Hôm nay,  

Đường vui chung bước

14/06/202417:51:00(Xem: 2473)
Truyện

hoangq

Đôi bạn, tranh Nguyễn Đức Tuấn Đạt

 

Hai đứa cùng lớp từ tiểu học. Nhà Quỳnh Lâm ở gần sân vận động. Nhà tôi ở đường Quang Trung, gần trường Chấn Hưng. Hai đứa đến trường Nữ Tiểu Học từ hai hướng khác nhau. Vậy mà vẫn cứ đi vòng, để cùng đến lớp. Hai đứa vẫn thường tắm chung trước khi rời nhà. Quỳnh Lâm mặc mấy áo đầm kiểu trong báo Thằng Bờm, Thiếu Nhi. Ba tôi bảo thủ, cho tôi diện những kiểu đầm xưa lắc, xưa lơ. Có năm, kiểu áo đầm xoáy, tay cụt rất thịnh hành. Chị Thanh Tâm xin Mạ ra tiệm Ly Ly may cho tôi một áo. Nhưng Ba bắt phải cải biên, tức là phải dài quá gối (đâu còn thuộc họ mini jupe nữa đâu), và tay phải dài che cùi chỏ.
    Mùa hè đỏ lửa, Ba ở lại Quảng Ngãi. Mạ đưa các con vô Sài Gòn, tránh lằn tên, mũi đạn. Mạ tôi dẫn tôi lên đường Nguyễn Thông, thăm gia đình Ba Me của Quỳnh Lâm. Gặp lại nhau, tụi tôi vui quá trời. Cuối hè, chiến cuộc dịu bớt. Ba kêu Mạ dẫn các con về lại Quảng Ngãi. Từ đó hai đứa mất tin nhau.
    Bị đất Quảng Ngãi hất hủi, mùa hè 1976 Mạ cho chị Thanh Tâm dẫn mấy chị em vô Sài Gòn. Dù tôi không có “hộ khẩu”, chị Thanh Tâm vẫn tìm những trường nào “ngon” cho tôi học. Ban đầu chị chọn trường Gia Long cũ. Sau, chị xin cho tôi vào Marie Curie. Vào trường lớp mới, tình cờ tôi gặp lại Như Loan, một bạn cùng trường ở Quảng Ngãi ngày xưa. Như Loan đã ngồi chung với người bạn thân từ năm trước, ngồi cách tôi hai dãy ghế. Bởi thế, gặp “đồng hương” mà tôi vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Tôi được xếp ngồi cạnh Quang Ngọc Quyên, cô bé nam kỳ rặt, nói chuyện ngọt xớt. Ở Quảng Ngãi bạn bè thân, mày tao với nhau. Ở Sài Gòn, chỉ xưng tên. Có khi, xưng trò với tui. Một hôm giữa giờ ra chơi, tôi bắt gặp một khuôn mặt ngờ ngợ. Chỉ mấy giây sau, chúng tôi nhận ra nhau, Cẩm Vân, nhỏ bạn thân cùng lớp trưng Nữ Trung Học. Nơi “xứ người” có nhau, hai đứa mừng dễ sợ. Cẩm Vân học ban toán lý, gồ ghề quá trời. Giờ chơi, thỉnh thoảng tôi bỏ Ngọc Quyên, “đi hoang” qua lớp 11 C2, tìm Cẩm Vân.  Cẩm Vân kể tôi nghe, đã gặp những người Quảng Ngãi nào ở Sài Gòn. Tôi vui mừng, chân cẳng quýnh quíu, khi Cẩm Vân hứa sẽ dẫn tôi đi gặp Quỳnh Lâm. Gặp lại nhau, tôi không hỏi có phải Quỳnh Lâm đã làm bài thơ tặng tôi trên báo Thiếu Nhi. Không quan trọng, chúng tôi có nhau, không sung sướng quá trời đất sao! Tôi học xong lớp 12 B1 ở Marie Curie. Quỳnh Lâm xong trung học ở Nguyễn Thượng Hiền. Hai đứa cùng nhau luyện thi vào đại học. Cùng đậu vào Đại Học Sư Phạm, khoa ngoại ngữ, vào lớp Anh 1B.
    Quỳnh Lâm rất “tiên tiến”, đã là đoàn viên. Còn tôi, mấy năm đại học, anh Kiệt, bí thư chi đoàn của lớp, đề nghị làm cảm tình đoàn. Tôi không ưa vào đoàn, nhưng không dám từ chối thẳng, sợ bị trù dập. Tôi rỉ tai Quỳnh Lâm, nếu được, tôi sẽ cố gắng có cảm tình với mấy anh đoàn viên. Nghe đâu ba anh Kiệt “gộc” lắm. Tôi thi vào đại học với lý lịch “công nông”. Ba tôi làm ruộng. Mạ tôi là nội trợ. Tình hình tài chánh của gia đình gần như hoàn toàn suy sụp, sau khi nhà bị tịch thu. Mạ tôi vẫn chèo chống, cho tụi tôi không những chỉ đủ ăn, đủ mặc, mà nhiều khi ăn ngon, mặc đẹp nữa. Lúc có tiếp viện của anh Hải, chúng tôi lại mượt mà hơn. Anh Kiệt biết tỏng tôi không phải con nhà nông. Anh Kiệt kể ra nhân từ với đám năm đứa lóc chóc tụi tôi. Tụi tôi cúp cua giờ Giáo Học Pháp, đi xem xi nê. Tụi tôi chuồn giờ Chính Trị Học, ra ngồi tán láo ở sân giữa của khuôn viên trường. Năm đứa đặt mua ba ly trà đá, vài trái cóc xanh. Chọc ghẹo nhau, lâu lâu rú lên cười. Đang cười, sực nhớ, phải làm thục nữ, cả đám tắt tiếng cười cái phụp (mới mong “chống lầy” được). Con bé bán hàng đặt tên tụi tôi: Mấy chị có giọng cười cụt ngủn. Trốn giờ Tâm Lý Học, tụi tôi đi lậu qua bên Đại Học Tổng Hợp mua bánh bao. Vừa đi, vừa phân tích, ai là tuýp người đa sầu, đa cảm mélancolie, ai là tuýp người lửa rơm frêle. Anh Kiệt biết hết đó chứ. Anh khéo léo nhắc nhở, chứ chưa mạnh tay với tụi tôi bao giờ. Có lần, anh cho cả đám mượn máy cassette và một băng nhạc ngoại quốc.                                              
    Thuở ấy, máy và băng nhạc là một xa xỉ phẩm người người mơ ước. Năm đứa chúng tôi tụ trên lò luyện nhân tài của nhà tôi. Cái gác nhà tôi, mùa hè nóng ơi là nóng. Chúng tôi chụm đầu nghe và chép lại lời của những bản nhạc: Imagine, The End of the World, Words. Bản Down Town Petula Clark ca là một thách thức cho tụi tôi. Nhiều chữ ca sĩ hát nhanh quá, tụi tôi cứ phải nghe đi nghe lại hoài. Trong bản Play Me, Neil Diamond hát, có câu “ruột của tụi tôi: You are the sun, I am the moon, You are the words I am the tune,.. Thuở ấy, ai cũng “suy dinh dưỡng” nhạc trầm trọng. Cho nên bản nhạc Việt nào không tả cảnh đào kênh, vét mương, được đón nhận thắm thiết để hát công khai. Nhạc Anh, Pháp thì khỏi nói, làm mọi con tim non thổn thức, dù lắm khi chẳng biết bản nhạc nói gì. Sang Đức, có lần xem show của Neil Diamond trên ti vi, ông ca bài Play Me với một nữ ca sĩ khác, trông có vẻ kỳ cục sống sượng, tôi thất vọng não nề. Phải chi tôi không tình cờ xem được show đó, thì trí tưởng tượng, đôi khi hơi quá phong phú của tôi, vẫn dành cho bản nhạc bao hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng.
    Trong lớp có nhiều nhóm nam, nhóm nữ. Tụi tôi năm đứa: Quỳnh Lâm, Lệ Hiền, Cúc, Thu Hảo và tôi, đã khắng khít nhau từ năm thứ nhất. Lệ Hiền và Thu Hảo chăm lo đời sống vật chất cho cả đám. Lệ Hiền làm lớp phó đời sống. Tôi vì vụ hộ khẩu lằng nhằng, nên chẳng bao giờ phiền hà Lệ Hiền về vụ gạo cơm mắm muối. Mỗi lần mua vải xong, Thu Hảo đảm trách “kinh doanh”. Bán vải xong, cả đám kéo nhau đi xi nê, đi ăn chè, ăn gỏi, ăn bao nhiêu thứ hằm bà lằng. Cúc tướng xì trum nhất trong bọn. Gia đình Cúc có vẻ rất khó với Cúc. Nhưng Cúc vẫn có những biểu hiện “cấp tiến” ngầm. Quỳnh Lâm xì xào:
    – Coi! Con Cúc nó ghê chưa! Nó mặc áo, mà không xài xú xí gì cả.
 
Thu Hảo xinh nhất trong đám. Nhưng chưa chắc đã là cao thủ võ lâm, nếu đem so với cặp mắt lá dăm và nước da ngăm ngăm của Cúc.
    Trong lớp Anh 1B, Hoàng và Linh dường như nhỏ tuổi nhất bên nam, tức là bằng tuổi tụi tôi. Tôi vẫn xem những người bằng tuổi như em út. Hoàng có mái tóc gợn sóng, hơi giống kép Minh Vương. Linh mang mắt kính, chính hiệu thư sinh bạch diện. Hoàng tính lau chau. Linh chẳng mấy khi thấy mở miệng. Vậy mà hai người lại chơi thân với nhau. Cùng một lúc, Quỳnh Lâm và tôi nhận được hai lá thư tình của Hoàng và Linh. Cả đám xúm lại phân tích mổ xẻ. Linh nắn nót trên vuông giấy trắng: Đêm qua nằm mộng gặp thương thương /Hai má đỏ au đẹp lạ thường.
    Lệ Hiền cười hi hí:
        – Kỳ cục vậy! Mặt thiếu máu của con Ngọc Thúy làm sao mà đỏ au được hả?
    Tôi vừa quê, vừa bực, khi tụi bạn ghẹo tôi là thương thương. Thấy Linh từ xa, tụi nó rù rì:
        – Chắc đêm qua nằm mơ gặp thương thương, nên hôm nay mặt mày hí hửng.
    Tôi đâm ra khó chịu với Linh. Dầu nghĩ cho kỹ, Linh đâu có tội tình gì.  Nhưng số phận của Hoàng thì “oan trái” hơn Linh trăm lần. Hoàng viết đôi lời thương mến bâng quơ, chưa lớn tội. Hoàng kết thúc lá thư tình bằng tựa đề của một bản nhạc: Sealed with a Kiss. Quỳnh Lâm nổi cơn tam bành lục tặc. Cả bọn cười bò lăn. Quỳnh Lâm mặt từ đỏ như vang, chuyển sang vàng như nghệ, khi tụi tôi lải nhải ca, Darling, I promise you this, I send you all my love... rồi cùng lên giọng, sealed with a kiss. Tụi tôi càng ca, Quỳnh Lâm càng tức tối lồng lộn, tung ra những “chính sách thù nghịch” đối với ứng cử viên. Thấy Quỳnh Lâm nộ khí xung thiên, tụi tôi càng mê bài hát dữ, I see you in the sunlight, I hear your voice everywhere... Hổng chừng Quỳnh Lâm đòi tru di tam tộc của Hoàng luôn. Năm 1995 tôi về lại Việt Nam lần đầu. Quỳnh Lâm và một số bạn bè rủ nhau họp mặt. Hoàng bấy giờ thành ông đại thương gia rồi. Tôi muốn ghẹo Quỳnh Lâm có xao xuyến tâm hồn khi gặp lại người xưa không. Linh bận rộn sao đó, không đến được. Uổng chưa, “thương thương” mặt vẫn thiếu máu như xưa, nhưng có mỹ phẩm hỗ trợ, không chừng cũng đẹp lạ thường chứ chẳng chơi.
    Mấy năm ở trường Sư Phạm, Quỳnh Lâm lắm khi xất bất xang bang vì vai trò ông Tơ bà Nguyệt cho tôi. Quỳnh Lâm không chỉ mang thư lui tới, mà còn quản lý cả kho thư tình cho tôi nữa. Cứ như ngồi trên đống mìn nổ chậm. Mùa hè, khi về Quảng Ngãi thăm Ba Mạ, phải xa “người ấy” mấy tháng trường. Tôi viết sẵn thư, nhờ Quỳnh Lâm trao lại. Tôi nắn nót với cả tâm tình: Nơi đây không có biển, nhưng đêm đêm tôi vẫn nghe sóng vỗ trong hồn. Tôi nói thiệt đó chứ. Về thăm Ba Mạ thì vui sướng vô kể, tôi chỉ muốn ở luôn lại Quảng Ngãi. Nhưng cũng đôi phút trong ngày, tôi thấy mình ra ngẩn, vào ngơ. Hết hè, vô lại Sài Gòn. Buổi trưa cả đám quây quần bên mấy lon guigoz cơm trộn bo bo. Lệ Hiền nói:
        – Nơi đây không có biển.
    Cúc tiếp lời:
        – Tao vẫn nghe sóng vỗ rì rào.
    Tôi rên thầm trong bụng, thôi rồi, nàng tỉ tê không chỉ cho chàng nghe, mà cho cả đám bạn “yêu quỷ” nghe chung. Lúc nhờ Quỳnh Lâm đưa thư, thì thúc, thì hối, bắt chạy có cờ. Đến khi không thích nữa, cũng bắt Quỳnh Lâm phải đóng vai lạnh lùng. Thân chim xanh của Quỳnh Lâm bao lần xém thành chim mía, bị xỏ xâu đem nướng. Những năm cuối của thập niên 70, người Việt, ai nấy tự nhiên thành quân tử ăn chẳng cầu no. Quỳnh Lâm nhai bo bo dài dài. Vậy mà, tướng tá Quỳnh Lâm rất giống kiến càng, rất đô. Mỗi đứa có một chiếc xe đạp. Khi xe Quỳnh Lâm hư, thì tụi tôi phải tính toán ngoằn ngoèo. Từ ngã tư Bảy Hiền, Quỳnh Lâm tìm cách đến nhà Cúc ở Nguyễn Văn Trỗi, gần nhà thờ Tân Sa Châu. Tôi từ Nguyễn Huỳnh Đức chạy tới Cúc. Từ nhà Cúc, Quỳnh Lâm đạp xe mini của Cúc. Còn tôi chở Cúc ngồi trước dàn ngang của chiếc xe “cuộc”. Cúc xì trum, tôi mới kham nổi. Chớ Quỳnh Lâm thượng lên, sợ gãy giàn xe. Mà sức lực qua cầu gió bay của tôi, đâu làm sao cho bánh xe lăn được. Xe “cuộc” cao nghều, mỗi lần muốn dừng xe, tôi phải tìm lề đường chống chân. Chở Cúc đi, tôi cho Cúc đo sân trường nhiều lần. Khi biết sắp té, tôi nhảy ra được. Còn Cúc, chịu chết, ê ẩm đầu đuôi thủ vĩ. Nhất là quê một cục với những khán giả tình cờ được chứng kiến màn xiếc ngoạn mục của chúng tôi. Bị té nhiều lần, Cúc không muốn cho tôi chở. Mà Cúc lại thiếu thước tấc để trị con ngựa sắt thể thao của tôi. Nếu Cúc đòi chở, tôi không đủ can đảm đưa thân chịu khổ. Cho nên, hễ Quỳnh Lâm không có xe, Cúc đành phải lao vào vòng tay của tôi, van xin tôi chạy cẩn thận.
    Một lần, anh Dũng bạn học cùng lớp, ghé nhà Quỳnh Lâm để mượn bài vở. Quỳnh Lâm, mặc “quân phục”, đang lau nhà. Anh Dũng nhận vở trong tay xong, mới tức cảnh làm thơ: Người đi một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn kia mặc quần đùi. Quỳnh Lâm kể cho tụi tôi nghe, mà “hận thù” ngút ngàn. Quỳnh Lâm mau lớn (bề ngang) quá, nên hay mặc quần short (nghe êm tai hơn là quần đùi) ở nhà cho tiện. Chớ tôi, còn mấy cái áo đầm hồi lớp tám, mặc vẫn vừa. Chắc hồi đó Mạ tôi theo nguyên tắc con nít may ra. Chớ không lẽ từ lớp tám đến mấy năm đại học, tôi không lớn được tí tẹo nào sao!
    Lên năm thứ tư, chúng tôi có giờ Văn Học Phương Tây do thầy Đức dạy. Thầy Đức du học từ Mỹ về. Thầy nói tiếng Anh như Mỹ, nghe lùng bùng lỗ tai. Thầy dạy hay ghê, mà nói chuyện đời cũng khỏi chê. Thầy cận thị nặng. Sau cặp kính dày cộm, ánh mắt của thầy đôi khi không... sư phạm mấy. Thầy tuổi trạc tứ tuần, vẫn còn lẻ bóng. Một trưa, sau khi đi lậu qua trường Đại Học Tổng Hợp ăn bánh bao, cả đám kéo nhau về phòng vệ sinh ở gần văn phòng khoa Ngoại Ngữ. Thường, tôi vẫn mang tiếng lề mề. Hôm đó, không hiểu sao, tôi ra trước. Gặp thầy Đức đang thơ thẩn trong sân. Thầy hỏi chuyện, trò trả lời. Hai thầy trò cứ giậm chân tại chỗ, xeo xéo trước nhà vệ sinh, hàn huyên. Bốn nàng lấp ló ở cửa, không dám ra. Tôi liếc liếc thấy tình trạng đau khổ của bạn bè, nhưng đâu có chước nào thoát đâu. Thầy kể về thời kỳ thầy ở ngoại quốc. Tôi chưa ra khỏi nước Việt Nam. Nhưng có nhiều tưởng tượng khi đọc thư và xem hình của ông anh gởi về. Thầy thông thái dễ sợ. Nói chuyện với thầy vui quá chừng. Khi thầy đi, cả đám phóng ra phỏng vấn tôi. Tụi nó thất vọng, câu chuyện thầy trò vô thưởng vô phạt, chẳng ăn cái giải gì cả. Phải chi tôi lanh hơn một tí. Hỏi kheo khéo, hông chừng thầy bật mí cho biết chút chút về bài thi. Môn học của thầy thuộc loại rất khó nuốt. Trước ngày rời Việt Nam, tôi đến từ giã thầy và nói đùa, xin gởi gắm đám bạn vàng lại cho thầy. Khi tôi đi rồi, Quỳnh Lâm viết thư tường thuật rằng, thầy chăm sóc Quỳnh Lâm hơi kỹ, làm Quỳnh Lâm nhiều khi muốn dựng tóc gáy. 
    Quỳnh Lâm và tôi lạc tin nhau nhiều năm. Lệ Hiền ở Úc. Cúc ở Mỹ. Thu Hảo thành trùm sách, giàu sụ. Về Việt Nam năm 1995, tôi chỉ còn Thanh Thúy. Dù Thanh Thúy không học chung ở Đại học Sư Phạm, hai Thúy vẫn rất chi là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Hai đứa thư từ chăm chỉ đều đặn. Thỉnh thoảng, tôi hỏi Thanh Thúy về Quỳnh Lâm. Nhưng xem ra bóng nhạn biệt tăm. Tối nọ, tôi rủ Thanh Thúy thả bộ lại khu nhà Quỳnh Lâm ở hồi xưa, thử thời vận. Tôi chẳng hy vọng gì. Tôi đoán, Quỳnh Lâm chắc không còn ở Việt nam. Chứ Sài Gòn bé tí như vậy, mà chẳng ai gặp Quỳnh Lâm. Hai Thúy giống như Từ Thức trở về. Con đường khu nhà đó, giờ đây tấp nập, hàng quán, cửa hiệu san sát nhau. Đầu hẻm nhà Quỳnh Lâm ngày xưa có tiệm phở với giai thoại lẫy lừng. Cậu con trai tiệm phở, tuổi đôi mươi, dáng người rất hiên ngang, có lẽ do ăn nhiều phở tái nạm gầu sữa béo, hay đứng phụ xắt thịt ở cỗ thớt to tướng. Có tiểu thư đài các nọ, sau khi thưởng thức một tô phở đặc biệt, khoan thai rời tiệm, sàn nhà trơn trợt, cô trượt chân ngã. Đông, tây, nam, bắc không có gì cho cô vịn, chỉ có công tử mặc xà lỏn phở đứng gần đó. Giây phút sinh tử, cô đâu kịp tính toán gì, cô túm lấy cái quởn của chàng. Theo luật sức hút trái đất, quần của chàng rơi xuống, dồn đống trên bàn chân chàng. Hình như chàng đứng đó mấy giây trong y phục chào đời. Từ đó, tiểu thư không dám đi qua khu vực “oan nghiệt”, không chừng từ bỏ luôn món phở ác ôn. Nghe Quỳnh Lâm kể chuyện phở, tôi muốn kiến kỳ hình chàng công tử phở. Mà chưa có dịp. Giờ đây tiệm phở đã được thay thế bằng một tiệm áo quần lộng lẫy. Trong hẻm thay đổi nhiều, nhà nào cũng mấy tấm (tôi mới học được từ mới, chữ tấm thay thế cho chữ tầng). Hai đứa đi, cứ nhìn lom lom vào từng nhà. May, mặt mũi hai đứa không đến nỗi gian tà. Chứ không thôi, chắc có người xua chó ra rượt. Đến trước căn nhà hai tầng, nhìn vào có hai, ba cô bé đang ngồi nói chuyện, trông quen quen. Thanh Thúy gọi:
        – Em ơi, cho hỏi thăm một tí.
    Một cô nhỏ đi ra:
        – Ủa, chị Thanh Thúy. Cô nhìn qua tôi, ngờ ngợ. Chị Ngọc Thúy phải không?
        – Ừ, Quỳnh Tương hả? Thanh Thúy hỏi.
        – Dạ, đúng rồi.
    Ba Me Quỳnh Lâm có già hơn xưa, hơn một thập niên rồi còn gì. Bầy em của Quỳnh Lâm đã lớn bộn. Quỳnh Diên gọi điện thoại báo cho Quỳnh Lâm. Khi tôi cầm điện thoại, phút đầu tiên, cả hai dường như khựng lại, không biết bắt đầu từ đâu. Hình như hai đứa đặt một câu hỏi... lãng nhách như sau:
        – Ngọc Thúy đó hả? Tao đây.
        – Quỳnh Lâm đó hả? Tao đây.
    Quỳnh Lâm giờ đã ra riêng. Quỳnh Lâm kéo tôi về nhà để làm tiệc tái ngộ. Mấy bà chị chồng của Quỳnh Lâm họp khẩn cấp. Xem làm những món sơn hào hải vị gì đãi tôi. Mấy chị chưng hửng, khi tôi nói, tôi thích ăn khổ qua xào tỏi. Món này tôi mê theo Mạ tôi. Thấy Mạ thích ăn, thương Mạ quá, nên cũng thích theo. Dần dà, tôi thích món này thật. Quỳnh Lâm bây giờ gầy nhom, chỉ bằng phân nửa của đô lực sĩ Quỳnh Lâm ngày xưa.  Hai đứa nói đủ chuyện, đầu cua, tai nheo. Tôi vừa xong đại học. Chưa thật sự bước vào trường đời. Quỳnh Lâm đã hơn mười năm kinh nghiệm gõ đầu trẻ, bây giờ đang là giáo viên của Trường Quốc Tế, ngon lành.
    Quỳnh Lâm vẫn cứ lo lắng cho tôi như xưa. Năm 1999, trong chuyến công tác ở châu Á, tôi có đến Việt Nam, Quỳnh Lâm háo hức: “Mày về, trời có sập, tao cũng đi đón.” Tôi về tháng 11, trời trong, biển lặng. Nhưng Quỳnh Lâm bận bất ngờ, không đi đón. Quỳnh Lâm thành người quan trọng rồi. Quỳnh Lâm trao trọng trách cho phu quân. Tôi gặp anh Đức trước đó mấy năm. Chỉ nhớ, đó là một trang công tử, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu. Nhưng tôi chẳng nhìn thấy anh giữa đám đông xa lạ. Đến khi tìm được tôi, thừa lệnh phu nhân, anh lùa luôn cả đám bạn lau nhau và tôi đến một tiệm ăn. Từ chỗ họp đâu đó, Quỳnh Lâm chốc chốc lại gọi điện thoại đến cho anh Đức điều khiển từ xa. Anh Đức ngồi chịu trận không biết bao lâu, nghe bốn cô nói những chuyện đầu Ngô, mình Sở. Tối mịt, Quỳnh Lâm mới tới được, cứu bồ cho anh Đức.
    Quỳnh Lâm cứ chiều chuộng tôi một cách quá đáng. Nghe tôi đến nhà, trong tủ lạnh đầy mít, mãng cầu, chôm chôm, nhãn. Quỳnh Lâm mau mắn trong vai trò làm thư ký, hẹn hò cho tôi, tìm gặp bạn bè cũ, người quen theo đơn đặt hàng của tôi. Lần nào về, tôi cũng nằng nặc đòi Quỳnh Lâm dẫn đi mua sách và mua nhạc. Hai đứa tới tiệm bán dĩa nhạc quen lớn của anh Đức, say sưa lựa. Tiệm dĩa hơi chật cho nên khách vào tiệm, gần như chung vai, sát cánh nhau mà ngồi. Biết vậy, nên tôi cũng không rầy rà gì, khi có người kéo ghế đẩu ngồi sát lưng tôi. Khi tôi trọ trẹ:
        – Quỳnh Lâm ơi, mày lấy dĩa này chưa? Có bài Đừng Lừa Dối Nhau, Ý Lan ca, nghe nhức nhối.
        – Ủa, chị Thúy, nãy giờ ngồi cạnh đây mà không thấy chị Thúy và Quỳnh Lâm. Anh Đức ngạc nhiên.
    Thì ra, quá sức chú tâm vào “nghệ thuật”, nên không ai để ý đến “nhân loại” chung quanh. Sẵn gặp kho bạc, Quỳnh Lâm ưu ái dành cho phu quân cái danh dự thanh toán tiền bạc và rinh đống dĩa về nhà. Quỳnh Lâm nói, để tụi mình còn đi chợ Bến Thành mua quà nữa chứ. Ban đầu tôi định mua ít muỗng sứ để ăn bún phở. Dùng muỗng kim loại làm giảm đi hương vị của thức ăn. Không biết tự lúc nào, tôi đâm ra tẳn mẳn trong nghệ thuật ẩm thực. Chắc là một trong những hiện tượng của mùa thu cuộc đời. Uống nước suối, nước trái cây trong ly thủy tinh mới ngon. Uống trà trong tách sứ nhỏ mới đậm đà. Có lần, nói chuyện chơi với cô bạn đồng nghiệp cùng phòng. Tôi kể, nhà có khách, chồng tôi thảy ra bàn một mớ cốc sứ Villeroy & Boch để uống bia. Tôi thấy vừa tiếc cho cốc, vừa tội cho bia. Bia thì phải uống trong ly thủy tinh cao, to, ít ra phải 300ml. Còn mấy cốc sứ nõn nà, phải để ôm lấy hương ngào ngạt của cà phê. Cô bạn đồng nghiệp là luật sư, lớn hơn tôi vài tuổi, gốc Singapore, sống lâu ở Anh quốc, chồng là bác sĩ người Đức. Máu Âu trong cô mạnh hơn máu Á. Cô bạn đồng nghiệp cười cười:
        – Thúy à! Em đừng bận tâm, khi ông xã xài ly tách lộn xộn. Cứ tưởng tượng đi, nếu ông xã em nốc bia thẳng từ trong chai, say ngà ngà, lấy chai bia gõ đầu em, biểu em đi tìm đồ nhắm, lúc đó, em sẽ làm gì?
        – Ơ, chị nói cũng phải. Hình như tính em hơi khó không phải chỗ. Rốt cuộc, chỉ làm khổ mình thôi. Tôi gật gù.
    Tôi sắm một mớ chén, bát, dĩa sứ Minh Long có mẫu đám cưới Việt Nam. Tôi thích mua ít đũa mun đẹp. Hai đứa thấy hàng đũa có nhiều kiểu mẫu hàng thật đẹp, mà cô hàng mặt mày... bà la sát quá trời. Tôi rờ rờ mấy đôi đũa. Quỳnh Lâm rụt rè:
        – Đũa này bao nhiêu một chục đây chị?
    Tôi nghĩ thầm, thuờng thì Quỳnh Lâm ăn nói có khẩu khí lắm. Sao hôm nay lúng búng trong mồm, nghe như có... khẩu trang.
        – Một trăm tám. “Mụ” bán hàng hét giá.
    Tôi tính nhẩm, không biết có nhầm không, tức là gần 30 Đức mã. Thôi đi Tám, đũa mun chớ có phải đũa trầm, đũa quế đâu. Tôi khèo khèo Quỳnh Lâm tính tịnh khẩu và chẩu.
        – Ưng bao nhiêu thì trả mở hàng cho tui một tiếng! “Mụ” ra lịnh.
    Thiện tai! Thiện tai! Hai ba giờ chiều, mà mụ còn đòi mở hàng. Hai đứa phải hết sức cẩn thận để bảo toàn tính mạng. Quỳnh Lâm lễ phép:
        – Dạ, tám chục được không chị?
        – Mở hàng gì mà đập đổ vậy! Hai chị có hàng đem bỏ sỉ tui. Giá đó, bao nhiêu tui cũng lấy. Trả thêm một tiếng nữa coi. Mụ đanh đá.
        – Dạ, hàng của chị thì đẹp thiệt nhưng tụi em không đủ tiền. Một trăm nha chị.
    Thôi, tránh voi chả xấu mặt nào. Hai đứa thiếu đường muốn co giò chạy trốn như trong bài hát Hai Chú Gà Con.
        – Thôi, tui bán lỗ để mở hàng đây. Mụ xỉa xói, tay đưa nắm đũa.
    Tôi kính cẩn đưa tay đón. Quỳnh Lâm lập cập trả tiền. Hai đứa gần như bay ra khỏi chợ. Hú hồn, hú vía. Về đến nhà, tôi thấy bộ đũa vẫn đẹp, đem ra săm soi, mới hay là bà la sát chỉ đưa có 9 đôi đũa rưỡi. Mụ sư tử cà chớn vô cùng tận.
 
*
 
Từ khi trần gian có mặt thư điện tử, tụi tôi liên lạc với nhau hầu như hằng ngày. Thường, tụi tôi viết tiếng Việt không dấu. Khi nào có chuyện quan trọng, sợ hiểu lầm, tụi tôi chêm tiếng Anh trong ngoặc đơn. Một lần Quỳnh Lâm viết: “Anh Duc thich may lam”. Tôi nghĩ bụng, anh Đức kín đáo thiệt. Lúc tôi ở Việt Nam, anh có bao giờ tỏ lộ chút gì để ý đến tôi đâu. Chưa kể, anh có đủ lý do, để không ưa tôi. Vì tôi, Quỳnh Lâm “đì” anh, bắt anh làm trăm công, nghìn chuyện ruồi bu, kiến đậu. Anh gan cùng mình đó chứ! Dám nói với phu nhân rằng, anh thích bạn của phu nhân. Tay hảo hán chứ chẳng chơi. “Anh Duc khen may dep”. Tôi chớp chớp mắt làm duyên, mặc dù chỉ có mình tôi ngồi trước máy tính. Tuổi đời ngày càng mênh mông. Lời khen hiếm hoi như lá thu trong mùa đông. Ủa, có lúc nào anh Đức nhìn tôi kỹ kỹ chút chút đâu, mà có được nhận xét này. Chắc là anh nói không đúng với sự thật. Hề chi! Một lời khen khéo, dù khác với sự thật, vẫn hơn là không có lời nào. Quỳnh Lâm viết tiếp: “ma lai re nua”. Hồn tôi đang trên mây, tưởng tượng mình là mỹ nhân, rớt xuống đất cái bịch. Cái gì! Bộ ảnh gan hùm sao, dám đưa ra nhận xét này. Anh muốn nói là tôi ăn mặc hay ăn nói rẻ tiền đây. Bất kể là ý nào, tôi phải ba mặt một lời, làm cho ra lẽ, chớ ăn nói vậy là... dễ xa nhau lắm đó. “Gap ai anh cung khoe”. Máu Trương Phi trong tôi từ từ hạ xuống. Ơ, bé cái nhầm. Mừng hụt rồi. “May” đây không phải “mày”, là tôi, mà là “máy” chụp hình tôi mua từ Đức về. Thôi thì thôi thế, kiếp sau xin chớ làm người, làm ca-me-rá được chàng care hơn.
    Tính tình Quỳnh Lâm thiệt thà như đếm. Đếm như sau: một, hai, ba ...chín, mười, bồi, đầm, già, ách. Tôi có người quen sơ sơ ở Đức về Việt Nam. Tôi nhờ anh ta mang về cho Quỳnh Lâm một chút quà. Gặp gỡ thăm hỏi xong, Quỳnh Lâm nhờ anh cầm qua cho tôi ít quà. Quỳnh Lâm hỏi anh có thể nhận bao nhiêu. Anh nói giơn giỡn: “Bao nhiêu cũng được, miễn dưới 10kg.” Thế là Quỳnh Lâm giả mù sa mưa. Rinh tới một thùng quà độ 9 kg, nhờ anh vác qua Đức cho tôi. Nhờ “đức” thiệt thà của Quỳnh Lâm, mà tôi có thêm mớ sách và băng nhạc. Quỳnh Lâm thuộc tuýp việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Thật ra, Quỳnh Lâm không nhác việc nhà. Nhưng phu quân của nàng quá siêng, quán xuyến mọi việc, cho nên Quỳnh Lâm còn thì giờ, đi vác ngà voi. Quỳnh Lâm sẵn sàng lo toan mọi việc tôi nhờ, hoặc không dám nhờ. Ngoài những “dịch vụ” cho đời sống vật chất, Quỳnh Lâm luôn hăng hái trong công tác “tư vấn” về những tục lụy trần gian. Những lần gặp gỡ nhau, Quỳnh Lâm vẫn hay “răn bảo” tôi. Quỳnh Lâm không phải là “nghị gật” của thời sinh viên nữa, chiều lòng tôi mọi điều. Quỳnh Lâm giờ thành bà giáo già, nghiêm khắc nhắc nhở tôi làm người lớn. Tiểu học, trung học, đại học, trường đời... chúng tôi cùng nhau lớn lên, cùng chứng kiến sự trưởng thành của nhau và sự khôn lớn của chính mình phần nào qua sự quan sát của nhau.
    Khả năng viết đọc tiếng Việt không dấu trong email của Quỳnh Lâm xem ra cũng loạng quạng như tài nghệ chạy xe gắn máy của nàng. Nhưng lúc nào tôi cũng hiểu thông-điệp-giáo-dục của Quỳnh Lâm. Tôi bây giờ đã lớn, hay ít ra phải lớn cho bằng Quỳnh Lâm. Hai đứa đã cùng những bước đi từ thuở còn thò lò mũi xanh.
Hơn bốn mươi năm sau, dù không gian cách trở, tôi vẫn thấy được hình ảnh của đôi bạn Quỳnh Lâm - Ngọc Thúy tiếp những bước đi trên con đường vui trước mặt...
 

 – Hoàng Quân

 

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

Sealed with a Kiss by Peter Udell & Gary Geld

Play Me by Neil Diamond

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi.
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.