Theo báo Kinh Tế Sài Gòn, sau khi xảy ra sự kiện 11/9 tại Mỹ, hơn 1 tháng qua, các hãng kinh doanh hàng xuất cảng ở Sài Gòn đã bị lỗ nặng do các hãng nước ngoài hoãn vô thời hạn các hợp đồng mua bán. Không chỉ các doanh gia, hãng buôn mà các viên chức ngành Thương mại cũng lo âu về tình hình rất bi quan của các thương vụ xuất cảng từ đây đến cuối năm. Báo Kinh Tế Sài Gòn đã ghi nhận tình trạng lao đao của giới xuất cảng VN tại Sài Gòn qua đoạn ghi chép như sau.
Đã vào giờ nghỉ trưa nhưng người phụ trách xuất khẩu ở một công ty chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ vẫn ngồi nán lại để chia sẻ nỗi niềm với một quan chức sở Thương mại. Dù ở cương vị khác nhau, nhưng cả hai đều lo ngại về viễn cảnh ảm đạm của xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Vị doanh nhân này bộc bạch: Tất cả những đơn hàng xuất cảng đang bị cả khách Mỹ lẫn khách Nhật hoãn lại không thời hạn. Trong khi đó, hàng không giao được trong mùa này, mùa sau có thể không còn phù hợp về mẫu mã, tiền đã chi ra không thu hồi được. Nhiều công ty làm hàng xuất khẩu cũng ở tình trạng tương tự. Bà Lê Hải Liễu, giám đốc Công ty chế biến gỗ Đức Thành, cho biết đơn đặt hàng của doanh nghiệp này đã giảm khá lớn, từ trên 20 container xuống còn hơn 10 container mỗi tuần. Trong khi đó, công ty dệt may Saehwa Vina 100% vốn của Hàn Quốc đã tính đến chuyện không thể xuất khẩu hàng may mặc trong vài tháng tới. Công ty này vừa xây xong nhà máy có diện tích 2.5 ha ở Củ Chi, sử dụng 1,000 công nhân để nhắm đến thị trường Mỹ. Ông Diệp Thành Kiệt, giám đốc công ty WEC Saigon, cho biết công ty của ông đã quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, thay vì kén chọn những khách trung và cao cấp như trước đây, công ty sẽ tiếp cận mọi đối tượng khách hàng. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ bị tác động mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay, do vậy, họ sẽ còn những giải pháp quyết liệt hơn, điều này sẽ tác động mạnh đến Việt Nam.
Trưởng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN tại Sài Gòn, ông Trương Đình Hòe, cho biết tình hình mua bán thủy sản chậm lại. Một số hội viên cho biết các nhà xuất nhập cảng tạm ngưng mua vào. Trước tình hình thị trường Mỹ biến động, khách hàng cũng trở nên khó tính hơn khi mua hàng. Ông Hòe nói: Những doanh nghiệp mua vào lúc này chủ yếu để đầu cơ, họ đưa mức giá thấp, nếu ai chấp nhận thì chơi. Giá tôm giao dịch hiện nay chỉ hơn 9 đô/kg tôm sú vỏ, thay vì trên 11 đô/kg của những ngày trước 11-9. Đoàn doanh nghiệp VN dự hội chợ triển lãm chuyên ngành thủy sản tại Los Angeles trở nên kém sôi động, từ 25 người ghi tên nay chỉ còn 13-14 người. Trong khi đó, các nước chủ trương hướng về xuất khẩu cũng tìm cách giảm giá để nâng sức cạnh tranh. Chính phủ Thái đã có biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho thủy sản xuất khẩu, đồng thời một số doanh nghiệp nước này đã chuyển sang bán hàng theo hình thức ký gởi để tạo thuận lợi hơn cho người nhập khẩu.
Bạn,
Báo KTSG dẫn lời của một viên chức cao cấp của bộ Thương mại CSVN nhận định rằng hình thức thực hiện chỉ tiêu xuất cảng càng ngày càng khó khăn hơn, sản lượng các mặt hàng xuất cảng chính yếu còn rất ít, trong khi giá cả hầu hết đều tụt giảm ở mức rất thê thảm.