Hôm nay,  

Làm Việc Nhiều Giờ Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Cơ Thể?

30/08/202400:00:00(Xem: 1527)

lam viec nhieu
Các chuyên gia cảnh báo rằng làm việc nhiều giờ có thể làm tăng nguy cơ mắc bịnh tim mạch, đau thắt lưng và tiểu đường type 2. (Nguồn: pixabay.com)

Căng thẳng thần kinh. Lo âu bồn chồn. Đau thắt lưng. Cao máu. Nếu đã phải làm việc nhiều giờ tại văn phòng, có thể quý vị đã quá quen thuộc với những điều được liệt kê ở trên.
 
Hiện nay, nhiều nơi đang tranh cãi về vấn đề một tuần chỉ làm việc 4 ngày thôi, nhưng một số nơi khác lại đi ngược khuynh hướng. Vào tháng 7, Hy Lạp đã thông qua luật cho phép một số cơ sở và công ty yêu cầu công nhân làm việc 6 ngày / tuần. Tập đoàn Samsung cũng yêu cầu các giám đốc điều hành một tuần phải đi làm 6 ngày. Điều này khiến người ta phải suy nghĩ về tác động của làm việc nhiều giờ đến cơ thể và sức khỏe.
 
Năm 2021, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) đã công bố phúc trình về những nguy hại đối với sức khỏe do làm việc quá sức. Phúc trình chỉ ra rằng làm việc nhiều giờ (hơn 55 giờ / tuần) là nguyên nhân dẫn đến 745,000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não (stroke) và bịnh tim mạch (heart disease) trong năm 2016, tăng 29% so với năm 2000.
 
Alexis Descatha, nhà nghiên cứu tại Bệnh viện và Đại học Angers-Inserm, Pháp, cho biết: “Có đủ dữ liệu để cho thấy làm việc quá sức là một căn bệnh nghề nghiệp hàng đầu trên toàn thế giới.” Các nghiên cứu mới cho thấy ngay cả làm việc 40 giờ / tuần, vốn được coi là tiêu chuẩn cho sự cân bằng công việc-cuộc sống, cũng có thể không tốt cho sức khỏe như chúng ta từng nghĩ.
 
Những hậu quả khi việc làm việc quá sức
 
Làm việc quá sức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi quý vị làm việc nhiều giờ, cơ thể luôn ở trong trạng thái căng thẳng như khi gặp tình huống nguy hiểm, được gọi là “chống trả hay bỏ chạy” (flight or fight). Nếu cơ thể phải ở trạng thái này quá lâu, lượng hormone cortisol sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và hệ thống miễn dịch. Và nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bịnh cao máu, nhức đầu, lo lắng bồn chồn, trầm uất, các bịnh liên quan đến tiêu hóa, bịnh tim mạch, lên cơn đau tim, tai biến, hoặc khó ngủ, mất ngủ.
 
Theo Descatha, những ảnh hưởng gián tiếp của làm việc nhiều giờ là quý vị sẽ không có thời gian để ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục. Thay vì được nghỉ ngơi, giải trí hoặc ở bên gia đình, thì công việc lại chiếm hết thời gian, khiến cho chúng ta ngày càng kiệt quệ.
 
Chúng ta có thể sẽ không cảm thấy những hậu quả xấu này ngay lập tức, mà phải nhiều năm sau mới bắt đầu thấm thía. Trong phúc trình của WHO và ILO, đa số các trường hợp chết do làm việc quá sức đều xảy ra ở những người trên 60 tuổi, họ đã làm việc từ 55 giờ / tuần trở lên khi còn trẻ.
 
Grace Sembajwe, nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Đại học Indiana ở Bloomington, Indiana, cho biết: “Thường thì sau khoảng 10 năm, chúng ta sẽ bắt đầu thấy rõ những tác động tiêu cực đến sức khỏe do làm việc quá sức.” Đối với những người làm việc nhiều giờ trong thời gian ngắn, chẳng hạn như khi cần phải làm gấp một dự án, các tác động sẽ đỡ nghiêm trọng hơn và sẽ bớt dần sau khi họ ngừng làm việc quá sức và nghỉ ngơi.
 
Mặc dù những người làm việc trên 55 giờ / tuần là dễ gặp các vấn đề sức khỏe nhất, Sembajwe lưu ý rằng ngay cả những người làm việc theo tiêu chuẩn 40 giờ / tuần (tương đương 8 giờ / ngày, 5 ngày / tuần) cũng có thể bị ảnh hưởng.
 
Bà nói: “Nhìn từ góc độ sức khỏe, thì làm việc 40 giờ / tuần chưa chắc là tiêu chuẩn lý tưởng.” Giảm bớt số giờ làm việc trong một tuần sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người ta ngủ ngon hơn và ít bị căng thẳng thần kinh hơn. Do đó, một số quốc gia bắt đầu đưa ra các quy định nhằm giảm bớt số giờ làm việc trong tuần và tăng thời gian nghỉ phép. Thí dụ, ở Iceland, 86% người đi làm chỉ làm việc 4 ngày / tuần; còn ở Đan Mạch, người ta chỉ làm việc 37 giờ / tuần, và một năm có 5 tuần nghỉ phép bắt buộc.
 
Ngồi một chỗ quá lâu rất dễ bị bịnh
 
Theo Sở Thống Kê Lao Động (Bureau of Labor Statistics), người đi làm thường ngồi trung bình khoảng 3.46 giờ / ngày. Nhân viên văn phòng có thể ngồi một chỗ từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày; còn những người làm việc chân tay thường chỉ ngồi khoảng 1 giờ mỗi ngày.
 
Đối với nhân viên văn phòng, cứ ngồi một chỗ suốt ngày, thì về lâu dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ mắc một số bịnh mãn tính như huyết áp cao hoặc tiểu đường type 2. Nguy cơ này sẽ gia tăng tỷ lệ thuận với thời gian làm việc. Aidan Buffey, nhà nghiên cứu tại Đại học Limerick, Ireland, giải thích: “Thời gian làm việc càng dài thì quý vị ngồi càng nhiều.
 
Vậy ngồi bao nhiêu là quá nhiều? Theo Buffey, ngồi nhiều hơn 8 đến 10 giờ / ngày có thể làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về sức khỏe. Ngồi càng nhiều càng dễ bị bịnh. Mà có nhiều người đi làm về thường sẽ tiếp tục ngồi coi TV, tức là tổng thời gian ngồi rất có thể sẽ nhiều hơn 8 giờ.
 
Theo Ryan Steiner, nhà chuyên môn về vật lý trị liệu (physical therapist) tại Bệnh viện Cleveland, Ohio, những người làm việc văn phòng thường dễ bị tổn thương do quá sức (overuse injuries) khi phải ngồi một chỗ quá lâu, đặc biệt là ở cổ hoặc thắt lưng. Vì ngồi lâu sẽ tạo áp lực lên cột sống của quý vị.
 
Để giảm bớt nguy hại do “nghề nào, nghiệp nấy,” quý vị nên tập thể dục, tốt nhất là khoảng 150 – 300 phút mỗi tuần. Ngoài ra, quý vị nên có các khoảng tạm nghỉ ngắn, đứng lên, đi tới đi lui một chút hoặc chuyển sang sử dụng bàn làm việc đứng.
 
Nghịch lý về sự vận động cơ thể
 
Đối với những người làm việc chân tay, vận động cơ thể nhiều quá cũng không tốt. Hiện tượng này được gọi là nghịch lý về sự vận động cơ thể.
 
Mặc dù vận động cơ thể trong thời gian rảnh rỗi có thể giúp chúng ta tránh các bịnh tim mạch, nhưng vận động cơ thể quá nhiều khi làm việc lại làm tăng nguy cơ mắc bịnh tim mạch.
 
Các khoa học gia vẫn đang cố gắng tìm hiểu lý do của nghịch lý này. Nhưng có một lý do nghe khá hợp lý là khi tập thể dục trong thời gian rảnh, quý vị có thể điều chỉnh cường độ và thời gian tập luyện sao cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của cơ thể mình. Ngược lại, khi làm việc, quý vị không có quyền kiểm soát cường độ và thời gian hoạt động.
 
Hơn nữa, các công việc nặng nhọc không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn kèm theo áp lực và căng thẳng. Buffey giải thích: “Cơ thể họ luôn bị căng thẳng trong thời gian dài. Họ cũng không có đủ thời gian để phục hồi vì qua hôm sau đã phải quay lại làm việc rồi.” Các yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh và thiếu ngủ cũng sẽ làm tình trạng này tồi tệ hơn.
 
Ngược lại, các vận động viên chuyên nghiệp không gặp tác động tiêu cực từ việc tập luyện nhiều, vì họ buộc phải ưu tiên nghỉ ngơi, phục hồi và ăn uống đầy đủ sau những giờ tập luyện.
 
Môi trường làm việc linh hoạt sẽ tạo ra sự khác biệt
 
Môi trường làm việc có ảnh hưởng lớn đến mức độ căng thẳng thần kinh. Nếu có nhiều quyền kiểm soát đối với công việc của mình, quý vị sẽ đỡ bị căng thẳng hơn và sức khỏe sẽ được cải thiện, như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngược lại, với những công việc đòi hỏi nhiều sức lực và không được quyền tự kiểm soát, người ta sẽ dễ bị các bịnh về tim mạch.
 
Những người đi làm mà có thể linh hoạt thay đổi giờ giấc làm việc khi cần thiết sẽ có sức khỏe tâm thần tốt hơn những người không thể thay đổi lịch trình làm việc của mình. Điều này vẫn đúng ngay cả khi so sánh giữa những người làm việc cùng số giờ mỗi tuần.
 
Pearl McElfish, nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Arkansas, ở Little Rock, Arkansas cho biết: “Sự linh hoạt trong công việc giúp giảm trầm uất và căng thẳng thần kinh, bất kể số giờ làm việc hay thời gian nghỉ phép có trả lương là bao nhiêu.
 
Thành thật mà nói, khi thời gian làm việc trong tuần ít hơn và có nhiều sự linh hoạt hơn trong công việc, chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn khi “làm việc để sống” chứ không phải “sống để làm việc.”
 
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “What working long hours does to your body” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hãy thử nhắm mắt lại và hình dung một trái táo. Quý vị thấy gì? Màu đỏ chín mọng hay màu xanh óng ánh? Trái táo nằm trên bàn, đang lơ lửng trong không khí hay được ai đó cầm trên tay? Nếu đã cố gắng mà chỉ thấy một khoảng không vô định, rất có thể quý vị đang trải qua một tình trạng đặc biệt có tên là aphantasia – hội chứng mất khả năng hình dung hình ảnh trong tâm trí. Dù mới được đặt tên gần đây, hiện tượng này đang mở ra những hiểu biết mới mẻ về sự đa dạng trong cách não bộ con người hoạt động và ghi nhớ thế giới.
Khi nhắc đến bọ ve (ticks), người ta thường nghĩ ngay tới những ký sinh trùng đáng sợ, lặng lẽ bám theo những bước chân dã ngoại cuối tuần hoặc những buổi dạo chơi công viên. Nỗi sợ đó không phải vô lý. Từ lâu, bọ ve đã là nguyên nhân truyền bệnh phổ biến nhất tại Hoa Kỳ trong nhóm bệnh có vật thể trung gian. Chúng hút máu từ nhiều loài động vật, hấp thu mầm bệnh rồi truyền sang người qua mỗi vết cắn. Có những bệnh nguy hiểm như Lyme, babesiosis và sốt Rocky Mountain – nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hậu quả sẽ khôn lường, thậm chí có thể tử vong.
Chắc hẳn quý vị đã đôi lần bắt gặp những quảng cáo từ các chuyên gia vật lý trị liệu về phương pháp điều trị nhức đầu và không khỏi băn khoăn: “Có hiệu quả thật không vậy?” Câu trả lời là: Có! Đã có khá nhiều nghiên cứu đáng tin cậy chứng minh rằng các liệu pháp vật lý trị liệu có thể hữu hiệu, đặc biệt là với những cơn nhức đầu liên quan đến vùng cổ.
Nếu từng nghe ai đó bảo rằng “bình tĩnh, hít một hơi sâu vào,” thì quý vị đừng vội nghĩ đó là lời khuyên vu vơ, sáo rỗng. Thực ra, khoa học đã chứng minh điều đó hoàn toàn đúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc hít thở một cách có ý thức mang lại hàng loạt lợi ích, cả ngắn hạn lẫn lâu dài: từ cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm bớt lo lắng, tinh thần sảng khoái hơn, đầu óc minh mẫn và giấc ngủ cũng sâu hơn.
Ngày nay, ung thư đại tràng (hay còn gọi là ung thư ruột già) không còn là căn bệnh của tuổi già nữa. Cứ 5 người được chẩn đoán thì có 1 người chưa đến 54 tuổi, đánh dấu mức tăng 11% trong nhóm tuổi này trong vòng hai thập niên qua. Tại sao căn bệnh này lại bùng phát sớm như vậy? Câu hỏi này đã làm đau đầu không ít bác sĩ và khoa học gia. Sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm, giới chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ colibactin, một loại độc chất do vi khuẩn E. coli và một số vi khuẩn khác sản sinh, có thể phá hủy DNA. Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã xác định mối liên quan rõ ràng giữa việc tiếp xúc với colibactin từ thuở nhỏ và nguy cơ mắc ung thư đại tràng ở những bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Tuổi vị thành niên vốn đã là giai đoạn không dễ dàng, nhưng thanh thiếu niên ngày nay lại đang gặp phải những rắc rối về sức khỏe mà chưa thế hệ nào từng trải qua. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Y khoa The Lancet, hơn một tỷ người trong độ tuổi từ 10 đến 24 (tương đương ít nhất một nửa tổng số thanh thiếu niên trên toàn thế giới) có nguy cơ gặp hậu quả sức khỏe nghiêm trọng vào năm 2030. Béo phì tăng nhanh, các vấn đề về tâm thần ngày càng trầm trọng, công nghệ kỹ thuật số xâm nhập sâu vào đời sống, biến đổi khí hậu – tất cả đang cùng tạo thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe đối với giới trẻ.
Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo từ lâu rằng virus COVID-19 vẫn chưa biến mất. Giờ đây, SARS-CoV-2 lại tiếp tục biến đổi thành một biến thể mới có tên NB.1.8.1, hiện đang bùng phát các ca lây nhiễm tại Trung Quốc. Một số trường hợp cũng vừa xuất hiện ở Hoa Kỳ, theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa biến thể này vào danh sách “biến thể đang được theo dõi”.
Năm 2024, Nhà xuất bản Đại học Oxford đã chính thức công bố “brain rot” (xin tạm dịch là “mục não,” hoặc hiểu nôm na là tình trạng đầu óc mụ mị, trí tuệ suy giảm) là “Từ của Năm” (Word of the Year). Thuật ngữ này có lẽ không quá quen thuộc với những ai ít tiếp xúc với văn hóa mạng Internet (thí dụ: với nhiều người, Ohio chỉ đơn thuần là một tiểu bang miền Trung Tây, và “mewwing” là tiếng kêu của mèo). Tuy nhiên, đối với thế hệ Z (Gen Z) và Alpha (Gen Alpha) – những người đã tiếp nhận và phổ biến “kho từ vựng” đặc trưng của ngôn ngữ kỹ thuật số thời hiện đại – “mục não” lại là một cụm từ quen thuộc, thậm chí gắn liền với đời sống mạng hàng ngày. Và dù có thể chưa biết tới từ này, nhưng rất có thể quý vị đã từng cảm nhận được những ảnh hưởng mà nó mô tả.
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính nguy hiểm, có thể làm tăng nguy cơ bị mù lòa, suy thận, các bệnh tim mạch và nhiều biến chứng khác. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tiểu đường không phải là một căn bệnh mà chúng ta phải cam chịu suốt đời. Hiện tại, có khoảng 1/10 dân số Hoa Kỳ và hơn 830 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường, trong đó 91% mắc tiểu đường loại 2, một dạng bệnh thường phát triển khi trưởng thành, không giống như tiểu đường loại 1 (xuất hiện từ nhỏ do hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin).
Chụp X quang bằng máy vi tính (CT scan) là một công nghệ thiết yếu trong nền y học hiện đại. Được sử dụng tại hầu hết các bệnh viện và phòng khám trên khắp Hoa Kỳ, phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát bên trong cơ thể một cách nhanh chóng và chi tiết – giúp chẩn đoán nhiều loại bịnh, từ ung thư, tai biến đến các chấn thương cơ quan nội tạng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cảnh báo rằng việc ngày càng lệ thuộc vào công nghệ này có thể âm thầm kèm theo hậu quả khôn lường.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.