SAO PAULO – Hôm thứ Năm (12/9), Nam Mỹ đang hứng chịu hỏa hoạn tàn khốc bởi một loạt đám cháy lớn trải dài từ rừng nhiệt đới Amazon đến các khu rừng khô cằn ở Bolivia, tính đến 11/9 đã phá mọi kỷ lục trước đó về số vụ cháy trong một năm, theo Reuters.
Theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu không gian Brazil (Inpe) bắt đầu thu thập từ năm 1998, tính đến ngày 11/9/2024, đã có 346,112 điểm cháy rừng dữ dội (fire hotspots, là những nơi xảy ra cháy rừng mà vệ tinh có thể theo dõi được từ không gian) trên toàn lục địa, vượt kỷ lục 345,322 điểm vào năm 2007.
Các đám cháy lan rộng, đốt cháy thảm thực vật và gây ra khói dày đặc bao phủ nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Sao Paulo. Dải khói từ cháy rừng có thể được nhìn thấy từ không gian, trải dài từ Colombia (phía tây bắc) đến Uruguay (phía đông nam). Dù đã triển khai hàng ngàn lính cứu hỏa, Brazil và Bolivia vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các đám cháy vì điều kiện thời tiết vô cùng khô nóng, hậu quả của biến đổi khí hậu trong thời gian qua.
Các khoa học gia nhận định rằng, mặc dù phần lớn các vụ cháy là do con người gây ra, nhưng biến đổi khí hậu với thời tiết ngày càng khô hạn đã giúp hỏa hoạn lan nhanh hơn và rộng hơn. Từ năm ngoái, Nam Mỹ đã liên tục phải trải qua nhiều đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Karla Longo, nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại Inpe, chia sẻ về thời tiết bất thường ở Sao Paulo trong những tháng gần đây: “Chúng tôi hầu như chưa từng trải qua mùa đông. Vô cùng khó hiểu.”
Mặc dù đang là mùa đông ở Nam bán cầu, nhưng nhiệt độ tại thành phố Sao Paulo, Brazil vẫn ở mức trên 32 độ C (90 độ F) kể từ thứ Bảy, cho thấy tình trạng nóng bức bất thường do biến đổi khí hậu.
Tại Bolivia, hàng trăm người biểu tình ở thủ đô La Paz kêu gọi chính phủ hành động khẩn cấp, yêu cầu ngừng ngay việc đốt rừng và ưu tiên bảo vệ môi trường. Fernanda Negron, một nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật, cho biết: “Xin hãy mở mắt ra nhìn xem điều gì đang xảy ra ở đất nước này. Chúng ta đã mất hàng triệu hecta rừng, hàng triệu thú vật đã bị thiêu rụi.”
Cơ quan giám sát thảm họa quốc gia Cemaden cho biết, Brazil đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, kéo dài từ năm ngoái đến nay. Ana Paula Cunha, nhà nghiên cứu hạn hán của Cemaden cho biết: “Nhìn chung, tình trạng hạn hán 2023-2024 là đợt nghiêm trọng nhất, kéo dài nhất ở một số khu vực và lan rộng nhất trong lịch sử gần đây, ít nhất là kể từ năm 1950.”
Theo Inpe, các vụ cháy rừng nghiêm trọng đã lan sang Peru, Argentina và Paraguay. Một số đám cháy lớn tại Venezuela, Guyana và Colombia trước đó cũng góp phần tạo ra kỷ lục kinh hoàng, nhưng hiện các vụ cháy rừng này đã giảm bớt.
Cháy rừng do phá rừng tại khu vực Amazon tạo ra những cột khói vô cùng dày đặc, vì mật độ thảm thực vật ở đây rất cao. Longo mô tả: “Khi bay gần các cột khói này, cảm giác như đang nhìn thấy đám mây hình nấm của một vụ nổ nguyên tử.”
Khoảng 9 triệu km2 (3.5 triệu dặm vuông), tương đương hơn một nửa diện tích lục địa, đang bị bao phủ bởi khói từ các đám cháy rừng. Theo trang IQAir.com, Sao Paulo, thành phố đông dân nhất Tây bán cầu, đã bị xếp là có chất lượng không khí tồi tệ nhất toàn thế giới vào đầu tuần này, thậm chí còn cao hơn những nơi ô nhiễm nặng như TQ và Ấn Độ. Tương tự, thủ đô La Paz của Bolivia cũng mù mịt khói.
Longo cảnh báo việc hít quá nhiều khói sẽ làm tăng các vấn đề về hô hấp và có thể gây ra hàng ngàn ca tử vong ở trẻ em. Theo một nghiên cứu năm 2023, ước tính trung bình ở Nam Mỹ có khoảng 12,000 trẻ em tử vong mỗi năm do hít phải khói từ cháy rừng.
Tháng 9 là thời gian cao điểm của mùa hỏa hoạn ở Nam Mỹ, và vẫn chưa rõ liệu số lượng các vụ cháy lớn trong năm nay có tiếp tục tăng cao hay không. Dự báo thời tiết cho biết sẽ có mưa vào tuần tới tại miền trung và nam Brazil, bao gồm cả Sao Paulo; nhưng tình trạng hạn hán ở khu vực phía bắc Amazon và vùng nông nghiệp trung-tây của Brazil dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 10.