Đôi khi, nhiều người sẽ cảm thấy áp lực vì bị ép buộc phải chọn một căn tính, một bản dạng (identity) thay vì được sống với tất cả các bản sắc thuộc về bản thân. Kamala Harris là một thí dụ dễ hiểu cho tình cảnh phức tạp của những người mang dòng máu đa sắc tộc.
Bà thường bị hỏi về căn tính da đen (Black identity) của mình (dù bà cũng có gốc gác Ấn Độ). Khi trả lời về vấn đề này, Harris khẳng định rõ ràng rằng bà biết rất rõ về bản thân mình: “Tôi biết rõ mình là ai, nếu ai đó không hiểu được điều này, thì họ cần phải tự tìm cách để hiểu.”
Trong hội nghị của Hội Nhà báo Da đen Quốc gia (National Association of Black Journalists, NABJ) vào tháng 7/2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt câu hỏi về căn tính của Harris: “Rồi thì bả là người Ấn Độ hay người da đen vậy?”
Câu hỏi này cho thấy cách nhìn thiển cận và suy nghĩ hẹp hỏi về căn tính, buộc người ta phải lựa chọn một căn tính duy nhất. Là một học giả chuyên nghiên cứu về xã hội dựa trên tư tưởng của các nhà trí thức da đen, Giảng sư về Giáo dục Đại học Wilson K. Okello (và là Giám đốc của Black Study in Education Lab, Penn State) nhấn mạnh rằng căn tính không chỉ dựa vào một quyết định đơn lẻ, mà là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, bao gồm môi trường sống và quá trình xã hội hóa (socialization).
Hành trình của Harris
Trong cuốn tự truyện “The Truths We Hold,” Harris kể lại rằng cha mẹ bà, Donald Harris và Shyamala Gopalan, đã gặp nhau tại Đại học California, Berkeley vào thập niên 1960. Họ đến với nhau qua các phong trào chính trị cấp tiến của cộng đồng trí thức da đen, tìm thấy sự đồng điệu trong tư tưởng và các giá trị chung. Họ cùng tham gia vào các nhóm nghiên cứu và sau đó là Hội Afro-American (Người Mỹ gốc Phi), cùng đấu tranh cho dân quyền và bình đẳng chủng tộc.
Harris vẫn thường nhận mình vừa là người Mỹ gốc Phi và cũng không hề chối bỏ gốc Á của mình. Tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ, bà đã nhắc lại niềm tự hào về xuất thân đa chủng tộc và cách mà những giá trị ấy đã hình thành nên con người bà.
Trong tự truyện, Harris chia sẻ rằng mẹ bà biết rằng nhiều người có thể sẽ nhìn nhận bà và em gái bà, Maya, như những người da đen. Vì vậy, mẹ của Harris quyết tâm nuôi dạy hai chị em bà trở thành những phụ nữ da đen mạnh mẽ và tự tin.
Harris đã chọn học tại Đại học Howard, trường đại học lịch sử dành cho người da đen, và gia nhập hội nữ sinh Alpha Kappa Alpha. Bà cũng nhấn mạnh rằng từ nhỏ cha mẹ đã dạy cho bà những giá trị như tinh thần làm việc chăm chỉ và công bằng xã hội.
Căn tính có tính phức tạp, có thể thay đổi, và đa chiều
Mỗi người có thể mang nhiều căn tính, bản sắc khác nhau dựa trên chủng tộc, phái tính, văn hóa và giai cấp xã hội cùng với nhiều yếu tố khác. Những khía cạnh này không thể tách rời nhau, mà ngược lại, chúng kết hợp và ảnh hưởng lẫn nhau. Thí dụ, một người có thể vừa là người da đen, vừa là phụ nữ, vừa là người đồng tính.
Những yếu tố này không tồn tại độc lập mà bổ sung, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo ra một bản sắc độc đáo của từng cá nhân. Hơn nữa, căn tính của một người không phải là điều cố định, bất biến mà luôn thay đổi và tiến bộ. Bởi vì niềm tin và giá trị của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian, và cách họ nhìn nhận, định nghĩa về bản thân cũng sẽ thay đổi theo.
Như vậy, căn tính được hình thành từ bối cảnh cuộc sống và lựa chọn cá nhân. Việc xác định căn tính không chỉ đơn thuần là tự tuyên bố là Ta là ai, mà còn là cách ta muốn sống và thể hiện bản thân trong cuộc đời, xã hội. Đó là một quá trình phức tạp đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những lựa chọn và vượt qua các thách thức xã hội, thí dụ như một người có thể quyết định chấp nhận cả hai căn tính về chủng tộc và phái tính tính, bất chấp những áp lực rất lớn từ xã hội muốn họ chỉ được chọn một.
Việc Kamala Harris chấp nhận và tự hào về căn tính đa sắc tộc của mình là thành quả tốt đẹp của những điều mà bà học được từ cha mẹ và môi trường sống của mình.
Bảo vệ căn tính trước áp lực xã hội
Trong suốt lịch sử, những căn tính phức tạp thường không được cho là phù hợp với các chuẩn mực xã hội, xuất phát từ nỗi sợ rằng việc thừa nhận những căn tính phức tạp có thể gây nguy hiểm cho sự “thuần khiết chủng tộc” của người da trắng và các đặc quyền liên quan đến điều đó. Vì vậy, khi Trump đặt câu hỏi về căn tính chủng tộc của Kamala Harris, đó là một lời nhắc nhở về quan niệm lâu đời rằng mọi người thường bị ép buộc phải chọn một căn tính duy nhất.
Một thí dụ có thể nhắc đến là “quy tắc một giọt máu” (one-drop rule) tại Hoa Kỳ, tức là chỉ cần trong người có mang chút gốc gác (dòng máu) không phải gốc da trắng thì sẽ bị xếp vào nhóm thiểu số (không phải da trắng ‘chính gốc,’ ‘chính tông’). Quy tắc này xuất phát từ một đạo luật ở Virginia vào năm 1662, nhằm củng cố sự phân chia ranh giới chủng tộc nghiêm ngặt.
Suy nghĩ rằng căn tính có thể được xác định chỉ dựa vào một yếu tố, chẳng hạn như chủng tộc, là một quan niệm sai lầm, vì căn tính có thể thay đổi theo thời gian. Kamala Harris là người mang cả dòng máu Nam Á và gốc da đen, và bà hoàn toàn có quyền tự xác định căn tính của mình. Bất kỳ ai chất vấn về vấn đề này đều không thật sự xuất phát từ mong muốn chân thành tìm hiểu để cho biết, mà có thể chỉ là nhằm mục đích làm dấy lên những hoài nghi, hòng gây chia rẽ mọi người.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Kamala Harris illustrates how complex identity is − and the pressure many multiracial people feel to put themselves in one ‘box’” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn