Tại một số tỉnh miền Trung, do đời sống quá khó khăn, người dân nghèo đã nghĩ ra nhiều cách để mưu sinh bằng chính sức lao động của mình, một trong những nghề đó là nghề chạy xe đạp ôm, dân miền Trung gọi là nghề xe lai. Nếu làm nghề chạy xe gắn máy ôm, “tài xế” không phải vất vả chân tay, chỉ cần cho xe nổ máy và cứ thế mà phóng đưa khách đến địa chỉ yêu cầu, thì nghề xe lai vất vả vô cùng, tài xế phải cong lưng đạp đến phờ người, gặp những khách có trọng lượng khá nặng thì phải tung hết sức lực để chở. Theo ghi nhận của báo “Sài Gòn giải phóng” CSVN, tại miền Trung, Huế là thành phố có đông người kiếm sống bằng nghề chạy xe đạp chở khách. Một phóng viên đã viết về nghề xe lai tại cố đô qua đoạn ghi chép dưới đây.
Qua nhiều lần tiếp xúc với cánh lái xe lai cũng như với dân Huế, tôi được biết có tới 90% số người hành nghề xe lai là dân các tỉnh khác như Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa... vào thành phố ở trọ để kiếm sống. Hiện tại khó lòng có một con số thống kê đầy đủ về số đầu xe lai cũng như đầu người lái xe lai ở Huế và người ta chỉ có thể ước chừng khoảng hơn 1 ngàn người hành nghề trong thành phố nhỏ bé này. Những người hành nghề xe lai tới Huế đều chung mục đích là kiếm sống. Thành, một thanh niên tuổi ngoài hai mươi, quê Nghệ An, cho biết sở dĩ anh vào Huế làm nghề xe lai là vì ở quê công việc làm rất ít. Làm ruộng thì sau khi qua vụ, công việc rất rảnh, chỉ vài người chăm sóc lúa là được. Anh còn cho biết không chỉ có một mình anh mà nhà có hai anh em đều vào Huế làm nghề. Hai anh em thuê trọ ở gần đường Hà Nội-Huế và mỗi người đứng tại mỗi điểm khác nhau để đón khách.
Cũng như những người lao động thời vụ tỉnh lẻ tới Hà Nội hay Sài Gòn kiếm sống, những người hành nghề xe lai ở Huế làm theo thời vụ, nghĩa là cứ ở quê hết công việc họ mới vào Huế để làm và khi nào mùa vụ họ lại rời Huế để về quê. Nhưng có lẽ đại đa số họ đều hành nghề chuyên nghiệp quanh năm. Tôi biết một số người làm nghề ở ngã ba đường Lê Lợi-Hà Nội và cầu Phú Xuân, họ chỉ về quê dịp Tết Âm lịch hoặc khi nhà có công việc thật trọng đại. Một người lái xe lai ở đầu chợ Đông Ba kể: “Ở Huế kiếm tiền đâu có dễ dàng chi, thành phố nhiều phương tiện giao thông quá. Loại nào cũng ế khách. Nghề xe lai cũng trong tình trạng ấy...”
Huế là thành phố nhỏ nhưng lượng xe taxi, xe ôm, xe xích lô đông một cách khó tưởng tượng nổi. Xe lai ở Huế thực ra không hề phù hợp với khách du lịch mà nó chỉ phù hợp với những người dân nghèo đi chợ búa, những em học sinh đi học gần nhà... Để hành nghề xe lai vốn ban đầu chỉ là một chiếc xe đạp cà tàng loại không đắt tiền lắm, độ 200 ngàn đến 300 ngàn đồng, nhưng phải khỏe và chắc.
Bạn,
Theo ghi nhận của phóng viên trên, khách đi xe lai ở Huế là những người có thu nhập thấp, dân lao động buôn bán lặt vặt. Khách ở quê hay những vùng ngoại thành Huế vào cũng thường xuyên đi xe lai. Nếu như một cuốc xe ôm cho lộ trình 5 km ở Huế là 4 ngàn đồng thì với xe lai khách chỉ mất 2 ngàn đến 3 ngàn đồng. Trung bình mỗi một ngày, một người làm nghề xe lai kiếm được từ 12 ngàn đến 15 ngàn đồng là cao nhất. Số tiền không nhiều nhưng đã giúp họ sống qua những ngày khốn khó.