Đi bộ là một trong những hình thức vận động đơn giản và phổ biến nhất để giữ sức khỏe. Thế nhưng, chỉ cần thử bước lùi vài bước, lợi ích thậm chí còn nhiều hơn.
Đi bộ kiểu ngược về phía sau, đi lùi, hay còn gọi là “retro walking,” đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và thể thao. Không chỉ giúp cải thiện thăng bằng, phương pháp này còn kích thích những nhóm bắp thịt ít được sử dụng và thậm chí còn có tác dụng tích cực đến não bộ.
Ít ai biết rằng, đi lùi không phải là một trào lưu mới xuất hiện gần đây. Thực tế, phương pháp này đã có lịch sử hàng thế kỷ tại Hoa Lục, được xem như một phần của các bài tập dưỡng sinh truyền thống. Sau này, các vận động viên và huấn luyện viên thể thao cũng bắt đầu áp dụng đi lùi để nâng cao hiệu quả luyện tập. Và giờ đây, khoa học hiện đại đang tìm hiểu xem liệu sự thay đổi nhỏ trong cách di chuyển có thể tạo ra tác động to lớn đến sức khỏe con người như thế nào.
Những lợi ích của đi lùi
Đi lùi khác biệt với đi bộ thông thường ở chỗ nó tác động lên các nhóm bắp thịt khác nhau. Thay vì dồn trọng tâm vào mắt cá chân, đi lùi sẽ chuyển áp lực lên hông và đầu gối, kích thích các nhóm bắp thịt ít được sử dụng, mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sức mạnh và khả năng vận động.
Nicole Haas, chuyên gia chỉnh hình tại Boulder, Colorado, giải thích: “Điểm mấu chốt của đi lùi trên máy chạy bộ là tạo ra sự thay đổi cách cơ thể chịu tải trọng, rèn luyện hệ thống thần kinh cùng khả năng giữ thăng bằng bằng một chuyển động không quen thuộc. Khi đi lùi, dáng đi sẽ phải thay đổi, khiến bắp thịt, gân, màng cơ và khớp phải hoạt động theo cách khác.”
Trong hơn 20 năm nghiên cứu về đi lùi, Janet Dufek, giáo sư về khoa học vận động và dinh dưỡng tại Đại học Nevada, Las Vegas, đã phát hiện rằng phương pháp này giúp tăng cường độ linh hoạt của phần lưng dưới và bắp thịt nằm sau đùi (hamstring), giảm đau lưng, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và ổn định cơ thể. Đây cũng chính là lý do đi lùi được đưa vào vật lý trị liệu và các chương trình phục hồi chức năng.
Lợi ích của đi lùi không chỉ dừng lại ở việc tăng độ linh hoạt. Theo trường American College of Sports Medicine (ACSM), phương pháp tập luyện này giúp đốt cháy nhiều hơn 40% lượng calo so với đi bộ bình thường.
Hiệu quả giảm mỡ của retro walking cũng đã được chứng minh qua nghiên cứu khoa học. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên International Journal of Scientific and Research Publications đã theo dõi một nhóm phụ nữ thuộc diện gần béo phì (pre-obese) trong độ tuổi từ 20 đến 40 tham gia chương trình đi lùi trong 6 tuần. Kết quả cho thấy họ giảm được khá nhiều mỡ và vóc dáng gọn lại nhiều.
“Nếu đang muốn tìm một bài tập giúp phần hông và bắp thịt nằm sau đùi săn chắc, hãy thử vừa đi lùi vừa kéo một tấm trượt tuyết sled,” Daine McKibben Rice, Giám đốc Validus Sports Injury clinic (London), gợi ý.
Ngoài ra, đi lùi còn được chứng minh là có lợi cho trí não. Nghiên cứu năm 2019 chỉ ra rằng những người thực hiện bài tập đi lùi trong khoảng 10-15 phút, từ ba đến bốn lần một tuần, có sự cải thiện rõ rệt về khả năng giữ thăng bằng và ổn định hơn so với những người chỉ đi bộ bình thường hoặc không vận động.
Ashwini Nadkarni, giảng sư tâm thần học tại Trường Y Harvard, giải thích: “Đi lùi giúp nhận biết phương hướng và phối hợp tốt hơn. Vì đây là một hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao, nó cũng có thể giúp rèn luyện não bộ, cải thiện tốc độ phản xạ và trí nhớ ngắn hạn.”
Một lợi ích khác của đi lùi là giảm áp lực lên khớp đầu gối. Khác với đi bộ bình thường, đi lùi ít tác động lên xương bánh chè hơn, tăng cường sức mạnh của nhóm bắp thịt lớn quadriceps giúp ổn định đầu gối. Nhờ đó, đi lùi có thể giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động ở những người bị đau, viêm khớp đầu gối.
Nhưng giống như bất kỳ bài tập nào khác, hiệu quả của đi lùi phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Janet cho biết: “Quý vị có thể điều chỉnh tốc độ và độ dốc để tăng hoặc giảm độ khó, phù hợp với khả năng của mình.”
Và không phải ai cũng bị thuyết phục về lợi ích của đi lùi. Jonathan Jarry, chuyên gia truyền thông khoa học tại Đại học McGill, giải thích: “Hầu hết các bằng chứng về lợi ích của đi lùi đều đến từ lĩnh vực vật lý trị liệu. Các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy rằng phương pháp này có thể giúp những người gặp vấn đề về đầu gối, nhưng chỉ khi được kết hợp với một chương trình trị liệu chuyên nghiệp. Còn đối với phần lớn mọi người, đây chỉ là một bài tập có vẻ lạ lạ, nhưng khó có thể vượt trội hơn so với các bài tập thể dục thông thường. Hơn nữa, đi lùi còn có nguy cơ bị vấp, té do người tập không thể nhìn thấy phía sau lưng.”
Haas cũng đồng tình: “Mặc dù đã có một số nghiên cứu về lợi ích của việc đi lùi trên máy chạy bộ, nhưng những nghiên cứu này có quy mô rất nhỏ và chỉ tập trung vào một số vấn đề sức khỏe. Vì vậy, rất khó để áp dụng rộng rãi cho tất cả mọi người.”
Cuối cùng, an toàn là yếu tố hàng đầu khi muốn thử tập đi lùi. Dufek khuyên: “Cần hết sức cẩn trọng trong quá trình luyện tập. Sử dụng máy chạy bộ có thể giúp giảm bớt nguy hại, còn nếu tập ngoài trời, quý vị nên đảm bảo không gian xung quanh không có vật cản. Nếu có thể, hãy nhờ ai đó đi cùng để quan sát phía sau giúp mình.”
Nguồn: “Walking is great for your health. Walking backward? Even better.” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn