HIỂU RÕ KHÁC BIỆT GIỮA QUẢN TRỊ THƯƠNG MẠI & ĐIỀU HÀNH QUỐC GIA

Nếu như trong kinh doanh, người chủ có quyền ra quyết định nhanh chóng, tập trung tối đa vào lợi nhuận và kiểm soát hoàn toàn bộ máy vận hành, thì quản trị quốc gia lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. (Nguồn: pixabay.com)
Trong ba chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump liên tục cam kết rằng ông sẽ điều hành chính phủ liên bang như một công ty. Giữ đúng lời hứa, ngay khi tái đắc cử, Trump đã bổ nhiệm tỷ phú công nghệ Elon Musk đứng đầu một cơ quan mới thuộc nhánh hành pháp mang tên Bộ Cải Tổ Chính Phủ (Department of Government Efficiency, DOGE).
Sáng kiến của Musk nhanh chóng tạo ra làn sóng cải tổ mạnh mẽ. DOGE đã lột chức, sa thải hoặc cho nghỉ việc hàng chục ngàn nhân viên liên bang, đồng thời tuyên bố đã phát hiện những khoản chi tiêu ngân sách lãng phí hoặc có dấu hiệu gian lận. Nhưng ngay cả khi những tuyên bố của Musk đang được chứng minh sai sự thật, việc tiết kiệm được 65 tỷ MK vẫn chỉ là một con số chiếm chưa đến 1% trong tổng ngân sách 6.75 ngàn tỷ MK mà chính phủ Hoa Kỳ đã chi tiêu trong năm 2024, và là một phần vô cùng nhỏ nhoi nếu so với tổng nợ công 36 ngàn tỷ MK.
Ngoài những con số đáng ngờ, DOGE cũng gây ra nhiều tranh cãi về mặt pháp lý. Vì cơ quan này chưa được Quốc hội chính thức công nhận, nên việc cắt giảm nhân sự bừa bãi và không có cơ sở pháp lý rõ ràng đang đặt ra những câu hỏi lớn về tính hợp hiến của sáng kiến này.
Liệu mô hình “quản trị chính phủ như điều hành công ty” của Trump có thể thực sự mang lại hiệu quả như ông kỳ vọng? Hay nó đang vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp Hoa Kỳ?
Trước khi tiến xa hơn trên con đường áp dụng lối điều hành công ty, xí nghiệp vào quản trị một quốc gia, có lẽ Trump và các cố vấn của ông nên nghiền ngẫm bài học từ vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ: George Washington.
George Washington: từ doanh nhân đến tổng thống
Cũng giống như Trump, George Washington là một nhà đầu tư bất động sản và doanh nhân thành đạt. Bên cạnh việc nắm giữ đất đai tại Virginia và sáu tiểu bang khác, ông còn có quyền sở hữu nhiều vùng đất của người bản địa tại Thung lũng Sông Ohio.
Với các khoản đầu tư trải rộng trên nhiều khu vực, Washington hiểu rõ tầm quan trọng của giao thông và cơ sở hạ tầng. Ông ủng hộ mạnh mẽ các dự án giao thông quy mô lớn, quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của tàu hơi nước (steamboat), và thậm chí còn thành lập Công ty Patowmack, tiền thân của những tập đoàn xây dựng Kênh đào Chesapeake và Ohio sau này.
Nhưng trên hết, Washington là một người nông dân. Tại điền trang Mount Vernon ở miền bắc Virginia, ông trồng thuốc lá, lúa mì và điều hành một nhà máy xay lúa. Sau khi rời nhiệm sở, ông tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và xây dựng một nhà máy chưng cất rượu làm ăn rất khấm khá. Đến khi qua đời, ông sở hữu gần 8,000 mẫu đất canh tác và rừng – gấp gần bốn lần số tài sản ông thừa kế ban đầu.
Tuy nhiên, đế chế kinh doanh của Washington lại gắn liền với lao động nô lệ. Ông sở hữu khoảng 300 nô lệ gốc Phi, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh doanh của ông. Dù trong di chúc, Washington đã giải phóng 123 nô lệ, nhưng suốt quãng đời của mình, ông vẫn kỳ vọng họ phải làm việc theo ý muốn của mình.
Tổng thống Washington và bài học về quyền lực
Khi còn là doanh nhân và chủ đồn điền, Washington quen với việc ra lệnh và được tuân theo. Nhưng khi trở thành tổng thống, ông nhanh chóng nhận ra rằng quản trị một quốc gia không đơn giản như điều hành một công ty.
Vào đầu năm 1790, gần một năm sau khi nhậm chức, Washington đã viết thư cho nhà sử học người Anh Catharine Macaulay để chia sẻ suy nghĩ của ông về mô hình chính phủ mới của Hoa Kỳ. Trước đó vài năm, Macaulay đã từng đến thăm Mount Vernon, và bà rất muốn nghe quan điểm của Washington về hệ thống chính trị mà ông đang điều hành.
Trong thư, ông mô tả đây là “thử nghiệm vĩ đại cuối cùng nhằm thúc đẩy hạnh phúc của nhân loại thông qua một bản khế ước hợp lý.” Washington nhận định rằng chính phủ Hoa Kỳ là không chỉ “là một chính phủ dựa trên pháp luật, mà còn là một chính phủ của sự thỏa hiệp.”
Trên cương vị tổng thống, Washington biết quyền lực của ông không phải là tuyệt đối. Trong suốt một năm đầu tiên tại nhiệm, ông đã nhận ra rằng “có việc cần cân nhắc kỹ lưỡng, có việc phải thương lượng, hòa giải và có việc phải kiên định giữ vững lập trường. Chỉ những ai có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo về chính trị mới có thể thực sự hiểu được những cái khó khăn và khó xử của vị trí mà tôi đang đảm nhiệm.”
Dù Washington không nói thẳng lý do tại sao vị trí của ông lại “khó xử,” nhưng ai cũng hiểu điều đó xuất phát từ thực tế rằng Quốc hội mới là cơ quan quyền lực nhất của chính phủ Hoa Kỳ.
Chỉ một năm trước đó, Quốc hội đã thể hiện rõ quyền lực của mình khi tranh luận về một vấn đề quan trọng: việc liệu tổng thống có thể bãi nhiệm các bộ trưởng mà không cần sự chuẩn thuận của Thượng Viện hay không.
Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, trong Quyết định năm 1789 (Decision of 1789), Quốc hội cho phép tổng thống có quyền lột chức các viên chức cấp cao này. Tuy nhiên, kết quả chỉ được thông qua sau khi Phó Tổng thống John Adams phải bỏ phiếu quyết định để phá vỡ thế bế tắc.
Ý nghĩa của cuộc biểu quyết này rất rõ ràng: trong những trường hợp mà Hiến pháp còn mơ hồ, Quốc hội sẽ là cơ quan quyết định tổng thống có quyền nào và không có quyền nào.
Washington sớm hiểu rằng, dù muốn hay không, ông vẫn phải làm việc với Quốc hội để vận hành một chính phủ hiệu quả. Điều này được minh chứng rõ nhất khi Quốc hội thành lập Quỹ Sinking Fund vào năm 1790 để quản trị nợ công quốc gia.
Về nguyên tắc, quỹ này thuộc Bộ Ngân Khố – một cơ quan nằm trong nhánh hành pháp. Nhưng thay vì để tổng thống kiểm soát quỹ này, Quốc Hội lại thành lập một ủy ban giám sát có nhiệm kỳ cố định, nghĩa là tổng thống không thể lột chức họ và cũng không thể can thiệp vào công việc của họ.
Việc Quốc hội giới hạn quyền lực của Washington đối với Ủy ban Quỹ Sinking Fund (Sinking Fund Commission) đã tạo ra một tiền lệ quan trọng. Một minh chứng điển hình cho tiền lệ này là vụ kiện Humphrey’s Executor v. U.S. năm 1935. Phán quyết của tòa trong vụ kiện này sẽ khiến những người ủng hộ “học thuyết hành pháp thống nhất” (unitary executive theory) không vui, bao gồm cả Donald Trump – những người tin rằng tổng thống nên có toàn quyền kiểm soát nhánh hành pháp.
Năm đó, Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt không thể tự ý bãi nhiệm một viên chức của Ủy ban Mậu dịch Liên bang (Federal Trade Commission, FTC) trước khi nhiệm kỳ của họ kết thúc. Khi đó, Roosevelt lập luận rằng chính quyền của ông sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu được làm việc với những người do ông tự lựa chọn.
Cũng giống như vị doanh nhân đang ngồi trong Tòa Bạch Ốc, Washington không phải lúc nào cũng vui vẻ với việc phải chia sẻ quyền lực với Quốc hội. Quốc hội Hoa Kỳ không phải là QH bù nhìn – các nghị sĩ đều có suy nghĩ riêng của mình, lập trường vững vàng và hiếm khi làm theo mệnh lệnh của tổng thống.
Nhưng Washington hiểu rằng hợp tác với Quốc hội là cách duy nhất để xây dựng một chính phủ liên bang thực sự hiệu quả, với từng nhánh thực thi đúng quyền hạn được Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho, theo ý định của các nhà lập quốc. Nhờ nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực, Hoa Kỳ là – và vẫn là – một chính phủ dựa trên sự thỏa hiệp giữa ba nhánh quyền lực. Không ai là ngoại lệ, kể cả tổng thống.
Điều đáng ghi nhận là Washington nhanh chóng thấu hiểu và thích nghi với bài học quan trọng đó.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “George Washington, a real estate investor and successful entrepreneur, knew the difference between running a business and running the government” được đăng trên trang TheConversation.com.