Chuyện tình yêu muôn thuở

14/02/202307:22:00(Xem: 1370)
Truyện

IMG_4765

 

Tôi vừa đạp xe về tới cổng nhà, thấy chị Hạnh ngồi trước cửa nhà chị ấy khóc nức nở, đôi mắt sưng húp. Tôi bỏ xe vào sân rồi chạy qua bên chị:

 

– Lại bị ổng goánh nữa hả chị? Thôi vô nhà đi, còn trái cây gì chưa bán hết, em lấy nhe!

 

Tôi đưa chị vào nhà, bàn ghế chỏng chơ, lạnh lẽo, góc nhà là tủ kiếng bán trái cây của chị, còn sót vài miếng thơm (dứa) và tô muối ớt. Tôi lấy thơm, ngồi chấm muối ớt, ăn giùm chị, trong lúc chị dọn dẹp các thứ ngổn ngang trong nhà.

 

Chuyện vợ chồng Hạnh-Bằng cãi nhau, rồi goánh nhau (thực ra là chị bị goánh), rồi lại huề nhau vui vẻ “như chưa hề có cuộc… goánh nhau” xảy ra như cơm bữa, riết rồi trong con hẻm này, chẳng ai còn để ý nữa. Thỉnh thoảng, thấy chị la khóc, cũng có người chạy qua giải cứu, khuyên can, nhưng “được” cái, anh Bằng sau vài cú chưởng nhắm vào chị cho hả cơn say, thường lăn ra giường đánh môt giấc cho tới chiều tối, tỉnh dậy, rượu đã giải xong, chị lo cơm nước cho anh, anh lại … mắc cở nói vài lời xin lỗi, thế là… huề! Có khi, anh chẳng ngủ, mà bỏ nhà đi loanh quanh đâu đó trong xóm, ngủ nhờ nhà ba má anh gần đó, hoặc nhà bạn bè, chập tối mò về nhà, đâu lại vào đấy. Anh bảo, đó là con “ma rượu”, chớ lúc bình thường, anh còn đùa giỡn, lâu lâu ôm đờn, ca mấy câu bolero ngọt hơn đường phèn tặng “vợ yêu”.

 

Sau mỗi lần bị chồng đánh tơi bời đó chị Hạnh thường... e thẹn tâm sự với hàng xóm, may là chị đã đi thắt buồng trứng, chớ nếu không, mỗi lần huề là mỗi lần... sản xuất ra một đứa, nuôi sao cho xuể!

 

Chuyện tình yêu của anh chị khá đặc biệt, hổng được bình thường, vì chị lớn hơn anh cả chục tuổi, và họ đến với nhau sau khi cả hai đều đã trải qua một lần đò. Anh là người xóm tôi. Khi vào tuổi thanh niên, đến tuổi cập kê, anh là chàng trai đẹp trai, với cái miệng móm duyên, làn da nâu, mái tóc mềm, và đôi mắt đa tình biết nói. Anh làm công nhân trong một xí nghiệp gần nhà, và lấy vợ, cũng là một chị xinh đẹp trong xóm. Mà người ta bảo, tuổi trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, cái “tôi” quá lớn, nên hai vợ chồng đường ai nấy đi sau khi sinh được đứa con gái còn ẵm ngửa.

Sau đó, vợ anh mang con đi nơi khác, thỉnh thoảng mới về xóm. Anh chán nản một thời gian, tìm quên nơi các cuộc nhậu nhẹt, rồi đổi sang nghề lái xe đường dài, từ Sài Gòn về các tỉnh miền Đông, chở hàng cho các bạn hàng buôn bán.

 

Tại các chuyến đi này, anh gặp chị Hạnh, qua nhiều lần chở hàng, rồi anh đưa chị về xóm sống chung, lần lượt sinh được hai đứa con, cỡ 4-5 tuổi.

 

Lúc về xóm, anh chị ăn nhờ ở đậu bên nhà ba má của anh, rồi dọn qua mảnh đất trống sát bên nhà tôi (vốn là một nhà của một gia đình đi kinh tế mới, rồi bị đập phá tan hoang). Anh khéo tay, dựng một mái nhà lá, nhỏ bé nhưng ấm cúng, đúng kiểu “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Anh không chạy xe hàng nữa mà làm nghề tự do với bạn bè, còn chị bán tủ trái cây trước cửa nhà, được bà con lối xóm mua ủng hộ trong đó tôi là khách hàng quen thuộc nhứt, nên ngày nào chị bán cũng hết sạch.

 

Tôi vừa nhâm nhi thơm chấm muối ớt, hỏi chị:

 

– Ổng đi rồi hả chị, còn hai đứa nhỏ đâu?

 

– Tụi nó chạy qua bên nội chơi, còn ổng đi đâu thì kệ xác, chả quan tâm!

 

Câu này tôi nghe… quen quen, chắc cỡ… cả trăm lần rồi chớ chẳng phải ít, nhưng lần này nói xong, chị ngồi bên đầu giường, bật khóc. Tôi hốt hoảng:

 

– Chị có bị đau ở chỗ nào không, để em chạy về lấy chai dầu xanh?

 

– Thôi, thôi, chị không sao đâu! Chỉ thấy buồn và ân hận.

 

– Có hai mặt con rồi, ân hận gì chứ! Con Thuý Thằng Tí xinh xắn quá chừng. Hơn nữa, chị thừa biết ổng yêu vợ yêu con, chỉ có cái tật rượu chè rồi ngứa tay ngứa chưn thôi mà.

 

Chị quẹt nước mắt:

 

– Chị ân hận, với người chồng trước của chị kìa! Chị chưa kể cho bất cứ ai trong xóm này, nhưng hôm nay chị buồn quá, chị tâm sự cho riêng em thôi, em phải hứa giữ bí mật cho chị, đừng có rỉ tai cho ai, chị tin tưởng em lắm đó, hứa với chị nghen?!

 

Tôi còn bận nhai miếng thơm bự trong miệng, muối ớt cay làm tôi sặc nghẹn họng, chưa kịp nuốt để thú nhận với chị là tôi không dám hứa cái vụ  “giữ bí mật”, “đừng nói cho ai nghe”, tốt nhứt chị đừng kể ra, nhưng chị đã tuôn bầu tâm sự:

 

– Chị là người đàn bà bỏ chồng em ơi!! Chồng chị làm thợ may trong xóm, chị phụ chồng vắt sổ, đơm nút áo, cuộc sống không giàu có nhưng chẳng thiếu thốn gì, mà chỉ thiếu tiếng cười trẻ thơ. Anh thương chị và an ủi chị nhiều lắm. Chị đôi khi cũng thấy buồn vì không sanh được con cái, nên chị đi buôn trái cây cho khuây khoả và kiếm thêm thu nhập. Những chuyến đi, có khi cả tuần mới về, cuộc sống vẫn êm ấm hạnh phúc nơi xóm nhỏ vùng Hố Nai. Rồi chị gặp anh Bằng, ảnh vui tính, hay kể chuyện hài, làm các chuyến đi thêm vui nhộn. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén dù chị hơn ảnh nhiều tuổi. Trong một lần xe bị hư chờ sửa qua đêm, chị và anh Bằng đã vượt quá giới hạn, nhưng bất ngờ là chị được mang thai, điều chị mơ ước từ bấy lâu nay. Chị sung sướng, rối bời tâm tư, dự tính về khai thật với chồng, vì chị tin rằng chồng chị nhân hậu sẽ chấp nhận rồi cùng nuôi con, nhưng khi anh Bằng nghe tin chị có thai thì ảnh mừng rỡ tỏ tình với chị, rủ chị về đây, và chị đã ngã lòng ưng thuận. Chị không đủ can đảm nói lời chia tay với chồng, nên chị đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi.

 

– Trời! Thật vậy sao? Cũng tội chồng chị quá!

 

– Để chị kể hết tội của chị em ơi! Sau khi âm thầm soạn sẵn hành lý cho cuộc bỏ trốn, chồng chị không hề hay biết, vì chị dấu các túi đồ dưới các cần xế đựng hàng mỗi chuyến một ít. Hôm ấy, như thường lệ, trước một chuyến hàng, nhưng lần này chị làm một bữa cơm thịnh soạn ê hề cơm gà cá gỏi, mua thêm bia rượu, như là bữa ăn cuối cùng của tình nghĩa mười mấy năm chồng vợ đậm đà. Chồng chị vẫn vô tư ăn uống, rồi vào phòng nằm nghỉ, chị xách mấy cần xế bước ra khỏi nhà, gọi xe ba gác đưa ra ngã tư có xe anh Bằng đang chờ. Giây phút nhìn lại căn nhà lần cuối, nghĩ đến chuyện chồng chị sẽ mòn mỏi đợi chờ, để rồi không bao giờ thấy chị trở về mà chị nghẹn ngào, nhưng không hiểu sao, chị vẫn cất bước ra đi...

 

Kể tới đây, chị lại oà khóc to hơn, đôi vai rung lên từng hồi. Tôi ôm chị:

 

– Thôi chị! Mọi sự đã muộn rồi, chị chưa về thăm anh ấy lần nào ư?

 

– Chưa bao giờ!! Nhưng chị đã nhắn tin về cuộc sống hiện tại của chị, mong anh tha thứ và chị thật sự mong anh có gia đình mới, tốt đẹp hơn.

 

– Nhưng chị hạnh phúc với anh Bằng, chị yêu anh Bằng phải không ??

 

– Em thấy rồi đó, lúc tỉnh rượu, anh ấy là người rất dễ thương, chăm lo nhà cửa không chê vào đâu được! Nếu không yêu, chị theo ảnh về đây làm gì!

 

Ừa, cũng may mắn cho chị, vì thực lòng mà nói, sau cơn say anh Bằng là một con người khác, thân ái hoà đồng, khéo tay khéo chân giúp chòm xóm những việc lặt vặt, chưa kể tài “ca lẻ”, chiều chiều tối tối, khi gió mùa hây hây lạnh, ảnh ôm cây đờn guitare, ca mấy bản nhạc bolero, nhứt là nhạc Lính trước năm 1975 cả hẻm đều im lặng nằm trong nhà thưởng thức. Ừa, cũng may mắn cho chị, là khi anh lên cơn nóng, anh chỉ “nựng” chị vài chiêu, rồi bỏ đi, chớ nếu không, dám có án mạng đình đám như bên Mỹ năm nào, Brian Laundrie siết cổ bạn gái Gabrielle Petito, rồi một tháng sau đó bỏ đi tự tử bằng súng với thư tuyệt mệnh để lại, xác nhận mình đã giết người yêu trong cơn nóng giận khi hai người cãi nhau trong chuyến đi chơi Road Trip.

 

Đến nay, theo tin mới nhứt tôi vừa nhận được, anh Bằng đã qua đời vì bệnh, chị Hạnh không còn vất vả buôn bán như xưa, tuy chẳng giàu có gì nhưng an bình bên con, cháu. Vì tôi chưa bao giờ thề hứa với chị "hổng rỉ tai cho ai nghe", nên hôm nay tôi đem câu chuyện này... đăng báo cho mọi người cùng đọc, như muôn thuở chuyện tình yêu muôn màu muôn mặt của thế nhân, cho mùa Valentines, mùa Tình Yêu!

 

– Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
Ngày 12 tháng 3 vừa qua, tác giả Trần Viết Ngạc vừa ra mắt cuốn sách "Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” tại Vườn Ý Thảo (số 3 Thạch Hãn, TP. Huế).
Thơ của các nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lưu Diệu Vân, Trần Hạ Vi, Trần Hoàng Vy.
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Luật sư biện hộ cho đây là do bệnh tâm thần gây nên. Có cách nào khác để giải thích cuộc mưu sát kỳ lạ này không?
Ông Bà Ly là tên mà gia đình chúng tôi nhắc đến người bảo trợ ở thành phố Perth khi nói chuyện với nhau, gọi bằng tiếng Việt cho dễ và thân mật. Tên thật của ông bà là Colin Russell và Meg Leith. Gia đình chúng tôi được chấp nhận cho đi định cư ở Úc và đến Perth, thủ phủ của tiểu bang Tây Úc vào mùa đông năm 1980...
Thơ của Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung
Buổi sáng cuối tuần, tôi vừa mở facebook thấy liền mấy cái friend requests trong đó có một tên khiến tôi phải dừng lại: BS Hoàng Hùng. Cái tên rất đặc biệt khó quên cho dù bao nhiêu năm đã trôi qua. Tôi liền vào xem profile, và đúng như trí nhớ của tôi, đó chính là người đã từng “thoáng qua đời tôi”...
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Anh - một tình yêu khái niệm | Chiều nhuốm chiều | Em nhuốm anh...
Mẹ tôi kể rằng ngày mẹ tôi còn thơ ấu, ở tận miền quê xa xôi, huyện Đông Anh hay Đông An gì đó thuộc tỉnh Thái Bình của bà, có một cây nhãn cổ thụ, cành lá sum suê râm mát, cây nhãn ngự trị nguyên một góc vườn lớn, độc lập, thoải mái, không chung đụng với một cây nào khác...
Thầy THÍCH PHÁP HÒA sẽ có buổi thuyết pháp tại chùa Bảo Quang vào thứ bẩy ngày 22 tháng 4 năm 2023, lúc 2 giờ chiều
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.