Những phụ nữ làm công việc tham vấn hòa giải hôn nhân được kể trong lá thư này chưa theo học một khóa nào về tư pháp dù là khóa cấp tốc vài tháng, họ chỉ là những người dân quê bình thường, có đôi chút uy tín ở làng xóm. Trong thời gian gần đây, chứng kiến tình trạng nhiều vợ chồng trẻ cứ đưa nhau ra tòa đòi ly dị, họ đã tự nguyện làm công việc của những người tham vấn hòa giải hôn nhân. Báo Phụ Nữ viết về những nhân vật này như sau.
Tại Củ Chi có nhiều “chuyên viên tư vấn” điển hình như bà Bảy Rè (Trung Lập Thượng), Bảy Đặng (Trung Lập Hạ). Mấy cặp lộn xộn mà tới tay bà Bảy Rẻ và bà Bảy Đặng thì chỉ một tuần sau là thấy dắt nhau ra quán ăn hủ tiếu. Cách đây 3 năm, bà Bảy Rẻ đã hòa giải thành một cặp mới đám cưới vài tháng, đã tính chuyện chia tay một cách độc chiêu. Anh T vốn làm nghề thợ mộc nên đã thiết kế cho mình một chiếc giường hết sức là thênh thang. Hôm nghe anh T than thở, vợ chồng thằng con sao cứ giận hờn hoài khiến T bần thần làm ăn chẳng nên thân, bà Bảy Rẻ đã vào phòng riêng của vợ chồng anh T để nhỏ to khuyên nhủ chị T. Khi thấy cái giường mênh mông ấy, bà kêu riêng anh T ra một góc đề nghị đổi cái giường có chiều ngang càng nhỏ càng tốt. Anh T y lời, thế là êm ấm. Bà Bảy nói đó là nhờ kinh nghiệm hồi trẻ, ai chưa trải qua thì khó có thể biết.
Xã Thới Tam Thôn Hóc Môn là nơi được xem là có nhiều người hòa giải tốt. Bà Tư Liễu là một người như vậy. Một phụ nữ kể: Có một ông tổ trưởng nổi tiếng là khó tính. Thấy rể thường xuyên nhậu nhẹt, nhân con gái giận chồng bỏ về nhà cha mẹ, ông bắt thôi luôn và tuyên bố nếu trở lại với chồng là ông từ luôn. Vậy mà chẳng biết bà Tư Liễu nói làm sao mà thuyết phục được ông ngồi lại nói chuyện với bên sui trai để họ đón con dâu về. Chúng tôi hỏi bà Tư Liễu làm sao mà tại vậy, bà cười đôn hậu: Tài thánh gì. Đi muốn rụi cặp giò! Sui trai ở tận bên Tân Xuân, cách nhà 7,8 km mà đâu mà đi một lần là thuyết phục được người ta. Chúng tôi hỏi bà có lãnh lương hòa giải không" Bà cười, lắc đầu: Đâu có đồng nào. Chẳng qua vì thương mấy đứa nhỏ, không muốn thấy cảnh chúng ở với mẹ thiếu cha, ở với cha thiếu mẹ. Ba má chúng còn trẻ, rồi sẽ lập gia đình mới, khổ nhiều chứ không phải ít. Thôi thì chịu cực cái thân nhà, coi như mình làm phước. Trung bình mỗi tháng bà Tư hòa giải 2 vụ hôn nhân gia đình. Có vụ chỉ vài giờ đồng hồ là xong, có vụ cả mấy tháng trời.
Ở khu phố 6, phường Tân Thới Nhất, quận 12 có bà Phạm Thị Xuân, cũng là một người hòa giải có uy tín. Gần đây nhất, bà đã hòa giải được một cặp vợ chồng nghiện ma túy, vợ đã đưa đơn ra tòa lần thứ hai. Bà Xuân kể: Việc làm đầu tiên của tôi là giúp anh chồng cai nghiện. Tôi đã lấy lương hưu ra mua banh, đi vận động các nhà mạnh thường quân khác hỗ trợ mua giày, mua quần áo để thành lập một đội đá banh giao cho anh chồng quản lý. Có việc để làm và được làm việc mình yêu thích, dần dần anh ấy đã cai nghiện được. Lúc đó người vợ cũng đã kịp nghĩ lại. Thế nhưng người làm phước lắm khi cũng mắc nạn. Bà Xuân kể, có lần bà bị cô vợ bé của anh S hăm rạch mặt, chỉ vì bà đã thuyết phục được anh S rút đơn xin ly hôn để trở về với vợ cái con cột.
Bạn,
Báo Phụ Nữ kể lại câu chuyện một bà tham vấn tên là Phán ở Củ Chi, bà này cũng đã từng bị ông chồng bẻ trặc tay chỉ vì dám xía vô chuyện nhà người khác. Bà tâm sự: hòa giải cặp nào tôi cũng chỉ nói một chuyện: Tụi bay có thương con thì nghĩ lại. Tạo ra chúng làm chi rồi bỏ chúng bơ vơ. Cứ đặt trường hợp bây là chúng đi, hàng ngày cứ thấy cảnh ba má gây gỗ, ba đánh má, ba má bỏ nhau bây giờ có khổ không, có đau không mà bắt con bây phải chịu.