Các quý cô quý bà đang mong muốn ‘sưu tầm’ thêm vài con dấu cho Thẻ thông hành (Passport) của mình? Quý vị có thể sẽ phải gạch bỏ 5 điểm sau đây trong danh sách du lịch của mình. Những chỗ này không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp tuyệt vời hay giá trị lịch sử thiêng liêng, mà còn vì họ cấm nữ du khách lui tới.
1. Núi Athos, Hy Lạp
Hơn 1,000 năm qua, những người hành hương và các tu sĩ Chính Thống Giáo Orthodox đã tập trung về hàng chục tu viện Eastern Orthodox ở trên và xung quanh núi Mount Athos. Ngọn núi này nằm trên một bán đảo tuyệt đẹp ở phía bắc Hy Lạp, nổi tiếng với cảnh quan hùng vĩ và những tác phẩm nghệ thuật hiếm có. Núi Athos còn được mệnh danh là “Núi Thánh,” và hơn 100 dặm (khoảng 160 km vuông) xung quanh núi đã được công nhận là di sản thế giới của UNESCO từ những năm 1990 vì có “ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn thế giới.”
Nhưng dù có “tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn thế giới,” Núi Athos không mở cửa chào đón tất cả mọi người. Từ năm 1046 sau Công nguyên, phụ nữ và các động vật giống cái đều bị cấm đặt chân đến bán đảo Athos – chỉ trừ mèo cái.
Các tu viện trên núi Athos cấm phụ nữ không chỉ vì sự hiện diện của họ có thể sẽ ‘làm khó’ các nam tu sĩ trong việc giữ lời thề độc thân, mà còn vì truyền thống Chính Thống Giáo cho rằng ngọn núi này thuộc về Đức Trinh Nữ Maria, nên những người người phụ nữ khác không được phép đặt chân lên vùng đất linh thiêng này.
Tuy nhiên, một số phụ nữ đã cố gắng lẻn vào khu vực này bằng cách ‘giả trang’ thành đàn ông. Năm 2019, người ta khai quật được một bộ xương phụ nữ bên dưới một nhà nguyện Byzantine trên bán đảo này. Cho đến nay, Mt. Athos vẫn là nơi chỉ dành cho nam giới và có quy chế pháp lý đặc biệt ngay bên trong Hy Lạp. Đây được coi là một khu vực tự trị; một điều khoản đặc biệt trong luật pháp Châu Âu cho phép Núi Athos có quy chế đặc biệt “vì lý do tâm linh và tôn giáo.”
2. Núi Ōmine, Nhật Bản
Rời Châu Âu và đến với Châu Á, Núi Ōmine trên đảo Honshu của Nhật Bản cũng nổi tiếng với ý nghĩa linh thiêng và quy định cấm phụ nữ.
Núi Ōmine cũng đã được công nhận là di sản thế giới của UNESCO, và có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh. Từ lâu, các đền thần Shinto và chùa Phật giáo ở nơi này đã thu hút rất nhiều người tu hành, du khách và thậm chí cả các thành viên của hoàng gia.
Tuy nhiên, phụ nữ đã bị cấm lên đỉnh núi Ōmine trong hơn 1,000 năm qua vì hai lý do chính: để tránh làm “phân tâm” đàn ông hành hương và tránh sự hiện diện của phụ nữ đang có kinh nguyệt trong các nghi lễ. Dù lệnh cấm này đã rất lâu đời, nhưng vẫn bị phản đối mạnh mẽ. Hơn 10,000 phụ nữ Nhật Bản đã kiến nghị gỡ bỏ lệnh cấm này khi núi Ōmine được công nhận là di sản thế giới vào năm 2004.
3. Đảo Okinoshima, Nhật Bản
Một di sản thế giới khác ở Nhật Bản cũng cấm phụ nữ là Đảo Okinoshima, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Fukuoka. Hòn đảo này do các tu sĩ Shinto thay phiên nhau trông coi. Cả hòn đảo Okinoshima được tôn thờ như một vị thần, và được UNESCO công nhận là “thí dụ điển hình về truyền thống thờ phụng một hòn đảo thiêng.”
Nguồn gốc của đảo Okinoshima được cho là có liên quan đến ba vị nữ thần biển, đang được thờ phụng tại ba ngôi đền trên đảo. Trong hơn một ngàn năm qua, những người hành hương đã mang rất nhiều lễ vật đến đảo, chẳng hạn như gương soi, tiền xu và nhẫn vàng từ bán đảo Triều Tiên. Những đồ vật này tượng trưng cho sự giao lưu, trao đổi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá khứ.
Ngày nay, đảo Okinoshima cấm phần lớn cả nam và nữ. Tuy nhiên, hàng năm, có một lễ hội trên đảo cho phép nam giới tham gia, nên mỗi năm có hàng trăm đàn ông được phép đến đảo Okinoshima trong dịp lễ hội này. Dù vậy, họ chỉ được phép đặt chân lên đảo sau khi đã tắm mình trong nước biển. Vậy tại sao phụ nữ không được phép tham gia? Năm 2017, một viên chức giải thích rằng chuyến đi đến đảo Okinoshima được coi là quá nguy hiểm đối với phụ nữ, và họ bị cấm là để đảm bảo an toàn cho chính họ.
4. Herbertstrasse, Hamburg, Đức
Ngay cả Châu Âu tự do và bình đẳng cũng có một khu vực cấm nữ du khách: phố Herbertstrasse nổi tiếng của Hamburg. Con phố này nằm gần Reeperbahn, khu vực được xem là một trong những khu “phố đèn đỏ” nổi tiếng nhất thế giới. Thực tế, Herbertstrasse là một con phố nhỏ với ánh đèn neon rực rỡ và hàng trăm ô cửa “trưng bày” gái mại dâm ăn mặc hở hang (nhưng hợp pháp). Dù là một con phố công cộng, và lẽ ra phải tuân theo luật bình đẳng giới nghiêm ngặt của Đức, nhưng du khách đến Herbertstrasse phải đi qua những rào chắn lớn có gắn biển báo cấm tất cả nữ du khách và nam giới dưới 18 tuổi vào.
Những rào chắn này có một lịch sử đen tối: gái mại dâm đã hành nghề ở Hamburg và trên phố Herbertstrasse từ lâu, và con phố nổi tiếng này từng mở cửa cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vào năm 1933, khi Đức Quốc Xã lên nắm quyền, chúng đã dựng rào chắn để đóng cửa phố Herbertstrasse. Lý do ban đầu được đưa ra là để kiểm soát mại dâm và tệ nạn xã hội, để bảo vệ đạo đức của người dân không bị “tha hóa.” Nhưng thực chất việc cô lập gái mại dâm khỏi cộng đồng còn là để che đậy những bức hại mà họ phải chịu đựng.
Bắt đầu từ năm 1933, Đức Quốc Xã đã bắt giữ hơn 3,000 phụ nữ ở Hamburg với tội danh “phi xã hội” (asocials) vì hành nghề mại dâm. Nhiều người trong số đó đã chết trong các trại tập trung như Ravensbruck và Neuengamme. Câu chuyện về họ dần chìm vào quên lãng. Sau khi Đức Quốc Xã sụp đổ, các rào chắn – cùng lệnh cấm nữ du khách – vẫn còn đó. Những năm 1970, Hamburg thậm chí còn xây thêm và dựng hàng rào cao hơn để che khuất khu vực này khỏi tầm nhìn của mọi người. Ngày nay, những con đường xung quanh phố Herbertstrasse có thêm những tảng đá “Stolpersteine” (đá tưởng niệm), hay những tấm biển tưởng niệm có đề tên những phụ nữ đã bị bức hại và chết trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã.
5. Công viên Quốc gia Band-e-Amir, Afghanistan
Được mệnh danh là một phiên bản của Grand Canyon ở Afghanistan, Band-e-Amir thuộc tỉnh Bamiyan và là công viên quốc gia đầu tiên thuộc loại này ở Afghanistan. Công viên quốc gia Band-e-Amir nổi tiếng với các hồ nước tuyệt đẹp, vách đá cao vút và những con đập tự nhiên hùng vĩ.
Công viên quốc gia Band-e-Amir chính thức mở cửa vào năm 2009, và nằm trong danh sách đề cử di sản thế giới của UNESCO. Nơi này từng được coi là biểu tượng cho sự phát triển và tiến bộ của Afghanistan sau chiến tranh, thậm chí còn từng tuyển dụng những nữ kiểm lâm viên đầu tiên của quốc gia. Tuy nhiên, vào năm 2023, chính phủ Afghanistan do Taliban kiểm soát đã ra lệnh cấm phụ nữ vào công viên Band-e-Amir, với lý do được cho là để giữ gìn “đức hạnh” của phụ nữ và bảo vệ “thuần phong mỹ tục” của đất nước. Các chiến binh Taliban được triển khai canh gác tại các lối vào công viên để cấm không cho phụ nữ vào.
Hành động này chỉ là một trong hàng loạt những biện pháp nhằm cấm cản phụ nữ lui đến những nơi công cộng ở Afghanistan. Kể từ khi Taliban tái chiếm quyền kiểm soát đất nước vào năm 2021, phụ nữ đã bị cấm tham gia vào hầu hết các hoạt động cộng đồng, bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về cách ăn mặc và việc đi lại, và bị cấm đi xa bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Cư dân địa phương cho biết du lịch đã giảm sút kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực. Hiện nay, những phụ nữ được nhìn ngắm phong cảnh của công viên quốc gia này chỉ có thể là những người đang sống ngay tại đó.
Cung Đô sưu tầm/biên dịch
Nguồn: “No women allowed: These 5 destinations are men-only” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn