Con thi được vào đại học, hầu hết các bậc cha mẹ lại phải vất vả thêm để lo chu cấp cho con yên tâm theo học. Đó là chuyện hằng ngày ở quê nhà, được báo Giáo Dục & Đào Tạo ghi nhận như sau.
Nhân chuyến đi công tác, tôi tạt qua nhà thăm mẹ. Làng quê vẫn thế, nghèo nàn, xơ xác. Những mái nhà bé nhỏ chen nhau mọc thêm ở những mảnh vườn vốn đã không rộng.
Chờ tôi nghỉ lấy sức, mẹ bảo: thằng Còi nhà bác Chinh vừa đỗ đại học. Cả họ nhà ta đang động viên cho nó nhập học. Chưa biết bác ấy quyết định thế nào…
Tôi chùng lòng nhớ những ngày tháng lam lũ của bố mẹ để tôi được mài đũng quần trên giảng đường đại học. Tôi ngày ấy còn may mắn hơn nhiều đứa bạn khác. Thằng L. nhận được giấy báo đó mà phải giấu cả nhà. Tôi hiểu L. không muốn bố mẹ mình phải dằn vặt khi hàng ngày thấy con phải lầm lũi đi sớm về khuya, quanh quẩn với góc rơm, mảnh ruộng, đè nén ước mơ trở thành sinh viên chỉ vì gia đình họ quá nghèo. Không ít người như L. coi ngày nhận giấy báo để là kỉ niệm buồn của một thời đèn sách... Rồi lấy vợ, lấy chồng, lại nhen nhóm hy vọng rằng sau này con cái mình sẽ làm nốt những gì mà bố mẹ nó còn dang dở. Nhưng cũng có những ông bố, bà mẹ (số này chiếm phần đông) quyết tâm nuôi con ăn học thành tài. Bởi theo họ, dường như đó là con đường duy nhất để, trước hết, con họ được đổi đời.
Trong tháng 3 vừa qua đã có nhiều bài báo viết sự hy sinh nhẫn nại của bố em Nguyễn Thanh Lam (ĐHKHTN) đã từng được giải thưởng toán quốc tế. Hai anh em Lam vào đại học (anh trai Lam là SV năm thứ 2 - ĐHBK) bố cũng khăn gói lên Hà Nội, thuê nhà trọ ở cùng với mấy người bạn, đạp xích lô nuôi con ăn học. Ông quyết tâm bám trụ ở đất Hà Nội, ít nhất là đến khi hai anh em Lam ra trường, tự lo được cho mình…
Hay như mẹ em Việt Anh (ĐHSPHN), bán đất, bán nhà ở quê lên Hà Nội mua căn nhà bé tí trong một ngõ sâu ở phố Cầu Diễn. Hàng ngày, chị đạp xe mấy chục cây số để bán vé số ở hồ Thiền Quang nuôi mấy anh em Việt Anh ăn học. Việt Anh cũng được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế.
Tôi có quen hai chị em sinh đôi đang theo học ĐH Luật Hà Nội. Để họ cầm được tấm bằng cử nhân Luật, người mẹ già phải cầm cố nhà cửa, vay của ngân hàng lên tới mấy chục triệu. Hằng ngày, bà mẹ phải buôn thúng bán mẹt để kiếm tiền trả tiền lãi. Không biết khi ra trường, hai cô tân cử nhân Luật có xin được việc hay không nhưng lưng mẹ thì ngày một còng, tóc mẹ ngày một bạc.
Trong một lần đi lấy tài liệu viết bài, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một phụ nữ níu áo anh cảnh sát giao thông, xin lại gánh hàng rong. Nghe giọng phân trần có cả nước mắt, anh cảnh sát kia quay đi, tôi kịp thấy mắt anh đã đỏ hoe. Quê chị ở mãi Thanh Hoá theo về Hà Nội nuôi hai đứa con. Một theo học kiến trúc, một theo học trường Y. Mỗi ngày chị gánh gánh hoa quả từ sáng sớm đến tối mịt, qua bao nhiêu phố bao nhiêu ngõ không thể nhớ nổi để kiếm mỗi tháng gần 1.000.000 cho hai cậu con ăn học. Người mẹ này chỉ có một mong muốn duy nhất: “đừng bao giờ đau ốm, trái nắng giở giời để con chị không phải đói, không phải bận tâm chuyện tiền bạc”. Quý biết mấy những tấm lòng của bố mẹ luôn hướng về con cái, nhận về mình những khó khăn vất vả để mong con họ có được một ngày tươi sáng.
Tôi xin được giấu tên chị - một người mẹ cũng thuộc diện... theo con vào đại học. Chị phải giấu con, đi làm “ôsin” (con ở giúp việc) cho một gia đình giàu có ở Hà Nội, lĩnh một tháng được 300.000 gửi ngược về quê. Chồng chị lại góp nhặt những gì có thể bán được ở trong nhà, kiếm thêm 100.000 nữa, lại gửi ra Hà Nội cho cô con gái. Hàng ngày, nhìn con cái nhà chủ được chăm lo ăn uống, học hành đầy đủ, chị gạt thầm nước mắt, xót xa cho con mình. Hai mẹ con ở cùng một thành phố nhưng chưa một lần nào chị dám đến thăm con. Phần vì sợ con tủi thân, phần vì sợ nó bỏ ngang không theo học vì thương mẹ vất vả.
Bạn thân,
Bài báo kết luận bằng hình ảnh rất xúc động: “Nhiều gia đình nghèo tiễn con vào đại học, ngoài mặt thì vui vẻ, hoan hỉ nhưng nước mắt lại nuốt ngược vào trong. Một người làm sinh viên, nghĩa là cả nhà phải thắt lưng buộc bụng, làm bằng năm bằng mười. Mùa nhập học đang đến gần, chỉ mong ngày càng ít những bạn phải cất giấy báo đỗ đại học vào đáy rương, dẹp bỏ ước mơ thành sinh viên bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn.”