“Chúng ta là ký ức của chính mình… là một bảo tàng huyền ảo chứa những dáng hình chuyển động, những mảnh gương vụn vỡ chồng chất.” – Jorge Luis Borges
Đã đến lúc thôi lầm tưởng và chấp nhận rằng: sự tập trung chú ý của chúng ta chỉ có thể đọng lại được một phần nhỏ các sự kiện và hiện tượng đang diễn ra bên trong và xung quanh mình tại bất kỳ thời điểm nào. Hiểu rằng trí nhớ của chúng ta chỉ giữ lại một phần nhỏ những gì chúng ta đã tham dự trong những khoảnh khắc đã qua, lúc hồi tưởng lại, chúng ta lấy những mảnh nhỏ này và cố gắng tái tạo chúng thành một ‘thực tại’ tổng thể, rồi mang đi chiếu trong ‘rạp hát’ của tâm trí – một sân khấu mà trên đó, theo nhà thần kinh học Antonio Damasio đã quan sát được trong công trình nghiên cứu về ý thức, chúng ta thường “sử dụng tâm trí của mình để lấp liếm chứ không phải để khám phá sự thật.”
Chúng ta làm điều này, ở cấp độ cá nhân – từ trí nhớ có chọn lọc và bằng cách loại trừ tinh tế như vậy, chúng ta sáng tác ra câu chuyện làm nền tâm lý cho bản sắc của mình. Còn ở cấp độ văn hóa – chúng ta tạo ra cái được gọi là ‘lịch sử,’ là một ký ức được chọn lọc tập thể, trừ bỏ nhiều hơn là bao gồm những sự thật của quá khứ. Borges đã nắm bắt được điều này qua câu nói nổi tiếng “chúng ta là ký ức của chính mình… là một bảo tàng huyền ảo chứa những dáng hình chuyển động, những mảnh gương vụn vỡ chồng chất. ” (“We are our memory, we are that chimerical museum of shifting shapes, that pile of broken mirrors.” – Jorge Luis Borges).
Nhận thức được khả năng ảo tưởng của trí nhớ cũng chính là nhận ra bản chất khó nắm bắt, hay thay hình đổi dạng, của ngay cả những sự thật mà chúng ta đinh ninh rằng mình đang nắm vững trong tay.
Gần một thế kỷ sau khi Nietzsche khuyến cáo rằng cái mà chúng ta gọi là sự thật là “một loạt các phép ẩn dụ, hoán dụ và nhân hóa… một tổng thể các mối quan hệ của nhân loại đã được tăng cường, thuyên chuyển và tô điểm một cách thơ mộng và hùng hồn,” nhà làm phim vĩ đại người Nhật Bản Akira Kurosawa (23/3/1910 – 6/9/1998) đã mang đến một phép ẩn dụ tinh tế cho bản chất của sự thật thông qua ký ức trung gian khó nắm bắt trong bộ phim Rashomon năm 1950. Bộ phim Rashomon dựa trên truyện ngắn “In a Grove” của Ryunosuke Akutagawa. Đây là một phim kinh dị tâm lý-triết học, có nội dung về một vụ án mạng của một samurai, qua lời kể của bốn nhân chứng, mỗi người kể lại một thực tế hoàn toàn khác nhau, lời kể của mỗi người đều có vẻ đáng tin, khiến cho mọi người hoang mang không biết đâu mới là chân tướng sự thật.
Nửa sau thế kỷ 20, khi các chuyên gia nghiên cứu bắt đầu làm sáng tỏ những điểm yếu của trí nhớ, tên của bộ phim Rashomon được dùng để đặt cho tính không đáng tin cậy của lời kể của các nhân chứng. ‘Hiệu ứng Rashomon’ tạo ra một bầu nghi ngờ tăm tối và ám ảnh bao trùm lên sự hiểu biết cơ bản của chúng ta về thực tại – xét cho cùng, chúng ta chỉ tồn tại với tư cách là nhân chứng trong cuộc sống của chính mình.
Tất cả những rắc rối về tâm lý học này phát sinh từ hạ tầng cơ sở của sinh lý học thần kinh cơ bản về cách ký ức hình thành và dao động trong não. Nhà thần kinh học Oliver Sacks đã khám phá điều này trong về chứng rối loạn trí nhớ trong cuốn sách cổ điển “The Man Who Mistook HisWife For A Hat: And Other Clinical Tales”. Hoặc quý vị có thể xem khoa học gia y sinh người Nam Phi Catharine Young giải thích trong một tập TED-Ed có tên: “How memories form and how we lose them.” (https://www.themarginalian.org/2021/06/29/rashomon-effect-memory/)
Nếu cảm thấy hứng thú về những điều kỳ diệu của ký ức, quý vị có thể thử tìm đọc cuốn Neurocomic – một cuốn tiểu thuyết hình ảnh (graphic novel) về cách thức hoạt động của trí óc; hay đọc bài viết “Chơi nhạc mang lại lợi ích cho bộ não hơn bất kỳ hoạt động nào khác” (https://www.themarginalian.org/2015/01/29/music-brain-ted-ed/); đọc lại các tác phẩm của Virginia Woolf để thấy cách ký ức chắp vá đời ta; xem ảnh của Sally Mann để thấy cách hình ảnh bóc tách ký ức thành những mảnh rời rạc; và đọc sách của nhà thần kinh học Suzanne Corkin để khám phá những bí ẩn kỳ diệu của ý thức trong trí nhớ.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “How Memory Makes Us and Breaks Truth: The Rashomon Effect and the Science of How Memories Form and Falter in the Brain” của Maria Popova, được đăng trên trang themarginalian.org.
Gửi ý kiến của bạn