Hôm nay,  

Chín Năm Sau Vụ 9-11

11/09/201000:00:00(Xem: 9795)

Chín Năm Sau Vụ 9-11
Nguyễn Xuân Nghĩa

Vấn đề còn nguyên trong thế giới Hồi giáo...

Chín năm sau vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 tại Hoa Kỳ - người viết xin gọi tắt là "Vụ 9-11" - tình hình đã xoay chuyển ra sao"
Việc một số lực lượng Hồi giáo quá khích sử dụng phương pháp khủng bố để gây tiếng vang thực sự đã xảy ra trước đó khá lâu, và nhiều lần.
Khi ấy, cả Hoa Kỳ và thế giới chưa mấy quan tâm. Lại còn hiểu lầm như một biểu hiệu bất mãn của một số khuynh hướng Hồi giáo cực đoan vì một vài vấn đề cục bộ, như số phận của dân Palestine trong việc tranh chấp với dân Do Thái trên lãnh thổ của quốc gia Israel của Do Thái. Hoặc việc Hoa Kỳ đặt căn cứ quân sự trong một quốc gia Á Rập Hồi giáo, là Saudi Arabia. Hoặc như việc một thiểu số Hồi giáo đòi ly khai và độc lập tại Phi Luật Tân, v.v....
Việc sử dụng phương pháp khủng bố cũng đã được nhiểu tổ chức cực đoan khác áp dụng để đòi quyền tự trị như tại Bắc Ái Nhĩ Lan hay Tây Ban Nha, hoặc để gióng lên tiếng chuông cách mạng như của các nhóm Cộng sản quá khích tại Ý Đại Lợi, Nhật Bản, v.v....
Nhưng vụ 9-11 lại khác biệt không chỉ vì kích thước kinh hoàng và đối tượng bị tấn công là các cơ sở đầu não của đệ nhất siêu cường là Hoa Kỳ. Nó có sự khác biệt và mang ý nghĩa lịch sử - trước đây không hề có - lẫn mục tiêu chiến lược vì lực lượng chủ mưu, nhóm "al-Qaeda". Lực lượng này đã đánh một đòn chí tử vào Hoa Kỳ không vì thù ghét riêng dân Mỹ mà vì muốn dùng đòn khủng bố huy động thế giới Hồi giáo để thành hình một Đế quốc Hồi giáo toàn cầu, được cai trị bằng giáo luật Sharia, theo cách suy diễn độc đoán và quá khích nhất của họ.
Như tên gọi, phương pháp khủng bố có đặc tính là gây ra sự sợ hãi trong tinh thần "sát nhất nhân, vạn nhân cụ", giết một người để vạn người sợ. Mục tiêu không chỉ là giết người, mà để nhờ sự sợ hãi đó mà làm thay đổi cách suy nghĩ và hành động của người khác. Khi nói đến "cuộc chiến chống khủng bố", người ta định nghĩa sai vấn đề và đối tượng. Cũng sự lầm lẫn ấy khiến người ta chưa minh định được kẻ thù, đó là Hồi giáo - Muslim, Islam - hay "Chủ nghĩa Hồi giáo" Islamism, hay Lực lượng Hồi giáo cực đoan, thí dụ như Al-Qaeda"
Chín năm sau vụ 9-11, cuộc tranh luận ngay tại Hoa Kỳ và trên thế giới về hai biến cố vặt mà gây phản ứng mạnh (xây một nhà nguyện của đạo Hồi trong một trung tâm sinh hoạt cộng đồng gần địa điểm xảy ra vụ khủng bố tại New York và việc mục sư Terry Jones đòi làm lễ đốt kinh Quran của Hồi giáo tại Florida vào ngày tưởng niệm) cho thấy những tai hại của sự hiểu lầm.
Đã đến lúc chúng ta cùng kiểm điểm lại sự việc - và một cách khách quan nếu có thể.
Chính quyền George W. Bush hoàn toàn bị bất ngờ về vụ 9-11. Ngay sau đó, ông có hai quyết định một đúng, một sai và mâu thuẫn với nhau.
Trong bài diễn văn quan trọng nhất sau vụ thảm sát, ông dại dột dùng chữ "Thập tự chiến" - Crusade - để nói về cuộc chiến diệt trừ bọn khủng bố al-Qaeda. Ông rơi vào cái bẫy lý luận của quân khủng bố khi gợi lại hình ảnh "Thập tự chinh" của Thiên chúa giáo Âu Châu chống Hồi giáo vào thời Trung Cổ. Với nhiều người Hồi giáo, cực đoan hay ôn hòa, cuộc chiến đó có nhiều khía cạnh bất công đáng ghét và cũng là một trong nhiều động lực khiến dân Hồi giáo có ác cảm với Tây phương. Hoa Kỳ khi đó chưa là cái gì cả, nhưng sau này lại lãnh mọi trách nhiệm về chuyện xung đột của Âu Châu. Rồi trở thành biểu tượng đáng ghét cho các phần tử cực đoan.
Sau đó, Tổng thống Mỹ đã biết hố mà không nhắc lại cái khái niệm hàm chứa tinh thần xung đột.
Quyết định thứ hai, rất sáng suốt của ông, là lập tức nói với quốc dân, thế giới và các lãnh tụ Hồi giáo, rằng Hoa Kỳ không thù ghét đạo Hồi và người dân Mỹ không được trút nỗi hận về vụ 9-11 lên đầu Hồi giáo. Thực tế thì xã hội Mỹ xưa nay vẫn thuộc loại cởi mở nhất và dân Hồi giáo không hề bị kỳ thị hay ngược đãi vì tôn giáo hoặc xuất xứ sắc tộc của mình. Nhưng lời nhắc nhở của Tổng thống Mỹ sau biến cố bi thảm ấy là điều cần thiết.
Chuyện đáng tiếc là Chính quyền Barack Obama đã hẹp hòi trút mọi tội lên đầu người tiền nhiệm mà không nhắc đến phản ứng trấn an và ôn hoà đó của Bush. Và vì muốn xoa dịu phản ứng Hồi giáo mà ông Obama còn dại dột nhảy vào cuộc tranh luận về việc nên hay không nên lập đền Hồi giáo tại địa điểm xảy ra vụ khủng bố, và càng gây thêm mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ về một dự án cục bộ tại một địa phương.
Ông Obama có nhiều cách giải tỏa vấn đề mà khỏi cần công khai lên tiếng, rồi cải chính, rồi tái khẳng định, khiến một dự án địa phương bốc lửa trên trang nhất của báo chí và trở thành cuộc tranh luận quốc gia. Obama lỡ một cơ hội để ngậm miệng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi còn sai lầm hơn khi nhảy vào cuộc chiến bằng cách nêu câu hỏi là Quốc hội phải điều tra xem những ai bỏ tiền ủng hộ việc chống lại dự án xây đền. Vì muốn chơi nổi trước kỳ bầu cử, bà làm thiên hạ nghĩ rằng có những thế lực mờ ám đang muốn tấn công dự án đó.
Chuyện bé bị xé ra to - dự án này đã được nghiên cứu và phê chuẩn từ lâu mà không thổi lên phản ứng cực đoan như sau này - vì chính lãnh đạo lại thổi lửa vào một vấn đề nhạy cảm ở địa phương. Truyền thông làm nốt phần vụ còn lại, khiến một mục sư mờ nhạt trong một nhà thờ nhó xíu là ông Terry Jones cũng thành nhân vật thời sự với sự án đốt kinh!
Hai vụ đáng tiếc này nuôi dưỡng lẫn nhau và càng gây phân hoá trong xã hội Mỹ. Và nhiều người điên lại nhân đó... bắt chước! "Chơi lấy tiếng" không chỉ là trò háo danh của Hollywood: bệnh sát nhân theo kiểu "copycat" là chuyện đã từng xảy ra.
***
Bây giờ, ta trở lại chuyện hung thủ là al-Qaeda và phản ứng của thế giới Hồi giáo.
Ngay sau vụ 9-11, Hoa Kỳ mở chiến dịch A Phú Hãn để diệt trừ lực lượng đầu não al-Qaeda nằm tại đây và để lật đổ chế độ Taliban đã dung dưỡng lực lượng này. Hai năm sau là chiến dịch Iraq để lật đổ chế độ Saddam Hussein và giai trừ nguy cơ hợp tác giữa al-Qaeda với đảng Baath của Saddam và thành phần Sunni được chế độ này ưu đãi. Thời sự hàng ngày đều loan tải tin tức và bình luận về hai chiến trường này.
Nhưng nếu nhìn lại toàn cảnh - toàn cầu - và mục tiêu cũng chiến lược của Hoa Kỳ, có lẽ ta cần thấy ra một động lực chính yếu nằm bên trong: cũng "sát nhất nhân, vạn nhân cụ".


Hoa Kỳ bày tỏ ý chí không sợ hãi, không co rút vào lãnh thổ của mình và thay đổi cách hành xử, như al-Qaeda trông đợi. Osama bin Laden đã rút kinh nghiệm của Liên Xô tại A Phú Hãn và Hoa Kỳ tại Iran và Việt Nam mà cho rằng nếu bị tấn công mạnh thì Hoa Kỳ cũng sẽ tháo chạy. Chính quyền Bush biểu dương ý chí ngược. Chín năm sau, ta nên đánh giá sự việc thành bại hay đúng sai ở khía cạnh ý chí này - như một yếu tố phụ trội.
Người viết cho là việc biểu dương ý chí ấy là cần thiết, và đúng đắn. Sau vụ 9-11, nhiều người đã từng sánh biến cố này với trận Mâu Thân 68 tại Việt Nam khiến Chính quyền Lyndon Johnson nản chí và chuẩn bị tháo chạy qua hoà đàm. May quá, Bush không là Johnson.
Nhưng việc tiến hành sau đó, trong chín năm qua, lại không được gọn gàng như vậy! Chúng ta đã và sẽ còn trở về vấn đề này khi nói về Iraq va A Phú Hãn.
Chuyện thứ hai ngoài nhu cầu biểu dương ý chí là trấn an các nước Hồi giáo.
Sau vụ 9-11, al-Qaeda chờ đợi là hàng loạt quốc gia Hồi giáo ôn hoà, thân Tây phương hoặc theo chế độ thế quyền thay vì thần quyền của tôn giáo, sẽ bị dân Hồi giáo lật đổ. Sự sụp đổ dây chuyền của các chế độ này, từ Bắc Phi, Trung Đông qua Trung Á và Đông Nam Á, là bước cần thiết để dẫn tới việc thành lập Đế quốc Hồi giáo trong giấc mơ của al-Qaeda.
Điều ấy không hề xảy ra và nói chung, hầu hết các quốc gia Hồi giáo ấy vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ và còn ít nhiều hợp tác với Mỹ trong việc tiễu trừ khủng bố, từ Maroc, Saudi Arabia qua Egypt, Jordan, Pakistan - vâng, kể cả Pakistan- tới Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Nói cách khác, mục tiêu chiến lược của al-Qaeda không thành.
Ngược lại, al-Qaeda mất hậu cứ tại A Phú Hãn, cả ngàn thủ lãnh và đặc công bị tiêu diệt, đầu não phải chạt dạt qua lẩn trốn trong vùng biên giới với Pakistan. Từ đó đến nay, al-Qaeda không còn khả năng tái diễn một vụ 9-11 thứ nhì, dù là không phải không muốn, và dù rằng đã thử nhiều lần mà không thành. Al-Qaeda vì vậy chỉ còn là cái loa tuyên truyền mà thôi.
Nhưng, và đây là khía cạnh thứ tư của việc tổng kết thành bại, al-Qaeda đầu não thì bị tê liệt, mà vẫn còn khả năng "phân thân".
Trong thế giới Hồi giáo có nhiều khác biệt về địa dư, lịch sử và chủng tộc, một số phần tử cực đoan nhất đã tung khẩu hiệu "Thánh chiến" - Jihad - nhằm lập ra phong trào toàn cầu. Các nhóm khủng bố xưng danh Thánh chiến ấy chưa lên tới trình độ phong trào và chưa có tổ chức quy mộ lẫn sự phối hợp toả rộng. Al-Qaeda đầu não đã mất cán bộ, phương tiện và hậu cứ nên hết còn khả năng hành động. Nhưng tinh thần Thánh chiến của các nhóm địa phương dẫn tới hiện tượng "al-Qaeda nội hóa".
Đó là các lực lượng xưng danh al-Qaeda tại vùng Maghreb Hồi giáo ở Bắc Phi (AQIM - Al Qaeda in the Islamic Mahgreb). al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập (AQAP - Al Quaeda in the Arabian Peninsula) với chủ trương phát huy tinh thần al-Qaeda. Nhiều lực lượng Thánh chiến khác cũng khơi dậy tinh thần này, nhưng hoạt động độc lập hơn, như các nhóm Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), Lashkar-e-Taiba (LeT) hay Harkat-ul-Jihad e-Islami (HUJI). Ở một tầng thấp hơn cũng có nhiều nhóm khủng bố tự phát đôi khi dùng phiêu hiệu al-Qaeda mà thực chất thì chẳng có liên lạc và cũng ít khả năng phá hoại, thí dụ như Tanzim Qaedat al-Jihad tại Indonesia.
Trong ngần ấy lực lượng al-Qaeda nội hóa hay địa phương, nhóm AQIM tại Bắc Phi và AQAP tại bản đảo Ả Rập là có vẻ gần gũi nhất về tổ chức và liên lạc với al-Qaeda nguyên thủy, và tung hoành khá mạnh tại Algérie, Yemen, Somalia. Nhưng nội bộ cũng có nhiều mâu thuẫn thậm chí xung đột vì khác biệt về cả mục tiêu lẫn quan điểm. Ngần ấy tổ chức, từ Bắc Phi qua Đông Nam Á, đều không còn khả năng chống Mỹ mà chỉ có thể mở ra các đợt khủng bố địa phưong, chủ yếu là giết hại chính người Hồi giáo.
Như vậy, chín năm sau vụ 9-11, có nói rằng al-Qaeda đã tiêu vong hoặc bị Mỹ phế bỏ võ công thì cũng không sai. Mà bảo rằng al-Qaeda vẫn còn tồn tại thì cũng đúng. Nhưng tồn tại mà không còn khả năng đe dọa quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ. Cùng lắm thì các lực lượng TTP hay LeT chỉ có thể tấn công Pakistan hay Ấn Độ để chi phối chiến lược Mỹ tại A Phú Hãn và Nam Á mà thôi.
Nói cách khác, chín năm sau thành tích của al-Qaeda tại Hoa Kỳ vào năm 2001, phong trào Thánh chiến vẫn còn là thời sự qua các vụ thảm sát ở nhiều nơi, nhưng không thể tái diễn thành tích cũ và nhất là không làm thay đổi quan hệ chiến lược của toàn cầu. Cuộc chiến vẫn tiếp tục, với cường độ nhỏ hơn, và chỉ làm đổ máu thường dân, đa số vẫn là người Hồi giáo.
Nhưng, thái độ của người Hồi giáo cũng là chuyện đáng nói.
***
Họ không có can đảm lên tiếng kết án hành vi bạo động mù quáng của các phần tử cực đoan nhất trong đạo Hồi. Người Hồi giáo đã giữ im lặng khi chế độ Taliban đặt bom tiêu hủy hai bức tượng cổ của Phật giáo tại Pakistan vào năm 2001. Họ không kết án những tên quá khích đã giết người hàng loạt tại Kashmir, Karachi, tại Mumbai. Họ sẵn sàng nổi giận khi có ai vì vô tình hay cố ý xúc phạm tín ngưỡng hay biểu tượng tôn giáo của họ tại Âu Châu, nhưng ngó qua chỗ khác khi có người bị quân Thánh chiến chặt đầu phơi thây trước ống kính. Một cuộc thi hoa hậu cũng có thể làm 200 người thiệt mạng tại Nigeria vì các phần tử Hồi giáo quá khích ở đây mà không thấy các giáo sĩ, trưởng lão hay thường dân Hồi giáo lên tiếng phê phán hay can ngăn.
Họ rất dũng cảm đả kích các phần tử cực đoan trong xã hội Mỹ và dùng phương tiện truyền thông tự do và dồi dào của Hoa Kỳ để tuyên dương tính hiếu hòa của đạo Hồi. Nhưng lại thiếu sự dũng cảm ấy khi nói về tội ác của những kẻ nhân danh Allah để làm đổ tể sát nhân. Một số không nhỏ trong thành phần có ảnh hưởng của Hồi giáo còn khéo khai thác mặc cảm da trắng, thực dân, đế quốc của trí thức thiên tả tại các nước Tây phương để che giấu tội ác của quân khủng bố.
Nói cho công bằng, ít ai dám lên tiếng thì cũng vì một lý do dễ thông cảm: họ có thể bị sát hại!
Nhẹ nhất thì cũng bị một người điên nào đó nhân danh Giáo luật Sharia mà tuyên án tử hình.  Vấn đề vì vậy thực ra không nằm trong xã hội Mỹ hay các quốc gia Âu Châu. Nó nằm trong thế giới Hồi giáo. Chín năm sau vụ khủng bố 9-11 mà người Hồi giáo chưa công nhận căn bệnh ấy trong ruột gan và não trạng mà chỉ công kích Hoa Kỳ thì có lẽ chính họ vẫn chưa hiểu gì. Phải chăng vì họ là nạn nhân của al-Qaeda: vì sợ hãi mà thay đổi cách sống và suy nghĩ"
Phải chi họ học được cách xử trí của người Hồi giáo tại Đông Nam Á.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.