Hôm nay,  

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

31/01/202500:00:00(Xem: 2939)
 
Bánh chưng ngày Tết _Ảnh Nguyễn Lập Hậu
Bánh chưng ngày Tết _Ảnh Nguyễn Lập Hậu
   
Cậu Hà người Bắc di cư năm 1954, cậu di cư có một thân một mình khi còn trẻ, nên cậu cũng không có nhiều phương tiện được học hành nhiều.
 
Khi lớn lên ở miền Nam, lối chừng 19, 20 tuổi khoảng năm 1965-1966, cậu từ giã học đường đăng lính, cậu đi lính Việt Nam Cộng Hòa ngành Biệt Động Quân. Sau chuyển qua Thám Báo. Cậu đóng quân như ở miền đồng ruộng, lúc bấy giờ còn loáng thoáng xa xa, ít dân cư, tiếp giáp một bên Đồng Ông Cộ, miệt Gò Vấp, Gia Định.
 
Cậu xa gia đình, rồi trong quân ngũ, cậu có một người đồng đội thân tình như anh em, nên ngày đó, dịp cuối tuần hay được nghỉ phép, cậu hay theo người bạn thân tên Hiệp về nhà anh ở Bình Hòa.
 
Chú Hiệp gốc người miền Nam, gốc quê Vườn Lài, Cầu Hang, tính tình chân chất cũng như cả gia đình chú vậy, họ bao dung ưu ái đón Cậu Hà về sum họp thỉnh thoảng nếu tiện dịp cùng đại gia đình họ.
 
Cũng ở nơi đó chơn tình ấm cúng của Hiệp mà cậu Hà đã gặp cô Hoa, em chú Hiệp. Họ quen nhau, yêu thương nhau, lâu ngày nên duyên chồng vợ.
 
Cô Hoa, sau ngày cưới, gọi là mợ Hà, vui vẻ, hiền hòa và trọng lễ nghi. Đại gia đình họ theo đạo phật và thờ cúng ông bà.
 
Cô Hoa thuộc lớp người xưa, chăm lo nữ công nữ hạnh, tuy nhiên cô được đi học chữ và học quanh quẩn trong các trường tiểu học và trung học bán công loanh quanh trong vùng Cầu Hang Vườn Lài. Sau khi học trung học, thi đậu bằng trung học đệ nhứt cấp, thì cô đổi ý đi học nghề.
 
Cô đi học may và mở tiệm may sau đó. Cô may vá khéo tay tỉ mỉ và khá đắt khách. Tánh tình cô vui vẻ ôn hòa nên gia đình, bạn bè và khách hàng quý mến.
 
Khi thành chồng vợ với cậu Hà, cô đã có một tiệm may khang trang và kiếm đủ, đến dư sống.
 
Sau bốn năm lập gia đình, cậu mợ Hà có hai con, một trai, Tâm ba tuổi và Tú hai tuổi.
 
Từ khi các con đi học thì cô ít may vá đi một phần, dành chút thì giờ chăm nuôi con cái, cuối tuần thì dắt theo các con đi lễ xa hơn, lễ đền, lễ chùa, có lúc lấy xe buýt, mẹ con lễ bái lạy và xin xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu, bên kia Cầu Bông… chiều về mẹ con ríu rít vui vẻ trò chuyện trên xe buýt, hai đứa bé ngắm sông nước sóng sánh dưới cầu, hứng chí, có lúc cùng ca lên :
 
…“Ai đang đi trên Cầu Bông…
Té xuống sông, ướt cái quần nylon!“
 
Những ngày vui sướng hạnh phúc qua mau… rồi chiến tranh về gần thành phố và có lúc cũng ở ngay trong thành phố Saigon Gia Định Chợ Lớn… tình hình kinh tế và cuộc sống dần khó khăn nặng nề hơn. Xã hội co mình và người ta ít mua sắm, may vá, tiêu dùng tiết kiệm hơn. Mợ Hà tự an ủi, ai sống sao mình sống vậy, chỉ cầu xin trời phật ông bà tổ tiên phù trợ cho người miền Nam, ai cũng được mạnh giỏi. Cầu sao cho cộng sản thua đi, kém cạnh, để người dân Nam Kỳ được sống yên lành. Trong nhiều bữa ăn sum họp, mợ Hà hay nói giỡn với cậu Hà :
 
Tại là Bắc Kỳ, mấy người di cư vô đây, làm cho mầy đứa cộng sản nó theo vô, phá rối Nam Kỳ chán quá!
 
Nam Kỳ lúc này thành cộng sản cũng bộn rồi. Tụi anh đi ứng chiến bắt được vô số cộng sản, chúng quê quán Nam Kỳ, lục tỉnh, nhứt là vùng Bến Tre… nói nào xa, ngay cái ruộng Vườn Lài thơ mộng của em ở một bên Cầu Hang đó, cũng là một ổ, nhiều ổ việt cộng nằm vùng khít khao.
 
… Khi mà cuộc tranh luận của cậu mợ tới hồi hung hăng, thì đã liền có hai đứa con nhỏ sáp tới, mỗi đứa bịt một bên miệng của ba má chúng lại, xin can xin can đi…
 
Rồi tụi nhỏ ngây thơ tự nhận:
 
Tụi con là Trung Kỳ vậy, làm Trung Kỳ để hòa giải, hai bên Bắc Kỳ Nam Kỳ, không nên không phải, trúng bùa ngải chết trôi…
 
Cậu Hà cười lớn:
 
Mấy đứa này ngu quá và xạo tổ cha rồi, nè nè… Trung Kỳ là thâm căn cố đế cộng sản gộc, cộng sản chánh hiệu con nai vàng… không chối vô đâu nổi nhe.
 
Những bữa cơm tranh luận ồn ào và thân mật ấm cúng đó rồi cũng có ngày hết. Điều nói qua nói lại rồi cũng ngưng. Những hiểu lầm hay đùa giỡn của hai đứa nhỏ rồi cũng có ngày sáng tỏ. Đó là ngày ba chúng nó chết trận.
 
Đó là năm 1968 khi mà cậu Hà bị tử trận trong một trận chiến giằng co ác liệt ở Đồng Ông Cộ giữa lực lượng Biệt Động Quân và quân cộng sản nằm vùng miệt ngoại ô Gia định vào dịp hưu chiến tết Mậu Thân. Cậu Hà ở trong đội tiền thám báo nên bị VC phục kích một loạt súng AK đầu tiên và bị chết ngay bên cạnh ba đồng đội khác.
 
Mợ Hà khi được tin dữ, vội vã lặn lội đi tìm xác chồng, thay vì đi về phía Vườn Lài, Cầu Hang, mợ bị thất điên bát đảo, đi ngược chiều không định hướng chạy qua Cầu Bông, chạy và kêu khóc một hồi, mất sức, không còn tỉnh trí, chạy giạt vào một bên đường Lăng Ông Bà Chiểu và trụ lại ở cổng tam quan. Mợ ôm gốc cây dừa sụt sịt khóc, rồi lại nức nở khóc, mợ ôm chặt gốc dừa, mếu máo, gọi, có lẽ mợ tưởng cây dừa là chồng mợ. Cái cây dừa mà người ta vừa quét vôi trắng xóa để đón tết. Đến một lúc mệt lả, mợ ngồi xuống dựa đầu nghoẻo cổ bên một rễ cây.. vô hồn… người qua lại chợt thấy, thương tình, dìu mợ vào trong sân lăng cho bớt nắng, cho uống nước và gọi. Sau dần mợ cũng tỉnh lại, lần đi đủng đỉnh về nhà.
 
Về nhà, cả mấy tháng sau, mợ Hà còn  nói như trong mơ: «bữa đó ông và bà cứu, cho uống thuốc khỏi điên và dặn dò rằng: khi nào khỏi bệnh thì trở lại  lăng mần công chuyện, cứ trở lại đây sẽ tìm thấy người chồng quét lá sân ở đây.» Mợ nói như đanh đóng cột, chắc là vậy… đinh ninh là vậy.
 
Gia đình, cha mẹ, con cái thương cho là mợ mất trí phần nào và dở người. Nhưng rồi, ít tuần lễ sau, sau lễ làm thất tuần cho chồng, mợ tỉnh táo hơn, mợ tỉnh táo đặng thu xếp việc nhà.
 
Qua tết 1968 một tháng, mợ Hà phục tang chồng xong, thu dẹp tiệm may và giải nghệ. Mợ vẫn chuyên tâm lo lắng chu đáo hơn cho các con, nhưng nói là bớt đi trách nhiệm với công việc kiếm tiền, mợ rời nghề may sau khi cúng tổ tạ ơn.
 
Sau đó một mùa hè oi ả qua đi. Mợ lên Lăng Ông Bà Chiểu, xin vào làm việc bảo quản, thu vén và săn sóc đèn nhang trong lăng.
 
Lúc rảnh tay trong nội điện, mợ ra sân ra công viên thu gom lá khô và rác rơi rớt, lo sao cho cảnh quang lúc nào lúc sạch sẽ, khang trang và thoáng mắt.
 
Khác với những lăng miếu ở nơi xa xôi thành phố, ở nơi này, mợ thấy Lăng Ông Bà Chiểu thật gần gũi, ấm áp… nhứt là đối với hoàn cảnh có phần tang thương của gia đình mợ sau khi người chồng qua đời.
 
Trong những ngày vía, ngày lễ hội, mợ cảm thấy lăng thờ như nhộn nhịp, trang nghiêm, kính cẩn khác thường. Người người tới lễ bái như trở về nhà ông bà, cha mẹ, lễ lạy xong họ kính cẩn đi lùi ra.
 
Đúng vậy, người dân Saigon Gia Định coi lăng thờ đức tả quân danh tiếng Lê Văn Duyệt là nơi thân quý như thờ một vị thần hoàng làng, Hoàng Tỉnh, cũng như thờ ông bụt trong cảnh chùa, vừa xa lạ và cũng và cũng rất gần gũi, vừa kính cẩn, vừa quý mến, như khói hương nghi ngút hàng hàng lớp lớp… dâng lên không ngừng.
 
Mợ cứ kể với các con và với người quen lối xóm nhiều lần là từ thế kỷ thứ 19, đức ông đã làm tổng trấn Gia Định thành. Đức ông đã truyền dậy người dân sống đạo đức, đức ông đã xây dựng sửa sang cuộc đất hoang vu thành một miền đất trù phú, an bình và hưng thịnh với nhà cửa đường phố, thị thành khang trang hòa hợp và đẹp mắt…
 
Mợ cứ nhớ lại lễ vật bà con mang tới thì tùy tâm, bông hoa, trái cây, bánh, tiền… mùa nào thức ấy rồi van vái khấn lễ và xin xâm. Quẻ sâm nào cũng tốt cả, đầy những lời răn dậy khuyên bảo tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ như cha mẹ dậy con cái.
 
Vui nhất là những ngày cuối năm hay đầu năm đón xuân. Người ta đua nhau đi xem lễ thượng nêu ngày tết. Đêm giao thừa trước năm 1975, người ta phải đi bộ loanh quanh lòng vòng xuyên qua các khu phố Bà Chiểu thơm mùi nhang, và có khi phải xuống xe từ rất xa mới mong từ từ tiến vào khuôn viên lăng để hái lộc, lễ bái dâng hương. Hai nấm mộ của đức ông, đức bà đắp nổi, đơn sơ, giản dị như mộ cổ của ông bà ta ở quê vậy. Rất Việt Nam.
 
Xung quanh tường của lăng cẩn nhiều tranh nổi bằng sứ, bằng sành hình long ly quy phụng y trong tuồng tích sử sách xa xưa. Xa xưa đấy mà vẫn gần trong tầm mắt.
Mợ Hà coi lăng mộ như là căn nhà thứ hai để đi về, có thể là căn nhà chánh thì đúng hơn.
 
Sớm sớm mẫi ngày mợ dậy lo cho hai con ăn uống và áo quần tươm tất cặp sách tới trường. Sau đó tất tả thay áo quần trang nghiêm, chụp nón lên đầu, sách giỏ ra ngoài lộ lớn đón xe bus đi Bà Chiểu.
 
Mợ vô lăng từ sớm, việc đầu tiên là mở cổng, kéo dây xích. Rồi đi quét lá sân trước, sân sau, hai bên tả hữu. Thay nước cúng, thay nhang nơi các bàn thờ lộ thiên, đợi ngài thủ từ đến pha trà, dâng cúng và thỉnh chuông… chuông, mõ, buông bỏ…
 
Cùng làm việc với mợ, còn có hai người đồng sự, vì lăng miếu khá rộng. Công viên bao quanh cũng cần làm cỏ và trông bông bốn mùa. Buổi xế trưa, vãng khách thập phương, cả ba người đồng sự coi kiểm lại các phẩm vật, lễ vật cúng, còn nhiều mà khách để lại trên các bàn thờ thượng trung và hạ. Họ gom lại, chia thành nhiều phần đều nhau, mang ra cổng phân phát cho những người vô gia cư đến chầu ngoài các cổng, và ai ai cũng có phần lộc thánh, vui vẻ. Mợ Hà hay nhận phần quét lá ở công viên bao quanh nhằm lúc vắng vẻ… với hy vọng mơ hồ có khi nào chồng mợ cũng về cửa thánh làm công quả. Dĩ nhiên đó chỉ là điều mơ ước hoang tưởng, người đã mất đã đi xa rồi… còn đâu!
 
Chiều chiều lối 6, 7 giờ mợ đi kiểm lại các bát nhang trong, ngoài, trên, dưới, rút các chân nhang còn đang cháy dở để dập tắt trước khi ra về, để phòng tránh hỏa hoạn.
 
Khi xong mọi việc, xuống nhà ngang, là mợ đã nhận được từ ông, bà thủ từ cho một bọc đồ ăn chia phần sẵn gồm oản, xôi, chuối, cam, quýt và nhiều loại bánh… bánh cốm, bánh ít, thơm lừng. Có lúc có cả phong bao tiền.
 
Khi ra về, lễ lạy tạm biệt, khi nào mợ cũng không quên ghé ngang thùng phước xương, khom mình kính cẩn để lại bao tiền vô thùng tiền, để lại để ông thủ từ và ban quản trị có quỹ mà trùng tu lăng mộ, tường, cổng môt khi lỡ hư hỏng. Mợ chỉ mang lộc về, tối tối mẹ con quây quần vui vẻ chia nhau ăn.
 
Nhưng rồi, ít năm sau, ngày 30-04-1975 ập tới ngỡ ngàng. Làm thêm được nửa năm ở lăng miếu, tự nhiên mợ xin nghỉ việc. Ai hỏi tại sao, có ai cho nghỉ việc không? Nhưng mợ nói là không, mợ tự ý xin nghỉ vì đau bệnh.
 
Mà thấy có đau bệnh gì đâu. Mãi sau này, khi bà ngoại gạn hỏi mãi, mợ phải thú thiệt là: «con không thích làm việc với ban quản trị mới, là ban quản trị của người cộng sản.»
 
Mấy năm đầu, từ 1975 tới 1980, việc cúng lễ sa sút, cảnh quang lăng mộ tiêu điều lắm. Nhưng những chục năm về sau này, thành phố có bộ mặt đổi mới, khu lăng mộ coi đông người lui tới hơn xưa ít nhiều nhưng ý nghĩa và cảm nhận đã đổi thay. Nhưng mợ vẫn không trở lại với công việc thờ tự, dù thỉnh thoảng, ngày vía, vẫn vào thăm và dâng hương. Có khi là sám hối.
 
Mà cũng đúng như mợ Hà nói, nhiều đổi thay thiệt, khác xưa nhiều nhiều lắm, ban quản trị và điều hành kiểm soát từng chân nhang, từng hộc tủ, họ cân đo đong đếm từng lon gạo, từng đồng bạc với thánh thần thì còn đâu là lòng thành kính và thiêng liêng. Tiến tới nữa là họ khóa và niêm phong các thùng công đức và các cửa nẻo ra vào. Hình như họ bắt chước, mô phỏng làm kinh tế thị trường vào việc khuyến khích thờ tự, tín ngưỡng và tôn giáo ở mọi nơi… họ kêu gọi siêng năng việc thờ cúng và phát triển tâm linh! Rầm rộ! Ầm ỹ! Nhưng có lẽ vì thế đó mà các đấng thiêng liêng đã rời đi xa, xa lắm rồi.
 
Tường hoa, mái ngói, biểu, trướng, hoành phi, câu đối… vô hồn, chúng tồn tại đó mà chứng kiến nhiều đổi thay… ít ai chăm sóc, coi bề loang lổ.
 
Mợ cũng thay đổi, đã già nua với tuổi gần 80 năm. Hai con mợ đã đi xa làm ăn, chúng cũng muốn mợ ra ngoại quốc sống cuộc đời vật chất đầy đủ và tự do suy nghĩ. Nhưng mợ đi ít năm, giờ già lại xin con về sống ở quê nhà.
 
Mợ sống ở khu Cầu Bông, hàng ngày nhìn quê hương đổi màu đổi cảnh quá mau. Mợ như hơi chóng mặt, sửng sốt vì sợ người ta sẽ mang lăng ông của thành phố đi mất một ngày nào đó chăng? Thì cảnh quang nào chẳng phải thay đổi với thời gian. Để gạt nhẹ đi lớp bụi mờ bao phủ tâm hồn, mợ điện thoại nhắc nhở các con cháu ở xa là: «sắp tết rồi, ngày 22 tháng 12 âm lịch là nhớ dọn dẹp cửa nhà, ngày 23 nấu xôi chè hay mua kẹo thèo lèo đưa tiễn ông bà táo về trời,, ngày 24 nhớ cắt hay mua mấy cành mai vàng cắm lọ, ngày 25 bầy mâm ngũ quả và ngày 30 tết nhớ cúng gia tiên về tống cựu nghênh tân… đừng quên gì cả.» Ở đây, mẹ già bộn rồi, nhưng vẫn còn đủ sức tới thăm lăng mộ xem có thay đổi gì nữa không? Mẹ còn đi khá khỏe và cũng lo lắng.
 
Các con mợ ở xa, còn bận rộn với cuộc sống loay hoay nào có để ý mấy tới lời mẹ dặn, rồi thì cuối năm, ngày cùng tháng tận, cơ may còn có đứa con gái gọi điện về mà an ủi:
 
Má ơi,  tội nghiệp má quá, má quên đi, đừng ở đó mà cứ lo sợ cái thành phố, lăng mộ, chùa, đền, miếu mạo nơi má sống… dần dần sẽ thay hình đổi cảnh hay tan biến đi mất nhe, nó đã thay lần lần lâu rồi, chớ có phải mới đây đâu mà tiếc nuối. Má ơi, mọi thay đổi là quy luật thời gian, đó là cái giá phải trả cho sự phát triển của xã hội. Nè, má, cả thế giới còn đang thay hình nữa là cái quê hương bé tí tẹo của má!
 
… Con nói đúng, thiệt, rồi đây má cũng sẽ chết đi. Nhưng mà quy luật gì thay đổi cả quê hương quá mau, quá vội, quá hỗn độn… để phải liệng đi, dấu đi tất cả kỷ niệm, tất cả ký ức trăm năm về một hình hài quê quán ngàn đời thì là một nỗi buồn muôn thuở. Còn đâu cảnh cũ người xưa:
 
… Đêm khuya nơi xóm Bạch Vân
Mấy người luộc bánh chưng xuân chuyện trò
Lửa bừng lách tách reo hò
Chú mèo nằm cạnh co ro sưởi mình
Một chàng mảnh khảnh thi nhân
Một người áo vải nông dân hiền từ
Một tráng sĩ một thiền sư
Vây quanh bếp lửa hồng như ráng chiều
Thuốc lào nhả khói đăm chiêu
Quay người sư bác lẩy Kiều ngâm nga
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.“
 
… Đoạn thơ này ông Phạm Thiên Thư viết ra mới ba chục năm nay thôi, mà dè chừng nghe như ở thế kỷ nào vọng lại.
 
Mùa Xuân Ất Tỵ 2025
Chúc Thanh 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.