Truyện
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang.
Thú thật, tôi chưa bao giờ đảm đang chuyện bếp núc, từ bé tới lớn tôi chỉ biết ăn rồi học, mọi việc trong nhà đều có các anh chị lớn lãnh hết. Có một dạo, bà chị Cả bận đi làm sớm, giao cho tôi canh củi lửa nồi cơm nhưng mười lần như một, đều bị khét hoặc nhão nhẹt. May mà sau này có nồi cơm điện thì tôi được “ưu ái” làm nhiệm vụ cắm nồi cơm mỗi buổi sáng trước khi đi học, vậy thôi, chứ tôi chưa hề biết nấu món nào khác.
Sở dĩ tôi tự tin dám nhận nấu nồi chè và đậu phộng rang, vì nhà tôi có quán nước giải khát bán bia, chị tôi thường xuyên rang đậu phộng đem ra quán nên tôi cũng gọi là biết cách rang đậu, còn nồi chè thì mới hồi mùa hè, các bạn lớp cấp 3 có nhóm họp ở nhà tôi, tôi cũng được chứng kiến và phụ hợ các bạn nấu chè ngay trong bếp nhà tôi, có gì khó đâu.
Đến ngày liên hoan, tôi tất bật từ 9 giờ sáng, mặc dù đậu xanh đã ngâm và đãi vỏ từ chiều hôm qua, bịch dừa nạo cũng sẵn sàng trong tủ lạnh. Tôi thong thả xắt khoai lang, ngâm bột khoai, bột bán, vắt nước dừa và bắc nồi chè lên cái bếp điện lớn, đồng thời quay qua bếp củi để rang chảo đậu phộng. Ngồi đảo đậu, liếc mắt trông chừng nồi chè bắt đầu sôi sùng sục, tôi vặn nhỏ bếp điện, còn bên chảo đậu cũng bắt đầu chuyển sang màu nâu đậm, thơm nức mũi. Tôi dập tắt củi lửa, bước qua chăm sóc nồi chè thì than ôi, dưới đáy nồi là khoai lang và đậu xanh đóng khét lẹt, cả nồi chè tỏa ra một mùi khê không còn cách nào chữa nổi dù tôi đã mau mắn đổ chè qua nồi khác, bỏ phần bị khê dưới đáy nhưng thật uổng công vô ích.
Tồi ngồi thừ ra, mặt mũi lấm tấm mồ hôi, chưa biết sẽ phải làm gì, thì lại nghe mùi khét từ bên chảo đậu. Ủa, tôi đã dập tắt củi rồi mà, nhưng có lẽ vì đống than dưới chảo vẫn còn nóng nên cả chảo đậu từ từ chuyển qua màu đen và bốc khói. Tôi hoảng hốt, bắc chảo đậu xuống, mọi sự đã muộn màng, rồi tôi bật khóc tức tưởi, tiếc hùi hụi công sức đã chuẩn bị mọi thứ với lòng háo hức từ chiều hôm trước.
Để nguyên “hiện trường” bề bộn nơi bếp, tôi đứng dậy, lấy chiếc nón lá che nắng, chạy qua tiệm giải khát tìm bà chị Cả . Bà chị liền cho bài học:
– Đậu rang xong phải bắc xuống ngay, ai lại để nguyên si trên bếp than còn âm ỉ như thế! Còn nồi chè bự cho 40 học sinh ăn thì phải đảo liên tục, chứ không thể ngồi xa dòm chừng.
Rồi thấy mặt tôi méo xẹo, chị thương hại:
– Chị còn dư nhiều đậu phộng mới rang hôm kia, chút nữa lấy mà xài, còn bây giờ mau đi kiếm chị Năm Chè Đậu xem chị ấy có giúp gì được không, chị phải bận bán hàng.
Tôi bước đi như người không hồn, biết tìm chị Năm Chè Đậu ở đâu? Chị Năm là người khá thân với gia đình tôi, mỗi sáng cỡ 9-10 giờ chị gánh chè đậu đi bán dạo khắp xóm trên làng dưới, giờ biết chị đang ở chỗ nào mà kiếm?
Tôi rẽ vào nhà Thủy, đứa bạn thân cùng xóm cùng lớp suốt cấp hai và cấp ba Trung Học. Nó nghe đầu đuôi xong, suy nghĩ, tính toán:
– Một giờ trưa bắt đầu buổi học ca chiều, vậy nhà ngươi phải xong xuôi mọi sự lúc 12 giờ 30, nghĩa còn khoảng hơn 2 tiếng nữa, có là Thánh cũng không kịp ngâm đậu nấu nồi chè khác.
Tôi vẫn im lặng nhìn nó cầu cứu, nó liền nói:
– Hay là mình nấu chè khoai lang bột khoai nước dừa, khỏi cần đậu xanh? À mà thôi, từ đây ra chợ cũng 15 phút, vừa đi vừa về mất nửa tiếng, rồi gọt khoai, nạo dừa, ôi thôi, có khi làm gấp gáp còn thêm hư bột hư đường. Giờ chỉ còn cách đến nhờ chàng Lãm ra tay.
– Lãm? Nhưng liên quan gì chứ? Hắn không phải thợ nấu, cũng chẳng phải chủ quán chè, giúp được gì?
– Ngáo ạ! Tiệm chè nhà hắn đông khách nhất chợ Gò Vấp, từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, thì lúc nào mà chẳng có sẵn đậu nấu chín, đường, nước cốt dừa, hiểu chửa?
– Nhưng lâu rồi tao và hắn không gặp nhau, ngại quá.
– Lâu là bao lâu?
– Cách đây cả tháng, hay nói chính xác là 5 tuần , bữa đó hắn đến trường đón tao sau giờ dạy, rủ tao đi ăn hủ tíu, tới giờ không thấy mặt mũi hắn luôn á!
– Chao ôi, nàng còn nhớ là đúng 5 tuần luôn hen, để tao sẽ hỏi tội chàng. Tại hắn miệt mài học hành, hắn từng nói với tụi mình rằng, từ khi vào trường Y Khoa hắn không biết cái xóm của hắn tròn méo ra sao, vì hắn ra khỏi nhà đi học lúc tờ mờ sáng và trở về khi trời sập tối, chỉ kịp ăn qua loa, rồi vùi đầu học tiếp đấy thôi. Vả lại, hắn thích mày từ năm lớp 9 đến ròng rã ba năm cấp ba, cả trường cả lớp ai mà hổng biết, tao bảo đảm hắn sẽ bằng mọi giá phải làm “anh hùng cứu mỹ nhân”. Mà cho dù hắn không còn mê mày nữa thì đã sao, bạn bè thân giúp đỡ nhau cũng được, ai cấm? Không nhưng nhị gì nữa, lấy xe Honda Dame của tao chạy ngay đến nhà hắn, kẻo không kịp.
Tôi chỉ biết răm rắp nghe lời Thủy. Tiệm chè nhà Lãm kế bên chợ, người ta nhộn nhịp chợ búa sắm Tết, rồi nghỉ chân ăn chè đá đậu ba màu, ngồi kín gần hết các bàn trong nhà và ngoài sân. Tôi dừng xe trước tiệm, may quá, Lãm đang đứng bào đá bào, phụ má bỏ đá bào vào các ly chè, vừa nhìn thấy tôi Lãm liền chạy ra. Nhìn mặt tôi rầu rĩ như sắp khóc, Lãm giúp tôi dựng xe rồi dẫn tôi vào, lấy hai chiếc ghế cho tôi và Lãm ngồi chỗ góc sân. Tôi kể lể mọi sự, Lãm nghe đến đâu khuôn mặt đăm chiêu đến đó. Tôi ngây thơ hỏi thẳng:
– Quán nhà Lãm có dư chè giúp mình được không?
Lãm lắc đầu:
– Thời gian gấp quá, những ngày giáp Tết như thế này đậu ngâm liên tục, nấu không kịp bán, chắc không được, Loan ơi.
Hai đứa cùng in lặng, Lãm vẫn bóp đầu bóp trán nghĩ suy, căng thẳng lắm. Tôi nản chí, nặng nề đứng lên:
– Thôi mình về đây.
Lãm lặng lẽ nhìn theo tôi dắt xe ra vỉa hè, bỗng tôi nghe tiếng gọi:
– Loan ơi, mình có cách rồi!
Tôi reo lên trong lòng, thật không hổ danh một trong những chàng trai thông minh nhất lớp (vào ngành Y còn được, sá chi cái vụ chè cháo này chỉ là chuyện vặt). Lãm đến bên tôi:
– Ở trong nhà lồng chợ có lò làm sương sáo, tụi mình đến đặt mua, kế bên là tiệm bán dừa khô, họ sẽ nạo và vắt nước dừa cho mình luôn, Lãm sẽ nhờ chị Bảy giúp việc ở quán nhà thắng nước đường, Lãm sẽ mua nước đá, rồi chở đến trường cho Loan thành món chè sương sáo béo ngọt mát lạnh, Loan thấy thế nào?
Tôi sung sướng hơn cả mong đợi, rối rít theo Lãm vào chợ, mọi sự diễn ra như dự định, tôi thênh thang cõi lòng chạy về trả xe và chia sẻ niềm vui với Thủy, nó liếc tôi:
Cuối cùng thì mày vẫn là tiểu thơ, chẳng phải nấu nướng chi ráo, chút nữa chỉ việc ghé tiệm chị mày lấy đậu, rồi có hoàng tử chở chè sương sáo đến tận nơi. Phải công nhận, sức mạnh của... Tôi cắt lời nó:
– Mày lại ăn nói linh tinh gì đấy.
– Chớ không phải sao, vì nàng mà chàng sinh viên chỉ biết ăn học lại trở thành... thợ làm chè sương sáo.
– Thì con nhà nòi... tiệm chè mà lị.
– Thôi, bây giờ mời tiểu thơ đi về tắm rửa, thay bộ quần jeans với áo thun màu hồng hôm bữa tụi mình mua ở chợ trời Tạ Thu Thâu, rồi đi đến trường cho xinh đẹp rạng rỡ nha.
– Quỷ sứ! Tủ quần áo của tao có bao nhiêu cái mày biết hết trơn.
– Bạn thân để làm gì chớ? Bữa nay mày khai mạc bộ đồ đó rồi ra giêng cho tao mượn đi coi phim với người yêu, haha.
Tôi đến trường lúc gần 1 giờ, mấy đứa học trò đón tôi với bịch đậu phộng rang, rồi ngơ ngác:
– Ủa, chè đâu cô?
Đúng lúc Lãm xuất hiện, tắt máy xe, hai thau chè được buộc gọn gàng nơi yên sau, tụi nhỏ liền khoanh tay:
– Dạ, tụi em chào... Thầy!
Tôi vui vẻ nạt chúng:
– Thầy gì chớ! Đây là chú Lãm bạn thân của cô, mấy đứa phụ chú mang chè vào trong lớp nghen.
Tôi mở nắp thau chè, màu đen những miếng sương sáo nổi bật trong nước dừa trắng béo ngậy, trộn lẫn những miếng đá lạnh trong veo lấp lánh, và ô kìa, những chùm hạt lựu bé tí màu hồng, màu xanh ở đâu ra vậy cà? Lãm giải thích:
– Hồi nãy Lãm nhờ chị Bảy thắng nước đường, Má thấy vậy kêu chị Bảy làm thêm mớ hạt lựu, vừa đẹp mắt lại vừa ngon.
– Trời ơi! Ngày mồng một Tết Loan sẽ đến nhà cám ơn bác thật nhiều.
Lũ học trò rộn ràng bày biện mọi thứ trong lớp, tôi đi bộ theo Lãm ra ngoài cổng trường, chờ Lãm dừng lại ngồi lên xe chuẩn bị nổ máy, tôi níu tay Lãm:
– Lãm ơi!
– Gì vậy Loan?
– Lãm là... người hùng của mình, à không, người hùng của mùa xuân này đó, biết không?
Chàng trai ít nói nhất lớp, bữa nay cũng chẳng nói nhiều, chỉ mỉm cười ngại ngùng:
– Có gì đâu. Loan vào trong với đám nhỏ đi, ở ngoài này nắng nóng. Mình hẹn nhau mồng một Tết nhe?
– Ừa!
Tôi đứng nhìn theo xe Lãm hòa vào dòng xe cộ bận rộn ngược xuôi của những ngày gần Tết, khi bóng Lãm dần khuất nơi ngã ba, tôi quay bước vào sân. Một lớp nào đó đang bắt đầu tiệc liên hoan, chiếc máy cassette mở bản nhạc “Mùa Xuân Tình Yêu” của nhạc sĩ Từ Huy đang thịnh hành:
“ Anh ơi, Xuân nay vừa đến
Xuân chưa hề nói, chỉ trao nụ hồng ...”
Xuân chưa hề nói, chỉ trao nụ hồng ...”
Nắng trong sân trường vàng rực cái nắng hanh khô của mùa cuối năm rạo rực, tôi bỗng thấy mình ngân nga tiếp theo điệp khúc của bài hát ấy:
“ Mùa Xuân đến nhắc ta những điều
Mà ta chưa nói ra ...
Và hôm nay bước trên phố này
Tưởng như nghe tiếng trái tim mình hát ca ...”
Mà ta chưa nói ra ...
Và hôm nay bước trên phố này
Tưởng như nghe tiếng trái tim mình hát ca ...”
– Kim Loan
Edmonton, Xuân Giáp Thìn 2024
Gửi ý kiến của bạn