Bạn,
Tại Hà Nội, giưã hàng trăm ngàn người dân nghèo khốn khổ phải đối mặt với chuyện áo cơm hàng ngày, có một số dân giàu chuyên dùng cao hổ cốt để tăng cường sinh lực. Hàng trăm con hổ đã lìa rừng phục vụ người giàu. Từ đó, tại Hà Nội đã xuất hiện một số người làm nghề nấu xương cọp với 1 quy trình thao tác vô cùng gian nan như ghi nhận của 1 phóng viên báo Tuổi Trẻ qua 1 đoạn phóng sự như sau.
Phó Nhận (đệ tử lang Thưởng) khởi hành lúc chính Dần (4 giờ sáng), theo xe đồ nghề đến trang trại của bác sĩ Dung bên Gia Lâm nấu cao hổ cốt thuê. Mở căn buồng trống hướng nam, phó Nhận dàn ba bếp gas, hai nồi quân dụng, chậu nhôm, vải xô trắng, chảo chống dính, găng tay, cưa sắt, dao tông, búa rìu, bàn chải sắt, nạo sắt... cùng các loại săm (như chiếc bơi chèo để khuấy), đũa, môi (vá), gáo kỳ dị. Trong bì còn một bọc cát vàng, dầu, mỡ, rượu trắng... và một chiếc giá thép có khớp nâng cao, hạ thấp. Người giúp việc đặt bao tải có niêm phong những đường khâu giữa nong tre. Lang Thưởng vung dao nhọn khứa tung miệng bì rồi gập người dốc ngược. Những vật vụn như quả nhãn, dài như cây bút trắng tóe xuống mặt nong. Phó Nhận thảng thốt: Hổ xám! Sờ những cục, mảnh xương đặc, nặng và không mùi vị, Nhận nói: 25kg này có 50% xương hổ, 30% xương gấu, còn lại là sơn dương. Nhận xếp những bọc vải đựng bột cưa (cưa từ xương) lót đáy nồi. Xếp xương theo lớp, đổ nước ngập 10cm. Lấy nắp nhôm có nhiều lỗ thủng ấn sát mặt xương như giá đồ xôi để tiện chiết nước. Đúng giờ Thìn, hai bếp gas đun xương và nấu nước phun lửa xanh lè. Lửa cháy xuyên ngày đêm. Nồi cao cứ cạn 7-8cm lại được tiếp nước sôi.
Giờ Thìn ngày thứ ba (sau 48 tiếng), bác sĩ Dung mở vung. Khói trắng, hắc, nghi ngút bay quyện trần. Lang Thưởng múc những gáo dịch trắng sánh như bột đổ vào tấm vải xô căng trên giá thép. Dịch hổ đọng trên mặt vải khoảng ba tô chất dẻo quánh như bột trẻ con. Nước lọc xong cho vào nồi đun tiếp. Dịch chiết đổ sang chảo đặt trong lòng chậu tôn đựng 3kg cát vàng đã đun nóng 24 tiếng trên bếp lửa thứ ba để cô cao. Nước dịch biến dần từ trắng sang nâu, từ loãng sang đặc. Khi gần quánh như bột bánh thì chảo được kê cách mặt cát nóng 20cm. 48 tiếng sau, dịch được chiết lần hai, rồi lần ba được đấu (trộn lẫn), cô trên cát nóng đầy một chảo lớn. Sau ba tiếng, cao chuyển hẳn sang màu nâu sẫm, có độ trong và dẻo. Lang Thưởng chọc sâu cây săm và rút lên cả tảng cao không dính chút nào dưới đáy chảo. Cao được dàn ra mâm đồng đã quét dầu, phủ vải thưa, chờ nguội. Đồ nghề được ngâm, tráng nước nóng để nấu cháo gà. Phó Nhận đổ can rượu trắng vào chảo khoắng, nạo rất có nghề rồi rót vào ly cốc. Nồi cao hổ kết thúc bằng bữa rượu tráng chảo. Sau bảy ngày nung nấu trong vạc lửa, xương cốt cứng như thép, nặng như đá của chúa sơn lâm đã trở thành một thứ thuốc quí.
Bạn,
Cũng theo báo TT, phụ giúp cho người nấu cao hổ cốt là người đập xương cọp. Họ phải đội mũ bảo hiểm, kính, găng, khẩu trang; trong phòng phun thuốc khử mùi nhưng vẫn hôi sặc sụa. Nhiều người chảy nước mắt, nhức mũi không thể làm. Tiền công đập xương 100 ngàn đồng/ngày nhưng không nhiều người dám nhận việc này lần hai.