Hôm nay,  

Miên Trường Phía Sau

09/04/202519:11:00(Xem: 2546)
Bui Giang 1
Di ảnh nhà thơ Bùi Giáng (nguồn: internet)

 

 

              Rồi mùa đông cũng chầm chậm đi qua, mang theo những cơn gió lạnh sắt se thấu thịt da người. Có buổi sáng đầy nắng, trời hanh hanh mùi cành non chồi lộc. Những ngày đầu mùa xuân thành phố tôi ở cũng e ấp, bẽn lẽn như người con gái mới lớn. Bốn mùa cứ tuần hoàn quy luật, nhưng mùa xuân năm nay đâu còn hương vị của mùa xuân năm trước. Những cơn gió cuối đông trở ngọn, khiến lòng chúng ta chùng lại với bao ý niệm của sự sống và cái chết thật vô thường. Ở một lứa tuổi nào đó, ngày mai chỉ là sự nối tiếp của hôm nay và trừ đi khoảng thời gian vật lý. Mùa xuân tiếp nối một mùa đông gió rét qua đi và đưa tay đón mùa hè trước mặt. Vài hôm trước có cô bạn năm xưa, "rất xưa" gửi điện thư nhắc tôi một nơi chốn, một kỷ niệm tươi đẹp của tuổi đôi mươi. Trường nữ trung học Gia Long, mấy xe bán bò bía ở chùa Xá Lợi và hình ảnh một nhà thơ -  Bùi Giáng:

"Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng..."  (*) 

 

 

              Có thể nói khi nhắc đến trường nữ trung học Gia Long, mà không nhắc đến dãy xe bán bò bía dọc theo phía trước và bên hông chùa Xá Lợi là một thiếu xót lớn. Ngọc Nhung là em gái của Phạm Chí Trung, người bạn thời đại học của tôi. Trung học khoa sử địa và có giọng hát thật trầm ấm, ngọt ngào trong những ca khúc trữ tình của Phạm Duy và Vũ Thành An. Mái tóc bồng bềnh, nụ cười thật tươi cùng giọng hát trời phú, Trung luôn thu hút các người đẹp quanh mình. Quen nhau trong các đêm văn nghệ không ngủ, trình diễn liên trường tôi thường ghé nhà Trung để nghe tập hát. Nhiều lần Trung nhờ tôi đi đón cô em gái đang  học lớp 12 trường nữ trung học Gia Long. Nhà hai anh em Trung ở đường Yên Đỗ, góc cuối Trương Minh Giảng, nên Nhung đạp xe đến trường cũng khá xa. Có lúc trời mưa, dậy trễ cô nàng phải lặn lội đón chuyến xe lam đi học. Và đây chính là lý do tôi được thay Trung đi đón cô em gái của bạn. Ngày đó không có điện thoại di động, nên cũng hên xui may rủi, khi đi đón được khi về không. Ngọc Nhung dáng người hơi ốm và rất cao. "Nhất dáng, nhì da", Nhung có đủ hai thứ. Với một chiều cao vượt trội nên rất dễ dàng nhận ra Nhung trong đám đông những trưa tan học. Không như anh mình, Trung hơi ngâm ngâm còn Nhung thì ngược lại, nước da trắng mịn đến thấy cả chỉ máu trên má. Tôi vốn đã nhát gái nay lại càng có nhiều mặc cảm khi đi bên cạnh nàng, cứ như hình ảnh một "chàng ngốc bán than". Năm đó Ngọc Nhung được chọn làm "đoàn quân nữ vương" diễn hành trong dịp lễ Hai Bà Trưng (do hai trường nữ trung học Gia Long và Trưng Vương Sài Gòn tổ chức).

 

              Bò bía, tôi nhớ chỉ là củ sắm xào, lạp xưởng cắt mỏng, đậu phộng rang giả nhỏ rồi cuốn với bánh tráng rau râm, ăn với tương ngọt và tương ớt. Vậy mà không hiểu sao các cô nữ sinh Gia Long và mấy chàng "đứng cổng trồng cây si" ghiền đến như vậy? Dĩ nhiên là trong đó có cả tôi. Khối lớp 11, 12 hoc buổi sáng và khối lớp 10 buổi chiều. Nên trưa nào, nhất là có mưa lâm râm đói bụng mà gặp mấy cuốn bò bía, ăn với người đẹp thì ngon, hương vị để đời. Các bạn đừng tưởng người đẹp là "thực như miêu" đâu nghen. Nhung ăn uống tự nhiên như người Sài Gòn. Hai dĩa bò bía, dĩa 2 cuốn, nàng chỉ liếm môi là hết sạch và còn chê tôi "con trai gì mà ăn như mèo, thua cả con gái!". Vậy đã xong đâu, sau hai dĩa bò bía nàng còn gọi thêm ly chè đậu đỏ bánh lọt nước đá bàu, trước khi từ giã cổng chùa Xá Lợi! Mãi những mai sau, tôi vẫn chưa quen ăn vặt, nhưng gặp toàn là những tay ăn vặt có hạng. Đi chơi hay ở nhà bà xã có thể vặt vãnh mọi thứ trừ cơm, đến cả mấy ngày. Thuộc dòng "hai lúa", tôi thiếu cơm một ngày là tinh thần xuống cấp, phải mau chóng tìm cho bằng được chén cơm.

 

              Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?),  thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. Tôi đã nhiều lần gặp Bùi Giáng đi lang thang trong thành phố, như một hành khất giang hồ với vài ba chú chó. Nhưng chỉ biết kính trọng, thương cảm nhìn ngắm từ xa. Và chừng như cả nhân viên công lực, dân chúng thành phố Sài Gòn đều biết đó là Bùi Giáng. Không ai trêu ghẹo, cũng không ai làm khó dễ gì ông.  Nhưng lần này lại khác, ông cầm gậy kéo hai con chó đi thẳng đến chiếc bàn thấp của Nhung và tôi. Hai đứa vội đứng dậy, ông ngồi xuống ghế và nói với Nhung:



              - "Thưa ái khanh, trẫm đói bụng...", rồi ông cầm mấy cuốn bò bía còn lại, chấm tương ăn ngon lành.

              Chuyện ngàn năm một thuở, tôi vội mua thêm hai dĩa bò bía, một ly chè đậu đỏ bánh lọt và cùng Nhung ngồi xuống ăn với ông. Vừa ăn, ông vừa xé cuốn bò bía cho hai con chó cùng ăn. Đôi mắt sáng, tinh anh của ông phía sau chiếc kiếng cận dày cộm, buột dây thung đủ màu tạo một thần sắc thật đặc biệt, dị thường. Không thể nói ông già, cũng không thể nói ông trẻ, chỉ có thể nói đó là thi sĩ Bùi Giáng. Một Bùi Giáng ở giữa chúng ta. Một trích tiên ha xuống đời thường để thành Bùi Giáng. Lúc ăn uống ông không hề nói câu nào. Cho đến lúc ăn xong, ông ngước nhìn Nhung:

              - "Ái khanh có thuốc hút không, cho trẫm xin một điếu"!

              Tôi móc gói thuốc Ruby trong túi mời ông.  Ông chẳng hề để ý đến sự có mặt của tôi mà chỉ nhìn Nhung chờ đợi. Tôi đưa gói thuốc cho nàng. Chừng như chỉ có Nhung là gây được sự chú ý và khiến nhà thơ đầm thắm, tỉnh táo lại. Nàng đưa gói thuốc, ông lắc đầu và chỉ lấy một điếu. Ông hút thuốc thật chậm rãi, trầm tư và dường như có thần sắc hơn? Có nhiều nữ sinh, người đi đường hiếu kỳ đứng vây chung quanh chúng tôi. Sau khi hút hết điếu thuốc, ông đứng lên chấp hai tay xá tạ bâng quơ rồi ngẩng cao đầu, kéo hai con chó vừa đi vừa vẫy tay không nhìn lại. Hình như ông nói lẩm bẩm gì đó, cả tôi và Nhung đều nghe không rõ. Nhìn dáng dấp gầy ốm, liêu xiêu của ông với hai con chó, tôi chợt chạnh lòng như có gì nghèn nghẹn trong cổ. Còn Nhung thì cũng không khác gì hơn, đứng ngẩn người nhìn theo dáng ông khuất dần ở cuối con đường Bà Huyện Thanh Quan. Đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, dịch giả nổi tiếng: Bùi Giáng, người đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bài thơ tuyệt tác, những tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh, Pháp, Đức... và cả Hán ngữ thật công phu, giá trị và thật tài hoa. Đến lúc hai đứa tỉnh hồn, tôi nói với Ngọc Nhung, nhờ hôm nay đi với người đẹp tôi mới có dịp hiếm hoi trong đời, ngồi ăn bò bía chung với nhà thơ Bùi Giáng.

 

              Năm tháng trôi qua, có mấy lần hội ngộ? Đời người vạn nẻo chia xa, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong lòng sa mạc, là hạt muối mong manh giữa biển đời bát ngát, bao la. Gặp đã là duyên, đã là kỳ ngộ. Ngọc Nhung đậu tú tài II, cũng vào đại học sư phạm Sài Gòn khoa Anh ngữ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nhung lấy chồng là một dược sĩ có tiệm thuốc ở tỉnh Đồng Nai. Dạy học hơn 30 năm, Ngọc Nhung nay đã về hưu và đang sống cùng con cháu ở quê chồng... Tưởng đã không còn nhớ, đã biệt mờ tâm cảnh vậy mà có lần tình cờ nhận được tin nhau. Ngọc Nhung nhắc lại những buổi trưa ở trường nữ trung học Gia Long, những dĩa bò bía chia nhau trước cổng chùa Xá Lợi và lần gặp gỡ hy hữu nhà thơ Bùi Giáng...

                             "Thời gian tựa cánh chim bay,
                             Qua dần những tháng cùng ngày
                             Còn đâu mùa cũ êm vui?
                             Nhớ thương biết bao giờ nguôi?..."  (Hoài Cảm - Cung Tiến)

              Mong thời gian không phụ những tấm lòng. Dù bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, đôi khi bạn cần có lần chợt nhớ về một người, một nơi chốn, một kỷ niệm dù mờ nhạt chìm sâu. Đó chính là hạt trân châu, viên đá quý mà bạn có được trong suốt cả một kiếp người thoáng chốc, rồi vĩnh viễn trôi xa..!

 

Niệm Từ

(*) Chào Nguyên Xuân- thơ Bùi Giáng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.