Hôm nọ tôi có dịp chạy về khu neighbourhood cũ, đi ngang qua căn nhà cũ mà bồi hồi xuyến xao bao nhiêu kỷ niệm. Lúc ấy gia đình chúng tôi mới từ thủ đô Ottawa chuyển về thành phố này, các con còn bé nên việc tìm một căn nhà có đủ tiêu chuẩn gần trường học, gần nhà thờ, gần chợ Việt chợ Tây cũng hơi khó. Cuối cùng thì căn nhà tạm ưng ý được chúng tôi lựa chọn vì mới được xây, dù là ở dưới phố khá ồn ào chen chúc.
Ngôi nhà của hơn mười năm, từ khi các con còn học tiểu học ở trường St.Catherine. Nhớ những buổi sớm réo gọi cả nhà thức dậy, tôi tất bật lo bữa sáng cho mọi người, chuẩn bị backpacks cho tụi nhỏ, gói các lunh boxes, lôi ra áo quần giày dép trong khi chúng ngồi ăn, rồi lại tất bật đẩy con ra cửa chờ xe yellow bus đi học, và vợ chồng tôi cũng lần lượt rời nhà đi làm, mỗi người một hướng.
Nhớ những lần mấy mẹ con đi bộ trong xóm, băng qua cây cầu đá, đến Library để con gái lựa sách Fairy Tales như Cinderella mỗi tối ôm lên giường say sưa theo từng trang sách đẹp như giấc mơ tuổi thơ, ghé Fire Station vì thằng con trai mê mẩn bồ độ đồng phục oai dũng của các chàng Firemen. Thấy chúng tôi lấp ló ngoài cửa là các chàng firemen vui vẻ mời vào, đưa con trai tôi vào tận xe, ngồi tập “lái thử” y như thiệt.
Nhớ những lần đưa các con đi học bơi, học vẽ, học đàn piano theo “phong trào” của các gia đình Việt Nam hải ngoại là cho các con “học đủ thứ”, rồi có nên cơm cháo gì không cũng không quan trọng. Những buổi chiều tôi vừa nấu cơm vừa nghe con gái tập đờn piano bài “Dòng Sông Xanh” theo yêu cầu của tôi mà mơ mộng nó sắp thành … nghệ sĩ danh cầm nổi tiếng thế giới.
Nhớ những đêm khuya vắng từ phòng ngủ trên lầu, tôi nhìn qua khung cửa sổ khi những bông tuyết đầu mùa phơ phất đến rồi tìm vần thơ, nhớ những những kỷ niệm thanh xuân còn bỏ lại nơi quê nhà xa xôi.
Căn nhà này, cũng đã đón tiếp nhiều chuyến viếng thăm của người thân hai bên nội ngoại từ Mỹ và Canada, những buổi BBQ nơi sân sau với bạn bè, những buổi birthday parties của các thành viên trong gia đình, những ngày mưa Thu ngắm lá rụng dưới cội táo già, nhìn dòng xe nối tiếp nhau giờ tan tầm bên ngoài cửa sổ, cảm nhận niềm hạnh phúc bình yên nơi phòng khách ấm cúng với ly trà nóng thơm mùi peppermint.
Giờ đây mọi ký ức như bừng sống lại, thời gian như cơn gió vô tình, các con đã lớn, chúng tôi cũng không còn trẻ nữa, mà ngôi nhà cũ vẫn còn đây, chất chứa biết bao niềm thương nỗi nhớ dạt dào mỗi khi đi ngang về chốn xưa.
Thật ra, căn nhà này vẫn là của tôi. Gia đình tôi dọn nhà qua khu mới, phía Bắc thành phố, và cho người ta mướn căn nhà cũ, nên thỉnh thoảng tôi vẫn được ghé qua, đi vào nhà khi có việc cần theo yêu cầu của người mướn nhà.
Bước vào nhà, mọi thứ thay đổi, cách trang trí sắp đặt các vật dụng hoàn toàn khác, nhưng tôi vẫn đứng ngẩn ngơ ngay giữa căn bếp, hiện về trong tâm trí bao nhiêu lần tôi đã đứng nơi đây, làm những bữa cơm cho cả nhà.
Cũng giống như nhiều gia đình Việt Nam khác bên hải ngoại, tôi tin là như thế, máy rửa chén nhà tôi cũng chỉ dùng để… đựng chén dĩa muỗng nĩa cho khô ráo, và chỉ sử dụng máy thi thoảng khi nhà nấu thức ăn nhiều, có khách, hoặc khi mệt mỏi.
Và vì tôi rất say mê, yêu thích rửa chén, nên trong sự phân chia nhân sự và công việc nhà, phần “rửa chén” đã thuộc… về tôi. Chỗ đứng rửa chén nhà tôi nhìn thẳng ra khung cửa sổ sau vườn nhà, không phải cái cửa sổ be bé mà là ba cái cửa sổ lớn nối liền nhau, và đó là một bức tranh thiên nhiên bốn mùa cho tôi thong thả nhìn ngắm mỗi khi rửa chén.
Mùa Xuân và mùa Hè, gió nhẹ đong đưa những cành cây dưới màu nắng tươi, nghe cả tiếng ong vo ve hút mật trên những chùm hoa táo màu trắng toả hương thơm vương vấn. Mùa Thu, hàng cây cao của vườn sau nhà kế hàng rào chuyển sang một màu vàng lãng mạn, mỗi cơn gió đến làm những chiếc lá vàng rơi lả lơi trên không gian và rải lác đác trên sân cỏ nhà tôi (một màu Thu rất đẹp và cũng rất buồn, đôi khi!). Mùa Đông, đó là một bức tranh màu xám của mây trời và tuyết trắng, nhưng được chấm phá bằng những nét màu nâu, đen sinh động của những nhành cây khẳng khiu, cuối chiều tà có con chim lẻ bạn lạc loài đang ngơ ngác tìm đường về tổ.
Khi rửa chén, vừa ngắm “bức tranh cửa sổ” tôi vừa mở nhạc du dương, cũng có khi có những âm thanh của tivi ngay phòng khách hoặc tiếng ồn ào khác trên lầu của các thành viên khác trong nhà. Cũng có khi rất im lặng chỉ mình tôi thả hồn, nghĩ suy về một bài viết hay một câu thơ…
Với tôi, rửa chén cũng là một phương pháp tập thể dục, thân thể thả lỏng, relaxing, trí óc bay bổng nhẹ nhàng và là phương pháp “thiền” rất thú vị. (Có mâu thuẫn không, khi tôi không biết nấu ăn, không đam mê bếp núc, nhưng lại yêu… rửa chén?)
Tạm biệt căn nhà cũ, lái xe trở về căn nhà hiện tại, tôi vẫn còn lâng lâng cảm xúc buồn vui, năm nay tuyết đã đến sớm từ đầu tháng 11, tháng tận năm cùng rồi còn gì, lại sắp bước qua một năm mới, hỏi sao không bâng khuâng?
Ông xã nghe tôi kể nguyên do nỗi buồn “có tên và không tên” bèn châm chọc cho tôi vui, cái câu muôn thuở tôi nghe cả trăm lần:
- Trời ơi, em cứ yếu đuối đa sầu đa cảm, tâm tình sáng nắng chiều mưa như thế thì không bao giờ làm chủ cả, làm boss được đâu nhé.
-Em có bao giờ mơ ước làm boss làm chủ ai đâu chớ! Trong căn nhà chỉ có bốn người này, em còn đứng thư tư nữa mà!
Biết tôi còn đang cảm xúc chưa nguôi, chồng tôi bỏ lên lầu, kẻo tôi lại mất hứng nấu cơm chiều thì coi như đói rã họng, lại phải ăn cơm nguội với mì gói.
Đó là câu chuyện thật. Còn sau đây là… chuyện bịa:
Đã hơn cả tuần nay, chiều nào mây cũng giăng xám một góc trời. Mưa không lớn chỉ lất phất bay, đủ ướt phủ mặt đường. Những hình ảnh chập chùng, bao kỷ niệm hiện về lẫn lộn...
Tôi ngồi thừ trước cửa sổ mở rộng trước mặt trong căn bếp không mở đèn; qua tấm kiếng những chiếc lá thu vàng rơi xuống là đà theo cơn gió thổi, có những chiếc lá vàng thật đậm màu bị sâu ăn lỗ chỗ, có những chiếc vàng ươm rất đẹp cũng…lìa khỏi cành cây...
Hôm ấy là ngày mùng một Tết, không khí trang trọng và linh thiêng của ngày đầu năm như rạng rỡ và đầm ấm bao quanh Quảng Hương Già Lam, chùa mang tên Quảng Hương, là tên của một vị tăng đã hy sinh vì đạo pháp năm 1963...
Thường một nghệ sĩ được gọi chỉ một danh xưng, nhưng đối với Nguyễn Đình Toàn thì phải gọi là nhà văn nhạc sĩ mới đầy đủ; vì ông có nhiều tài năng về văn nghệ. Bao nhiêu người nhắc đến giọng đọc cùng lời văn của ông trong chương trình giới thiệu nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, đã quyến rũ nhiều thính giả...
Mùa lễ cuối năm ở Mỹ là mùa sum vầy, ai rồi cũng nhớ nhà, người thân vào mùa lễ cuối năm đã về, ai cũng muốn trở về, gặp lại người xưa chốn cũ nên gọi là mùa sum vầy cũng không có gì là quá đáng, nhưng không phải ai cũng có một nơi để về trong trời đất bao la chỗ đến, nhưng về đâu là câu hỏi muôn đời của kiếp nhân sinh...
Cho đến lúc này, tôi tự hỏi có bao nhiêu con đường mình đã đi qua suốt những năm tháng có mặt trên đời? Nhiều lắm, những con đường quên lãng mất hút với thời gian. Và cũng có những con đường đã vạn lý xa, nhưng trăm năm đằm đắm nhớ nhung nếu như được sống trọn hết một kiếp người...
Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn...
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau...
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.