– LND: Kết quả cuộc thăm dò ý kiến cử tri của ACNielsen đăng tải trên nhật báo Sydney Morning Herald ngày Thứ Hai 12/2/07 vừa qua cho thấy lãnh tụ đối lập liên bang Kevin Rudd là vị lãnh tụ đối lập liên bang được cử tri ưa thích và tín nhiệm nhất trong suốt 35 năm qua và là người lãnh tụ Lao động đầu tiên trong suốt 6 năm qua được tín nhiệm hơn TT John Howard. Trong số cử tri được thăm dò thì 48% tín nhiệm ông Rudd trong chức vụ thủ tướng trong khi chỉ có 43% muốn John Howard làm thủ tướng. Cũng theo cuộc thăm dò dân ý này thì nếu cuộc tổng tuyển cử liên bang được tổ chức vào cuối tuần qua thì đảng Lao động đối lập sẽ giành chánh quyền với 58% cử tri ủng hộ trong lúc chính phủ Tự Do chỉ được 42% số phiếu mà thôi. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy rằng cử tri tín nhiệm phe đối lập về vấn đề y tế và giáo dục cũng như hai vấn đề nóng bỏng là thay đổi khí hậu và nước. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi phần lược dịch bài phân tích tựa đề Rudd's Guerilla War - Cuộc Chiến Du Kích Của Ông Rudd của bỉnh bút Glen Milne được đăng tải trên nhật báo The Australian ngày 12/2/07.
*
Theo dõi cuộc tranh cãi ồn ào náo nhiệt giữa thủ tướng John Howard và lãnh tụ đảng Lao Động là ông Kevin Rudd về đề tài nóng bỏng nhất hiện nay - sự thay đổi của khí hậu - người ta thấy được một điều khá lý thú: mức đồng thuận của hai người về nhiều chính sách khác nhau. Chính ông Rudd là người bắt đầu thừa nhận những lãnh vực mà cả hai phe có cùng một quan điểm. Động cơ của ông rất rõ ràng: ông đã quyết định hai điều. Thứ nhất, không để bị dồn vào góc kẹt trong những lãnh vực mà ông cho rằng nguy cơ thua thiệt nếu đối đầu trực diện với John Howard cao hơn lợi ích chính trị. Thứ nhì, nhân nhượng chấp nhận những vấn đề mà chính sách của chính phủ đang thắng.
Nói một cách khác, ông Rudd không ngại ngùng vất bỏ những cuộc tranh cãi mà ông nghĩ rằng ông không thể thắng để chuyên chú vào những đề tài khả thắng. Và như thế, ông đã từ bỏ quan điểm cổ truyền thuần túy đối lập (traditional oppositionist - Chống đối chỉ để mà chống đối, chống đối vì mình thuộc phe đối lập)* của người tiền nhiệm là Kim Beazley. Nguyên nhân chính của đường lối là vì ông Rudd chỉ có một thời gian ngắn trước kỳ tổng tuyển cử liên bang sắp tới.
Nguyên nhân khác nữa - như chính ông Rudd đã miêu tả trong cuộc phỏng vấn với ký giả Christine Jackman trên tờ The Weekend Australian vừa qua - là để "làm rối loạn tinh thần của John Howard". Chiến thuật của ông Rudd là chiến thuật du kích chiến chính trị: đắnh nhanh và mạnh vào những điểm yếu của John Howard nhưng rút lui và biến mất khi phải đối chọi với vũ khí hùng hậu của chính phủ liên đảng.
Vì thế, ông Rudd thẳng cánh tấn công tới tấp về vấn đề thay đổi khí hậu cũng như về cuộc chiến Iraq vì ông xét đoán rằng John Howard đang có nhiều sơ hở, kém thế trong những lãnh vực này. Thế nhưng, hãy so sánh sự hùng hổ mãnh liệt của ông Rudd trong hai vấn đề này với quan điểm của ông về một số vấn đề khác, chẳng hạn như kinh tế và giáo dục. Thí dụ điển hình là khi ông xuất hiện trên chương trình thời sự Meet The Press của đài truyền hình số 10 hôm Chủ Nhật vừa qua. Lúc ông được hỏi rằng ông sẽ làm gì để giữ mức lãi suất thấp, ông trả lời: "Khi nói về lãi suất thì người ta sẽ có một chính sách kinh tế có trách nhiệm (responsible fiscal policy), có nghĩa là phải bảo đảm được rằng ngân sách lúc nào cũng cân bằng trong suốt chu kỳ kinh tế. Thật ra, chúng tôi sẽ đi xa hơn thế nữa. Chúng tôi tuyên bố rằng khi nói đến việc chuẩn bị cho ngân sách, cái bách phân của thuế so với tổng sản lượng toàn quốc GDP không nên tăng hơn mức hiện hành của chính phủ Howard. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đang có một chính sách đầy trách nhiệm về ngân sách, chính sách kinh tế đầy trách nhiệm, thì nó sẽ làm giảm áp lực lên mức lãi suất cũng như chính sách tiền tệ". Như thế, có phải là một sự thừa nhận rằng chính sách kinh tế của chính phủ Howard là đúng đắn hay không"
Bằng phương pháp hòa nhập (morphing) với John Howard trong chính sách kinh tế và tiền tệ, ông Rudd đã ngợi khen John Howard tí đỉnh nhưng ông cũng hy vọng rằng cử tri sẽ không phân biệt giữa hai phe trong lãnh vực này nữa. Như thế, ông gần như đã đưa ra cho cử tri một mệnh đề rằng nếu đảng Lao động đắc thắng trong kỳ tổng tuyển cử tới đây thì những sự thịnh vượng của John Howard sẽ tiếp tục là những sự thịnh vượng của ông, và trong cương vị thủ tướng, ông cũng sẽ quản lý nó trong một phong cách tương tự như phong cách của John Howard. Đấy chính là kế sách của ông trong việc xiển dương niềm tin về một sự chuyển tiếp vô cùng dễ dàng, để tạo cơ hội cho cử tri có dịp bỏ phiếu dựa trên các vấn đề khác, chẳng hạn như sự thay đổi khí hậu và cuộc chiến Iraq.
(*) Chú của người dịch.