Bài ca được nói đến trong thư này là một nhạc phẩm khuyên phụ nữ “đặt vòng tránh thai” được phổ biến vào giữa thập niên 80 tại VN. Điều đáng nói là người truyền đạt rộng rãi bài ca đến công chúng là một người dân bình thường đã cùng vợ con mình thành lập một đội “truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình” tự nguyện, không lương bổng, không thù lao, lặn lội lên rừng, xuống biển để làm công việc mà người dân này gọi là “kế hoạch muôn đời.” Cách đây 2 tuần, người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này đã vĩnh biệt bè bạn. Báo Thanh Niên viết về bài ca và người dân này như sau.
Bài ca đặt vòng, mới nghe tưởng như chuyện tiếu lâm, nhưng đó là chuyện thật, một bài ca hẳn hoi, do một nhạc sĩ thứ thiệt viết cả nhạc lẫn lời, từng đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác về đề tài kế hoạch gia đình do ủy ban dân số Bình-Trị-Thiên phát động hồi giữa những năm 80. Hẵn bây giờ, dân chúng không còn cơ hội được nghe, nên người viết đành thuật lại, cho dù không được sinh động bằng xem tận mắt, thế này: Trên sân khấu, một tốp ca nữ gồm toàn những cô xinh đẹp, tay mỗi người cầm một chiếc vòng quấn giấy ngũ sắc, cỡ bằng cái vòng của mấy bà béo dùng để lắc eo bây giờ, vừa nhún nhảy, vừa hát lời rằng: “Rủ nhau ta đi đặt vòng/ Vòng số 8 hay vòng số 9/Vòng nào vừa thì ta cứ đặt/Ơi...các anh ơi, em đã đặt vòng.” Từ cánh gà sân khấu, tiếng vọng của tốp nam: Đặt vòng rồi thì làm sao" Tốp nữ tiếp: “Từ nay tự do thoải mái.”
Hồi ấy, có vị giám khảo suýt đánh rớt tiết mục này trong một lần hội diễn, chỉ vì bắt lý một câu: “Các anh ơi! Em đã đặt vòng”, nghe nó thoải mái quá. Sau nghe giải thích, bài hát sáng tác cho tốp ca, đồng ca, nhiều cô hát nên phải “các anh”, thế là đúng. Ông giám khảo mới nín thinh. Cái lạ là, bài hát lan nhanh đến mức, ở cuộc nhậu nào, các anh cũng mang ra hát. Nhạc đệm là phần gõ bát. Diễn xướng như thật, nghe đến vui tai. Sau này, các đội văn nghệ xóm có phần sáng tạo hơn ở lời giới thiệu. Ví như: “Từ khi em được đặt vòng. Bỗng nhiên em thấy trong lòng dâng cao.” Đó là nội dung bài hát “Rủ nhau ta đi đặt vòng”, nhạc và lời của M.P, do đội văn nghệ Lạc Thiện chúng em trình bày.” Sau khi kết thúc bài hát, người giới thiệu tiếp tục, như phần giải thích cho rõ: “Chữ số không phải là hình/Mà là kích cỡ chúng mình vừa thôi/Nói lời thì giữ lấy lời/Không nên đăng ký để rồi lại quên.” Thấy chuyện ngồ ngộ, phóng viên báo TN mang hỏi anh Hoàng Định Luyện. Anh Luyện bảo: “Ở đây chúng ta không bàn về mặt nghệ thuật của ca khúc mà chỉ xét về sự lan tỏa của nó, thì hẳn, tác giả đã không nhầm. Bởi vì, ở thời điểm đó, không chỉ chị em mà cánh đàn ông cũng ngượng chết. Thế mà có bài hát, hát mãi thành quen.”
Bạn,
Cũng theo báo TN, ông Luyện là người mà dân vùng Lệ Thủy, Quảng Bình ai cũng biết. Họ gọi ông là nhạc sĩ mà không cần biết ông đã là hội viên hay chưa. Họ hát bài ca, xem kịch của ông sáng tác. Họ gọi ông bằng Anh, già cũng gọi Anh, trẻ cũng gọi Anh. Mười năm trước, ông cùng vợ con mình lập đội “truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình” tự nguyện. Ông vừa là đội trưởng, là tác giả, đạo diễn kiêm diễn viên. Thành viên của đội là vợ ông, hai cô con gái lớn và vài người trong xã. Hai tuần trước, trái tim của ông Luyện đã ngừng đập giữa vòng tay của bạn bè. Đến lúc đọc điếu văn, người ta mới biết ông Luyện đã sống qua 71 mùa xuân cuộc đời.