Theo các báo quốc nội, Liên đoàn Bóng tròn VN sắp sửa công bố mô hình câu lạc bộ bán chuyên nghiệp áp dụng cho 10 đội xếp hạng cao nhất trong giải vô địch túc cầu VN mùa bóng 1999-2000, tuy nhiên thay vì mô hình mang tính tham khảo và dành quyền lựa chọn cách hoạt động phù hợp cho từng câu lạc bộ, Liên đoàn lại ép các đội vào khung có sẵn. Theo giới túc cầu, dù việc ép buộc này có được linh động hóa bởi số tiền tài trợ 1.4 tỉ đồng mà Liên đoàn hứa dành cho mỗi đội (100 ngàn đô), thì các đội bán chuyên nghiệp trong tương lai vẫn bị trói chân về các hợp đồng tài trợ.
Báo Người Lao Động đã nêu ra hai tiêu chuẩn ngặt nghèo đối với các đội bóng bán chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng tròn VN (trong nước gọi là Liên đoàn bóng đá). Theo đó, sân thi đấu phải “sạch”, nghĩa là không có bảng quảng cáo nào cả, ngoại trừ 48 quảng cáo của nhà tài trợ chính thức của Liên đoàn bóng tròn VN là hãng dịch vụ quảng cáo Strata. Áo thi đấu cũng phải “sạch”, tức là trên áo cầu thủ chỉ được quảng cáo cho nhà tài trợ từ ban tổ chức. Phân tích về quy định này, báo Người Lao Động viết: Những tiêu chuẩn này được đưa ra từ đầu giải Vô địch quốc gia 1999-2000, nhưng không ít đội đã phản ứng mạnh mẽ. Chính vì thế bên cạnh củ cà rốt trị giá 100 ngàn đô, Liên đoàn đưa kèm cây gậy: Ai không đáp ứng, dù đã trong danh sách 10 đội vẫn có thể bị gạt ra khỏi bán chuyên nghiệp.
Giải thích vì sao các đội chẳng mặn với yêu cầu trên, báo Người Lao Động nêu ra một số điểm về sự thiệt thòi của các đội như sau: Tự mình ký hợp đồng nhận tài trợ, các đội có thể đạt mức 50-60,000 đô cho quảng cáo trên áo. Xa hơn, các đội bán chuyên nghiệp đều vươn đến có sân riêng. Nếu họ có toàn quyền đặt bảng quảng cáo ở quanh sân lẫn khán đài, gộp khoản thu quảng cáo từ áo và từ sân sẽ vượt mức 100 ngàn đô mà liên đoàn hứa tặng. Những con số trên hoàn toàn có cơ sở thực tế. Quảng cáo trên áo của đội Cảng Sài Gòn cho thương hiệu hãng San Miguel trước năm 1999 đã đem lại cho đội này 60 ngàn đô/năm. Sau San Miguel, đội Cảng từng tiến hành đàm phán với một đối tác cùng ngành với mức tài trợ 100 ngàn đô/năm. Trên sân Long An, chỉ riêng 4 bảng quảng cáo cho gạch Đồng Tâm đem lại cho đội 50 triệu đồng/năm, chưa kể 200 triệu đồng cho dòng chữ Gạch Đồng Tâm trên trang phục thi đấu.
Cũng theo báo trên, nhiều quảng cáo là niềm tự hào địa phương, như đội Thừa Thiên-Huế quyết tâm bảo vệ hình ảnh bia Huda, đơn vị nuôi sống hàng ngàn công nhân lao động Huế, hàng năm nộp cho tỉnh 130 tỉ đồng (40% tổng mức tiền thuế thu được) và tài trợ 350 triệu đồng cho đội bóng. Ngoài bia Huda, các quảng cáo trên sân Tự Do cũng mang lại 100 triệu đồng cho đội. Còn đương kim vô địch Sông Lam Nghệ An đã vươn lên đỉnh cao nhờ 4 năm tài trợ liên tục với mức 100 ngàn đô/năm từ hãng bia Halida. Bây giờ, tính lên bán chuyên nghiệp, liệu họ có sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ tình nghĩa này, muối mặt mặc áo quảng cáo cho hãng bia Tiger-đối tác của Strata và kình địch cạnh tranh với bia Halida chăng.
Bạn,
Báo Người Lao Động nhận xét rằng Liên đoàn Bóng tròn VN đã bao biện chiếm trọn quyền thương thuyết, “bán” trọn gói sắc áo của 10 đội và hàng trăm bảng quảng cáo. Mới đây, đội Thể Công, đã ký hợp đồng quảng cáo cho Yamaha Motors với giá 70 ngàn đô/năm. Đây là hành động nổi loạn, vì đội Thể Công biết rất rõ tiêu chuẩn “sạch áo” của Liên đoàn. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đội không thể để cho đội này xé rào một mình. Và dù Yamaha hứa sẽ thảo luận với Liên đoàn về cách quảng cáo trên áo, nhưng liệu họ có nhượng bộ khi Strata yêu cầu đội Thể Công mặc áo quảng cáo Honda, một kình địch của Yamaha"