Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của con người, những mối lo ngại về tác động của AI cũng tăng lên theo đó. Viễn cảnh đáng sợ nhất là khi AI trở nên quá độc lập và tự quyết định những hành động của mình, và một ngày nào đó, quyết định được đưa ra sẽ là tiêu diệt chủ nhân.
Đằng sau những lời kêu gọi tạm ngừng phát triển AI là một loạt các vấn đề xã hội cụ thể hơn. Trong số đó là những nguy hại mà AI có thể gây ra đối với quyền riêng tư và phẩm giá con người, và thực tế không thể tránh khỏi rằng, bởi vì các thuật toán của AI được lập trình bởi con người, nên cũng mang tính thiên vị và phân biệt đối xử giống như con người. Thêm vào đó là sự thiếu minh bạch trong quá trình thiết kế, nên cũng dễ hiểu tại sao ngày nay lại có quá nhiều tranh cãi về những tiềm năng và nguy cơ của AI.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, còn có một nguy cơ ẩn sâu hơn, và cũng nguy hiểm hơn đối với AI: con người ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn và kỹ năng khi cần đưa ra những quyết định cần suy nghĩ thấu đáo.
Ra quyết định một cách có suy nghĩ
Quá trình đưa ra một quyết định có suy nghĩ thường bao gồm ba bước cơ bản. Đầu tiên là dành thời gian để hiểu rõ nhiệm vụ hoặc vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tự đặt câu hỏi cho bản thân, xem mình cần biết những gì và cần làm gì, để đưa ra một quyết định mà ta có thể tự tin và có căn cứ để giải thích lý do tại sao mình lại quyết định như vậy?
Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta sẽ phải tích cực tìm kiếm thông tin, không chỉ những thông tin giúp lấp đầy lỗ hổng kiến thức và khẳng định niềm tin của mình, mà còn cần tìm hiểu cả những thông tin có thể phủ định hoặc nghi ngờ niềm tin đó. Trên thực tế, thông qua việc tìm hiểu những khả năng thay thế và đặt câu hỏi về những giả định của bản thân, chúng ta đang tự trang bị cho bản thân những lý do và lập luận để bảo vệ quyết định của mình một cách chắc chắn hơn khi bị phê phán và chỉ trích.
Bước thứ hai là tìm kiếm và xem xét nhiều lựa chọn cùng một lúc, nếu muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. Dù đó là việc sẽ chọn bỏ phiếu cho ai, nên chọn làm những công việc nào, hay chọn mua những gì, luôn có nhiều lựa chọn để chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Nỗ lực cân nhắc và đánh giá tối thiểu một vài lựa chọn khả thi, và thành thật với lòng về sự đánh đổi mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận khi suy xét giữa các ưu điểm và nhược điểm – đó là một phần không thể thiếu của việc đưa ra những quyết định có suy nghĩ và có căn cứ.
Bước thứ ba là sẵn sàng trì hoãn quyết định cho đến khi đã dành thời gian xem xét kỹ lưỡng và đánh giá tất cả các khía cạnh của vấn đề. Có một điều mà hầu như ai cũng biết: sau khi đắn đo suy nghĩ và đưa ra một quyết định khó khăn, người ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng cần phải nhớ là “cẩn tắc vô áy náy,” cái giá phải trả khi vội vàng, hấp tấp đưa ra một quyết định có thể sẽ cao hơn rất nhiều so với việc dành thời gian suy nghĩ cẩn thận. Quý vị có thể thử nhớ về những lần tặc lưỡi tiếc nuối vì lỡ đưa ra quyết định nào đó mà để cảm xúc chi phối.
Nguy cơ từ việc giao quyết định cho AI
Thật sự mà nói, thì chẳng có bước nào trong ba bước trên là quá khó để thực hiện. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, những việc đó cũng cần một chút cố gắng chứ không phải là điều tự nhiên. Để có thể đưa ra những quyết định chín chắn và có thể căn cứ, chúng ta cần phải rèn luyện cách suy nghĩ thấu đáo và khả năng tự kiểm soát bản thân. Và đây là lúc mối nguy tiềm ẩn từ AI ‘lộ mặt’: AI sẽ tự động “suy nghĩ” giùm rồi cung cấp câu trả lời cho chúng ta – không có ngữ cảnh, cũng chẳng có những lý lẽ cân nhắc. Tệ hơn, AI cướp đi cơ hội cho chúng ta rèn luyện các bước quan trọng trong quá trình đưa ra những quyết định có suy nghĩ thấu đáo và có căn cứ.
Hãy nghĩ về cách mọi người đối mặt với nhiều quyết định quan trọng hiện nay. Con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi thành kiến, vì chúng ta thường có khuynh hướng tiết kiệm năng lượng tinh thần. Khi những quyết định có vẻ tốt và đáng tin cậy được đưa ra, chúng ta sẽ thấy thích và chấp nhận mà không cân nhắc kỹ lưỡng. Và con người là loài động vật xã hội, coi trọng cảm giác an toàn và sự chấp nhận của cộng đồng hơn là sự tự chủ cá nhân. Vậy nên chúng ta có thể sẵn lòng hy sinh một phần tự do cá nhân để được chấp nhận và an toàn trong cộng đồng của mình.
Khi thêm AI vào quá trình đưa ra quyết định, có thể tạo ra một vòng lặp phản hồi nguy hiểm: Dữ liệu mà AI sử dụng để hoạt động là thu thập được từ các hành vi và quyết định của con người, nhưng những thông tin này thường mang tính chất thiên vị phản ánh áp lực tuân thủ ý kiến chung thay vì sự khôn ngoan của lập luận phản biện. Nhưng vì mọi người thích sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian và năng lượng của việc suy nghĩ, nên họ thường chấp nhận các quyết định không tốt từ AI để chuyển sang việc khác mà chẳng học hỏi được gì. Cuối cùng, cả con người và AI đều không trở nên khôn ngoan hơn.
Suy nghĩ chín chắn trong thời đại AI
Cần phải công nhận rằng AI có thể mang đến nhiều lợi ích cho xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực như an ninh mạng, chăm sóc sức khỏe và tài chánh. Trong những lĩnh vực này, cần phải phân tích một lượng lớn dữ liệu phức tạp một cách đều đặn và nhanh chóng, và AI có thể rất hữu ích trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều quyết định đơn giản mà chúng ta không cần phải sử dụng đến AI.
Nhưng cho dù chúng ta có mong muốn hay không, thì AI đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực và môi trường khác nhau, từ giải trí, du lịch, cho đến học hành, công việc, hoặc y tế và tài chánh. Người ta cũng đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển các thế hệ AI mới có khả năng tự động hóa nhiều quyết định hàng ngày của con người. Và theo nghiên cứu mới, điều này là nguy hiểm.
Trong một thế giới mà suy nghĩ và tư duy của con người bị bủa vây bởi các thuật toán của mạng xã hội, nếu con người cho phép AI phát triển tinh vi đến mức có khả năng đưa ra mọi quyết định thay mình, tức là chúng ta đang tự đưa đầu vào thòng lọng. Chúng ta cần phải chống lại sự cám dỗ của AI và đòi lại quyền lợi và giành lại đặc quyền và trách nhiệm của con người: khả năng suy nghĩ và lựa chọn cho chính mình. Nếu có thể suy nghĩ và tự đưa ra quyết định, chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn và quan trọng là sẽ trở nên tốt hơn trong quá trình phát triển bản thân.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “The hidden risk of letting AI decide – losing the skills to choose for ourselves” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn