Phần I
Các bước thành hình của diaspora người Việt ở Hoa Kỳ kể từ năm 1975 đến nay
Từ đợt đầu di tản sau biến cố 30/4/1975, chừng 125,000 người. Vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi bộ đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, Hoa Kỳ đã ra lệnh sơ tán ngay lập tức nhân viên Hoa Kỳ và hàng nghìn quan chức quân sự và ngoại giao của miền Nam Việt Nam. Các kênh truyền hình tin tức Mỹ đã phát đi những hình ảnh đau lòng về cuộc không vận hỗn loạn, trong đó có đám đông công dân miền Nam Việt Nam tuyệt vọng tràn ngập ngoài cổng Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Làn sóng đầu tiên đến vào năm 1975 như một phần của 140.000 người của Đông Dương được sơ tán ban đầu qua lệnh của Tổng thống Gerald Ford. Những người tị nạn đó, hầu hết đều có trình độ học vấn và nói được một ít tiếng Anh, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ công chúng Mỹ mong muốn được xóa bỏ ít nhiều mặc cảm tội lỗi về việc quân đội Mỹ đột ngột rời khỏi miền Nam Việt Nam. Đến năm 1978, kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái và sự chào đón nồng nhiệt này không còn nữa (1).
Đợt thứ hai là các thuyền nhân (boatpeople), cao điểm vào năm 1978-1979 (năm diễn ra chiến tranh biên giới với Cambodia và Trung Cộng) tiếp diễn cho đến giữa thập niên 1980. Cuối cùng, Indonesia đóng cửa trại tị nạn ở Galang năm 1996; Thái Lan năm 1997; Philippines năm 1997, Hồng Kông năm 2000. Năm 2001, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn chính thức dẹp bỏ trại tị nạn cuối cùng đặt tại Malaysia, chấm dứt 21 năm Cao ủy Tỵ nạn hợp tác ở nước này để giúp người vượt biển đến từ Việt Nam (2).
Đợt thứ 3 vào các thập niên 1980-1990. Để đối phó với những khó khăn mà thuyền nhân phải chịu đựng và hội nghị Geneva ngày 14 tháng 6 năm 1980 về Người tị nạn Đông Dương, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua chương trình ra đi có trật tự ODP (Orderly Departure Program) của UNHCR (Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc). Các diện sau đây được định cư ở Mỹ theo các chương trình này: đoàn tụ gia đình, cựu nhân viên Hoa Kỳ, và cựu tù nhân cải tạo. Các cựu tù cải tạo nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua chương trình con (subprogram) của ODP gọi là Chiến dịch Nhân đạo (HO).
Chương trình ra đi có trật tự đã giúp hơn 500.000 người tị nạn Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ trước khi chương trình này kết thúc vào năm 1994.
Vào tháng 11 năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận mở lại ODP và gia hạn Tu chính án McCain (cho phép con cái của các cựu tù nhân cải tạo được nhập cư với cha mẹ của họ). Việc gia hạn ODP kết thúc vào tháng 2 năm 2009, với Tu chính án McCain hết hạn vào tháng 9 năm 2009.
Năm 1987, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Hồi hương Con Lai Mỹ-Á (Amerasian Homecoming Act), cho phép trẻ em Việt Nam có cha là người Mỹ nhập cư vào Hoa Kỳ, cho phép ước tính khoảng 23-25.000 con lai và 60-70.000 người thân của họ nhập cư vào Hoa Kỳ.
Theo thống kê của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), mỗi năm, Việt Nam có trung bình hơn 100.000 người di cư, đa số là những người có học vấn hay lợi tức cao ở trong nước và Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có số du học sinh nhiều nhất thế giới (theo SBS, Australia).
Theo Cơ quan Lao động Quốc tế (ILO): “Tổng cộng có khoảng 80.000 người Việt Nam rời đất nước đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Khoảng 400.000 lao động Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dòng tiền hằng năm của người di cư lao động đạt khoảng 2 tỷ USD trong những năm gần đây, cho thấy ý nghĩa kinh tế của di cư lao động. Thật không may, cũng có những vấn đề đáng kể liên quan đến việc di cư lao động: người sử dụng lao động vi phạm quyền của người lao động, người lao động vi phạm hợp đồng và đào ngũ, mạng lưới tuyển dụng bất hợp pháp, và đáng kể nhất là vi phạm các quy định của chính phủ về thủ tục tuyển dụng (3).
Nhân đây chúng ta nhắc lại một số dấu mốc lịch sử về người Việt đi ra sống ở ngoại quốc.
Đợt đầu tiên đông người Việt rời khỏi quê hương là khoảng năm 1914-1918 của Thế Chiến thứ nhất lúc 50 ngàn thợ thuyền và 50 ngàn lính Đông Dương (Việt-Miên-Lào) được gởi qua tăng cường cho lực lượng lao động và quân sự Pháp. Tuy nhiên đa số những người này hồi hương sau chiến tranh. Trong thập niên 1920 chỉ còn chừng 8000 người Việt ở lại Pháp, đa số là quân nhân.
Đợt di dân thứ 2 (tạm thời và cưỡng bách) của người “lính thợ” Việt đến Pháp xảy ra vào cuối năm 1939 trước cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Pháp và Đức, khi thế chiến thứ 2 bắt đầu. Tình trạng lộn xộn của thời kỳ sau khi Pháp đầu hàng Đức (Chính phủ Vichy của Thống chế Pétain) và các biến cố lúc nước Pháp được Đồng Minh giải phóng năm 1945 làm trì hoãn việc hồi hương của các lính thợ và việc hồi hương của họ chỉ kết thúc năm 1952.
Hiện nay có chừng 4,5 triệu người sinh tại Việt Nam hay gốc người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại (các báo ở VN cho con số cao hơn, chừng 5,3 triệu người Việt định cư tại nước ngoài, ví dụ báo Nhân Dân năm 2020, do Wikipedia trích dẫn). Chừng một nửa số này sống ở Mỹ (Người Mỹ gốc Việt), và điều đáng ngạc nhiên là Cambodia là nước thứ nhì về số lượng di dân người gốc Việt. Con số này ước tính chừng 500 ngàn cho đến một triệu người theo Wikipedia, nhưng theo website minorityrights.org, thì mặc dù con số chính thức của chính phủ Cambodia là dưới 15,000 người (0,1% dân số), trên thực tế số người Việt chừng 400.000-700.000 với 90% là “vô quốc gia” (stateless) và không có thẻ căn cước hay giấy khai sinh. Sau khi Khmer Đỏ chiếm Cambodia năm 1975, đa số người Việt chạy ra khỏi xứ, chỉ còn chừng 20.000 ở lại và đa số bị giết chết. Sau đó thì người Việt lại từ Việt Nam trở lại Cambodia.
Về Hàn quốc, là điểm đến số một của các cô dâu Việt Nam, “Theo số liệu 2020, trong số 2,036,075 người nước ngoài cư trú tại Hàn, người Trung Quốc chiếm 44%, tương đương 894,906 người. Ở vị trí thứ 2 là người Việt Nam với 211,243 người, chiếm gần 10,4%.”Tuy nhiên nếu chúng ta đếm luôn các con cái con của trên 40 ngàn cô dâu Việt với chồng người Hàn chắc con số diaspora Việt sẽ cao hơn số này.
Bối cảnh chính trị xã hội
Người Việt nhập cư Hoa Kỳ trước 1975 không đáng kể. Vào những năm 1950, dân số người Việt nhập cư sống ở Hoa Kỳ chỉ ở mức thấp hàng trăm người. Những người nhập cư này thường là sinh viên, cô dâu có chồng Mỹ trong chiến tranh hoặc những người có nghề nghiệp trình độ cao chẳng hạn như bác sĩ. Dân số này không tăng cho đến gần cuối Chiến tranh Việt Nam, thập niên 1970 số người Việt tăng đột biến. Chiến tranh Mỹ tham gia ở Việt Nam cũng là thời kỳ hoang mang và chia rẽ đối với người dân Hoa Kỳ.
Là một trong những cuộc chiến dài nhất và bị ghét nhất của Hoa Kỳ, cho nên những người Việt nhập cư sau cuộc chiến này lại càng gặp khó khăn. Với tình cảm phản chiến vẫn còn mạnh mẽ và nước Mỹ vẫn còn quay cuồng đối phó với những thương vong của một cuộc chiến gây tranh cãi như vậy, những người nhập cư Việt Nam thấy mình phải đối đầu với “sự phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và loại trừ”, nói theo ngôn ngữ hiện nay của những người phe tả “racism, discrimination, exclusion”.
Hồi đó. chúng ta từ trại tỵ nạn mới đến Mỹ, đối với không ít người cảm giác tựa như được lên thiên đàng rồi, và cảm tình chính là lòng biết ơn với đất nước này đã cưu mang chúng ta, cho chúng ta một cuộc sống tự do, sung túc. Nên chúng ta không nhận thức những phân biệt đối xử, nếu có chúng ta cũng thông cảm, dễ bỏ qua, hoặc chịu không nổi thì tìm đi ở chỗ khác. Tuy nhiên, thời đó có phim Alamo Bay (1984), do Louis Malle đạo diễn, nói về cuộc xung đột 4 năm trước giữa người Việt tỵ nạn đánh cá trong vịnh Galveston ở Texas và các ngư phủ da trắng bị mất quyền lợi làm ăn của họ, được nhóm KKK hỗ trợ và huấn luyện quân sự. Nhưng cuối cùng “Về lâu dài, người Việt Nam không chỉ tiếp tục bám biển mà còn phát triển mạnh mẽ. ‘Chúng tôi thích thời tiết ở đây, chúng tôi thích đánh bắt tôm, chúng tôi thích cơ hội bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình,” một người nói với The Washington Post vào năm 1984. Tờ báo gọi đó là “câu chuyện cổ điển về người nhập cư của Mỹ. Họ đến, họ làm việc vất vả, họ hy sinh, họ vượt qua sự thù địch và bạo lực, họ đã chiến thắng.”
Nhưng đây chính xác là nỗi sợ hãi mà [người thuộc KKK ông] Beam đã “vũ khí hóa”: Người da trắng đã thua cuộc. Đến năm 1984, một ngư dân kể rằng trong số 150 chiếc thuyền cập cảng, có thể 25 chiếc thuộc sở hữu của người Mỹ. “Hãy đối mặt với nó,” ông nói, “họ đã xóa sổ chúng ta.” (4)
Sau Chiến tranh Việt Nam, có hai làn sóng người nhập cư khác nhau đến Hoa Kỳ. Làn sóng đầu tiên diễn ra sau khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975; 125.000 người tị nạn Việt Nam chạy sang Hoa Kỳ. Những người nhập cư này là những người làm việc chặt chẽ với quân đội Hoa Kỳ hoặc có các vị trí nổi bật trong chính phủ miền Nam Việt Nam và sợ bị chính quyền cộng sản miền Bắc Việt Nam hành quyết. Làn sóng di cư đầu tiên này phải đối mặt với một cuộc di tản hỗn loạn ra khỏi đất nước và họ thường bị tách khỏi các thành viên trong gia đình. Khi đến Hoa Kỳ, những người nhập cư này được đưa đến làm thủ tục tại các trại tạm cư rải rác trên nước Mỹ, ở California, Pennsylvania, Arkansas và Florida. Sau đó, họ được chuyển đến ở gần những người bảo trợ, nhận “đỡ đầu” họ đáp ứng các nhu cầu căn bản. Quá trình di tản khỏi đất nước mình và được tập trung ở các trại tạm thời trong nước Mỹ trong khi chờ đợi một người bảo lãnh là một trải nghiệm độc đáo cho tới thời điểm đó chỉ xảy ra với những người nhập cư Đông Nam Á. Năm 2022, sau khi Mỹ đột ngột rút ra khỏi Kabul, Afghanistan, 76000 người tỵ nạn nước này cũng tạm thời ở trong các căn cứ quân sự Mỹ trong nhiều tháng, có người phải ở trong các khách sạn một thời gian trước khi được bảo lãnh định cư.
Làn sóng người nhập cư thứ hai diễn ra vài năm sau đó từ cuối những năm 1970 cho đến giữa những năm 1980. Những người nhập cư này rời Việt Nam sau khi chế độ cộng sản tìm cách thay đổi mọi mặt cuộc sống ở nước Việt Nam mới được thống nhất. Những người nhập cư này được cho là mối đe dọa đối với chính phủ cộng sản đã phải đối mặt với các trại cải tạo, thực tế là những trại lao động khổ sai. Cùng với làn sóng di cư thứ hai là những người vì lý do tín ngưỡng hay thuộc thành phần kinh tế được coi như có tội với chế độ (ví dụ tư sản mại bản).
Vô số người tị nạn chạy trốn khỏi Việt Nam trên những chiếc thuyền nhỏ, nguy hiểm đến các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines hoặc Hồng Kông để chờ được chấp nhận trong các trại tị nạn để đi đến Hoa Kỳ, Úc, Pháp hoặc Canada. Tuy nhiên, do các con thuyền này không an toàn, và do nạn hải tặc cướp bóc trên biển, khoảng 200.000 đến 400.000 người Việt Nam đã bỏ mạng trên đường vượt biển. Đối với một số người Mỹ, đi tìm một đời sống tốt hơn không phải là lý do chấp nhận được để nhập cư vào Mỹ, do đó họ có một cái nhìn tiêu cực và võ đoán về thuyền nhân đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc thuyền nhân sẵn sàng rời bỏ quê hương và liều mạng để cố gắng đến được các nước tự do cho thấy sự tuyệt vọng mà người Việt Nam phải trải qua trong những năm sau khi Sài Gòn sụp đổ và làm cho người ta có cảm tình với thuyền nhân hơn, kể cả những người nổi tiếng phe tả trước đây chống chính phủ VNCH như triết gia Jean Paul Sartre.
Một vấn đề lớn đối với làn sóng người tị nạn Việt Nam đặc biệt làn sóng thứ hai (thuyền nhân) là “Rối loạn căng thẳng sau chấn thương” (PTSD) do những nỗi kinh hoàng mà họ phải đối mặt khi rời đất nước để đến Hoa Kỳ. Những người bị PTSD thường không tìm kiếm sự giúp đỡ vì sự kỳ thị tiêu cực liên quan đến bệnh tâm thần trong những năm 1970 và 1980. Họ thường trải qua những cơn ác mộng, trầm cảm và họ thể hiện những hành vi có vẻ như chống đối xã hội. Các triệu chứng mà họ gặp phải tương tự như các triệu chứng của người lính Mỹ mắc PTSD từng tham chiến ở Việt Nam. Căn bệnh tâm thần này khiến một số người tị nạn càng khó hòa nhập với văn hóa Mỹ, kiếm việc làm hoặc hòa nhập với cộng đồng mới của họ ở Hoa Kỳ. Theo một nghiên cứu năm 2006 của Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia, khoảng 70% người tị nạn Đông Nam Á được chăm sóc sức khỏe tâm thần được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (5).
Một khó khăn lớn trong việc thích ứng với môi trường mới là sự tản mát ban đầu của những người nhập cư Việt Nam. Những người nhập cư được bảo trợ đã di chuyển khắp nước Mỹ, gây khó khăn cho chúng ta là những người từ một nền văn hóa phụ thuộc quá nhiều vào gia đình và cộng đồng. Trường hợp điển hình là nhân vật truyền thông nổi tiếng Leyna Nguyễn, năm 1975 cô 5 tuổi, cùng theo gia đình di tản qua Hoa Kỳ và định cư tại tiểu bang Minnesota, nơi rất vắng vẻ và không có người Việt. Một hôm gia đình cô tìm được sau vườn một rau gì đó giống rau ở Việt Nam, đem về nấu ăn, ngon quá nên ngủ say. Đến lúc sponsor về thấy tưởng là cả nhà bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố giúp cho cô nói đúng giọng Mỹ và thành công trong môi trường rất cạnh tranh của kỹ nghệ truyền thông truyền hình dòng chính của Mỹ.
Như chúng ta đã bàn ở trên, nói chung dân Mỹ rất bất mãn về Chiến tranh Việt Nam. Những người nhập cư Việt Nam thường phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử từ công dân Mỹ, đặc biệt là trong những năm sau Chiến tranh Việt Nam. Tình cảm bài châu Á này bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 (với người Tàu) và tiếp tục kéo dài đến những năm 1970 và 1980.
Theo một cuộc thăm dò năm 1975 của Gallup, hơn một nửa công chúng Hoa Kỳ không đồng ý với việc tái định cư của người Việt sang Hoa Kỳ. Thái độ này đối với việc người Việt Nam nhập cư ào ạt là do dân Mỹ đã chán ngấy cuộc chiến ở Việt Nam, trong khi có những dữ kiện thống kê cho thấy xu hướng ở Mỹ coi người Việt Nam là “kẻ thù”, mặc dù hầu hết người tị nạn Việt Nam đã từng đứng về phía Mỹ trong chiến tranh, có lẽ họ hiểu sai đây là cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam, thay vì thực chất là một cuộc nội chiến giữa người Việt miền Nam đồng minh với Mỹ và người Việt miền Bắc được thế giới cộng sản hỗ trợ.
Không có giải thích chính xác lý do đằng sau dữ liệu từ cuộc thăm dò, nhưng nó khiến việc tái định cư cho những người nhập cư Việt Nam sau chiến tranh trở nên vô cùng khó khăn.
(Còn tiếp)
– Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Tham khảo:
(2) Theo Wikipedia
Gửi ý kiến của bạn