Tập Võ
Ba chục năm trước, Bê đã bắt đầu sự nghiệp thể thao của Bê. Số là, Ba vừa học xong lớp chuyển nghiệp. Thời gian chuẩn bị thi cử, Ba dạy kèm cho một người bạn cùng lớp. Thi đậu, người bạn tạ ơn Ba một cặp vé Musik Konzert. Lúc đó, Bê ở trong bụng Mẹ đã hơn sáu tháng. Mẹ kể, Mẹ đang năm đầu ở đại học. Trời mùa đông, Mẹ đi học, mặc áo khoác dày cui. Bởi vậy, bạn học không ai biết Mẹ sắp sửa có em bé, chỉ ngỡ Mẹ hơi lên cân, zugenommen. Bác bạn của Ba có lẽ không dè vợ của bạn là bà bầu nên mới mời đi Rock Pop Konzert của ca sĩ Jennifer Rush.
Những năm cuối thập niên 80, ca sĩ Jennifer Rush rất thành công ở Đức. Làm quà cặp vé này, bạn của Ba rất “chịu chơi”. Những bài nhạc nhè nhẹ, ví dụ như bài The Power of Love Mẹ thích lắm. Bê nghe cũng êm tai, nên chưa quậy Mẹ. Đến khi ca sĩ Jennifer Rush vào hậu trường thay đổi xiêm y, tay trống biểu diễn màn dồn trống, cả hội trường bừng lên tiếng vỗ tay. Mẹ vui theo. Mẹ kể, hồi xưa nghe ban nhạc The Eagles trình diễn bài Hotel California, Mẹ đã có lúc mơ màng đi học đánh trống. Mẹ vui, cùng nhiều khán giả trong hội trường đong đưa theo tiếng trống. Bỗng Mẹ cảm thấy bụng đau nhoi nhói. Giống như Bê đang nhảy nhót lưng tưng trong bụng Mẹ. Mẹ đâm lo lo, sợ ồn ào, “phiền” đến Bê. Sau đó, tiếng trống dịu dần, ca sĩ trở lại sân khấu. Bê chắc mỏi chân, bớt đạp lung tung. Mẹ không yên trong bụng. Về nhà, Mẹ vội gọi Onkel Bernd để hỏi ý. Cậu Bernd không phải là bác sĩ. Cậu là hiệu trưởng trường y tá của thành phố. Nhưng cậu rất rành về y khoa. Cậu Bernd trấn an Mẹ: “Không sao đâu. Khi sóng âm thanh dồn dập, Bê nhột, Bê đạp loạn xà ngầu đó thôi. Nếu ngày nào Bê cũng bị nhột liên tục, thì không tốt. Chứ chỉ vài phút, Bê đâu hề hấn gì.” Đó, Bê biết tập võ từ hồi trong bụng Mẹ lận.
Bơi Lội
Năm cuối ở vườn trẻ, Cô giáo ghi tên cho cả nhóm Bê đi học bơi. Mẹ Bê và các bà mẹ khác thay phiên nhau đưa đón bầy trẻ đi hồ bơi thành phố. Vào lớp một, Bê đã có bằng Cá Ngựa Seepferdchen. Sau đó Bê lấy bằng Bạc, Vàng và là thành viên câu lạc bộ bơi cứu người Rettungsschwimmen của khu phố Bê ở.
Thời gian Mẹ làm ngân hàng, Bê hay đến thăm Mẹ ở văn phòng trong tòa nhà Hypohaus. Lần đầu Bê đến, Mẹ dẫn Bê giới thiệu với các bác nhân viên gác cửa. Bác cho Bê tấm bưu thiếp hình Hypohaus và mấy cái nút có chữ Hypobank, Eine Bank - Ein Wort (Một ngân hàng- Một chữ tín). Dần dà, các bác quen mặt Bê. Khi Bê đến, bác đưa điện thoại cho Bê gọi Mẹ báo tin. Bê ngồi chờ Mẹ ở hàng ghế nệm, da êm thiệt là êm. Mẹ ghé qua lobby đón Bê xuống Fitness Center của ngân hàng. Hai mẹ con chơi bóng bàn, xong qua bơi. Có hồ lớn, nhưng hai mẹ con chỉ loanh quanh ở hồ con nít, Kinderbecken. Ông Bademeister, xếp sòng của hồ, rất mến Bê. Ông dạy Bê lặn. Ông thảy vòng sắt bọc nhựa đỏ xuống góc hồ, kêu Bê lặn xuống nhặt lên. Ông đứng chờ trên bờ, lúc nào cũng vỗ tay: “Hoan hô, giỏi lắm, bravo, sehr gut”.
Lên trung học Bê vẫn tiếp tục bơi trong câu lạc bộ. Bê từng bơi cứu người ngoài biển. Mùa hè năm đó, gia đình Bê cùng nhiều gia đình cậu dì và bạn bè nghỉ hè ở bắc Ý. Nhóm các anh chị bạn mướn thuyền phao chơi trên biển. Người trên thuyền, người bơi theo, thật vui. Bờm, nhỏ tuổi hơn nhiều, thích chí nhào bơi theo. Mới mấy sải, Bờm lóp ngóp muốn đuối, thế là Bê phóng bơi ra, túm cổ Bờm, kéo vô bờ. Bờm bị la một trận tơi bời. Mẹ kể, ngày xưa đi học ở Đại Học Sư Phạm, Mẹ và mấy bạn hay rủ nhau đi bơi hồ An Đông. Tuy vậy, Mẹ bơi lạng quạng lắm. Chỗ nào chân Mẹ chạm đáy hồ, Mẹ bơi ngon lành. Bỗng cảm tưởng nước sâu sâu, Mẹ hốt hoảng, quạt tay lia lịa, tìm cách bám vào thành hồ bơi. Đôi khi Mẹ hụt chân, uống nước sặc sụa. Vậy mà, mỗi khi Bê bơi ngoài biển, Mẹ cứ lo, Mẹ chạy dọc theo bờ biển, nói với ra: “Bê ơi, Bê ơi, bơi cẩn thận, đừng ra xa nghe con”. Tội nghiệp Mẹ ghê.
Tuy thích bơi, Bê cũng có lần cúp cua. Đến ngày tập luyện bơi, Bê túi xách gọn gàng, đạp xe đi. Nhưng Bê không đến hồ bơi, mà Bê đi thư viện đọc sách. Về đến nhà, Mẹ mở bao dọn dẹp áo quần, thấy khô rang. Thế là Mẹ “dợt” Bê một mách. Mẹ hỏi Bê: “Tại sao con không đi tập bơi?” Bê phân bua: “Mấy kiểu bơi ếch, sải, bướm... con đều biết hết cả rồi. Lâu lâu con bỏ một bữa, con vẫn theo kịp mấy đứa bạn. Bữa nay con thích đi đọc sách.” Mẹ nghiêm giọng: “Con nghỉ một bữa cũng được. Nhưng con phải nói cho Mẹ biết. Nhớ chưa!”
Đá Banh
Bê mê đá banh và ái mộ đội bóng FC Bayern München. Khi gia đình Bê dọn về München, Bê vào lớp hai trường tiểu học Oberföhring. Sinh nhật của Bê thời đó, bạn bè thường tặng quà áo thun, đồ chơi của khách hâm mộ đội bóng. Mẹ “quảng cáo” Bê nhiều đến nỗi đồng nghiệp của Mẹ cũng tặng quà cho Bê, mặc dù họ chưa gặp Bê bao giờ. Nào là khăn lông, hộp đựng viết có logo của FC Bayern. Bác đồng nghiệp tặng Bê bộ vớ nhựa cứng để mang bảo vệ ống quyển khi đá banh. Mỗi lần có trận đá với đội FC Bayern, Bê trang bị từ đầu đến chân tất cả trong logo đỏ trắng xanh của đội. Mặc kệ mùa hè nóng nực, Bê vẫn quấn khăn quàng cổ có logo. Bê ngồi chăm chăm trước ti-vi theo dõi trận đá. Thường, Ba coi chung với Bê, để sau đó hai cha con cùng bàn, trái này đá quá đẹp, trái kia bị phạt đền hơi uổng. Mẹ ít khi ngó ngàng tới đá banh. Nhưng Mẹ hên quá trời. Giải túc cầu thế giới năm 2006, hãng của Mẹ có 4 vé VIP đi xem trận tứ kết Á Căn Đình đá với Hòa Lan. Hãng cho 200 nhân viên bốc thăm, Mẹ là một trong 4 người trúng số. Mẹ xin nhường vé cho Bê, nhưng người ta không chịu. Cho nên, Bê phải mở lớp hướng dẫn cấp tốc cho Mẹ biết, mấy ông Stürmer, Mittelfeldspieler hoặc Verteidigung... (tiền vệ, trung vện, hậu vệ...) làm gì. Đến sân vận động, Mẹ được chỗ ở những hàng ghế đầu, nhìn qua thấy hoàng gia Hoà Lan đang chỉnh tề ngồi theo dõi trận đấu. Mẹ còn thấy một người nhỏ con, nhảy loi choi trông tức cười lắm. Chú đồng nghiệp rỉ tai Mẹ, đó là cầu thủ Maradona, nhân vật huyền thoại của thế giới bóng đá. Mẹ kể, nhờ khóa “bổ túc văn hóa” của Bê, Mẹ hiểu tàm tạm luật chơi, nên thấy hào hứng hấp dẫn quá trời. Lần khác, khi Mẹ đi làm ở Kiev, Mẹ được mời đi xem trận đấu Champion League giữa đội Real Madrid Tây Ban Nha với đội Dynamo Kiev Ukraine. Được đi coi những trận đấu long trời lở đất như vậy, mà Mẹ nói, Mẹ vẫn không thích bằng đi coi đội đá banh của Bê.
Chơi ở câu lạc bộ đá banh Rot-Weiß Oberföhring một thời gian, Bê xin Ba Mẹ ra khỏi hội. Mẹ hỏi lý do. Bê xụ mặt: “Tại vì đội này đá dở lắm.” Mẹ bảo: “Chơi thì có thắng, có thua.” Bê quạu cọ: “Mà đội này toàn là thua, chớ chưa bao giờ thắng đâu Mẹ.” Ba Mẹ năn nỉ: “Thôi, con ráng chơi trong câu lạc bộ cho hết năm, rồi tính sau.” Đến ngày đi tập đá banh, Bê đeo túi đồ nghề đạp xe đi. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, Bê về nhà. Bê đi thẳng vào phòng tắm, thảy áo quần “dơ” vào thùng giặt. Lát sau, Mẹ vào phòng tắm, đem mấy áo quần đá banh của Bê ra ngửi ngửi. Còn thơm phức. Mọi lần, áo quần đá banh của Bê chua lè. Ba Mẹ kêu Bê vô phòng. Giọng Mẹ không vui: “Hồi chiều đến giờ con đi đâu?” Bê ngần ngừ: “Bữa nay thứ Ba, con đi chơi đá banh như thường lệ” Mẹ lắc đầu: “Con không đá banh.” Bê ngạc nhiên quá, ngẫm nghĩ: “Ủa, sao mình làm gì Mẹ cũng biết hết trơn”. Bê thú thiệt: “Bữa trước con kể cho Ba Mẹ rồi. Con không thích đá banh với đội này nữa. Langweilig, chán lắm. Con đạp xe vòng vòng. Con xin lỗi Ba Mẹ.” Ba Mẹ nhìn nhau. Ba nói: “Được rồi, Ba sẽ viết thư xin rút tên Bê ra khỏi câu lạc bộ.”
Tennis
Bê không chơi tennis. Nhưng Bê gắn bó với những trái banh tennis một thời gian. Bê và nhóm bạn thân rất mê đá banh. Trong giờ ra chơi, cả nhóm thích đá banh. Nhưng mỗi ngày chở trái banh đến trường bằng xe đạp rất bất tiện. Ban đầu, Bê và các bạn đá banh với trái banh nhựa nhỏ xíu. Tình cờ có đứa bạn lượm được trái banh tennis cũ, cả bọn đem chơi đá banh, thích quá. Bê nhờ Mẹ xin đồng nghiệp Mẹ những trái banh cũ. Từ đó, lâu lâu Mẹ khuân về cho Bê vài trái banh của bà thư ký và của bác đồng nghiệp. Có nhiều banh, Bê và các bạn thoải mái xài, lỡ banh chui vào bụi rậm, khỏi cất công bò tìm.
Tự nhỏ đến lớn, Bê không quan tâm đến môn tennis. Khi Bê lên đại học, Bê phải xa nhà. Ba Mẹ ở nhà thiếu Bê, chắc buồn lắm. Bê muốn Ba Mẹ có thú vui, sinh hoạt khác để đỡ thấy trống vắng. Mùa Giáng Sinh, đại gia đình họp mặt, dịp cả nhà tặng quà cho nhau. Bê để dành tiền từ hồi đầu năm. Bê tìm mua tặng Ba Mẹ cặp vợt tennis. Bê không rành. Ra tiệm, thấy cặp vợt xuống giá, vừa túi tiền Bê, hiệu Wilson, cũng nổi tiếng. Bê gói làm quà giáng sinh. Ba Mẹ cảm động lắm. Ba Mẹ theo mấy người bạn đến câu lạc bộ lấy giờ học thử. Ông huấn luyện viên cho biết, đó là vợt cho trẻ em. Mẹ nói: “Không sao. Mẹ cao chỉ cỡ mấy đứa bé lớp tám. Vậy vợt cho mẹ cũng vừa.” Ba Mẹ chơi tennis vài lần. Mẹ không cầm cự lâu, vì tay Mẹ đã bệnh tennis arm do làm việc lâu ở computer. Tuy vậy, Ba Mẹ vẫn giữ cặp vợt tennis, kỷ niệm món quà cậu tú Bê tặng Ba Mẹ.
Inline Skates
Những năm Bê mới vào trung học, inline skates rất thịnh hành. Ba Mẹ sắm cho Bê bộ đồ nghề đầy đủ, giày, mũ an toàn, nệm che đầu gối, cùi chỏ. Mẹ phụ Bê tập loanh quanh trong sân. Mẹ nói, hồi nhỏ Mẹ cũng biết đi inline skates. Thuở đó, ở Việt Nam gọi là trượt Pa- te (Patins). Mới biết đi, Bê hăng lắm. Đi học về, Bê xin Ba Mẹ xuống sân tập dợt. Bắt đầu rành rẽ, Mẹ cho Bê đi dọc mấy con hẻm dẫn ra công viên. Mẹ đạp xe chầm chậm theo sau.
Hôm nọ, sơ sẩy thế nào Bê bị té, đập mặt xuống đất, máu chảy đỏ loét, mẻ cái răng cửa, Bê khóc bù lu, bù loa. Mẹ hết hồn, vội đưa Bê đến nha sĩ. Bê vẫn còn khóc thút thít. Bác nha sĩ đưa tay bắt, giới thiệu, hỏi han rất tự nhiên, làm như Bê là bạn của bác. Bác nói, bác rất thích đi inline skates. Nhưng khó quá, bác không tập được. Bê cảm thấy hãnh diện, vì mình giỏi hơn cả bác nha sĩ. Bê quên cả đau. Bác nha sĩ sửa sang cái răng mẻ thiệt tài tình. Mẹ rất hài lòng, về sau Mẹ chọn bác nha sĩ khám răng luôn cho cả gia đình.
Lần nọ, Mẹ cùng dì Tâm đưa mấy người bạn đi thăm Olympia Park, làng thế vận hội của München. Tình cờ công ty Coca Cola đang có chương trình khuyến mãi. Họ cho mượn giày inline skates. Ai đi xong, được tặng cái ly nhựa thật to, có hình chiếc giày bên cạnh logo của Coca Cola. Mẹ nghĩ Bê rất thích cái ly như vậy. Mẹ lại xin cái ly cho Bê. Nhưng người ta bảo, phải đi một vòng inline skates, mới được thưởng. Vậy là Mẹ phải vô mượn giày, nhờ dì Tâm và người bạn dìu Mẹ hai bên, để Mẹ biểu diễn mấy vòng. Dì Tâm lo lắng, sợ Mẹ té, gãy răng, không có mà ăn cháo. Cuối cùng, Mẹ vui mừng lại quầy trả giày và nhận quà thưởng. Bê thích món quà ấy, vì đó là công sức và lòng can đảm của Mẹ mới có được.
Chạy Đua
Từ hồi nhỏ, Bê thích chơi nhiều bộ môn thể thao. Mẹ nói, lúc nào Mẹ cũng ủng hộ Bê hết mình. Thời tiểu học Bê hơi tròn trịa. Ngoài chuyện kiểm soát nghiêm ngặt lịch ăn uống của Bê, Mẹ thường dụ Bê chơi những môn chạy lăng quăng cho tiêu bớt calories. Mẹ rủ Bê chơi bóng bàn. Mẹ đưa banh qua trái, đưa banh qua phải. Lâu lâu thuận tay, Mẹ “tiêu” hoặc “rờ-ve” một cú sấm sét, làm Bê phải chạy lượm banh bở hơi tai.
Thuở sinh viên, Bê chơi Lacrosse. Mẹ lên thăm Bê, thấy cây vợt Lacrosse. Mẹ cầm vợt ngó ngó, thắc mắc. Mẹ lúc lắc đầu, Mẹ chưa hề nghe đến môn thể thao này. Mẹ ghẹo: “Giống cái vợt vớt lá Mẹ hay xài cho hồ cá ở nhà.” Thấy môn thể thao là lạ, Mẹ kêu Bê giải thích. Khi biết đó là môn thể thao đồng đội, Mẹ hoan nghênh cả hai tay. Gọi điện thoại thăm Mẹ, hễ Bê kể mới đi chơi bóng rổ về hoặc sẽ đi chơi đá banh là Mẹ vui lắm.
Bây giờ Bê đã xong đại học, có nghề nghiệp. Có lẽ, Bê sẽ không còn nhiều thì giờ chơi đá banh, bóng rổ đều đặn. Mẹ cũng không kèo nài Bê chơi những môn thể thao chạy lòng vòng như hồi Bê còn nhỏ.
Rồi đây, Bê sẽ tham gia môn thể thao của trường đời: môn chạy đua đường trường. Môn thể thao này sẽ cam go, khó khăn hơn những trận đấu bóng với bạn bè. Mẹ nói, bây giờ Bê đã lớn. Mẹ tin rằng Bê luôn đủ sức chống chỏi trong sân vận động của trường đời. Mẹ không còn đạp xe kè kè theo sau Bê, phòng khi Bê té ngã. Ba Mẹ không trực tiếp theo dõi những trận đấu để vỗ tay khích lệ Bê. Nhưng Bê luôn nhớ lời Ba Mẹ nói: “Lúc nào Bê cũng là vận động viên hạng nhất của Ba Mẹ.” Bê nhủ lòng, Bê luôn cố gắng để đáp lại niềm tin và lòng yêu thương của Ba Mẹ.
Hoàng Quân
Gửi ý kiến của bạn