50 năm trước, Gerald Ford biết rất rõ rằng Richard Nixon có thể bị truy tố vì những tội danh đã phạm phải khi còn là Tổng thống Hoa Kỳ. Đó là lý do Ford ban hành “lệnh ân xá toàn diện, tự do và tuyệt đối” cho người tiền nhiệm của mình.
Trước ngày 1/7/2024, các cựu tổng thống hoàn toàn vẫn có thể bị truy tố đối với các cáo buộc hình sự - chỉ đến khi 6 thành viên của TCPV đưa ra phán quyết trong vụ Trump v. Hoa Kỳ, tình hình mới hoàn toàn thay đổi.
Trở lại năm 1974, khi Nixon từ chức và đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì các tội danh liên quan đến vụ án Watergate, các dân cử Đảng Cộng Hòa đã dựa vào Hiến pháp để giải quyết tình huống này. Theo Điều II, Mục 4 của Hiến pháp Hoa Kỳ, cựu tổng thống không được miễn trừ trách nhiệm hình sự mà vẫn phải chịu trách nhiệm. Dù đã bị luận tội, kết tội và bãi nhiệm, thì một cựu tổng thống “vẫn phải chịu trách nhiệm, bị truy tố, đưa ra xét xử và bị trừng phạt theo luật pháp.”
Ford đã thẳng thắng thừa nhận sự thật đó trong tuyên cáo ân xá: “Với những hành vi sai trái đã phạm phải trước khi từ chức tổng thống, Richard Nixon có thể bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội danh chống lại Hoa Kỳ.”
Ford khẳng định Hiến pháp bảo đảm tất cả mọi người đều được xét xử một cách công bằng, bao gồm cả Nixon. Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại rằng do tình hình đất nước khi đó đang căng thẳng và chia rẽ, nên có thể sẽ mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để Nixon có được một phiên tòa công bằng. Vì vậy, Ford quyết định ân xá cho Nixon.
Nhưng lý do này không đủ thuyết phục đối với đa số người dân Hoa Kỳ.
Từ phẫn nộ đến tôn trọng
Ban đầu, theo một cuộc thăm dò dư luận, chỉ có 26% người dân Hoa Kỳ ủng hộ việc ân xá Nixon, trong khi có đến 59% phản đối. Nhiều người cảm thấy bất bình và chia sẻ những bức xúc của mình với giới truyền thông.
John Dawdy, một cựu binh tham gia Chiến tranh Việt Nam và học luật, đặt câu hỏi: “Còn những người khác trong chính quyền của ông ấy đang bị xét xử thì sao?”. Những kẻ đồng lõa với Nixon, bao gồm một cựu Bộ trưởng Tư pháp và một cựu Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, đều đã được đưa ra xét xử công bằng.
Joseph Hickel, di dân tị nạn từ Tiệp Khắc, lo ngại rằng nếu Nixon không bị trừng phạt, có nguy cơ các tổng thống trong tương lai sẽ thoải mái phạm tội mà không màng đến hậu quả. Hay như Ann Robinson, một cư dân từ Cerritos, California, thì cho rằng: “Việc ân xá đó khiến người ta cảm giác rằng làm tổng thống cũng giống như trở thành vua.”
Tuy nhiên, theo thời gian, vụ tai tiếng Watergate dần chìm vào quên lãng. Đến năm 1986, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ còn 39% người phản đối việc ân xá, trong khi tỷ lệ ủng hộ là 54%.
TNS Ted Kennedy, dân cử Đảng Dân chủ từ Massachusetts và từng chỉ trích lệnh ân xá năm 1974, sau này cũng thừa nhận rằng Ford đã đúng. Năm 2001, Kennedy đã trao cho Ford Giải thưởng “Profile in Courage” (tạm hiểu là “Những Tấm gương Dũng cảm”) để vinh danh quyết định khó khăn nhưng đầy trách nhiệm và có lương tâm của vị Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ.
Đến thời chính quyền Donald Trump, khi một tổng thống khác cũng bị điều tra về những tội danh có thể bị luận tội và truy tố, quan điểm của công chúng về lệnh ân xá Nixon lại một lần nữa thay đổi và chia rẽ rất rõ: 38% ủng hộ, 38% phản đối.
Dựa trên những sự kiện liên quan đến Trump, một số nhà sử học đã nhìn lại và nhận ra rằng việc ân xá Nixon đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, giúp các tổng thống có thể thoát khỏi trách nhiệm hình sự đối với những tội danh khi còn đương chức.
Không ai đứng trên luật pháp
Năm nay, người dân Hoa Kỳ phải đối mặt với một hậu quả mới từ lệnh ân xá đó. Quyết định của Ford đã khiến Hoa Kỳ không có tiền lệ về việc truy tố một cựu tổng thống và nhờ đó, TCPV hiện nay – với sáu vị thẩm phán do Đảng Cộng Hòa bổ nhiệm – đã sử dụng khoảng trống này để đưa ra một phán quyết gây tranh cãi.
Theo phán quyết mới của TCPV, các tổng thống được miễn truy tố đối với các “hành động chính thức” mà họ thực hiện trong thời gian đương nhiệm. Điều này có nghĩa là nếu áp dụng vào thời Nixon, ông ấy sẽ không phải lo lắng về việc bị truy tố vì những tội danh trong vụ bê bối Watergate. Thí dụ, Nixon đã sử dụng CIA để cản trở FBI điều tra vụ án Watergate; thành lập một đơn vị cảnh sát bí mật, trái phép, và vi hiến; sử dụng IRS để tấn công các đối thủ chính trị; giảm án cho cựu chủ tịch nghiệm đoàn xe tải Teamster Jimmy Hoffa để đổi lấy sự ủng hộ; và ép các nhà tài trợ chiến dịch phải đóng góp tiền thì mới được chính phủ ưu ái.
Nếu phán quyết Trump v. Hoa Kỳ được đưa ra vào 50 năm trước, thì Nixon không cần phải lo lắng về việc có nhận được lệnh ân xá hay không. Ông ấy chỉ cần biện minh rằng tất cả những tội đã phạm phải liên quan đến vụ án Watergate đều là “hành động chính thức,” được thực hiện trong phạm vi quyền hạn của tổng thống.
Các thẩm phán bảo thủ trong TCPV tự nhận bản thân là những “người theo chủ nghĩa nguyên bản” (originalists), và vẫn luôn tự hào về việc chỉ tuân theo nội dung gốc của Hiến pháp và ý định ban đầu của những nhà lập quốc. Nhưng mỉa mai thay, chính các vị ấy mới là những người đã thay đổi cách hiểu về Hiến pháp để phù hợp với quan điểm cá nhân trong hoàn cảnh hiện tại.
Vụ bê bối Watergate xảy ra cùng năm Joe Biden bước chân vào chính trường với tư cách là ứng viên Thượng Viện (của Đảng Dân chủ) từ Delaware. Sau khi Tổng thống Ford ân xá cho Richard Nixon vào năm 1974, Biden, khi ấy vừa đắc cử TNS, đã lên tiếng phản đối lệnh ân xá, cho rằng “lệnh này đưa một người vượt lên trên pháp luật.”
Biden có lẽ sẽ không thể ngờ rằng, 50 năm sau, trong năm cuối cùng của sự nghiệp chính trị, TCPV lại ra phán quyết cho phép các tổng thống phạm phải những tội ác tương tự như Nixon - thậm chí còn tồi tệ hơn - mà không cần lo sợ sẽ bị trừng phạt.
Để cứu vãn hậu quả từ sai lầm này, Biden đã đề nghị một Tu chính án mang tên “No One Is Above the Law” (Không Ai Đứng trên Luật pháp), nhằm tước bỏ quyền miễn truy tố của các tổng thống đối với các hành vi phạm pháp, kể cả khi còn tại chức. Là một tổng thống sắp mãn nhiệm, nếu Tu chính án này được thông qua, chính bản thân Biden cũng có thể sẽ mất đi rất nhiều thứ.
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa năm nay đã nhiều lần bày tỏ sự háo hức, mong muốn truy tố Biden, mặc dù chưa có bằng chứng gì để chứng minh cho các tội danh. Hiện tại, Biden vẫn được bảo vệ bởi quyền miễn truy tố theo phán quyết của vụ Trump v. Hoa Kỳ. Nhưng nếu Tu chính án “Không Ai Đứng trên Luật pháp” được thông qua, ông sẽ mất đi đặc quyền đó.
Tu chính án này là bằng chứng cho thấy Biden đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân mình, và cũng là một Tấm gương Dũng cảm (Profile in Courage) thực thụ.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Supreme Court’s ruling in Trump v. United States would have given Nixon immunity for Watergate crimes — but 50 years ago he needed a presidential pardon to avoid prison” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn