Hôm nay,  
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”

Tình Hình Chính Trị, Quân Sự Và Cứu Trợ Sau Cuộc Tổng Công Kích Của VC Ngày 30.1.1968.

22/11/202118:33:00(Xem: 1883)

 

 * Phó Tổng thống Kỳ  chỉ trích Tổng thống Thiệu...thể hiện sự thiếu chủ động và quyết liệt trong việc giải quyết khủng hoảng

* Bộ Ngoại giao  đề nghị thay thế tướng Nguyễn Ngọc Loan.

* Thủ tướng Lộc yêu cầu Nghị sĩ Ngãi không nên gây khó khăn, đổi lại sẽ bổ nhiệm  đảng viên Đại Việt Cách Mạng vào các chức vụ trong chính phủ.

* Giám đốc Tình báo Không Quân số 7  xác nhận rằng các bước chuẩn bị  “đã cứu Tân Sơn Nhất".


Dao Van


(Câu hỏi: 
6 SQ Thân Tín Của PTT Ng Cao Kỳ Tử Nạn Tại Chợ Lớn Vì Máy Bay Mỹ Bắn Lầm? < ngày 2.6.1968> Bài 3) 

 

Phần trình bày sau tóm lược trích đoạn theo các bản văn của thư viện và  văn khố Bộ  Ngoại Giao - và các bản văn đã giải mật của cơ quan CIA phổ  biến vào các năm 2016 và 2019.

 

Ủy Ban Liên Bộ được thành lập để kiểm điểm lại tin tức tình báo ghi nhận trước Tết và các biện pháp đề phòng ...

 

A- (CIA phổ biến ngày 16.12.2016).

 

1/- Một nhóm công tác đã được thành lập dưới sự chủ trì của R J Safer, trong đó  có đại diện của  CIA, DIA, INR, NSA và Bộ Tham mưu tham dự. Nhóm này đã xem xét các hồ sơ liên quan đến tin tức tình báo do điệp viên hoặc qua viễn thông thu thập, kể cả các bản tóm tắt và lượng định tình hình thuộc các cơ sở khác nhau của Hoa Kỳ trước Tết, trong đó nhấn mạnh vào khoảng thời gian từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 1 năm 1968, và kết quả tin tức  tình báo đã được phổ biến cho các viên chức cao cấp của chính phủ.

 

B- Phát hiện chung

 

3/- Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo  đã thông báo cho Ban Cố vấn Tình báo Nước ngoài của Tổng thống cả ở Sài Gòn và ở Washington, về bằng chứng rằng kẻ thù  quyết tâm thực hiện  "chiến dịch Đông Xuân" và đang chuẩn bị cho một loạt các cuộc tấn công phối hợp, có thể ở quy mô lớn hơn bao giờ hết. Có bằng chứng vào tháng Giêng rằng một số cuộc tấn công ở vùng cao có thể được tiến hành trong kỳ nghỉ Tết.  Rõ ràng là các cuộc tấn công khác sắp xảy ra vào cuối tháng và một số mục tiêu đã được xác định. Tin tức  tình báo này đã được truyền đạt đến các sĩ quan quân sự và chính trị cao cấp cả ở Sài Gòn và  Washington. Kết quả là, một loạt các biện pháp đã được thực hiện ở Việt Nam nhằm làm giảm thiểu tác động về cuộc tấn công của đối phương."..."

 

C- Tác động của cuộc tấn công của kẻ thù

 

 7/. Mặc dù cảnh báo đã được ban hành nhưng  cường độ, sự phối hợp và thời gian về cuộc tấn công của kẻ thù không  lường trước được đầy đủ. Đại sứ Bunker và Tướng Westmoreland chứng thực điều này. Yếu tố quan trọng nhất là thời gian. Rất ít quan chức Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam tin rằng kẻ thù sẽ tấn công trong dịp Tết, và dân chúng Việt Nam cũng tin như vậy. Có lý do chính đáng cho điều này: Tết tượng trưng cho tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đây là ngày lễ quan trọng nhất ở Việt Nam, một dịp lễ được các thành viên trong mọi gia đình quan tâm, dù họ theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay cộng sản. Những người cộng sản rõ ràng tin rằng họ có thể khai thác sự kiện này để tạo ra một cuộc nổi dậy nhằm chống chính phủ, bài ngoại, nhưng sự thể đã không diễn ra theo ý muốn của họ. Vì thế , kẻ thù đã phải trả giá bằng những sự đối kháng bởi những người dân thành thị, tuy nhiên chúng đạt được hai điều:

 Quân đội và cảnh sát của Chính phủ Việt Nam nhìn chung  đã không có sự chuẩn bị sẵn sàng  theo cách thông thường của họ, và thiếu cảnh giác  đã khiến cho một số lượng lớn VC lợi dụng dịp Tết tiến vào các thành phố. Tướng Westmoreland dự liệu các cuộc tấn công lớn  ngay trước hoặc ngay sau Tết, Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam đã cho phép nghỉ Tết  50% quân số. Dựa vào các tin tức tình báo, chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị Hoa Kỳ và QLVNCH đã được cảnh báo, nhưng hoạt động của QLVNCH đã bị giảm sút ở nhiều khu vực bởi việc nghỉ Tết. "..."

 

D-  Phản ứng đối với các cảnh báo .

 

 10. Washington và Sài Gòn như đã nói trước đó, hoàn toàn biết rằng kẻ thù đã lên kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, có thể là các cuộc tấn công phối hợp ở phía bắc  Vùng I Chiến Thuật, tại Dakto trên cao nguyên của Vùng II Chiến Thuật, và về phía Sài Gòn cũng như tất cả các tỉnh thuộc Vùng III Chiến Thuật. Sớm nhất là ngày 10 tháng Giêng Đại tướng Westmoreland đã hủy bỏ một số hoạt động đã được lên kế hoạch trước đó  ở phía bắc Vùng III Chiến Thuật, và ông ta cho bố trí lại lực lượng Hoa Kỳ gần Sài Gòn. Trong những ngày tiếp theo, ông đã đưa ra một loạt cảnh báo cho các cấp chỉ huy của mình và cho Phái bộ Hoa Kỳ, rằng kẻ thù đang chuẩn bị tấn công. Mặc dù ban đầu ông ta không dự kiến các cuộc tấn công trong dịp Tết, nhưng ông  ta nhận ra tầm quan trọng của các cuộc tấn công sớm ở Quân Khu 5 (gồm các tỉnh Quảng Trị, Huế và một số tỉnh Trung). Kết quả là tất cả các đơn vị Hoa Kỳ đã được cảnh báo đầy đủ, mặc dù trong hầu hết các trường hợp, họ không có thời gian  để thực hiện các biện pháp tấn công chống lại kẻ thù trước cuộc tấn công. TẤT CẢ các căn cứ của Lực lượng Không quân số 7 đều được đặt trong tình trạng báo động tối đa, và Giám đốc Tình báo Không Quân số 7  xác nhận rằng các bước chuẩn bị này “đã cứu Tân Sơn Nhất”. Có lẽ bằng chứng tốt nhất cho thấy các biện pháp đề phòng của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có hiệu quả và rằng tình báo chiến lược của đối phương là sai lầm, đối phương đã không giữ được bất kỳ mục tiêu quân sự nào trong một khoảng thời gian đáng kể, ngoại trừ Huế."..."

 

14. Ở trên đã lưu ý rằng các cuộc tái phối trí của Hoa Kỳ trong Quân đoàn III đã bắt đầu trước giữa tháng Giêng. Những cuộc di chuyển của ba sư đoàn địch dọc biên giới Campuchia về phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn và có dấu hiệu cho thấy các đơn vị này đang bắt đầu di chuyển về phía nam  thành phố. Ngoài ra, các sĩ quan tình báo Hoa Kỳ và QLVNCH trước đó đã suy đoán việc tổ chức lại cơ cấu chỉ huy của địch ở Quân Khu 4, khu vực bao quanh  Sài Gòn..., rằng mục đích của chúng là cải thiện khả năng chỉ huy và kiểm soát để phối hợp tấn công vào thành phố. Quân đoàn III và Lực lượng Dã chiến II được đặt trong tình trạng báo động. Trong hầu hết các đơn vị QLVNCH thuộc Quân đoàn III, quân đội dường như vẫn ở trong tình trạng nghỉ Tết bình thường.[1]

 

* Tường trình của Tham Mưu Trưởng Liên Quân

 

(Thư viện BNG) - Việc ngừng bắn trong dịp lễ  Tết đã được thiết lập một cách đơn phương, cùng với các quy tắc ứng xử, bởi cả đối phương và phía chúng ta.  Hồ sơ ghi nhận có đầy đủ bằng chứng cho thấy ý định và hành động của kẻ thù luôn đi ngược lại với bất kỳ đề nghị ngừng chiến được đề ra. 

 

Kẻ thù hiện đang phát triển một thế trận ở một số khu vực nhằm tìm kiếm những chiến thắng cần thiết để đạt được ưu thế  về khả năng thương lượng tại bàn hội nghị. Họ có thể thực hiện các sáng kiến của họ trong hoặc sau Tết. Hoàn toàn có thể là họ đã lên kế hoạch hoàn thành việc chuẩn bị tấn công vào  thời gian phía quốc gia ngừng bắn. Trong quá khứ, họ đã mở các cuộc tấn công vào  thời kỳ đình chiến và có thể họ sẽ làm như vậy một lần nữa. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hạn chế việc di chuyển về người và vật liệu của đối phương trong thời gian VNCH ngừng bắn,  bằng cách gia tăng bố trí các lực lượng của chúng tôi.[2]

* Về đề nghị thay đổi tướng Nguyễn Ngọc Loan

 

Ngày 30.1.1968 - (Văn khố BNG) -  TT Johnson họp với Secretary Rusk, Secretary McNamara, Clark Clifford, CIA Director Helms, Walt Rostow, George Christian, Tom Johnson

"..." Bộ trưởng McNamara: Tôi có hai khuyến nghị. Đây là vấn đề quan hệ đến công chúng không phải là vấn đề quân sự. Chúng ta cần để Tướng Loan phụ trách cảnh sát Sài Gòn. Ông ta không nên bị loại bỏ như một số người của chúng ta trong Bộ Ngoại giao đang đề nghị. Ít nhất là không thay đổi cho đến khi chúng ta tìm thấy người nào tốt hơn.

Giám đốc CIA Helms: Tôi hoàn toàn đồng ý.

Bộ trưởng McNamara: Ông ta là cấp chỉ huy về an ninh giỏi nhất kể từ thời ông Diệm. Ông ta đã dọn dẹp Sài Gòn một cách tốt đẹp - He has cleaned up Saigon well.

Bộ trưởng Rusk: Ông ta là một cảnh sát trưởng tốt, nhưng ông ta thường bất hợp tác với một số người của chúng ta."..."  [3]

* Cơ quan CIA soạn thảo bản ghi nhớ về cuộc chiến Mậu Thân

Ngày 2.2.1968. - (Văn khố BNG) 1. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân của Việt Cộng là chỉ dấu rõ ràng về sức mạnh của Việt Cộng, đòi hỏi một cái nhìn mới trong cách tiếp cận của chúng ta đối với chiến tranh Việt Nam và đối với Chính phủ Việt Nam - The Viet Cong Tet offensive is a clear indication of continued Viet Cong power which calls for a new look in our approach to the Vietnam war and to the Government of Vietnam.

 

2. Trên phương diện cụ thể, Hoa Kỳ nên thảo luận  với Tổng thống Thiệu về tình hình nghiêm trọng sau cuộc tấn công của Việt Cộng  vừa qua, đã bộc lộ sự yếu kém về an ninh Việt Nam và thiếu các giải pháp đồng bộ  để góp phần vào cuộc chiến chống Việt Cộng, điều này hàm ý rằng triển vọng thành công theo tình hình và các chương trình hiện tại là không đủ. Cần nói rõ rằng chủ trương trì hoãn không còn có thể được chấp nhận như một cách tiếp cận đối với chúng ta trong cuộc chiến này và cần phải tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng kể từ nay, Chính phủ Việt Nam phải tuân theo chỉ đạo của Mỹ trong một chương trình khẩn cấp để khắc phục tình trạng chiến tranh - should be stated forcefully that henceforth the GVN must follow U. S. direction in an urgent program to redress the state of the war.

 

3. Điểm đầu tiên trong chương trình này, chúng ta nên nhấn mạnh rằng Tướng Nguyễn Đức Thắng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng, với "toàn quyền" đối với quân đội, công an và cơ cấu hành chính. Ông ta nên được cấp bách giao nhiệm vụ  để bảo vệ  an ninh cho quốc gia. Ông ta nên được trao toàn quyền đối với tất cả các lực lượng Việt Nam để thực hiện điều này và ông ta nên được chỉ đạo tập trung nỗ lực của mình vào việc củng cố và thanh lý các khu vực kém an toàn hơn. Ông ta nên được thông báo rằng các lực lượng quốc gia  sẽ được sử dụng để chống lại các hành động phá hoại của Việt Cộng và các đơn vị chủ lực của VNDCCH  v.v. và tái thực thi các lực lượng Việt Nam khi cần thiết, và các lực lượng Việt Nam phải cam kết 100% với vai trò bình định.  Tại Bộ Tổng Tham Mưu, tướng Cao Văn Viên cần được chỉ thị cụ thể rằng tất cả các lực lượng Việt Nam từ đó sẽ được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho chương trình bình định do Tướng Thắng chỉ huy thông qua các chỉ huy cấp dưới mà Thắng có thể lựa chọn, kể cả các tỉnh trưởng. Trong quá trình tái định hướng QLVNCH, Tướng Thắng nên được trao toàn quyền tổ chức lại cơ cấu chỉ huy và loại bỏ các sĩ quan khi cần thiết để thực hiện nhiệm vụ mới này. Tương tự như vậy, Chỉ huy Cảnh sát, Bộ trưởng Bộ Phát triển Xây Dựng và tất cả các thành phần khác của Chính phủ Việt Nam có thể đóng góp vào công cuộc bình định nên được trao nhiệm vụ hỗ trợ trực tiếp cho chương trình bình định của Tướng Thắng.

 

4. Tổng thống Thiệu cũng nên bổ nhiệm Phó Tổng thống Kỳ làm Tham mưu trưởng kiêm Giám đốc Hành quân. Kỳ nên được giao hai nhiệm vụ lớn. Việc đầu tiên sẽ là tổ chức một cuộc rà soát về hồ sơ cá nhân và kết quả hoạt động của tất cả các viên chức quân sự và dân sự Việt Nam, và thanh trừng ngay lập tức tất cả những người bị phát hiện có liên quan đến tham nhũng hoặc các hành vi lạm quyền. Những viên chức được thay thế các người bị sa thải, ngay lập tức nên chọn lựa từ các cấp dưới hoặc từ các phần hành khác. Nhiệm vụ chính thứ hai của Phó Tổng thống Kỳ là tổ chức một cơ chế chính trị quốc gia hoặc mặt trận bên ngoài cơ cấu chính phủ, bao gồm tất cả các thành phần chính trị không Cộng sản, để tạo ra cuộc tập hợp đông đảo của toàn dân ủng hộ chương trình mới này để phát triển đất nước và giúp dân chúng khỏi bị sự khủng bố của Việt Cộng.[4]

 

* Thành lập của một lực lượng đặc nhiệm

 

Ngày 05.2.1968 - (CIA phổ biến ngày 15.12.2016) - Tổng thống Thiệu đã tổ chức một loạt cuộc họp cuối tuần với các viên chức quân sự và dân sự hàng đầu của Nam Việt Nam, cùng với các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, đã khẩn cấp thành lập của một lực lượng đặc nhiệm chung. Do Phó Tổng thống Kỳ đứng đầu, cơ chế này sẽ xác định các nhu cầu ưu tiên trên khắp đất nước, từ việc tiếp tế lương thực và các hoạt động cứu trợ thiết yếu khác, đến việc tăng cường thông tin và các công tác  chiến tranh tâm lý. Trong thông cáo ngày hôm qua, TT Thiệu tuyên bố thành lập một trung tâm điều phối tại Sài Gòn, dưới quyền của Kỳ, và hứa rằng quân đội sẽ hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh.


Chính phủ cũng đang tiến hành vận động dành sự ủng hộ  từ các giới dân sự có ảnh hưởng trong việc  chống cộng.  Cơ chế này đã nhận được các tuyên bố ủng hộ công khai từ các viên chức Quốc hội, từ phía Ủy ban Quốc phòng của Thượng viện và một số thành phần  tại Hạ viện. Liên đoàn Lao động Việt Nam và hội đồng thành phố Sài Gòn cũng đã đưa ra cam kết tương tự. Về phía các nhà lãnh đạo công đoàn cũng như những người theo đạo Phật giáo ôn hòa đã bắt đầu tổ chức các trung tâm cứu trợ khẩn cấp cho những người lâm cảnh  khó khăn tại Sài Gòn.

Bất kể những cam kết trên, vẫn có sự chỉ trích rộng rãi [bị xóa 1 chữ] bởi một số thành viên hội đồng và các nhà lãnh đạo công đoàn về kết quả hoạt động  kém hiệu năng của chính phủ. Phần lớn những lời chỉ trích nhắm vào Thủ tướng Lộc vì sự thiếu năng động trong nội các của ông ta.[5]

 

Phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng hiện tại

 

Ngày 5.2.1968 -  (CIA phổ biến ngày 28.1.2019) - Chính phủ đã bắt đầu chú ý đến các vấn đề có tính chất phi quân sự phát sinh từ cuộc khủng hoảng hiện nay sau sự khởi đầu rất chậm chạp. Tổ chức lực lượng đặc nhiệm chung Việt-Mỹ đã được thành lập dưới quyền Phó Tổng thống Kỳ để khẩn cấp trợ  giúp các nạn nhân bởi các cuộc tấn công của Việt Cộng và nối lại các đường dây liên lạc.  Quốc hội đã cam kết ủng hộ chính phủ và nhiều nhóm khác đang đề nghị hỗ trợ, nhưng chính phủ vẫn đang bị chỉ trích vì hành động chậm chạp.

 

1. Sau một khởi đầu chậm chạp, Chính phủ đã bắt đầu chú ý đến những vấn đề có tính chất phi quân sự do cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra, và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội và nhiều thành phần dân chúng.

 

2.  Trong thời gian  Việt Cộng  tấn công vào ngày 30 tháng 1, Tổng thống Thiệu ở Mỹ Tho , Phó Tổng thống Kỳ nắm quyền chỉ huy Bộ Tổng tham mưu và điều hành nỗ lực của chính phủ cho đến khi Thiệu trở về Sài Gòn.  Ông Kỳ yêu cầu ông Thiệu nên tuyên bố thiết quân luật và áp đặt một số biện pháp khẩn cấp khác. Vào tối ngày 31 tháng 1, Thiệu tuyên bố thiết quân luật, giới nghiêm 24 giờ, đóng cửa tất cả các nơi vui chơi giải trí, và cấm hội họp và biểu tình. Kể từ đó, Thiệu nói với các viên chức Mỹ rằng, mặc dù các hành động của ông không được thực hiện theo quy định của hiến pháp, nhưng các lệnh lạc này vẫn tuân theo một đạo luật trước đây còn hiệu lực, cho phép khẩn cấp áp dụng các biện pháp đó.

 

3. Thủ tướng Lộc [ bị xóa 1  dòng] khá hoang mang trước toàn bộ tình hình. Lộc báo cáo với cố vấn rằng phía dân sự  không thể  làm được gì cho đến khi quân đội dẹp tan được Việt Cộng và đưa đất nước trở lại tình trạng bình thường. Kết quả là [bị xóa  4-5 chữ] vào ngày 1 tháng 2, Lộc từ chối đề nghị của cố vấn về việc chính phủ tăng cường các dịch vụ y tế, bưu chính và thông tin để giúp đỡ người dân và chứng minh cho họ thấy rằng, chính phủ vẫn chưa hoàn toàn án binh bất động. Ông ta cũng  từ chối làm bất cứ điều gì để tranh thủ sự hỗ trợ tích cực  từ các  nhóm lao động, Phật giáo, trí thức và các nhóm khác.

 

4. [Bị xóa 4-5 chữ] mặc dù chính phủ đã hoạt động "khá tốt" trong vài ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng,  đặc biệt là trong các  lệnh lạc cho giới  công chức về việc báo cáo công việc trong thời gian giới nghiêm [ bị xóa x 4-5 chữ] chưa đủ để trấn an đồng bào cả nước và lo sợ tinh thần dân chúng ở Sài Gòn sẽ xuống cấp hơn nữa, và sự thiếu hụt nguồn cung cấp trầm trọng nếu Việt Cộng không sớm được đẩy lui ra khỏi thành phố.

 

5. Tuy nhiên, đến ngày 2 tháng 2, chính phủ đã bắt đầu nắm tình hình. Thiệu: Được biết hôm đó đã gặp Lộc, Kỳ và một số thành viên chủ chốt trong nội các và giới quân sự đã thảo luận về các nhu cầu cấp bách về lương thực, y tế và vận động  để các vị  lãnh đạo Quốc hội cam kết ủng hộ . Vào ngày 3 tháng 2, một lực lượng đặc nhiệm chung của Việt - Mỹ được thành lập, dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Kỳ, để giải quyết các vấn đề trước mắt và tương lai. Lực lượng đặc nhiệm sẽ thành lập một trung tâm hoạt động tại Sài Gòn. Các trung tâm tương tự được thiết lập ở các tỉnh, đồng thời yêu cầu giúp đỡ từ người dân địa phương.

 

6. Mặc dù các biện pháp khẩn cấp vẫn có hiệu lực và trên thực tế đã được gia tăng với việc bổ sung kiểm duyệt báo chí, lệnh giới nghiêm 24 giờ đã được nới lỏng ở Sài Gòn để cho phép công chức và những người khác trở lại làm việc và cho phép dân chúng mua sắm các nhu yếu phẩm.  Điện nước, vốn đã sớm bị mất trong thời kỳ khủng hoảng, đã trở lại gần như bình thường ở Sài Gòn, và vào ngày 4 tháng 2, những chiếc xe tải bán thực phẩm đã lưu thông trong thành phố. Ông Thiệu tuyên bố rằng cảnh sát và các thành viên của các lực lượng vũ trang trên toàn quốc sẽ hỗ trợ việc cung cấp thực phẩm và các vật dụng khác và sẽ giúp đỡ các nạn nhân do cuộc tấn công của Việt Cộng gây ra.

 

   - Tác động đến Chính phủ

 

11. Không có hình ảnh rõ ràng nào vào thời điểm này về tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng đối với chính phủ. Sự thiếu quyết đoán của Thủ tướng Lộc  đã chứng tỏ ông ta rõ ràng không thực hiện bất kỳ bước cần thiết nào để giúp tình hình ổn định. Ông ta đang trở thành mục tiêu của sự chỉ trích rộng rãi. Trong một tuyên bố nhằm che đậy sự kém hiệu quả của bản thân, ông ta được cho là đã nói với một thành viên nội các vào ngày 4 tháng 2 rằng ông  ta hiện lo ngại nội các sẽ bị giải tán do áp lực quân sự, và rằng Thiệu sẽ cai trị vô thời hạn bằng sắc lệnh - that Thieu will rule indefinitely by decree.

 

12. Mặc dù tất nhiên đây là một khả năng sẽ xảy ra, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sự việc này đang được tiến hành. Các nghị định của chính phủ cho đến nay đã nhận được sự ủng hộ từ cơ quan lập pháp và không có biện pháp ngoài pháp luật nào được thực hiện. Đối với quân đội, ngay cả giới chính trị nhất là trong số các tướng lĩnh cao cấp tham gia công việc chống chiến tranh, vào thời điểm hiện tại lo lắng về việc gây áp lực lên bất kỳ thay đổi nào của chính phủ - at the moment to concern themselves with pressuring any governmental changes.

 

13. Cả Tổng thống Thiệu và Phó Tổng thống Kỳ rõ ràng đã hành động đúng đắn, và Thiệu đã cho thấy khả năng khi đưa ra quyết định về cuộc khủng hoảng mà không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng trong những tình huống kém quyết liệt. Một số nhà quan sát  đã nhìn thấy hành động của Kỳ trong ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng, có động thái khả dĩ muốn nắm giữ một số quyền lực cho mình - to have seen in Ky's actions during the first day of the crisis a possible move to assume some power for himself. Nhìn chung, các thành phần khác nhau của chính phủ, mặc dù có một số nội bộ vẫn tiếp tục công kích, nhưng dường như họ đang tự điều hành tốt trong nhiều tình huống và có cái nhìn  thực tế về những gì phải làm và phải hoàn thành nó như thế nào.[6]

 

* Tình hình chính trị tại miền Nam Việt Nam (1-12/2/1968)

 

Ngày 08.2.1968 - (CIA phổ biến ngày 27.4.2019)


Dao Van
 

1. Phó Tổng thống Kỳ dường như vẫn nhìn Tổng thống Thiệu với sự hoài nghi, mặc dù ông ta đã chia sẻ với các cố vấn thân cận nhất của ông ta về ý định hợp tác với Thiệu để  đối phó cuộc khủng hoảng hiện nay và không hề nghĩ đến việc củng cố quyền lực của mình. Vào ngày 7 tháng 2, Kỳ nói với một [ bị xóa 6-7 ch] thân cận, rằng ông ta cảm thấy Thiệu thể hiện sự thiếu chủ động và quyết liệt trong việc giải quyết khủng hoảng

 

2. Kỳ dường như ít lo lắng hơn là một số phụ tá của ông ta về điều mà họ coi là nỗ lực của Thiệu nhằm hạn chế nhiệm vụ của Kỳ đối với lực lượng đặc nhiệm Việt-Mỹ do Kỳ đứng đầu. [ bị xóa 4-5 chữ] Thiệu đã sửa lại bản dự thảo thành lập lực lượng đặc nhiệm để có nhiệm kỳ ngắn hơn bằng cách thay đổi các cụm từ như "phục hồi nhân dân" thành "cứu trợ nhân dân." nhưng Kỳ nói với họ [bị xóa 4-5 chữ], rằng ông ta tin rằng lực lượng đặc nhiệm chỉ là  một tổ chức tạm thời và không cần phải có điều lệ dài hạn. Kỳ cũng đã bác bỏ các ý kiến nên lợi dụng tình hình hiện tại để loại bỏ Thủ tướng Lộc và thay đổi hiến pháp để cho phép ông tự bổ nhiệm làm thủ tướng.

 

  - Thủ tướng Lộc

3. Về phần mình, Lộc  dường như nhận ra rằng ông ta đang bị chỉ trích nặng nề vì không có khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông ta dường như đang cố gắng ngăn chặn những nỗ lực nhằm loại bỏ ông ta. Lộc  đã tiếp cận Thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Ngãi vào ngày 6 tháng 2, yêu cầu Ngãi không nên gây khó khăn cho ông ta tại Thượng viện. Kèm theo lời yêu cầu này ông ta  còn đưa ra lời hứa hẹn sẽ ưu đãi  bổ nhiệm 50 thành viên có năng lực của Đảng Đại Việt Cách mạng của Ngãi vào các chức vụ trong chính phủ - offer of several return favors, promising to appoint 50 competent members of Ngai's Revolutionary Dai Viet Party to government posts. Ông ta cũng hứa sẽ xin ý kiến của Ngãi về bất kỳ quyết định chính sách quốc gia nào trong tương lai và cố gắng tìm kiếm  vũ khí và tiền bạc để trang bị cho các đảng viên Đại Việt chống lại Việt Cộng ...[7]

 

* Điện văn của  Đại Sứ Bunker gửi BNG

 

Ngày 8.2.1968 - (Thư viện BNG) - Tôi (Bunler) đã thúc giục Thiệu rằng đây là thời điểm để khẳng định vai trò lãnh đạo năng động, quyết liệt, nhằm huy động để tiếp thêm sức mạnh cho các thành phần của chính phủ và để cho người dân biết rằng ông ta đề xuất đẩy mạnh các chương trình mà ông ta đã vạch ra trong thông điệp quốc gia của mình. Tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng tâm trạng tức giận và bất bình trước sự phản bội của Việt Cộng vào dịp Tết đang gây ra trên toàn quốc. Và tôi đã thúc giục ông ta về tầm quan trọng của việc thông báo kịp thời về các chương trình trợ giúp của Chính phủ Việt Nam; thông qua những lần xuất hiện ngắn thường xuyên trên đài phát thanh và truyền hình, ông ta nên nói cho mọi người biết chuyện gì đang xảy ra để tìm kiếm sự ủng hộ của họ.

 

Tôi cũng đề nghị với Thiệu rằng các thành viên Nội các khác phụ trách các hoạt động khẩn cấp nên nói với người dân về các chương trình  họ đảm nhận  và những điều cần thiết về  đời sống Việt Nam để khuyến khích người dân. Tôi đã đề nghị sự hỗ trợ và tham gia của chúng tôi vào các hoạt động thông tin này theo bất kỳ cách nào mà ông ta cho là hữu ích và trao cho ông ta  một biên bản ghi nhớ về các đề nghị cụ thể này.

 

Tôi cũng đã đề nghị với Thiệu hôm qua rằng ông có thể xem xét việc mở rộng thành viên nội các để mời  những thường dân nổi tiếng và có ảnh hưởng tham gia như Nguyễn Lưu Viên, Trần Văn Hương, Mai Thọ Truyền, Võ Long Triều, Hà Thúc Ký, Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Trần Văn Ân, và những người khác. Thiệu nói rằng có lẽ những cá nhân như vậy có thể được đề nghị vào hội đồng cố vấn cho chính phủ và rằng ông ta đang xem xét triệu tập một Đại hội các nhân sĩ, một cái gì đó theo hình thức đại hội đã được triệu tập vào năm 1966 thúc đẩy phong trào bầu cử. Ông ta cũng lưu ý rằng Kỳ đã lên truyền hình vào ngày 5 tháng 2 để thông báo cho người dân về nỗ lực cứu trợ và phục hồi của Chính phủ Việt Nam và bản thân ông ta sẽ phát biểu một phiên họp chung của cả hai viện của Quốc hội vào sáng ngày 9 tháng 2 (1968).

 

Cơ quan Bình định của chúng tôi đã tự biến mình thành một hoạt động cứu trợ trong lúc này. Bob Komer đang điều hành việc công việc của Hoa Kỳ đối với công cuộc cứu trợ và khôi phục của Chính phủ Việt Nam dưới quyền  Phó Tổng thống Kỳ và đã thành lập một bộ chỉ huy trong dinh cùng với Kỳ bao gồm phía chính phủ VNCH và phía Hoa Kỳ.  [8]

 

Bài viết kỳ sau:
CIA phổ biến ngày 27.4.2019: "Phó TT Nguyễn Cao Kỳ cay đắng và nản lòng về cuộc khủng hoảng hiện nay... trong vòng vài ngày tới ông ta sẽ trả lại cho Tổng thống  Nguyễn Văn Thiệu tất cả những “quyền hạn đặc biệt” mà ông Thiệu đã trao cho ông ta". (Hay là tình hình chính trị tại Sài Gòn từ 12.2 đến 27.2.1968)

 

Còn tiếp

Đào Văn

NGUỒN:

[1]- Thư viện CIA-16.12.2016: Intelligence Warning Of The Tet Offensive In South Vietnam Document pdf

[2]- Thư viện BNG 20.1.1968. Memorandum From the Chairman of the Joint Chiefs of Staff (Wheeler) to Secretary of Defense McNamara
[3]- Văn khố BNG, Notes of Meeting #36: President discussed the attack on the Embassy compound and other
[4]- Văn khố BNG,Memorandum... #44: Memorandum Prepared in the Central Intelligence Agencym

[5]- Thư viện CIA  15.12.2016:Central Intelligence Bulletin.pdf

[6]- Thư viện CIA, 28.1.2019: Government  Reaction  to  Current  Crisis.pdf

[7]- Thư viện CIA 27.4.2019: THE SITUATION IN VIETNAM.pdf

[8]- Thư viện BNG: Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
08/05/202410:05:00
Các nhà khoa học đưa ra mô hình mới về ý thức trong các động vật, cho biết ngay cả côn trùng cũng có thể có nhận biết và cảm thọ. Trong một tuyên bố mới, các nhà khoa học hàng đầu cho biết có rất nhiều loài động vật có ý thức, nhiều hơn người ta trước giờ nghĩ --- trong đó có loài cá, tôm hùm và bạch tuộc.
05/05/202409:32:00
Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?” Thiền sư đáp: -Chỉ có tâm người là đáng sợ...
03/05/202400:00:00
Tuần qua Tổng thống Joe Biden ký ban hành gói dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ MK thành luật chính thức. Và cũng từ đây, đồng hồ bắt đầu đếm ngược thời hạn 9 tháng để ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tìm cách thoái vốn khỏi ứng dụng này. Thời hạn có thể được gia hạn thêm ba tháng, tức là tối đa 1 năm, và TikTok đã tuyên bố sẽ lôi vụ việc ra tòa giải quyết.
30/04/202407:38:00
Chúng ta đang ở trong một cõi lúc nào cũng đầy những cuộc chiến tranh. Có khi vì thánh chiến giữa các tôn giáo để mở rộng tôn giáo, để cưỡng ép bên thua trận phải quy thuận theo tôn giáo của mình. Có khi vì bành trướng lãnh thổ, khi nước lớn muốn chiếm nước nhỏ để mở rộng biên giới, để sáp nhập thêm lãnh thổ. Có khi là một cuộc chiến cốt nhục tương tàn, như trường hợp “Vua Ajātasattu, con bà Videhi nước Magadha, triệu tập bốn binh chủng gây chiến với vua Pasenadi nước Kosala và tiến đánh Kāsi” bất kể rằng vua Ajātasattu là cháu trai của vua Pasenadi.
26/04/202400:00:00
Mới nghe qua thì tưởng chỉ đơn thuần là mấy lời bông phèng với chuyện gái trai thế nhưng, thực sự, câu ca dao hiện đại hậu tháng Tư 1975 này là lời gan ruột của những thành phần tinh hoa ở miền Nam, giới khoa bảng thiên tả và ngụy hòa, sau bao nhiêu năm mơ về miền Bắc với niềm hy vọng “chờ nhìn quê hương sáng chói”, đã cay đắng nhận ra rằng nàng Thúy Kiều mình ngày đêm mơ tưởng chỉ là một thứ Thị Nở, cái kẻ không chỉ “xấu ma chê quỷ hờn” mà còn khiến đất nước ngày càng tăm tối hơn.
23/04/202415:32:00
Hôm qua, 22 tháng 4 là Ngày Trái Đất, khởi nguồn từ 1970 nhằm hỗ trợ bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên.
22/04/202417:22:00
Trump được bàn dân thiên hạ đặt cho một biệt danh là vua nói dối (Lying King). Theo Washington Post, tổng số tuyên bố sai trái hoặc gây hiểu lầm của Trump là 30,573 trong 4 năm làm tổng thống. Trump còn một khuyết điểm nghiêm trọng hơn nữa là việc làm không đi đôi với lời nói. Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lúc kiểm điểm lại một số sự kiện đã và đang xảy ra trong vài năm qua liên quan cựu Tổng Thống Donald Trump và sẽ là một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 11 sắp tới. Bài báo này sẽ khá dài vì Trump có nhiều khuyết điểm mà độc giả cử tri cần phải biết và có thể sẽ không có phần tham khảo vì tôi đã phải tham chiếu vài chục tài liệu hoặc là tôi sẽ chỉ liệt kê khoảng 10 tài liệu quan trọng nhất. Xin độc giả thông cảm.
21/04/202417:38:00
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
14/04/202417:09:00
Có một bạn trẻ, trí thức, mặt mũi sáng sủa mộ đạo tới hỏi một thiền sư như thế này: Thưa thầy, con đọc kinh điển thấy Đức Phật nói, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” như vậy chúng sinh có thể tu thành Phật. Con rất muốn tu thành Phật. Xin thầy chỉ cho làm thế nào để thành Phật?
12/04/202400:00:00
Còn khoảng bảy tháng nữa sẽ đến ngày thực sự bầu phiếu vào đầu tháng 11. Thời gian không dài lắm nhưng đủ để sóng gió thăng trầm. Nếu bạn đọc tò mò hỏi tôi, ai sẽ là người chiến thắng? Tôi chưa có câu trả lời dứt khoát, nhưng tôi sẽ lý luận với các bạn và dựa lên câu trả lời của câu hỏi then chốt: Đa số người Mỹ hoặc sống ở mỹ đi bầu phiếu, có phải là những kẻ ngây thơ? Ông Biden và ông Trump, cả hai đều có ưu và khuyết điểm, có kẻ khôn theo phò và có kẻ khờ hùa theo. Nhưng điểm then chốt mà bạn đọc muốn biết, hơn cả ai sẽ thắng, đó là, bạn là người khôn hay kẻ khờ, dù là bạn bỏ phiếu cho ai? Có khi nào bạn tự hỏi, mình khôn hay khờ khi sử dụng lá phiếu? Sự khôn hay khờ này không mắc mớ đến bằng cấp, giàu nghèo, màu da, địa vị, vân vân, mà chỉ mắc mớ đến khả năng lý luận và phẩm chất đạo lý, không phải đạo đức, mà bạn đang có