nhất Hành Động.

Hồ Hữu Tường đã vạch cho ta thấy sự phân hóa trong hàng ngũ quốc gia lúc đó rồi ông vạch cho thấy vấn đề là phải kết hợp để hành động có hiệu quả.

Thật vậy, dù đeo đuổi một mục đích, nhưng lại có quá nhiều xu hướng chính trị. Chúng ta không có một đường lối chung để hoạt động. Quyển Thu Hương có thể tố cáo Việt Minh đã khủng bố, đàn áp các đảng phái khác, cũng có thể vạch cho chúng ta cái nguy cơ của một hàng ngũ phân hóa trầm trọng.

Tác giả giản lược vấn đề và nói đến tình trạng phân hóa của các đảng phái cách mạng thời đó, chớ chưa bàn đến hậu quả:

Đối với nạn đói đang hoành hành ở miền Bắc nước Việt, các đảng phái chia ra làm ba xu hướng. Xu hướng cách mạng chủ trương nên mượn cảnh đau khổ và bực tức của dân mà đưa ra những khẩu hiệu cấp tiến hầu lôi kéo quần chúng vào phong trào cách mạng: Khai vựa lúa của nhà giàu để chia cho dân đói, chống việc thu thóc nạp cho quân đội Nhật, đòi nhà binh Nhật trả hết những chuyến xe lửa để tiếp tế gạo cho miền Bắc... Xu hướng cải lương và ủng hộ Nam triều lại đưa chính sách dĩ công vi chẩn muốn nhà nước bỏ tiền mở những việc khai thác lớn, để cho dân nghèo làm lấy đồng lương mua gạo ăn đỡ đói... (Thu Hương, trang 21)

Hậu quả trước nhất của sự phân hóa hàng ngũ là lực lượng suy yếu và công việc trì trệ. Nếu đứng trên bình diện quốc gia, ta sẽ thấy những lủng củng nội bộ có thể đưa đến những vụ thanh toán đẫm máu như lịch sử đã chứng minh sau nầy.

Thấy vấn đề rồi, Hồ Hữu Tường đưa ra cách chữa trị.

Tuy việc nầy chưa được tác giả trình bày đầy đủ, nhưng chúng ta có thể thấy được:

Sự liên lạc khá mật thiết giữa nhóm cô Châu với nhóm Chị Tập, giữa nhóm hoạt động nội thành với nhóm hoạt động trong chiến khu, suy rộng ra là sự hợp tác chặt chẽ giữa các đảng phái cách mạng để thống nhất đường lối hành động. Sự xung đột giữa các đảng phái chỉ có khi mà cuộc cách mạng gần hoàn thành, khi thấy dấu hiệu thắng lợi. Phải ở trong hoàn cảnh khốn cùng, nguy ngập, họ mới hợp tác với nhau để cùng chống một kẻ thù. Nhưng sự hợp tác nầy thường có tính cách giai đoạn, miễn cưỡng. Hợp tác nhằm bảo vệ quyền lợi đảng phái hơn là nhằm mục đích phục vụ quyền lợi tối thượng của đất nước. Tác giả không kêu gọi, nhưng ta phải nghĩ đến một sự hợp tác chân thành giữa phe phái cách mạng. Không lẽ cứ duy trì kẻ thù trên đất nước nầy để cố giữ tình trang hợp tác lỏng lẻo đó sao? Vấn đề nầy không phải là vấn đề khó, nhưng là vấn đề vô cùng quan trọng. Và điểm đặc biệt là vấn đề đó không phải chỉ đặt ra cho năm 1945, hay cho giai đoạn 1945-1950.

“Bọn cường hào à? Không sợ! Chúng tôi có đủ khí giới để trừ. Bọn lính Nhật à? Thì đến chiều, chúng nó mới kéo đến được. Chúng nó ở xa lắm. Mà đã có Chị Tập dẫn một toán người phục một chỗ, để chận lại rồi” (trang 79).


6) Khuyết Điểm Căn Bản Của Trí Thức Tiểu Tư Sản Thành Thị.

Đa số, dầu được hoàn cảnh chiều đãi, nhưng đã sớm thức tỉnh và tham gia cách mạng.

Họ là những nhà văn (Lạp, Phồn), là sinh viên. Sự liều lĩnh, táo bạo của Châu, của Tập, của Thu Hương có thể đem đến những kết quả rực rỡ trong những lần đầu, nhưng quá nguy hiểm, nhứt là những lần sau.

Nhưng điểm buồn cười hơn hết là sự liều lĩnh, táo bạo, nông nổi, nhiệt thành đó lại không phải là đặt tính của đàn ông. Mà là của Châu, của Thu Hương, của những người bạn gái của hai cô nầy.

Những người đàn ông trí thức tiểu tư sản thành thị lại khác, cốt cách vẩn giữ nguyên. Ta tưởng đó là một nghệ sĩ có tâm hồn cách mạng hơn là chiến sĩ cách mạng.

“Lạp châm rãi đánh diêm, ngọn lửa bật lên trong lòng hai bàn tay cong che lại, kê gần vào đàu ống điếu ngậm xề xề bên cạnh mồm, hít mấy hơi thuốc lá, ném que diêm xuống đất, dẫm lên để dập tắt. Bao giờ Lạp cũng hút thuốc một cách chậm rãi nghệ sĩ?, không khác gì một nhà nho xưa pha trà...” (Thu Hương, trang23).

Cốt cách đó là cốt cách của một chính khách sa lông, sâm banh hơn là cốt cách của một chiến sĩ cách mạng nhiệt thành.

Ngoài ra, những trự nầy chỉ là một nhà cách mạng trên lý thuyết hơn là cách mạng bằng hành động. Họ bàn cãi nhiều quá. Rồi chỉ có mình Khuê lên đường, vì tông tích bại lộ. Còn Lạp, Phồn vẫn làng nhàng, quí phái, sang trọng, ở lại, vì mình không có hành tung gì khiến cho hiến binh Nhật nghi ngờ. Họ cũng tham gia cách mạng, nhưng sự thực đang trùm chăn, chờ “Đã hai năm nay, tôi thấy anh tò mò đọc sách, học lý thuyết, mà không làm gì được, tôi đã phát ngấy rồi. Nếu phải làm mọt sách như anh, thà tôi chịu nhịn.” (Thu Hương, trang 40)

“Phong trào sẽ đến với mình... Thế rồi các bạn chờ phong trào đến. Chờ....chờ mãi mà phong trào không thấy đến trong khi đó làn sóng dân tộc thì càng ngày càng dâng lên.” (Thu Hương, trang 42).

Ngoài ra, họ lại thích ngồi lải nhải, nói cà kê dê ngỗng, hơn là đóng góp thật sự vào cuộc cách mạng bằng hành động thiết thực của mình. So với nữ giới, như Thu Hương, như Chị Tập, bọn đàn ông còn kém xa lắm. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là dụng ý của Hồ Hữu Tường hơn là một sự thật. Nếu đó là sự thật, thì nó chỉ là sự thật đối với một mình ông mà thôi.

c) Vấn Đề Vai Trò Giai Đoạn Của Phụ Nữ.

Những tác phẩm không phải chỉ giản dị có vậy. Ông Hồ Hữu Tường còn đặt ra những vấn đề khác có liên quan trực tiếp đến thời cuộc. Ông đặt ra lơ lửng vậy thôi. Không có một giải đáp nào hết. Và cũng chính những điều đó làm cho những người đang hăng hái chiến đấu phải hoang mang, trước nhất là Thu Hương. Có những vấn đề cao quá, lớn quá, vượt tầm vóc của cô. Như những mẩu chuyện trao đổi dọc đường bằng tiếng Tây giữa ông cao và ông lùn. Vấn đề bế tắc vì không nằm hẳn trong biên giới quốc gia. Ông lùn tin tưởng vào vai trò của một lực lượng thứ ba, có lẽ ông nhìn đúng. Ít nhất là lúc đó. Theo ông thì sự giải thoát cho loài người phải là trị (trang 96). Ông chỉ mới gợi ra. Những người nhiệt tâm yêu nước nhưng kiến thức ít ỏi, mong mỗi ông vạch cho họ một đường hướng hợp lý để theo đuổi, thì ông lùn trốn sang Tàu. Công cuộc sẽ khó khăn hơn vì ông vừa mớm cho họ một vấn đề mới nữa. Mọi người thắc mắc tự hỏi tương lai dân tộc đi về đâu, và bây giờ hình như con thuyền quốc gia vẫn còn bềnh bồng. Người đọc vẫn thấy tác giả phân vân. Nông dân, thợ thuyền hay trí thức tiểu tư sản lãnh đạo cuộc tranh đấu nầy? Xem bề ngoài là những người quen sống trong cảnh trưởng giả, ăn sung mặc sướng nên mặt mũi trắng trẻo, da tay non, da chân mỏng, nhưng khi làm việc thì họ thích chịu khó, tìm nhọc và luôn luôn tỏ mình là người gương mẫu từ trong những hành vi nhỏ nhặt (trang 75).

Phân vân nhưng cuối cùng ông cũng đặt thành vấn đề:

Trong bộ Gái Nước Nam Làm Gì, Hồ Hữu Tường coi Thu Hương, nhóm trí thức tiểu tư sản như Thu Hương, chỉ là người của một giai đoạn ngắn ngủi. “Rồi lịch sử biến chuyển, vai trò của họ sẽ chấm dứt. Quá trình của Chị ấy, là quá trình của các bậc tiên thanh của phong trào cách mạng. Họ giác ngộ cách mạng bằng lý trí. Ở thời bình họ là những thủ lãnh, những nhà lý thuyết. Nhưng phong trào quần chúng đang lên, phong trào lần lần sa thải họ ra ngoài.” (trang 110). Và Chị Tập cũng không hơn gì, chị phải chịu cảnh như Thu Hương, chị cũng chỉ là một nhân vật giai đoạn.

“Mỗi thời đại có một nhân vật. Thời đại của Tập là thời đại của một đoàn thể có tổ chức và khởi đầu một việc gì.” (trang 76). Sang một giai đoạn khá, Tập không thích hợp nữa. Tập chỉ rành công việc điều khiển chiến sĩ. “Bây giờ nàng hoàn toàn là một nữ tướng.” (Chị Tập, trang 76).

Tập hết sức thành thật với mình khi bảo rằng. “Tôi tự xét không đủ sức cầm đầu một vùng to rộng và cai trị dân chúng như một chánh phủ được. Vậy yêu cầu anh em nhận lấy trách nhiệm nặng nề ấy và trù liệu việc về sau.” (trang 76). Và vai trò của Tập ngày càng lu mờ, mặc dầu uy tín vẫn còn. Nhưng cuối cùng với sự xuất hiện của cô Châu, Tập cảm thấy rằng trong cái màn lịch sử tới đây những nhân vật hoạt động hơi cổ điển như mình phải nhường bước cho những nhân vật chọc trời khuấy nước... như cô Châu chẳng hạn (trang 76).

Nghĩa là tác giả đặt những nhân vật trước những hoàn cảnh bế tắc mà họ không thể nào làm khác hơn được để ông dễ phơi bày tư tưởng mình. Bình dân, thất học như Chị Tập hay trí thức thành thị như Thu Hương chỉ là giai đoạn, giai đoạn đầu tiên của phong trào mà thôi.

Họ gầy dựng phong trào rồi phải rút lui để nhường chỗ cho người khác. Tập thấy mình lỗi thời, có lẽ nên nhường lại cho thế hệ cô Châu, cho những người như Châu. Thu Hương thấy mình phải rút lui, nhường vai trò lịch sử lại cho ông lùn.

Chúng ta thấy có một sự chuyển hướng. Niềm tin của Hồ Hữu Tường vào vai trò lịch sử của nông dân (Tập, Phan) của thợ thuyền (Chương) của giới trí thức trung bình (Thu Hương) không còn mãnh liệt như trước. Mặc dầu không bao giờ ông nghi ngờ lòng yêu nước chân thành của họ. Họ đóng góp rất nhiều trong công cuộc kiến tạo lịch sử, nhưng họ chưa đủ khả năng lãnh đạo. Phải có một thành phần khác.

Ta chưa nắm được những nguyên do chắc chắn đưa đến sự chuyển hướng đó. Dầu sao sự nhận xét của Hồ Hữu Tường cũng hữu lý, giới trí thức thành thị của ông dễ dàng nắm vững mọi vấn đề, có nhãn quan bao quát lịch sử, nhưng vấn đề quan trọng là họ có được trang bị bằng tâm hồn yêu nước và tinh thần quả cảm, để có thể đảm nhận vai trò một cách dễ dàng hay không?:

Người đọc nhận thấy Hồ Hữu Tường đặt thành vấn đề nhưng ông hãy còn do dự, ông không tin tưởng hẳn lớp người trí thức. Trí thức thành thị thích lý luận hơn là hành động. Có lần ông đặt vào miệng cô Châu bảo họ là một thứ mọt sách. Thật vậy họ thanh đàm sôi nổi với nhau nhiều lần về nhiều việc hết sức to lớn, rộng rãi của con người lý thuyết: giữa Lạp và Phồn, giữa ông cao và ông lùn. Và hết bộ Gái Nước Nam Làm Gì, ta cũng không thấy họ thực hành lý thuyết của mình.

Thật ra sứ mệng giai đoạn hay trường cửu không đáng quan tâm. Không có vấn đề phân chia thành phần giai cấp, quyền hành. Toàn dân tùy theo khả năng, phải tích cực góp phần kiến tạo lịch sử. Người có khả năng lãnh đạo thì đứng ra chỉ huy, không cần tìm hiểu coi họ thuộc thành phần nào, chỉ cần biết họ có phục vụ hữu hiệu không? Bởi vậy Tập cũng không có tự ái trẻ con, không một chút mặc cảm, trái lại có thái độ hiểu biết đối với công cuộc lớn. Nàng thấy rằng không phải vai trò lịch sử của mình hết rồi, mà có lẽ việc lãnh đạo nên để cho người khác, có khả năng hơn.

Thu Hương cũng vậy, thấy vấn đề do ông lùn đặt ra có vẻ đúng, cô suy nghĩ, suy nghĩ nhiều quá cô bị bệnh. Quyển Thu Hương cũng kết thúc ở đây. Tôi không quá khắc khe như Tam Ích để nói rằng vấn đề ông lùn đặt ra làm cho Thu Hương bịnh, cô bịnh bởi vì trong thâm tâm cô thấy cái trí thức, khả năng của mình chưa đủ và cô muốn nhường cho những người như cở ông lùn. Bịnh của cô là một cớ hay nhất để chối bỏ vai trò sắp tới của cô, thấy rằng cô không thể đảm đương nổi.

Tuy có nhiều tác giả chấm dứt quyển truyện hơi sớm, sau khi vạch ra cho thấy một vấn đề hào hứng hơn. Người trí thức cỡ ông lùn nắm giai đoạn khó khăn đó sẽ làm được tới đâu, thực hiện những gì, những kiến thức của ông về tình hình thế giới có lèo lái nổi con thuyền quốc gia không? Ta không thấy ông Hồ Hữu Tường trả lời dứt khoát. Có lẽ đối với nền văn chương tranh đấu, bao nhiêu đó đủ rồi. Nhưng đối với việc tìm hiểu con người Hồ Hữu Tường thì bấy nhiêu đó thôi chưa đủ. Ta vẫn tiếc ông không có dịp bàn lại vấn đề này nữa, dầu cho sau đó cả ba bốn mươi năm!

Trở lại ông lùn. Ông nầy là ai, biết nói tiếng Tày, biết rành chuyện thế giới. Ông không có bề ngang, ông đoán được tương lai, ông xuất hiện một lần trong quyển Chị Tập khi ông đoán biết trước Trùng Khánh sẽ không có xăng để chạy xe hơi, ông muốn mở kỹ nghệ làm máy xe chạy bằng củi, ông xuất hiện một lần trong Ngàn Năm Một Thuở với tướng ngũ lộ của Khổng Minh, ông lại giỏi việc pha trò, ngay cả việc pha trò với một thiếu nữ ân nhân xinh đẹp đã kiếm phương tiện cho ông ra Hà Nội, cho ông vượt biên giới.

Còn ai trồng khoai đất nầy ?

Trong giai đoạn chót, chính những người như ông sẽ đứng ra đản nhận trách nhiệm lịch sử. Nhưng chắc gì mọi người tín nhiệm! Ông là người sáng suốt, nhưng mà hình như không có một lập trường vững chắc. Ông nhảy từ đệ tam sang đệ tứ, rồi ông chối bỏ Cộng Sản, rồi ông sang ở bên Tây. Phải chi còn một giai đoạn chót nữa, để rồi ông cũng bị thay thế, ông cũng như một người giai đoạn, thì chúng ta có thể tạm thời chấp nhận lập luận của ông. Nhưng tiếc thay, giai đoạn của ông là giai đoạn chót, giai đoạn vinh quang, thắng lợi.

Hồ Hữu Tường là một tấm kiến đắt tiền, người phụ nữ soi vào thấy mình lộng lẫy hơn, khám phá những nét đặc biệt vốn tưởng rằng mình không có. Nếu không quá khắc khe, ta có thể nghĩ tác giả đã giản lược sự có mặt của thanh niên tới mức tối đa, để nhường tác phẩm cho phụ nữ giữ vai trò chủ động. Nếu nhân vật đàn ông có mặt, thì rất tầm thường, không có lấy một khả năng đặc biệt nào cả. Đặt Chương bên chị Tập, để cho thấy Chị Tập đẹp hơn, cao quí hơn nhiều. Tác giả dùng tác phẩm để khích động tâm lý phụ nữ. Hơn nữa, người phụ nữ cổ điển, nhất là người đàn bà quê mùa thường bị bỏ rơi, không ai đếm xỉa, ngó ngàng gì tới. Tác giả chứng minh rằng họ vốn có thật tài, có tấm lòng, có tinh thần, có thể biểu dương được truyền thống Trưng Triệu vàng son. Và họ cần thiết phải có mặt trong những cuộc vận động lịch sử.

Nhằm mục đích trên, nên Hồ Hữu Tường trình bày Chương (nhân vật đàn ông duy nhất trong Chị Tập) là một thanh niên hết sức tầm thường (55). Hãy xem:

“Hơi núi lạnh làm cho Chương càng thấy đói.” (trang 7, là một thứ đàn ông rú rườn, ít hoạt động lại rất mau đói).

“Anh Chương ơi! Hỏa đầu quân ơi! Chương vội vã chạy ra lôi vào một con nai to tướng.” (trang8, Chương không làm gì hết, ngay cả việc chạy kiếm đồ ăn, chỉ ở ru rú trong nhà nấu cơm và rất dễ bảo.)

Chương bị chê bai đủ điều:

“Thật là Lý Toét trăm phần trăm.”(Chị Tập, trang9)

“Chúng ta đi mai phục, chận tốp lính Nhật nầy đánh cho tan đi mà giựt một mớ súng. Anh chưa biết bắn, chịu khó rú rườn vậy!” (trang 145)

Theo Chị Tập vào chiến khu đã lâu, Chương vẫn chưa lập được một chiến công nào hết, chưa làm chuyện nào coi được hết, ngay cả chuyện bóp cò, bắn súng. Chương là một thứ đàn ông-đàn bà ở trong đám đàn bà-đàn ông là cô Châu, là Thu hương, là chị Tập.

“Lần thứ nhất Chương được ôm súng mà “bay công tác”. Tuy rằng khi về nhà, chàng cũng nhiều lần mân mê nó cho quen, song chàng chưa được lảy cò lần nào... Nay chàng mới được làm chủ một cây súng mình đeo rất nhiều bì.” (trang 47)

Thật ra, tác giả viết tác phẩm nhằm trình bày một chủ đích, nên nhiều chỗ đã thổi phồng hay hạ giá nhân vật một cách quá đáng. Chị Tập, có thể có được trong giai đoạn đó, nhưng là một con người quá phi thường. Mặc dầu tác giả đã khéo léo tạo hoàn cảnh để giải thích rằng những khả năng thật của Chị Tập, những lối suy tư của chị, không phải là ảo tưởng.

Hồ Hữu Tường đã thổi phồng Chị Tập. Chị Tập là cô gái quê hiền lành, vì hoàn cảnh, thời cuộc đưa đẩy trở thành một người ngang tàng, lắm bản lãnh. Đồng ý Chị Tập thuộc thành phần giác ngộ, nhưng chị tập là mẫu người đặc biệt, không thể tiêu biểu cho chị em quê mùa lúc đó. Chị Phan thích hợp hơn. Nhưng chi Phan giữ một vai trò xoàng xĩnh quá.

Ngoài ra, vì ông viết với một chủ đích rõ rệt, trình bày tư tưởng của mình là đề cao phụ nữ trong vai trò giai đoạn, chủ đích đó cần phải đề cao phụ nữ thì ông đề cao, nhưng thâm tâm vẫn không coi ra gì nên nhiều khi ông mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa một ý kiến của một nhân vật với nội dung khá đẹp của bộ Gái Nước Nam Làm Gì.

Sự mâu thuẫn nầy làm sụp đổ những công trình mà ông Hồ Hữu Tường đã tốn công dựng lên.

Ta hãy nghe một nhân vật của ông lý luận: “Hễ gặp thối trào cách mạng, gái chỉ là những cái gì làm cho vướng víu, làm cho sa ngã. Thì cũng không trách chi văn nhân của thời phản cách mạng đã nhìn họ với cặp mắt trách móc, và đem rắn độc mà tượng trưng cho họ. Nhưng đến lúc phong trào lên, chính bạn gái là một thứ men làm sôi nổi mãnh liệt những tình cảm của mình mà giục mình vào đường phận sự.” (trang 59-60)

Nói như Khuê trên đây, thì nữ giới chỉ đứng bên lề, hoặc dõi mắt trông theo, hoặc reo hò cổ võ chứ không trực tiếp tham gia vào cách mạng được. Như vậy làm sao giải thích được hành động của một chị Tập, một chị Phan, một Thu Hương, một cô Châu.

Nói như trên là cách nói phủ nhận công lao của phụ nữ mà tác giả Hồ Hữu Tường đã coi như thành phần đã dầy công trong buổi đầu. Không thể bảo đó là ý kiến cá nhân của nhân vật Khuê. Vì Khuê là một nhân vật trong quyển Thu Hương do chính Hồ Hữu Tường sáng tạo với một giọng văn đầy ấp vẻ chấp nhận lý luận của anh ta.

Điều nầy khiến cho truyện thiếu chặt chẽ phần nào.

Vậy thì rốt ráo Gái nước Nam Làm Gì? Làm rắn độc, làm men thì đâu cần phải hô hào. Hô hào là để cho người ta sửa đổi. Hô hào sửa đổi để rồi giữ nguyên tình trạng cũ là một việc làm phí phạm mà chính tác giả cũng không muốn. Chính Hồ Hữu Tường bế tắc hay là trong thâm tâm ông chỉ muốn nói trong lúc phong trào cách mạng lên cực thịnh thì người phụ nữ có vai trò, có đóng góp. Rồi sau đó thì họ nên rút lui. Vai trò của họ không còn cần thiết nữa.

Có bất công, có khinh thường phụ nữ hay không khi nói như vậy?

Nguyễn Văn Sâm
(Trích Văn chương Tranh Đấu Miền Nam. Nxb. Kỷ Nguyên, Sàigòn, 1969, trg 374-398)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.