Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Những Người Ở Lại

10/09/202414:10:00(Xem: 1373)

Chúng tôi đã lớn vượt qua sự tưởng tượng về thế giới để còn có nhau trong đời.


2 girls in blue dress standing on brown field during daytime
Photo by Josue Michel on Unsplash


Năm sáu tuổi, mẹ dắt tôi đến trường. Mẹ dặn phải nhớ đường, vì từ sau con sẽ tự đi học. Từ nhà đến trường là đường thẳng.

Nhưng tôi thường không đi thẳng về nhà mà sẽ la cà đâu đó. Một hôm, tôi rẽ phải vào xóm lạ lúc giữa trưa. Đi một lúc thì lạc mất. Mẹ dặn nếu lạc đường cứ hỏi người lớn chỉ đường đến ngã ba Hiếu Liêm là về được nhà. Nhưng nhà ven đường đóng kín cửa, chắc mọi người ngủ trưa hoặc đi làm rồi.


Trời nắng chang chang. Tôi càng đi thì càng lạc. Mồ hôi vã ra ướt lưng áo đeo cặp. Tóc tai rối bù vì nắng và sợ. Con đường cũng không còn trải đất thẳng thớm nữa, mà lồi lõm, hố cát, đá lớn, ổ gà, cây dại mọc lấn ra, bóng nắng mất dần. Lúc đó không gian mát hơn vì có bóng cây, nhưng nỗi sợ càng lớn vì tôi không thấy bầu trời nữa, bóng râm như con quái vật khổng lồ.

Một con chó to từ đâu xổ ra sủa cắn. Nó cao gần đến lưng tôi, chồm lên là tới mặt. Tôi bị chó cắn một lần năm ngoái và từ đó rất sợ chó. Tôi bỏ chạy. Con chó to dí theo. Lông màu nâu bóng lên dưới nắng, những nhóm cơ vồng lên lao tới phía trước theo cử động. Bỗng nhiên một thằng bé từ đâu cũng lao ra, vừa vung gậy la mắng, vừa xua con chó đi. Con nâu cụp đuôi quay vào bụi cây, hoá ra phía sau là một ngôi nhà.

"Nó hiền lắm, nhưng thấy ai ngoài đường cũng đuổi," thằng bé giới thiệu chó là của bà nội nó. Nó tên Bi, học cùng trường với tôi (cả cái xã chỉ có một trường tiểu học, đứa nào cũng học trường đó).

Đó là cách tôi và Bi quen nhau. Trẻ con không cần nhiều chuẩn mực hay sự đối chiếu để làm bạn. Bi không biết nhà tôi ở đâu nên nó vào hỏi bà nội chỉ đường và xin bà dẫn tôi về nhà. Bà đã già và hơi còng. Bà cho tôi cốc nước rồi đồng ý cho Bi dẫn về. Từ hẻm nhà Bi, đi qua một lạch nước nhỏ, rồi qua khỏi nghĩa địa, rẽ phải là ra đường đất đỏ lớn. Từ đó tôi đã biết lối về nhà. Nhưng hai đứa tôi vừa đi vừa nói gì đó với nhau mà quên bẵng tới cửa nhà tôi lúc nào không biết.

Thỉnh thoảng đi học về Bi hay đi cùng tôi, xong rẽ qua lối nhà nó, chơi trong vườn nhà nội, rồi tôi vòng lại đường lớn về nhà. Ba của Bi đi theo công trình giống ba tôi, nghĩa là đi làm công nhân xây dựng, công trình ở đâu thì theo đó, khoảng vài tuần về nhà một lần. Bi ở với bà nội. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ của Bi.

Sau này, Bi bảo lý do tôi hay bị chó cắn vì nhìn một cái là biết tôi sợ chó. Tôi đứng im, lùi lại, hoặc rón rén. Con chó có thể thấy người đứng trước nó sợ hãi ra sao. Tôi sẽ lùi dần đến khi bị sủa, rồi bỏ chạy. Tôi bỏ chạy là chó dí. Bi dắt con Nâu của bà ra, bảo tôi đưa tay ra, để Nâu tự ngửi, nếu nó thích, nó sẽ cho vuốt, rồi vuốt đầu nó, thì nó không cắn. Tôi vừa thò tay ra thì thụt lại ngay vì con Nâu há miệng (theo ý Bi là nó há miệng để thè lưỡi liếm, không có gì sợ). Có lần Bi cầm tay tôi, đặt tay nó bên ngoài, hứa là nếu con Nâu cắn thì chắc chắn sẽ cắn trúng Bi trước, cho tôi yên tâm. Tập luyện tới khi tôi quen luôn con Nâu rồi vẫn còn sợ chó.

Bi nói nếu tôi cứ sợ thì chó càng làm tới, nhưng giờ đã hơn 30 năm sau, tôi vẫn sợ chó, chó vẫn dí tôi, và tôi nhớ lời Bi (sau này được nhiều người nói thêm vào) là con chó có thể đọc vị hành vi của người, chỉ cần nhìn dáng vẻ, chó biết ngay kẻ đối diện sợ nó hay không. Có thể tình bạn cũng vậy, chúng tôi nhìn đứa đối diện, cảm được người đó sẽ trở thành bạn mình, không thực sự cần nhiều diễn giải.

Ở gần nhà, Bi dắt tôi đi chơi ở cái lạch nước to ra thành con suối mùa mưa. Bi dắt tôi đi hái nấm mèo ở cây mục khi mùa mưa tới. Bà nội Bi đập xoài xuống cho tôi mang về. Bi tới nhà tôi chơi xong dắt tôi đi bơi ở sông. Nhưng mẹ tôi cấm tôi xuống sông vì sợ chết đuối. Bi không sợ chết đuối vì ba của Bi nói phải dạy nó biết bơi khi ba đi làm xa nhà không ai trông. Nó đã học bơi rồi bơi khắp mấy bờ sông quanh khu gần đó.

Mỗi khi ra bờ sông, tôi ngồi trên bờ chơi với mớ đồ hàng nổi lên mặt nước. Còn Bi ra bơi với đám trẻ nhà gần bờ sông. Tụi nó thường trèo lên một tảng đá nổi khá xa bờ, xong từ trên đó nhảy xuống kêu "ùm" một tiếng, xem ai nhảy xa nhất là thắng. Hòn đá là chỗ ưa thích của cả xóm biết bơi.

Một chiều cuối tuần, tôi đang ở nhà bán hàng phụ mẹ thì Bi chạy hớt hải tới. Ngoài đường tiếng xôn xao váng lên, tiếng người lớn chạy đổ về bến đò. Tiếng la hét. Bi kéo tay tôi chạy ra sông. Ở bến đò, nhiều chú đã mặc áo phao bơi ra xa, có hai anh ngồi trên đò dùng chèo đẩy theo những người mặc áo phao. Lát sau, họ vớt lên một thân người. Hai anh trên đò kéo cái xác lên, nhỏ cỡ tụi tôi.

Đứng ở bờ sông trên cao, tôi thấy toàn bộ cảnh đó, chợt rùng mình khi nhận ra thân người nằm trên thuyền là thằng Cò, con của bà Thúy, hàng xóm của tôi. Từ sau lưng tôi, bà Thuý và mấy chị gái thằng Cò chạy vụt xuống bến thuyền. Họ vừa chạy vừa khóc. Bà Thúy trượt chân ngã xuống giữa con dốc bê tông. Những cô hàng xóm bên đường chạy ra đỡ bà Thúy lên nhưng bà đã ngất xỉu.

Tôi và Bi đứng nhìn đến khi xe cấp cứu ở xã tới, đưa thằng Cò từ xuồng lên cáng. Trong xe mấy chị gái Cò trèo lên bám chầm lấy em đang nằm với quần áo ướt đẫm. Xe đóng cửa và chạy đi trong tiếng còi hụ. Bi nắm chặt tay tôi, ngón tay cấu vào da thịt. Tôi quay qua nhìn thấy Bi nức nở khóc. Lúc đó tôi mới nhớ ra thằng Cò hay chơi nhảy từ cục đá xuống cùng đám bạn ngoài sông, trong đó có Bi.

Bi và tôi đi về khi trời chạng vạng tối. Nó đi vào nhà ôm lấy bà nội. Còn tôi lững thững quay về nhà một mình trong bóng tối. Ở xóm, người lớn dìu bà Thúy về và tụ tập ở nhà bà để giúp đỡ họ đêm đó. Tôi ăn phần cơm mẹ úp trong lồng bàn rồi đi ngủ. Tối đó mẹ cũng không về nhà vì ở bên nhà bà Thúy. Tôi nằm trong giường, nghe tiếng xe cấp cứu lại hụ còi lên, những giọng nói xôn xao, tiếng rên khóc của người đã mất con vì dòng sông.

Bi không rủ tôi ra sông chơi nữa. Nó chỉ chơi quanh nhà, chạy vào rừng hay lang thang lên rẫy mót ngô về nướng. Nó bảo nó không muốn mất bạn nữa. Nó bảo bà nội nói sông có nhiều xoáy nước, dù có biết bơi đôi khi cũng không tránh được, không nên dắt tôi ra đó chơi vì tôi không biết bơi.

Hai năm sau thì tôi chuyển về thành phố. Bi vẫn ở lại xã cùng bà nội. Chúng tôi không chia tay nhau. Trẻ con tám tuổi không thực sự biết chuyển nhà là không còn ở bên nhau nữa. Tôi vẫn nhớ về Bi như một người bạn đứng từ hòn đá giữa sông nhìn vào bờ xem tôi chơi đồ hàng và bỏ không ra bờ sông vì sợ tôi chết đuối.

Bước vào đời nhau

Tôi là đứa trẻ không biết mở lời kết bạn. Cần con chó tên Nâu dí theo tôi để tôi được quen Bi. Những người bạn đến và ở bên tôi trong những năm tháng tuyệt vời hay buồn bã của cuộc sống. Họ bước vào thế giới của tôi tự nhiên vì lúc đó chúng tôi cần nhau, vì họ nghĩ cần phải cứu tôi khỏi chuyện gì đó, hoặc vì không gian đủ rộng cho mấy đứa tìm thấy niềm vui cạnh nhau.

Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.

Chúng tôi tỏ ra yếu đuối trước mặt nhau. Tôi ré lên vì bị chó đuổi. Bi đứng khóc vì thằng Cò chết đuối. Chúng tôi không biết chế nhạo nhau, cũng không biết yếu đuối là điều ta thường giấu ở trong góc nhà không chia sẻ với ai.

Món quà mà Bi dành cho tôi: bước vào cuộc sống của nhau bằng sự chăm sóc, yếu đuối và thành thật, cũng là điều đã tạo ra những tình bạn kéo dài nhiều năm khi tôi lớn lên trong đời.

Một người bạn tôi làm ở công ty từng gói một chai lăn khử mùi vào hộp giấy xong tặng tôi, nói thật tế nhị là: "tớ nghĩ cậu nên dùng thử, cậu sẽ thấy dễ chịu hơn" - thay vì nói "ê cậu hôi nách quá vui lòng xài lăn khử mùi đừng làm phiền thiên hạ."


Những điều như vậy đồng nghiệp không bao giờ nói. Sau 5 năm đi làm không ai nói với tôi điều đó. Người xung quanh chịu đựng tôi, một số người bằng tuổi nói xấu sau lưng, chế nhạo sự “mất vệ sinh” mà tôi không biết. Họ từ chối lại gần, từ chối kết thân, hoặc coi như là chịu đựng mùi hôi công cộng. Nhưng bạn đã đến và chỉ dẫn tôi về điều xảy ra với cơ thể mình bằng cách dịu dàng và đơn giản. Khi một người chọn cách dũng cảm chăm sóc, họ chấp nhận bạn là ai, họ kiên nhẫn vì bạn, và tạo ra không gian để cả hai cùng sống. Tôi không dự đoán gì về tình bạn với cô đồng nghiệp đó khi nhận chai lăn khử mùi. Nhưng cô đã trở thành bạn hơn chục năm sau đó trong cuộc sống của tôi. Cũng như Bi cầm tay tôi để đoan chắc con Nâu không cắn, cô đi một quãng đường dài giúp tôi học săn sóc bản thân, học cách để trở nên gọn gàng hơn với cơ thể mình, thứ mà đôi khi chính gia đình không ai chỉ dẫn.

Tôi tin rằng tình bạn đã tạo hình cuộc sống của mình. Ngoài những thời gian bi quan về sức khoẻ hay không gian chính trị, tôi luôn cảm thấy sự tồn tại của mình trọn vẹn. Tôi tín thác mình cho đời sống. Niềm vui được ở bên nhau. Cảm giác săn sóc cho nhau tạo ra những hạnh phúc khó hiểu. Có lần, khi tôi bị người yêu đá, bạn tôi nghe xong đã bay sang Bangkok, nơi tôi ở khi đó. Nó dắt tôi đi khắp nơi, nói những điều linh tinh đùa giỡn. Nó ngồi ngoài vỉa hè nghe tôi kể bị đá thế nào, làm sao để sống tiếp. Xong đâu đó, nó về lại Sài Gòn, để tôi tiếp tục suy nghĩ và giải quyết mối tình tồi tệ của mình.

Bạn tôi không hề có ý định giải quyết dùm một sự lằng nhằng cảm xúc. Không ai làm vậy. Kiểu như sự rối ren hay khổ sở tôi trải qua phải do tôi quyết định lấy. Họ chỉ có mặt, ngồi trong nhà cùng nhau, đi bộ bên bờ kênh nhìn tôi khóc hổn hển, hoặc đứng trong nhà nấu ăn, gọi tôi ra ăn sau những giờ kiệt sức.

Những buổi tối nấu cơm ăn cùng và nói về những nỗi sợ của bản thân, cảm giác bất hạnh khó diễn tả thành lời dần rõ ràng hơn. Khi trời sao, chúng tôi nằm ngủ trên đồi và nói về mất mát xây xước trong sự sống của mình. Tôi và bạn bè cùng nhau sống mà không cảm thấy cô độc. Hay còn gì nữa để chúng tôi tiếp tục những mối quan hệ không thực sự có lợi ích gì cho công việc hay tiền bạc?

Bạn để làm gì?

Hồi vào đại học thỉnh thoảng tôi ghé qua những giảng đường nơi diễn giả to tiếng nói về ích lợi của networking, sức mạnh của tình bạn, kỹ năng để networking. Đó là thời điểm tuổi tác chúng tôi ráo riết kết bạn, làm quen, có bạn làm ăn, tìm kiếm đặc ân của những người coi mình là bạn, để có thể hãnh diện giải quyết việc gì đó bằng quan hệ bạn bè thay vì công việc. Tình bạn có thể làm ra tiền. Hãy chỉ kết bạn với người thành công. Hãy đưa ta đến tầng lớp cao bằng cách kết bạn với tầng lớp cao. Vật chất hoá tình bạn là tuyên ngôn mượt mà dễ sử dụng. Bạn bè không phải cha mẹ, anh em, không có gì đáng lo nếu ta phải lợi dụng nó. Bạn bè không phải vợ/chồng/người yêu, tận dụng không hề mang tiếng sở khanh hay đào mỏ. Công thức là, nếu bạn có 100 người bạn thành công, bạn chắc chắn sẽ thành công.


Nhưng ở tuổi đó, tôi vẫn còn nhớ chuyện Bi cầm tay tôi dạy để con Nâu liếm tay. Tình bạn tràn ngập trái tim về điều tốt đẹp tôi được lớn lên cùng. Tôi không nghĩ ra cách nào quy 100 đứa bạn thành công ra tiền.

Thực ra tôi không có 100 người bạn. Tôi đọc sách và biết rằng sau 30 tuổi mỗi người sẽ bớt kết bạn, sẽ thu về các mối quan hệ gia đình hay công việc. Đến khoảng 50 hoặc 60 tuổi, nếu xảy ra biến cố ly hôn hay bạn đời mất hoặc con cái vào đại học, người lớn thường trải qua giai đoạn đơn côi kiệt quệ vì không có bạn nào bên họ nữa. Nhiều người di chuyển qua hướng khác. Những mối quan hệ chỉ còn là công việc. Người bạn mất đi. Sự thật đáng buồn là tôi sẽ không còn dễ dàng kết bạn như hồi Bi đuổi chó cho tôi, và số lượng những người bạn cũng sẽ giảm dần khi ta không còn thấy vui khi ở bên nhau. Cuộc đời sẽ hoá thành gì nếu ta không có bạn?

Một buổi tối khi tôi khoảng 28 tuổi, tôi và vài người bạn cùng đi ăn tối, một truyền thống chúng tôi cố gắng duy trì khi đã đi làm. Trong suốt buổi hôm đó, một người bạn thường xuyên hỏi tất cả những người khác có quen anh A, chị B, anh C mảng này không, giới thiệu đi, xong bạn dùng hai tiếng ăn tối để nói sếp bạn giỏi, sếp khác ngu dốt.

Hết bữa tối ra về, tôi chợt nhớ ra mình không kịp hỏi một đứa vừa sinh con là em bé của nó thế nào. Tôi cũng không hỏi hai đứa còn lại chuyển việc có ổn không. Một khoảng trống hỗng ra trong đầu tôi, những người bạn thân trở thành chân dung rỗng vì tôi không còn hỏi họ đang sống và đã sống thế nào.

Trên taxi trở về nhà, tôi quyết định sẽ không đi ăn tối như vậy nữa. Tôi không thể coi bạn bè là chỗ để networking, nơi chân dung của họ bị đơn giản hóa thành con ốc trong cỗ máy thành công tuổi trẻ, là nấc thang để vươn lên những vị trí mình ao ước. Tôi muốn trở về nhà và có thể tưởng tượng ra chân dung và gương mặt của họ, đã trải qua đời sống và sự vất vả cùng nhau.

Chúng ta có cần bạn không?

Sau 30 tuổi, tôi trở nên ý thức về tình bạn. Tôi không còn thụ động như hồi Bi phải giải cứu tôi khỏi con chó nữa. Tôi phát hiện ra tình bạn đã giúp tôi trở thành một phụ nữ độc lập. Các bạn sẵn sàng chia sẻ hành trình họ trải qua trong cuộc sống, cảm xúc, mâu thuẫn gia đình. Họ nói về điều ít người muốn nói. Nhờ họ, cuộc sống trở thành sự trọn vẹn mà tôi không phải vật lộn với cảm giác trống vắng, đơn độc hoặc bị bỏ rơi.

Một lần ở Mexico, tôi sống ở một nhà trọ vì dịch Covid-19 kéo dài. Khi đang nấu ăn thì có một bạn đi ngang. Cậu hỏi tôi nấu gì. Sau đó ngồi lại chơi. Hoá ra cậu học về triết học, quê ở một hòn đảo nhỏ xa xôi, năm 35 tuổi cậu quyết định sẽ đi lang thang khắp nơi để hiểu về những điều cậu học trong nghiên cứu triết học. Đi từ Ecuador tới Mexico thì toàn thế giới đóng cửa nên cậu cũng ở lại gần nơi tôi sống. Sau đó, cậu đã giảng cho tôi nghe về những gì cậu học, suy nghĩ về thế giới xung quanh. Suốt một tháng, tôi đã được đối thoại với một người có niềm đam mê với triết học và yêu cuộc sống tha thiết. Cậu tiếp tục đi khắp thế giới sau đó, và đến Indonesia thăm tôi khi tôi về nhà.

Tôi đã ngừng lo lắng và cho bản thân mình trò chuyện với người lạ, có thêm bạn mới, dù họ không cùng sở thích, không làm việc cùng mình, không thực sự liên quan hay ảnh hưởng gì đến đời sống hàng ngày mình trải qua. Họ xuất hiện một lúc nào đó, sống cạnh tôi, chia sẻ mỗi ngày, mỗi bình minh, món ăn mới, nói về sự thay đổi của thế giới họ sống. Càng lúc tôi càng thấy rõ hơn chân dung của những vùng đất xa lạ mà tôi thường có định kiến hoặc chỉ nghe qua sách vở.

Gần đây, một người học cùng lớp thạc sĩ với tôi đã lái xe 8 giờ đến chỗ tôi và cùng tôi lướt sóng hai ngày, trước khi bạn trở về lại nhà để vào dạy học kỳ mới. Bạn kể rằng gia đình bạn trải qua một chuyện rất buồn, người bạn quen thân của gia đình đã qua đời vì sốc thuốc [ma tuý], và cả nhà bạn rơi vào khủng hoảng.

Khi bạn tạm biệt và rời đi, tôi không biết khi nào sẽ gặp lại. Tôi không biết bạn có vượt qua nỗi đau mất người bạn đó không. Tôi không biết chúng tôi đã chia sẻ những gì với nhau, vài bữa ăn, vài buổi tập lướt sóng. Bạn khóc giữa biển. Tim tôi thắt lại. Tôi bảo bạn hãy yên tâm, người đó sẽ biết bạn thương bao nhiêu, người sẽ yên tâm ra đi.

Rất nhiều năm tháng, tôi luôn muốn mình vững chãi bước trong đời như một cái cây. Nhưng rồi tôi nhận ra mình ước được đứng bên cạnh những “bạn cây” khác, đi qua mọi rối ren và bất an trong đời. Tôi được làm người yếu đuối, lo sợ, được dặn dò hãy yên tâm rồi chúng ta sẽ làm được mọi điều.

Tôi nhìn vào mắt bạn mình, biết chúng tôi chia sẻ quá khứ và tương lai cho nhau. Chúng tôi không đổi bạn thành tiền hay thành networking. Chúng tôi không sợ trở thành những kẻ thành công không có bạn và trái tim trống rỗng.

Khải Đơn

Nguồn: fbclid=IwY2xjawFNlrRleHRuA2FlbQIxMAABHUt0ioVrc4rbZn7534IaVV_AZmTx6EFLVVMtEiDuYy3nbGrPjpg2he0S0A_aem_AHtbgSNN5_HlYedXpwg7ng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong số các bạn, có những người đã ra đi không bao giờ trở lại, em tôi là một trong những người đó. Người dân Miền Nam vẫn luôn giữ hình ảnh hào hùng của các bạn trong trái tim với lòng biết ơn bao la. Thầy Năng Tĩnh ở một mình trong ngôi Chùa nhỏ vùng ngoại ô, rất xa thành phố. Ngôi Chùa chỉ là chiếc “mobile home” trên vài mẫu đất, trước kia là một nông trại bé tí teo, có hàng rào kẽm gai chung quanh để trại chủ nuôi bò. Từ ngày lập Chùa, Thầy chỉ nuôi một con chó nhỏ để làm bạn và mấy con gà trống, thả chạy tự do đặng nghe tiếng gáy cho vui. Sát hàng rào Thầy trồng mấy dây mùng tơi, khổ qua, giàn bầu và mướp trái xum xuê, bên cạnh đó là mấy luống cải xanh, rau thơm, cà pháo. Sân trước, Thầy đào chiếc hồ xinh xinh, có hòn non bộ, đầy đủ cảnh “Sơn Thủy Tùng Đình” với “Ngư Tiều Canh Mục”, trông cũng vui mắt
Tôi có cảm giác mọi người trong xưởng rất thương mến anh em ông chủ hơn sợ chủ đuổi việc, và anh em ông chủ cũng thương mến mọi người như anh em chứ không chủ thợ rạch ròi. Việc đến phải đến, ông chủ mướn người vô chạy máy sỏi đá mà tiếng Anh gọi là “deburr machine” thay cho ông Mỹ đen đã qua đời. Ông này dị tướng nên anh em chờ xem tài của ông vì ông bà mình nói những người dị tướng thường có tài. Nhưng một tuần trôi qua, chỉ có tuần tới tiếp tục chứ không có gì lạ về ông trọ trẹ. Ai cũng biết ông người miền trung nhưng ai hỏi ông là người tỉnh nào ngoài trung thì ông gắt gỏng chứ không trả lời. Ông lên lớp giảng giải cho người miền bắc, người trong nam hiểu ra chính sách chia để trị của thực dân Pháp chứ đất nước Việt nam liền một dải, người dân từ bắc vô nam nói chung một ngôn ngữ là tiếng Việt từ đời cha ông để lại giang sơn gấm vóc nước Việt cho con cháu. Sao người Việt lại nô lệ tự nguyện cho Pháp, đi phân biệt bắc trung nam để chia rẽ chính dân tộc mình…
Ba chục năm trước, Bê đã bắt đầu sự nghiệp thể thao của Bê. Số là, Ba vừa học xong lớp chuyển nghiệp. Thời gian chuẩn bị thi cử, Ba dạy kèm cho một người bạn cùng lớp. Thi đậu, người bạn tạ ơn Ba một cặp vé Musik Konzert. Lúc đó, Bê ở trong bụng Mẹ đã hơn sáu tháng. Mẹ kể, Mẹ đang năm đầu ở đại học. Trời mùa đông, Mẹ đi học, mặc áo khoác dày cui. Bởi vậy, bạn học không ai biết Mẹ sắp sửa có em bé, chỉ ngỡ Mẹ hơi lên cân, zugenommen. Bác bạn của Ba có lẽ không dè vợ của bạn là bà bầu nên mới mời đi Rock Pop Konzert của ca sĩ Jennifer Rush.
Năm đó, 1999, miền Trung Việt Nam nhất là ở Huế đang chịu trận thiên tai bão lụt lịch sử lớn nhât từ trước cho đến thời điểm bấy giò. Trong hội chợ tết, người Việt ở đây San Jose vui Xuân nhưng không quên đồng bào ở quê nhà. Từng đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam được phân phối nhiệm vụ cầm những thùng lạc quyên để quyên tiền cứu trợ. Đang lang thang trong hội chợ, hai em bé trong đồng phục Hướng Đạo chận tôi lại. Một trai một gái. Bé gái cao hơn bé trai non nữa cái đầu, chửng chạc nói “Chú ơi, ủng hộ đồng bào bảo lụt đi chú”. Trọn một câu tiếng Việt, tuy phát âm không trọn vẹn, nhưng khá rõ ràng. Tôi nhìn hai em, nhất là bé gái đang thắt cái nơ trên đầu cái nơ mầu đỏ! Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng man mác.
Qua sự giới thiệu của phụ huynh học sinh, chiều nay tôi có thêm học trò mới. Tuy tin tưởng vào người giới thiệu, nhưng tôi cũng có sự dè dặt thường lệ. Đây không phải là lớp dạy thêm bình thường, mà là lớp dạy kèm “Anh văn chui” tại nhà. Nếu bị bắt “tại trận”, tôi có thể bị đuổi việc (nhẹ) hoặc cả vào trại tù "miệt thứ" dài hạn như chơi. Tuy rất nguy hiểm, nhưng được sự “bảo mật” của học trò lẫn phụ huynh và nhất là khoản tiền thù lao rất hậu. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó (1978-1979) mỗi tháng $70 đồng cộng nhu yếu phẩm, thì mỗi học sinh "dạy thêm" tôi nhận được $80/ tháng. Chỉ cần ba học trò là mỗi tháng tôi có thêm đến $240 đồng. Đối với giáo viên lúc đó không phải nhỏ! Cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ cuối tháng vẫn dư tiền bỏ ống. Phần nữa, học trò lớp “Anh văn chui” của tôi thông thường chỉ vài ba tháng là “ra đi”, nên cũng thường xuyên thay đổi.
Vừa đi vừa ngắm lá vàng vừa suy nghĩ chuyện cũ mà đến nhà Sarah hồi nào hổng hay. Sarah mở cửa với nụ cười thật tươi, Lệ thấy ngay phòng khách những giỏ táo đầy ắp, Sarah giải thích: - Hễ cuối hè đầu thu là nhà tớ hái toàn bộ các trái táo ngoài vườn sau, một phần để sên mứt, phần sấy khô, và phần làm bánh táo nướng.
Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đố
Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà. Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có năm cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trong như mai ngày tết. Khi nắng gắt, mầu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi. Nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn, Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai
Trong sự bồi hồi xúc động, tay bắt mặt mừng, họ được gặp lại để trò chuyện với những người họ hàng thân yêu, những bạn bè xa gần thân thiết, nhìn thấy tận mắt những làng xưa chốn cũ, nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp từ thuở thơ ấu cho đến ngày tạm thời phải rời bỏ những nơi này ra đi, ôi biết bao nhiêu nỗi xúc động trộn lẫn niềm sung sướng vô biên, nói làm sao cho hết được.
Những yếu tố lôi cuốn du khách đi du lịch đến một đất nước bao gồm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, thành phố lớn với những lối kiến trúc độc đáo, cuộc sống sôi động, ẩm thực, hoạt động phiêu lưu, kỳ thú ngoài trời, những buổi hòa nhạc, thể thao, nghệ thuật, hay lễ hội, địa điểm hành hương tôn giáo, phương tiện giao thông, vấn đề an ninh và bình yên; trong văn hóa, yếu tố con người chiếm một phần rất lớn khiến du khách khi rời xa, vẫn lưu luyến muốn trở lại lần nữa.
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.