Theo báo Tuổi Trẻ, mới đây, một toán công nhân trên công trường mở tuyến mới cho Quốc lộ 1 đoạn Qui Nhơn-Sông Cầu, họ đã phát giác ra hai ngôi làng ở đầm Cù Mông cách biệt với thế giới bên ngoài, dù cả hai làng chỉ cách trung tâm phường Gánh Ráng của thị xã Qui Nhơn 20 km, thế nhưng không có đường bộ để vào làng, trong làng không có đường sá đi lại, hầu hết dân làng đều mù chữ.
Làng thứ nhất là làng Bãi Rạng nằm lọt thỏm trong một thung lũng núi tiếp giáp đầm Cù Mông. Đứng trên con đường mới của quốc lộ 1, đoạn vượt đèo Cù Mông nhìn xuống, không ai nghĩ rằng có người sinh sống ở đây. Cụ Huỳnh Thị Mai, 80 tuổi, người lớn tuổi nhất trong làng, kể là bà sống ở đây đã 44 năm. Ngày ấy vợ chồng bà là một trong ba gia đình đầu tiên từ Qui Nhơn vượt biển vào đây khai hoang, sinh sống. Từ đó, ba gia đình sinh con đẻ cái rồi hình thành ngôi làng. Lúc đầu không ai biết sự tồn tại của nó bởi một bên là núi rừng trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông, không có đường sá đi lại. Hai mươi năm trước, khi người ta phát giác ra nó, dân làng trở thành cư dân của phường Canh Ráng, Qui Nhơn, nhưng chỉ trên danh nghĩa giấy tờ, còn thực tế, dân làng tự sinh sống, tự lập làng với nhau bởi từ ngày lập làng đến nay hầu như chưa có nhà chức trách nào đặt chân đến mảnh đất này.
Buổi sáng và chiều, mây trên đỉnh núi Cù Mông sà sát xuống làng. Sóng biển ngày đêm vỗ bên chân làng. Nhà cửa trong làng chỉ toàn là những căn chòi lá bằng dừa xơ xác, tạm bợ. Cư dân Bãi Rạng sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Cả làng chỉ có vài chiếc ghe nhỏ, tôm cá đánh được chỉ đủ cung cấp trong làng. Một số người sống dựa vào núi rừng, đốt than, chặt củi. Mùa biển êm thì dùng đò chở, mùa biển động thì len lỏi vượt rừng vào sông Cầu (Phú Yên) hoặc ra Qui Nhơn đổi gạo mang về. Ông Phạm Văn Đựng, một dân làng kể: Ngày trước, khi chưa có quốc lộ đi qua vùng núi này, muốn mua sắm thứ gì chúng tôi phải đi hơn nửa ngày đường men theo sườn núi, len lỏi vượt rừng để ra ngoài.
Những đứa trẻ đen đúa trong làng nhìn toán phóng viên báo Tuổi Trẻ với sự ngạc nhiên, ngơ ngác. Ông Trần Đình Bông, tổ trưởng của làng, nói: Hầu hết dân làng đều thất học. Trước đây, một vài gia đình cho con vào Sông Cầu học nhưng được vài ngày thì các cháu không đi nổi. Có cháu bị ngất xỉu giữa rừng vì leo núi quá xa. Giờ thì không trẻ nào dám đi học. Ông Bông nói thêm: Ở đây, đau bệnh chỉ biết bó tay. Do địa thế phức tạp, làng không bắt được một làn sóng phát thanh, truyền hình nào. Một công nhân công ty xây dựng 98, đơn vị thi công đường Qui Nhơn, Sông Cầu, xúc động kể: Khi chúng tôi mới đến làng, bà con mừng như được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chuyện dựng vợ gã chồng cho con ở đây không giống như nơi khác. Ông Phan Anh có 4 người con gái, nhà đang thiếu lao động nhưng ông đành cho cả bốn người đi làm xa để lấy chồng. Con trai trong làng lớn lên đều bỏ đi phương xa để tìm vợ, và chẳng mấy ai lại về ngôi làng hiu quạnh này.
Bạn,
Dưới chân núi Cù Mông cũng có một ngôi làng khác cùng số phận như Bãi Rạng. Đó là làng Bãi Cả gồm 20 ngôi nhà nằm nấp sau những vách núi sát biển. Ở ngay bên mép biển nhưng dân làng Bãi Cả sống bằng nghề đi rừng. Trẻ em mới 8 tuổi đã theo cha mẹ lên rừng chặt củi, đốn than. Năm, bảy ngày dân làng có một chuyến ghe chở than củi đi đổi gạo. Cả làng chỉ có bốn, năm chiếc ghe nhỏ để đánh cá ven bờ vào mùa biển động. Mùa biển động, thanh niên trai tráng trong làng chỉ biết khoanh tay nằm nhà. Một cư dân ở đây nói: Hơn hai mươi năm qua, chúng tôi sống như những bộ tộc ít người, nhiều trẻ em ở đây chưa được làm giấy khai sinh.