Hôm nay,  

Điểm Danh Đối Lập

26/04/201100:00:00(Xem: 7432)

Điểm Danh Đối Lập

Vũ Linh

...Romney tự vỗ ngực xưng là bảo thủ, nhưng khối bảo thủ nhìn ông như là "cấp tiến nằm vùng"

Cách đây hai tuần, TT Obama chính thức tuyên cáo sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ hai, và ngay sau đó, đã không bỏ phí thời gian, bay đi Chicago, San Francisco và Los Angeles tham gia các sinh hoạt gây quỹ vận động tranh cử. Đối nội trong đảng Dân Chủ, không ai dám nhẩy ra thách thức ông tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Ông không có đối thủ nội bộ trong đảng Dân Chủ, không phải tốn tiền, mất công chạy đua trong các vòng sơ bộ như trong những năm 2007-2008, nhưng vẫn không lơ là và đã hăng hái nhẩy vào cuộc tuy còn 19 tháng nữa mới có bầu cử.

Trong khi đó, bên phía Cộng Hòa vẫn chưa có gì ngã ngũ. Cả chục tên tuổi đã được truyền thông nhắc đến, nhưng chính thức thì chỉ mới có loe ngoe hai ba người nhẹ ký chường mặt, còn phần đông vẫn chân trong chân ngoài.

Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thông thường, dân Mỹ hay có khuynh hướng bầu lại tổng thống đương nhiệm, ngoại trừ vài trường hợp khá đặc biệt khi đương kim tổng thống quá yếu, hay gây mất lòng quá nhiều. Dựa trên sự tính toán này, các chính khách đối lập thường rất dè dặt khi nhẩy ra tranh cử chống tổng thống đương nhiệm.

Năm 1991, đương kim tổng thống Bush (cha) ra tranh cử nhiệm kỳ hai, cho cuộc bầu cuối năm 1992. Ông vừa huy động được một khối đồng minh lớn, đuổi Saddam Hussein ra khỏi Kuwait. Tiếng tăm ông nổi như cồn, tỷ lệ hậu thuẫn trong dân Mỹ lên đến xấp xỉ 90%, một con số chưa từng thấy. Các chính khách tai to mặt lớn của đối lập Dân Chủ đều theo thuyết tránh voi chẳng xấu mặt nào, ngồi im nhìn TT Bush ra tranh cử. Chính TT Bush cũng tự tin, ung dung ngồi trong Tòa Bạch Ốc lo việc quốc gia đại sự chứ không màng chuyện tranh cử.

Dù sao thì đảng Dân Chủ cũng phải tiến cử người ra tranh cử. Một thống đốc được đề cử: Bill Clinton của tiểu bang Arkansas. Lúc đầu, hy vọng đắc cử của ông Clinton coi như con số không khổng lồ. Ông là thống đốc vô danh quá trẻ, của một tiểu bang vừa nhỏ vừa có vẻ lạc hậu. Ông này lại có vài cái "tội" khá lớn.

Thứ nhất là trong đại hội đảng Dân Chủ năm 1988, ông được đề cử ra đọc diễn văn tiến cử Thống Đốc Mike Dukakis ra tranh cử chống ông Bush. Ông lợi dụng cơ hội xuất hiện trên truyền hình cả nước để tự quảng bá chính mình, đọc bài diễn văn…tràng giang đại hải. Dài đến độ tất cả các đài truyền hình đều cắt ngang không thu hình nữa, dài đến độ khi ông nói "để chấm dứt…" thì cả hội trường đứng dậy vỗ tay hoan hô kịch liệt. Cái tội thứ hai là ông thống đốc trẻ này nổi tiếng bay bướm, tiếng tai về các vụ "ăn phở" đầy dẫy.

Một tổng thống đương nhiệm với hậu thuẫn ở mức tuyệt đối, chống lại một thống đốc trẻ vô danh. Ấy vậy mà ông tổng thống đương nhiệm thua. Chỉ vì nước Mỹ không phải là nước có chính sách "chỉ đạo chính trị", không có chuyện đảng "giới thiệu" ứng viên và dân chúng hồ hởi bầu với 99,99% phiếu (ghi chú: cái khoảng thiếu hụt là do một vài cụ vừa qua đời một ngày trước ngày bầu cử, danh sách cử tri chưa kịp cập nhật, nếu không thì đã là 110% cho đúng chỉ tiêu rồi).

TT Obama học bài học của TT Bush nên không muốn lơ là, trên quan điểm "cẩn tắc vô áy náy". Nhất là khi các thăm dò dư luận hiện nay cho thấy ông đang gặp nhiều vấn đề khá rắc rối. So với kết quả bầu cử năm 2008, tỷ lệ hậu thuẫn của ông đã rớt đài trong tất cả các khối cử tri, trắng, đen, nâu, giàu hay nghèo, trí thức hay thợ thuyền, nam hay nữ, bắc hay nam, đông hay tây, thành thị hay thôn quê, bảo thủ hay cấp tiến, hay độc lập.

Thăm dò dư luận mới nhất của báo "phe ta" Washington Post, cho thấy tỷ lệ hậu thuẫn của ông chỉ còn 47% ủng hộ, 50% chống, 3% lưỡng lự. Thăm dò của đại học độc lập Marist không phải phe ta, cho thấy chỉ có 37% dân Mỹ chịu bầu lại TT Obama, 44% chống lại ý kiến đó, và 18% lưỡng lự. Theo cả hai thăm dò, cứ cho là khối lưỡng lự sẽ chia đều làm hai thì TT Obama sẽ rớt đài.

Đó là vấn đề nhìn từ phía Dân Chủ. Từ phía Cộng Hòa thì bức tranh cũng…chẳng có gì sáng láng hơn.

Có thể tương tự như tình hình năm 1991-92, các chính khách đối lập hoặc là còn dè đặt không muốn bị cháy, hoặc là đã tránh né ngồi chờ bốn năm nữa, khi TT Obama không ra tranh cử được nữa và Dân Chủ sẽ đề cử một người mới. Như vậy thì có vẻ cân bằng hơn. Nhưng rồi nhìn vào những thất bại của TT Obama và tỷ lệ hậu thuẫn thấp kỷ lục của ông, nhiều ông bà Cộng Hoà lại ngứa ngáy muốn nhẩy vào cuộc. Biết đâu mình sẽ thành một Bill Clinton thứ hai ngáp phải ruồi thì sao"

Một số người đã thả bong bóng thăm dò tình hình, một ít người khác đã chính thức vào cuộc. Ta hãy thử xét lại danh sách đối lập này.

Một người chính thức nhẩy vào vòng chiến một cách rất ồn ào, là tỷ phú Donald Trump. Hy vọng đắc cử tổng thống của ông có lẽ là rất…khiêm tốn. Ông này rất giàu, có thể tung rất nhiều tiền để tranh cử. Ông ta cũng rất nổi tiếng, tên tuổi lúc nào cũng có trên truyền hình và mặt báo. Nhưng thực tế ông ta chỉ là một doanh gia muốn nhẩy vào lấy thêm tên tuổi để làm bi-di-nét, hay để thoả mãn cái tôi lớn hơn vũ trụ của ông, hay quảng bá cho cái show truyền hình của ông. Ông cũng nổi tiếng là tay ăn chơi thứ thiệt, đang sống với bà vợ thứ ba, chưa kể hàng tấn đào nhí lúc nào cũng bay quanh như ruồi.

Cũng chưa kể cái bi-di-nét chính của ông là khách sạn và sòng bạc.

Kinh nghiệm chính trị và ngoại giao của ông tuyệt đối không có gì hết. Dân Mỹ có lẽ chưa sẵn sàng chấp nhận ông playboy chủ casino làm tổng thống. Nhưng nước Mỹ này không thiếu người bỏ phiếu theo cảm hứng nhất thời, hay bỏ phiếu bậy bạ cho bõ ghét, hay bị đồng tiền mua chuộc. Ai biết được"

Một người khác cũng đã chính thức nhẩy vào là bà dân biểu Michele Bachmann. Bà này cũng na ná như bà cựu Thống Đốc Sarah Palin, trẻ và đẹp, cực kỳ bảo thủ, được hậu thuẫn mạnh của khối Tea Party. Nhưng cũng nổi tiếng nói năng vung vít bất kể chiều sâu. Thành tích lớn của bà này là tuyên bố những câu nẩy lửa mà truyền thông rất mê vì có thể dùng chạy tít lớn trên báo.

Một người nghiêm chỉnh và có uy tín hơn, đó là cựu thống đốc Tim Pawlenty của tiểu bang Minnesota. Bảo thủ thuần túy, chủ trương chống phá thai, chống tăng thuế. Điểm bất lợi lớn nhất: chẳng ai biết ông là ai. Trong 100 người Mỹ, chỉ có 5 người đã nghe đến tên Pawlenty. Cũng chưa hẳn là khó khăn không vượt qua được. Năm 2007, hầu hết dân Mỹ cũng chưa bao giờ nghe đến cái tên Barack Obama hết.

Đó là những khuôn mặt mới. Cũng có những khuôn mặt cũ rích.

Trước hết là ông Newt Gingrich. Ông này trước đây là Chủ Tịch Hạ Viện dưới thời TT Clinton. Tên tuổi ông nổi lên như là một siêu chính khách đã đưa Cộng Hòa đến thắng lợi lớn nhất trong lịch sử Mỹ (trước thắng lợi tháng Mười Một năm 2010), chiếm được đa số tuyệt đối tại cả Hạ Viện lẫn Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa mùa năm 1994. Ông cũng nổi tiếng là người đã cãi nhau tay đôi với TT Clinton về vấn đề ngân sách, đưa đến việc hai lần đóng cửa Nhà Nước mất mấy tuần.

Trong vụ xì-căng-đan Monica Lewinsky, ông là tiếng nói lãnh đạo cuộc điều tra và đàn hặc TT Clinton. Thành tích và tên tuổi của ông rất lớn trong khối bảo thủ Cộng Hòa. Ông leo lên nấc thang lãnh đạo đảng rất nhanh chóng, để rồi rớt đài còn nhanh hơn. Trong lúc ban ngày ông gân cổ sỉ vả tính đồi trụy của TT Clinton trước Hạ Viện thì buổi tối ông bận bịu hú hý với cô thư ký riêng. Xì-căng-đan nổ ra, ông bị các lãnh tụ Cộng Hòa ép từ chức ngay để tránh tiếng giả nhân giả nghĩa cho Cộng Hoà.

Ông Gingrich hy vọng dân Mỹ trí nhớ kém hay rộng lượng, sẽ không để ý đến chuyện lem nhem trước đây. Chuyện hơi khó. Thế nào trong cuộc tranh cử các đối thủ của ông sẽ khai thác, nhắc nhở sự giả dối của ông cho đến khi chúng ta điếc tai hết vẫn chưa ngừng.

Rồi đến cựu Thống Đốc Mitch Romney của tiểu bang Massachusetts. Ông này năm 2007-2008 đã ra tranh cử tổng thống nhưng bị thua ông đồng chí John McCain. Ông Romney tự vỗ ngực xưng là bảo thủ, nhưng khối bảo thủ nhìn ông như là "cấp tiến nằm vùng". Ông từng là thống đốc của tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ. Khi đó ông chủ trương ủng hộ phá thai, hôn nhân đồng tính, bây giờ thay đổi quan điểm nhưng không thuyết phục được ai.

Ông cũng chủ trì việc thiết lập một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân cho tiểu bang. Đây chẳng những là chương trình duy nhất trong năm mươi tiểu bang Mỹ, mà lại còn được TT Obama lấy làm mẫu cho chương trình của chính TT Obama. Trong suốt thời gian tranh cử lần trước, ông phải bỏ tất cả thời giờ để phân trần, biện bạch. Người ta không thấy có gì thay đổi giữa hai lần tranh cử. Ông này cũng vẫn sẽ bị nghi ngờ và cũng suốt ngày phân trần mà chẳng ai tin. Ông Romney trước đây là nhà kinh doanh thành công. Ông sẽ khai thác khả năng này để quảng bá kế hoạch cứu nguy kinh tế của ông. Nhưng ông đã bị ngay nhà tỷ phú Donald Trump chê chỉ là loại kinh doanh tép riu so với các khách sạn và casinos vĩ đại của ông Trump.

Tiếp theo là ông Mike Huckabee, cựu Thống Đốc Arkansas, người kế vị Bill Clinton khi ông này vào Tòa Bạch Ốc. Ông Huckabee là bảo thủ chính hiệu, không thuộc loại chao đảo. Nhưng vấn đề là ông này cũng là nhà truyền giáo Tin Lành. Ông được hậu thuẫn của một số dân bảo thủ gần như cực đoan, nhưng ông khó bành trướng ảnh hưởng ra ngoài khối này. Trong cái xã hội Mỹ của thế kỷ 21, khó ai có thể tin rằng dân Mỹ sẽ bầu một nhà truyền giáo làm tổng thống. Thiên hạ đang bàn đến những chuyện hôn nhân đồng tính và phá thai tự do thì ai mà nghe ông Huckabee"

Ông Jimmy Carter ngày xưa chưa phải là nhà truyền giáo mà đã mang lại đủ tai họa cho nước Mỹ vì tính "hiền lành, ngây ngô" của ông. Bây giờ bầu cho ông truyền giáo thứ thiệt thì tình hình sẽ như thế nào"

Rồi đến ngôi sao một thời sáng chói của Cộng Hòa, bà cựu Thống Đốc Alaska và cựu ứng viên phó tổng thống của McCain, bà Sarah Palin.

Theo một thăm dò mới đây, tên tuổi của bà này được nhiều người biết hơn cả tên của bà Michelle Obama. Nhưng bà cũng đạt được một kỷ lục khác, bà cũng là người phụ nữ bị ghét nhiều nhất. Có thể đó là hậu quả của phong trào đánh hội đồng của truyền thông cấp tiến, nhưng dù sao thì bà cũng đã thành nạn nhân rồi. Tiếng tốt khó đi xa, tiếng xấu thì bay rất nhanh, mà cũng khó tẩy rửa. Bà vẫn là hình ảnh của một bà nhà quê chẳng biết mô tê ất giáp gì về chính trị "cao cấp" quốc tế hay quốc nội. Dù nổi tiếng nhất, ồn ào nhất, lên báo thường xuyên nhất, nhưng tỷ lệ hậu thuẫn của bà trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc vẫn lẹt đẹt gần cuối sổ.

Còn một số nhân vật Cộng Hòa đang ngấp nghé, nhưng chưa ai để lại được dấu ấn gì, ít nhất là cho đến nay. Hai năm là một thời gian rất dài có thể thay đổi cuộc diện chính trị Mỹ, nếu không thì ta nên chuẩn bị tư tưởng để sống với TT Obama thêm sáu năm nữa, chỉ vì ông đang đối diện với khoảng trống bên Cộng Hòa. (24-4-11)

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.