Hãy thử nhắm mắt lại và hình dung một trái táo.
Quý vị thấy gì? Màu đỏ chín mọng hay màu xanh óng ánh? Trái táo nằm trên bàn, đang lơ lửng trong không khí hay được ai đó cầm trên tay?
Nếu đã cố gắng mà chỉ thấy một khoảng không vô định, rất có thể quý vị đang trải qua một tình trạng đặc biệt có tên là aphantasia – hội chứng mất khả năng hình dung hình ảnh trong tâm trí. Dù mới được đặt tên gần đây, hiện tượng này đang mở ra những hiểu biết mới mẻ về sự đa dạng trong cách não bộ con người hoạt động và ghi nhớ thế giới.
Khi tâm trí “tối đen”
Những người mắc chứng aphantasia – còn gọi là aphants – nói rằng họ không thể “nhìn thấy” hình ảnh trong tâm trí mình. Dù họ vẫn suy nghĩ, vẫn sáng tạo và tưởng tượng, nhưng trong đầu họ không có hình ảnh hiện ra như những người khác.
Câu chuyện bắt đầu từ 25 năm trước, khi Giáo sư Adam Zeman, chuyên gia về thần kinh tri trí và hành vi, đang công tác tại Đại học Exeter. Ông gặp một trường hợp đặc biệt: một người đàn ông từng có trí tưởng tượng sống động, nhưng sau một ca phẫu thuật tim, anh ta không thể tưởng tượng được nữa. Điều này khiến Zeman vô cùng bất ngờ, và mở ra hướng nghiên cứu về cách não bộ con người dựng nên hình ảnh tưởng tượng.
Khi được công bố vào năm 2010, nghiên cứu của Zeman đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Điều bất ngờ là nhiều người không phải là bị mất khả năng hình dung như bệnh nhân, mà nhờ vào phần mô tả chi tiết trong nghiên cứu, họ mới chợt nhận ra rằng bản thân chưa từng có khả năng hình dung ra hình ảnh trong tâm trí – điều mà họ chưa bao giờ nghĩ đến trước đây.
Zeman kể lại: “Trong những năm sau đó, nhiều người bắt đầu liên lạc và nói rằng họ giống hệt như [bệnh nhân kia], nhưng tình trạng này đã tồn tại từ nhỏ.” Ông quyết định đưa 21 người vào một nghiên cứu tiếp theo và dùng một phiên bản cải biến của từ phantasia (nghĩa là “hình dung” trong tiếng Hy Lạp cổ) để đặt tên cho hiện tượng: aphantasia – tức là không có ký ức bằng hình ảnh (no visual memory).
Khoa học vào cuộc
Các nghiên cứu ban đầu về aphantasia chủ yếu dựa trên khảo sát và lời tự thuật, nhưng phương pháp nghiên cứu này thường bị công chúng hoài nghi. Christian Scholz, nghiên cứu sinh tại Đại học Ruhr Bochum (Đức), cho rằng vẫn có nhiều người không tin rằng có sự khác biệt thực sự về khả năng tưởng tượng, mà cho rằng mọi chuyện chỉ là do mỗi người có cách nói khác nhau về trải nghiệm của mình.
“Nhiều người nghĩ là ‘Thì cũng chỉ là cách mô tả khác nhau thôi mà’,” Scholz nói. Và thường, những người có trí tưởng tượng phong phú, mạnh mẽ lại càng khó tin rằng người khác không làm được giống họ.
Tuy nhiên, khoa học đã bắt đầu đưa ra những bằng chứng rõ ràng. Zeman nhắc lại một nghiên cứu năm 2022: “Khi bạn nhìn vào Mặt trời, đồng tử co lại. Nếu bạn tưởng tượng nhìn vào Mặt trời, đồng tử cũng sẽ co lại. Nhưng điều đó không xảy ra ở những người mắc aphantasia.”
Một nghiên cứu năm 2021 gắn cảm biến lên đầu ngón tay người tham gia để đo phản ứng cảm xúc. Một nhóm được cho nghe truyện kinh dị, nhóm còn lại được cho xem hình ảnh đáng sợ. Khi nghe một truyện ma, nhóm bị aphantasia không có phản ứng sợ hãi, trong khi nhóm kiểm soát (control group) thì có. Nhưng khi xem hình ảnh rùng rợn, cả hai nhóm đều phản ứng giống nhau. Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng chính hình ảnh hiện lên trong trí óc là yếu tố quyết định liệu người nghe có “cảm nhận” được nội dung hay không.
Đầu năm nay, một nghiên cứu sử dụng công nghệ MRI đã ghi nhận hoạt động tại vùng thị giác của não bộ. Phát hiện cho thấy ở người mắc aphantasia, khả năng hình dung vẫn tồn tại, nhưng ở mức quá yếu khiến não bộ không thể diễn giải thành hình ảnh rõ ràng.
Theo Zeman, ở người có trí tưởng tượng mạnh mẽ quá độ (hyperphantasia), các vùng não trước trán và vùng thị giác phía sau đầu kết nối với nhau rõ ràng hơn nhiều so với người aphantasia.
Một cách ghi nhớ khác biệt
Sarah Shomstein, giáo sư chuyên ngành tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học George Washington, khẳng định rằng aphantasia không phải là tàn tật, mà là một kiểu hoạt động khác biệt của não bộ. Theo bà, nghiên cứu về hiện tượng này có thể giúp chúng ta hiểu thêm về cách con người cảm nhận và tưởng tượng thế giới.
Shomstein cho biết: “Không có gì hư hại cả, cũng không có sự thiếu hụt nào. Đó chỉ là một kiểu hoạt động khác của não bộ, liên quan đến cách các nơ-ron kết nối hoặc phản ứng với kích thích. Có thể đó là một hướng thích nghi, mà cũng có thể không phải.”
Bà cũng cho rằng não bộ của aphants có thể đang tiết kiệm năng lượng bằng cách bỏ qua con đường thị giác trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thông tin. Điều đó không có nghĩa là họ không cảm nhận gì, mà chỉ là họ cảm nhận theo cách riêng. Nếu đây là một hướng tiến hóa, có thể trong tương lai sẽ có nhiều người mang đặc điểm này hơn.
Chính Shomstein cũng phát hiện mình mắc aphantasia qua “bài kiểm tra quả táo.” Điều thú vị là phát hiện này đến rất muộn, khi bà đã có bằng Tiến sĩ về khoa học thần kinh nhận thức, và đã nhiều năm bác bỏ khái niệm “aphantasia” vì cho rằng đó là điều bịa đặt, thiếu cơ sở.
Nhưng không vì thế mà Shomstein, hay những người mắc aphantasia khác, thiếu trí tưởng tượng. Bà chia sẻ: “Tôi vẫn có thể tưởng tượng ra mọi thứ, vẫn tạo dựng được những ý tưởng rất chi tiết. Chỉ là chúng không hiện lên như một bức tranh. Với tôi, trong đầu là một khoảng tối, nhưng ý tưởng thì vẫn rõ ràng, tôi vẫn cảm nhận và ‘hình dung’ chúng theo cách của riêng mình.”
Những tâm trí độc đáo gặp nhau
Zeman cho rằng hàng triệu người trên thế giới đang sống với aphantasia. Vậy tại sao chúng ta hiếm khi nghe đến hiện tượng này?
Thật ra, tuy khái niệm “aphantasia” chỉ mới được đặt tên từ năm 2015, nhưng từ hàng trăm năm trước, các khoa học gia đã từng nỗ lực tìm cách lý giải sự khác biệt trong khả năng cảm nhận và ghi nhớ của con người. Năm 1880, nhà tâm lý học nổi tiếng Francis Galton từng phát bảng hỏi khảo sát cho 100 người đàn ông, và ông nhận thấy 12 người trong số đó hoàn toàn không thể hình dung ra chiếc bàn ăn của mình.
Một trường hợp khác là bác sĩ W.H.R. Rivers, từng điều trị cho thương binh trong Thế Chiến I, cũng không thể tưởng tượng ra hình ảnh, và cho rằng mất khả năng này đã bị mất từ nhỏ, sau một sự việc đau lòng trong gia đình.
Mặc dù trước đây đã có những mô tả cá nhân về “hiện tượng không thể hình dung ra hình ảnh,” nhưng vào thời điểm đó, không có nghiên cứu khoa học chính thức nào xác nhận lại những điều này.
Tom Ebeyer, người sáng lập cộng đồng Aphantasia Network và cũng là người mắc aphantasia bẩm sinh, cho rằng tình trạng này bị phớt lờ suốt nhiều năm vì không có bằng chứng rõ ràng cho thấy nó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.
Trên trang web của Aphantasia Network, hàng ngàn người đã làm bài thăm dò để đo mức độ hình dung trong tâm trí, giúp họ hiểu rõ bản thân và góp phần cung cấp dữ liệu cho các nghiên cứu lớn hơn.
Theo Ebeyer, trong số hơn 60,000 thành viên của cộng đồng, nhiều người vẫn trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, nhà văn (những ngành đòi hỏi khả năng tưởng tượng cao). Cả người mắc aphantasia lẫn người bình thường đều có thể nhận ra gương mặt người quen và ghi nhớ đường đi ở các nơi thường lui tới.
Một nơi khác mà những người mắc aphantasia thường tìm đến là diễn đàn Reddit /r/Aphantasia – cộng đồng với hơn 70,000 thành viên đang tích cực chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và thảo luận về các nghiên cứu mới nhất liên quan đến tình trạng này.
“Mình luôn nghĩ mấy câu như ‘đếm cừu để dễ ngủ’ hay ‘hình dung khán giả khỏa thân’ chỉ là nói cho vui, chứ không ai thực sự tưởng tượng như thế,” một thành viên ẩn danh cho biết.
Thành viên Megan Lee thì tâm sự: “Nếu không nhờ có Internet, có lẽ suốt đời mình cũng chẳng bao giờ nhận ra mình không giống mọi người.”
Với một số người trong cộng đồng của Tom Ebeyer, điều khiến họ suy nghĩ nhiều là cảm giác như bị bỏ lỡ những ký ức đáng nhớ, bởi họ không thể nhớ lại ký ức một cách sinh động như những người khác.
“Đó là chỗ khiến người ta cảm thấy rõ nhất sự khác biệt,” Ebeyer nói. “Người bình thường có thể nhớ lại cảnh cũ, thấy người thân trong tâm trí. Còn người mắc aphantasia thì không thể làm vậy.”
Zeman đồng tình: “Các nghiên cứu mới cho thấy sự khác biệt rõ ràng nhất ở những người mắc aphantasia chính là trí nhớ về cuộc sống cá nhân của họ thường không rõ nét.”
Cộng đồng người mắc aphantasia, những người không có hình ảnh trong tâm trí, đang cùng nhau tạo ra những cách diễn đạt phù hợp, để kể lại thế giới trong tâm trí của mình cho các khoa học gia.
“Đây là một dạng khác biệt vô hình nhưng đầy cuốn hút,” Zeman kết luận. “Và điều đó nhắc nhở ta rằng: con người thường lấy cảm nhận của bản thân làm chuẩn, nhưng thật ra, mỗi người có thể đang sống trong một thế giới rất riêng.”
Nguồn: “Can you picture an apple in your mind? If not, you might have this condition.” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn