Hôm nay,  

Hình Ảnh Bậc Tôn Sư Còn Hiển Hiện

23/07/200800:00:00(Xem: 8038)
(Cựu học Tăng Tu Viện Nguyên Thiều, niên Khóa 69-70.)

Hai chiếc xe đò lớn Miền Nam đã đậu sẵn trong sân Phật Học Viện Huệ Nghiêm từ sáng sớm để đưa hai chúng Hư Vân và Khuông Việt về miền Trung theo chương trình thiên chuyển của Phật Học Viện, chỉ còn chúng Thế Thân ở lại.

Tâm trạng quý Thầy học Tăng lúc bấy giờ, từ miền Nam đổi ra miền Trung, nhất là các tỉnh Phan Rang, Bình Định, ai nấy đều bồn chồn, lo lắng, nhưng vì chương trình thiên chuyển của Phật Học Viện nên phải "y giáo phụng hành" mà không dám có ý kiến. Người ở lại - chúng Thế Thân, thì dường như bàng quan, vô sự - người phải đi, chúng Hư Vân và Khuông Việt thì không tránh khỏi lo âu, lo âu vì không hiểu những chuỗi ngày sắp tới, đời sống nơi ấy ra sao" Nhưng rồi, cái gì phải đến thì sẽ đến. Tất cả quý Thầy học Tăng phổ thông vân tập trước phòng Hòa thượng Giám Viện Thích Bửu Huệ, đảnh lễ Ngài để từ giã. Hai chiếc xe đò chuyển bánh trực chỉ miền Trung, chiếc thứ nhất đổ học Tăng Khuông Việt xuống chùa Tỉnh Hội Phan Rang. Chiếc thứ hai tiếp tục đoạn đường ra Bình Định, Tu Viện Nguyên Thiều, nơi mà chúng Hư Vân theo học niên khóa 69-70 tại đây.

Trước khi vào cổng Tu Viện, xe phải đi qua cầu "Bà Gi" quẹo phải, rồi bò lên con dốc đất đỏ mịt mù, trong cái nắng chói chan, chỉ thấy sỏi đá toàn là sỏi đá. Bên phải con dốc đá sỏi ấy là căn cứ của Sư Đoàn 22 Bộ Binh, bên trái đỉnh đồi là 2 tháp Chàm sừng sững với thời gian, trải qua bao lần nắng mưa tầm tã, chứng kiến bao cảnh phế hưng dâu biển, hoài vọng về quê hương, dân tộc Chiêm Thành điêu tàn, đổ nát gần như diệt chủng. Đây là quê hương tổ tiên của Chế Bồng Nga, Chế Lan Viên hay Chế Cũ, Chế Mân thời ấy.

Xuống cuối dốc bên trái là chánh điện Tu Viện Nguyên Thiều, bên cạnh phía sau là Kim Thân Phật Tổ. Xe chạy thẳng tới trước là cư xá học Tăng. Nhìn toàn cảnh Tu Viện chỉ thấy một màu đất khô đỏ, chung quanh Tu Viện được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai. Khó mà đoán được quý Thầy học Tăng đã suy nghĩ gì khi nhìn thấy khung cảnh  Tu Viện lúc ấy.

Người tiếp nhận học Tăng là Hòa thượng Đồng Thiện, Hòa thượng Đổng Quán. Nhìn qua dáng dấp của hai Ngài, hầu như ai cũng cảm thấy một chút lo lo, sờ sợ.  Cái gì đó, thật khó nói. Và cái khó nói, sờ sợ, lo lo đã đến. Sau giờ công phu khuya của sáng hôm sau, Hòa thượng Đổng Quán đã áp dụng kỷ luật, kết quả là 5 học Tăng phải xách giỏ trở về miền Nam sau mấy ngày.

Cuộc sống của những chuỗi ngày kế tiếp, bình thản, trong niềm yêu thương quý kính của tình Thầy trò, Ban Giám Đốc và học Tăng, mọi người cùng hiểu ra: bước đầu Hòa thượng Đổng Quán đã gầm tiếng hống sư tử để thử lòng học Tăng trong buổi giao thời, ai kiên cố và quyết tâm, ai tu học vì lý tưởng của kẻ xuất gia, ai giữ gìn sơ phát tâm vì chí hướng giải thoát. Quý Thầy học Tăng thấy được tâm khoan dung, lòng độ lượng của Hòa thượng đã lo lắng mọi bề cho học Tăng. Hình ảnh của Hòa thượng đến nay vẫn còn đậm nét trong tâm thức của nhiều thế hệ học Tăng chúng con.

Riêng Hòa thượng Đồng Thiện, là người nuôi học Tăng từng bữa sớm hôm, từng bát canh rau muống, tới tô bí đỏ quanh năm với hai lu tương hột đậu nành suốt tháng. Nhưng Hòa thượng vẫn kiên trì nuôi học Tăng ăn học thành tài. Tấm lòng Hòa thượng bền bỉ vững chắc như sự bền bỉ vững chắc của mảnh đất Tu Viện Nguyên Thiều. Dù nắng, dù mưa, dù khô cằn sỏi đá, mảnh đất Tu Viện Nguyên Thiều vẫn nuôi lớn cỏ cây, hoa lá, nuôi lớn những luống rau muống tươi xanh, những hàng hoa huệ trắng, để nuôi học Tăng qua những ngày tháng nắng lửa mưa dầm ấy. Tình yêu thương, bảo bọc học Tăng của Hòa thượng bao la bất biến. Tấm lòng quý kính của học Tăng đối với Hòa thượng như đàn con đối với đấng Cha lành. Một đấng Cha lành bảo bọc đàn con năm sáu chục người, Ngài phải trồng rau muống, ủ phân bò, để làm phương tiện nuôi học Tăng ăn học. Hòa thượng phải thức khuya, dậy sớm vì tương lai của học Tăng, vì giềng mối của Đạo pháp, vì hạnh nguyện Phổ Hiền mà không từ nan khốn khó. Ngày hai buổi vác cuốc ra vườn, phơi lưng dưới cái nắng hè gay gắt của miền Trung mà vun, mà xới những luống rau dền, rau muống, tía tô, rau quế, rau húng cho từng bữa ăn trưa, chiều hai buổi. Cái ân ấy, cái đức ấy, cái hình ảnh ấy vẫn luôn sâu đậm trong tâm thức của đời người học Tăng. Làm sao có thể đền đáp cái ân, cái đức vô cùng ấy" Làm sao có thể quên được cái hình ảnh nửa đêm nghe tiếng động ngoài vườn rau muống, Hòa thượng cầm đèn pin ra rọi, canh chừng sợ có người cắt trộm rau muống của học Tăng. Những bát canh rau muống đầy ắp tình yêu thương của Hòa thượng đã được tưới bằng những giọt mồ hôi của Ngài để luống đất thêm mầu mỡ, để luống rau thêm xanh tốt và để cho tình Thầy trò thêm đạo vị. Sức sống là chỗ đó. Tình nghĩa Thầy trò là chỗ đó.

Cho đến một ngày, được tin Hòa thượng Giám Viện từ Sài Gòn về thăm Tu Viện, Hòa thượng Đồng Thiện dạy học Tăng quét dọn trong ngoài đâu đó sạch sẽ để mừng đón Hòa thượng Giám Viện. Cái cốc nhỏ nhắn của Hòa thượng Giám Viện, ẩn mình dưới bóng cây xoài, cây mít, ở tận ngoài vườn xa, mà một đôi năm mới được Hòa thượng Giám Viện Nguyên Thiều, Hòa thượng Thích Huyền Quang về ở một lần.

Hòa thượng Giám Viện về thăm Tu Viện, làm mọi người náo nức, vui mừng, không khí Tu Viện như rộn ràng hẳn lên. Suốt từ ngày thiên chuyển từ Sài gòn ra đây, quý Thầy học Tăng chưa một lần được đảnh lễ Hòa thượng Giám Viện, vì Hòa thượng bận Phật sự của Giáo Hội ở Sài Gòn, chỉ có nhị vị Hòa thượng Đồng Thiện và Đổng Quán trực tiếp chăm sóc chúng Tăng, vì thế nghe Hòa thượng Huyền Quang về thăm thì làm sao không háo hức mừng vui cho được" Nỗi vui mừng này như niềm vui của những đứa con lưu lạc lâu năm, nay được gặp lại người Cha quý kính. Người Cha già ấy đã bảo bọc bao lớp đàn con, bao thế hệ đã qua, bao lớp học Tăng đã ra trường thành người hữu dụng cho đạo, cho đời mà đến nay, hình ảnh của Hòa thượng còn rõ mồn một trong tâm tư. Lời nói, ánh mắt, dáng đi của Hòa thượng hiển đạt một bậc Thạch trụ Thiền gia, Long tượng Thạc đức. Đối với chư vị Sơn Môn Bình Định, Ngài là bậc Trưởng thượng Kỳ túc, một thời đã khai sơn phá thạch để gieo hạt giống Đạo pháp ăn sâu mọc rễ trên dải đất này. Ân đức của Hòa thượng đã thấm nhuần vào từng tâm can của Tăng tín đồ nơi đây. Vì thế, mỗi lần Hòa thượng về thăm Tu Viện là lòng người cảnh vật dường như hớn hở, tươi nhuận khác thường. Đó là cái uy, cái đức, cái tấm lòng từ bi của Ngài được trang trải đến mọi loài. Giữa cảnh núi đồi khô cằn sỏi đá, với cái nắng nóng như thiêu, như đốt trên vùng đất đỏ (thời đó, 1969-1970, chưa có cây cao bóng mát như bây giờ) mà có được bóng mát của cây đại thọ, là tổ ấm của chim muông. Giữa những Tòng Lâm, Tu Viện núi đồi cách trở, mà đôi ba năm Hòa thượng mới về thăm chúng Tăng một lần thì bảo sao chúng Tăng không mừng vui, háo hức cho được. Nỗi vui như mùa nắng hạ có cơn mưa lớn, như ngày hè oi bức có ngọn gió thanh lương.

Rồi cứ như thế, thời gian đến và đi, quá khứ thành hiện tại, hiện tại thành vị lai và vị lai thành quá khứ in tuồng như ảo, như ảnh, như bóng mờ còn núp trong tâm, để sau hơn một thập niên, người học Tăng thuở nọ, dưới mái Tu Viện Nguyên Thiều, giờ lại được nhơn duyên gặp lại Hòa thượng dưới mái Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn vào những năm 1980-1981. Hòa thượng đã giảng dạy kinh điển cho học Tăng nơi đây, truyền trao những kinh nghiệm làm việc cùng tài bồi đức hạnh của người xuất gia, cách sống làm người sao cho đúng nghĩa, đó là bài công dân đức dục mà Hòa thượng đã dạy trong buổi khai giảng niên khóa đầu năm. Nhưng rồi thời gian giảng dạy của Hòa thượng cho quý Thầy học Tăng Tu Viện Quảng Hương Già Lam chưa được bao lâu, vì vận nước còn điêu linh, chướng duyên nghiệt ngã, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt Hòa thượng tù đày, lao lý. Kể từ khi đó, một phần tư thế kỷ, Hòa thượng luôn đối diện với cảnh bắt bớ, đọa đày, gian nan, khốn khó. Nay thì ở nhà tù này, mai thì dời qua nhà tù khác, cuối cùng là lưu đày về nguyên quán Nghĩa Bình, nơi một ngôi chùa nhỏ, chơ vơ nơi đồng không mông quạnh. Ngày ngày với bát cơm hẩm, uống nước rong, tối ngủ trên chiếc võng bạc màu, rách nát. Nhưng tâm tư Hòa thượng vẫn sáng, sáng như gương, không chút vẩn đục. Không bị chi phối bởi cái đói, cái no, cái nóng, cái lạnh. Hòa thượng vẫn an nhiên tự tại, để đọc cho hết Tam Tạng Kinh điển, viết sách, Khoa Nghi để lưu lại cho đời sau tham học.

Dẫu biết rằng lẽ đời có thịnh, có suy, có thành, có bại, dù phải trải qua bao cảnh khốn cùng, nghiệt ngã, Hòa thượng vẫn giữ đạo trung dung, chẳng thiên vị ai, chẳng phiền hà, oán thán người đối xử tệ bạc với mình, vẫn nhẫn nhịn chịu đựng, nhưng không sợ sệt, yếu hèn, vẫn đứng vững trên đôi chân trước sức mạnh súng đạn, nhà tù của kẻ vô minh. Hòa thượng là biểu tượng của đức Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi. Hòa thượng đã dõng dạc tiếng hống sư tử giữa núi rừng u minh thăm thẳm, giữa đêm trường hiểm ác bủa vây. Hòa thượng là đóa sen tươi nhuận trong lò lửa đỏ của thời đại.

Như lời chư Tổ đã dạy: "Huyễn thân mộng trạch" Thân huyễn nhà mộng, Hòa thượng đã xả bỏ huyễn thân để thể nhập pháp thân. Giã từ cõi mộng để thể nhập chân thường. Đường đi không vết tích, lối về bặt tăm hơi. Đó là tự tánh của Thánh Giả, của bậc Đại Sỹ xuất trần, để cho hàng đại chúng: chẳng cầm được lòng thương tiếc, chẳng dứt được lệ đau buồn cho Phật Giáo Việt Nam đã vắng bóng một bậc cao Tăng kỳ vĩ, Hòa thượng đã đem đức Đại Hùng để chấn nhiếp ma quân thời đại, đem đức Đại Lực để chấn chỉnh đạo phong, và đem đức Đại Bi để ban vui cứu khổ. Do vậy, mà thời gian gần một thế kỷ làm người, Hòa thượng lúc nào cũng như bậc đứng đầu sóng cả, cầm cân nảy mực, lái con thuyền Đạo pháp vượt sóng gian, thoát cơn bạo để đem lại sự bình an cho đạo, hạnh phúc cho đời.

Hòa thượng quảy dép về Tây đó là công viên quả mãn một thời phát nguyện độ sinh, nhưng Phật Giáo Việt Nam, Tăng tín đồ Phật tử trong cũng như ngoài nước đã thật sự trống vắng, một sự trống vắng mênh mông vô bờ.

Nhớ thuở nào, Hòa thượng kính cẩn ôm trái tim bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân, đòi hỏi bình đẳng tôn giáo để giải trừ pháp nạn. Nhớ thuở nào, Hòa thượng vượt qua bao sự nguy nan, ách nạn của những bủa vây muôn trùng sắt thép để quỳ gối trước kim quan đức Đại Lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu mà cất cao lời Cẩn Bạch để nhận ấn tín truyền thừa Đạo pháp, và khởi dựng công cuộc đấu tranh bất bạo động cho công lý, nhân quyền, tự do, dân chủ. Nhớ thuở nào, Hòa thượng cất bước lên đường mà không một sức mạnh nào cản trở, cuộc viếng thăm chư Tôn Đức Tăng, Ni từ Bắc chí Nam, để thấy được hàng triệu tấm lòng chư Tăng, Ni, Phật tử ngưỡng mộ bất diệt nơi Hòa thượng. Và những thuở ấy, trên chặng đường lịch sử Phật Giáo Việt Nam còn ghi đậm nét, như những dấu ấn in sâu trong lòng Đạo pháp, quê hương, dân tộc, giống nòi. Thân tứ đại của Hòa thượng có sinh thì có diệt, nhưng tánh đức nguy nguy, tiết liệt hùng hùng của Hòa thượng thì bất diệt.

Giờ đây, những người học trò xưa của Hòa thượng dưới các mái Tu Viện năm nào, thành kính tưởng niệm Giác Linh Hòa thượng mà giở lại từng trang Pháp Sự Khoa Nghi để thấy lòng quặn thắt, không ngăn được dòng nước mắt tiếc thương một bậc Tôn Sư suốt đời xả thân vì đại cuộc. Hòa thượng vui lòng nhận nỗi khổ, trước nỗi khổ của chúng sinh, và vui sau niềm vui của nhân thế. Ấy là hạnh nguyện độ đời kham nhẫn, là Bồ Tát hóa thân nơi chốn hồng trần, khi hạnh mãn nguyện tròn thì thâu thần thị tịch, đó là tâm vô quái ngại, ý hằng tự tại trong cuộc hóa duyên của Hòa thượng, nhưng người ở lại đâu chẳng ngậm ngùi:

"Niết Bàn một thuở ra đi,
Cân bình nửa gánh, Tây quy nhẹ nhàng.
Rừng Thiền vắng bóng hạc vàng,
Biển trần vượt khỏi muôn ngàn phong ba.
Người đi dấu vết chưa nhòa,
Bát y truyền lại sương pha lạnh lùng.
Tam sanh hẹn kiếp tao phùng
Tôn phong Tổ ấn gởi cùng non sông."

Hôm nay, tất cả môn đồ pháp quyến nhớ lại Giác Linh Hòa thượng như dòng Tiểu Sử được tập thành: Xưng dương công hạnh, tán thán gia phong, chí cả bạt quần, một thời Hòa thượng đã hiển bày hóa độ:

"Dòng họ thế gia
Môn phong Nho giáo
Tuổi thơ nhập đạo
Chí lớn xuất trần
Theo Thầy học đạo chuyên cần,
Và, tùng chúng tu thân tinh tấn.
Vuông tròn bổn phận:
Phục dịch chúng Tăng;
Đầy đủ khả năng:
Dắt dìu Phật tử "
Và từ đó:
"Một bát ba y
Xuân thu du hóa
Chín tuần mười hạ
Năm tháng tịnh tu
Tăng Ni bốn chúng tùng du;
Và Phật tử mười phương quy ngưỡng.
Sơn môn Hòa thượng,
Hải chúng Trung Tôn
Rường cột pháp môn
Nối dòng đạo giáo
Chơn tâm hạo hạo
Pháp tướng nguy nguy
... thiệu phái truyền y
... kế đăng tục diệm
Phật pháp chu toàn trách nhiệm,
Sư mô đầy đủ oai nghi
Trau dồi Trí tuệ Từ Bi,
Nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng,
Thờ Thầy kính bạn
Giữ nước giúp dân
Trọn đời lạc đạo an bần
Suốt kiếp nghiêm thân tấn đạo
Hoằng dương Phật Giáo
Hàng phục ma quân
Xử thế đãi nhân
Tiếp độ Tăng chúng."

Để rồi công ấy, đức ấy như hạt sương, như cơn mưa tưới tẩm làm nhuần thắm đất tâm của bao người sùng phụng kính ngưỡng:

"Lòng mang nặng Tôn phong một gánh
Chân gập ghềnh Tổ ấn hai vai
Là người nhập thất Như Lai
Là bậc xuất gia Bồ Tát."

Nhưng rồi cái gì phải đến thì đã đến. Đến trong lúc cảnh đời nghiệt ngã, nhân tâm thác loạn, đạo lý suy đồi, giữa chốn phàm trần nhiều mộng tưởng:

"Thế rồi việc gì đã xảy ra"
Thật vô khả nại hà !
Hỡi ôi ! ... đèn thiền gió tạt!
... đuốc tuệ khói tan.
Cân bình vắng bóng Tăng hàng
Áo mão mờ trang giáo phẩm!
Để rồi:
"Ngắm phương trời lên cõi vô dư
Và, dò dẫm đất vào thành Bất thoái.
Lá rụng về cội
Nước chảy ra khơi
Ta bà xã báo một đời
Phật quốc nở hoa chín phẩm."

Giờ đây, nhục thân của Hòa thượng đang tĩnh tọa trên đỉnh đồi Nguyên Thiều thơ mộng. Bên cạnh phía sau là Kim Thân Phật Tổ đã hằn vết rêu phong năm tháng, nhưng không mất vẻ uy nghiêm, Từ bi muôn thủa nơi đấng Thế Tôn. Và phía dưới chân đồi là dòng sông Tân An rợp bóng tre xanh, bên cánh đồng lúa chín vàng. Dòng sông hiền hòa, tươi mát nên thơ của xóm làng, dân dã. Nơi đây, cứ mỗi chiều về hay giờ công phu buổi sớm, Hòa thượng nghe từng tiếng chuông u minh, tiếng đại Hồng ngân nga diệu vợi trên đỉnh đồi, gió ngàn mang đi khắp chốn:

"Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng Viên Thông
Nhất thiết chúng sanh thành chánh giác
Văn chung thinh
Phiền não khinh
Trí huệ trưởng
Bồ đề sanh
Ly địa ngục
Xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật
Độ chúng sanh.
Án Dà Ra Đế Da Tóa Ha."

Dịch:
Nguyện tiếng chuông này vang khắp chốn
Thiết vi u ám thảy đều nghe
Nghe rồi thanh tịnh chứng Viên Thông
Tất cả chúng sanh thành chánh giác
Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ
Trí huệ lớn, Bồ đề sanh
Lìa địa ngục, khỏi hầm lửa
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh
Án Dà Ra Đế Da Tóa Ha.

Tiếng chuông này, từ thời Hòa thượng còn sinh tiền đã bao nhiêu lần Hòa thượng thỉnh chuông và cầu nguyện, cho quốc thái dân an, cho Phật pháp trường tồn, cho Tăng Ni tín đồ thoát ly khổ hải. Hòa thượng một mình một bóng, lần chuỗi thỉnh chuông, niệm từng danh hiệu Phật cho đến ngày xả bỏ báo thân. Tâm Hòa thượng nhẹ như mây, bềnh bồng đó đây trong tam giới an nhiên tự tại, và thênh thang như gió, gió lộng trong hư không, mà chẳng mảy may bị cản trở.

Những hàng thông cao vút, những hàng bạch đàn reo lá với gió ngàn, tiếng kinh Mông Sơn Thí Thực chiều nay trên chánh điện sao êm đềm, thanh thoát như tiễn đưa, như cứu độ bao loài oan hồn uổng tử được siêu sanh.

Ánh trăng mười sáu soi rọi từng nhánh cây, kẽ lá trên đồi Nguyên Thiều, bóng trăng ẩn hiện, lấp lánh như muôn ngàn vì sao soi rọi bóng dáng ai bên cạnh chân Tháp, trên lối mòn dưới rặng cây, phất phơ tà áo vàng đang chống gậy trúc uy nghiêm hướng về cõi nhân gian miệng mỉm cười.

San Diego, ngày 18 tháng 7 năm 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.