Cổ tay em tròn như đẵn mía
Anh về thèm ngọt đến trăm năm
(Bùi Giáng)
Tôi chăm chú sửa sang hồ sơ. Đổi màu các đường biểu diễn, thay đổi khổ chữ, kiểu chữ để người đọc có thể nhận thấy ngay trọng tâm của bài thuyết trình. Suốt mấy tuần nay, nhóm controller tụi tôi, chạy lui tới như những con lật đật. Trước mặt mỗi đứa, dán tờ lịch tổ tướng của tháng chín và tháng mười. Tháng chín đã là những cảm hứng cho nhạc sĩ Tuấn Khanh viết Tháng Chín Dòng Sông. Tháng mười cũng ướt át trong nhạc phẩm quen tai Bây giờ là tháng mười sao vẫn còn mưa rơi. Mấy tháng cuối năm của thiên hạ sao trữ tình, thơ nhạc lai láng. Vậy mà, bây giờ, trời có mưa rào, mưa dầm, mưa phùn, mưa ngâu chi tôi cũng chẳng biết. Mắt cứ dính sát vào màn ảnh. Là thành viên của Ban Kiểm Tra và Kế Hoạch, từ tháng Chín cho đến ra Giêng năm sau, là bù đầu, bù cổ với dự tính cho năm tới và tổng kết tài chánh năm nay. Là lên lịch kế hoạch làm ăn gì trong năm. Là thảo luận sôi nổi những chương trình cho tương lai gần. Là những phép toán, dù đơn giản cộng trừ nhân chia, nối liền những biểu đồ chạy ngang, chạy dọc cho những toan tính đường xa.
Trước đây, tôi đi dự hội thảo về những phương pháp làm việc có hiệu quả cao. Học nhiều mẹo vặt, ví dụ như không mở hộp điện thư để tránh bị phân tâm. Tôi thử, nhưng xem ra chẳng hiệu nghiệm. Chỉ sau một tiếng đồng hồ gởi thư đi, người nhận không trả lời mà cũng không có báo hiệu vắng mặt, là người gởi điện thoại ơi ới. Đồng nghiệp bảo rằng gấp lắm, vội lắm. Nếu không giải quyết ngay, chúng ta sẽ mất một thương vụ then chốt với khách hàng quan trọng này vân vân và vân vân. Cho nên bây giờ tôi không thể xài mẹo này đuợc. Tôi vẫn cứ đôi phút liếc mắt nơi góc phải của màn ảnh báo tin có thư đến. Đa số thư hay kèm chữ “khẩn cấp”. Tôi đã nhiều lần nói nửa đùa, nửa thật với đồng nghiệp rằng, nếu quí vị cứ lạm dụng chữ urgent, tôi sẽ trung hòa hóa, là ráng chịu đấy nhá. Dần dà, tôi cũng biết tính đồng nghiệp. Có những thư dù có kèm chữ gấp gấp, tôi cứ để ngồi chơi xơi nước trong hộp thư một hai ngày, chẳng nghe ai la làng, la xóm, rằng sao chưa thấy hồi âm. Có những thư chỉ một chữ gấp. Nhưng tôi biết gấp thiệt, phải lo thu xếp trả lời. Ngoài ra, boss của tôi, chẳng thư, chẳng gọi, ông dẫn xác lù lù đến bàn của tôi. Ông chẳng thèm ngắm ngang, nghía dọc mấy chậu lan đẹp tuyệt vời tôi trưng trên kệ tủ, mà chỉ thảy ra một mớ giấy chi chít những số và số:
– Này Thi, cô vui lòng bổ sung thêm hai trang, trình bày về phát triển tín dụng của tất cả các thị trường nhé. Được chứ. Is it okay?
Tôi nghĩ thầm, vui lòng hổng nổi, mà cũng phải “ô kê” chớ bộ ổng nghĩ là tôi có câu trả lời nào khác sao. Tôi phải ngậm bồ hòn làm ngọt chớ. Đi làm phải nghe quá nhiều lần chữ okay, tôi đâm ra dị ứng với chữ này. Tôi nhắc con tôi, trả lời tôi, nói được hay không, chớ đừng bày đặt nói ô kê, bạch kê, gà đen, gà trắng, tôi dễ quạu lắm.
– Vâng, được. Nhưng tôi cần ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
– Tốt quá, cám ơn Thi nhiều.
Ông quay đi, rồi đứng lại:
– Cô muốn ăn lúc mấy giờ?
Tôi ngạc nhiên không hiểu.
– Ăn? Mấy giờ?
– Để tôi nhờ Sandra gọi đặt pizza cho mọi người đó mà.
Tôi chợt hiểu, trả lời dễ dãi:
– Ai sao, tôi vậy.
Bây giờ đã gần sáu giờ chiều, tôi ngó qua tả binh, hữu binh, thượng sĩ, binh nhì chi cũng đang chăm chú trước màn hình, đang vật lộn với powerpoint, với excel, với SAP, ABS. Thì vừa gặm pizza, vừa điều chỉnh con chuột cho đến chín mười giờ đêm, xem ra, quả là đi sâu, đi sát “thực tế lao động”.
Boss hành trang đi họp ở tổng hành dinh bên Luân Đôn. Đám lính chúng tôi lúc nào cũng kè kè cái laptop như vật bất ly thân. Điện thoại di động cứ thoải mái réo, bất kể bình minh hay hoàng hôn. Đúng là cưới hãng. Tôi than thở như vậy với tên đồng nghiệp phòng kế toán. Hắn phân bì:
– Ít ra bồ tèo cũng cưới được phần “xịn” của hãng, có laptop vóc dáng như con chuột, sức làm việc như con trâu.
Hai thẻ điện thoại di động, một thẻ gắn vào cái điện thoại đời mới nhất của hãng. Thẻ kia xài cho laptop, để bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào cũng có thể vào hệ thống lấy thông tin, thay đổi cập nhật và hồi âm những bức thư nặng ký với lời nhắn nhủ trả lời càng sớm càng tốt.
Có những tuần, thời khóa biểu của tôi đúng nghĩa từ tám giờ sáng đến tám giờ tối. Mùa đông nơi đây kéo dài cả nửa năm. Tám giờ sáng, mặt trời còn ươn ái, chưa buồn ló dạng. Người quấn năm bảy lớp, đi khệnh khạng như con chim cánh cụt. Tôi đội nón, quấn khăn, xông pha mưa gió. 8 giờ tối, vội vội, vàng vàng, lùi lũi chạy ra trạm xe. Xuống xe, tôi sải chân bước vội băng qua khoảnh vườn chung của khu nhà chúng tôi. Dù không phải là phố nghèo, nhưng có những đoạn cũng hắt hiu vàng ánh điện, buồn lắm. Đôi lúc cắm cúi đi, tôi cảm thấy chút chút ngán ngẩm. Nhưng tôi sợ hơn cả là những buổi tối đi ăn “nghĩa vụ”, nôm na là team dinner.
Những buổi gặp gỡ get together với đồng nghiệp có nhiều tầm cỡ khác nhau. Từ những bữa ăn chỉ có ba bốn mống đi với nhau, ai ăn, nấy trả tiền. Có những gặp gỡ theo mùa, khi uống bia mùa hè ngoài vườn Biergarten, lúc uống Glühwein, loại rượu đỏ ấm, đặc biệt ở chợ Giáng Sinh trong mùa vọng. Tôi khó lòng từ chối tham gia, nếu không có lý do chính đáng. Ngại, sẽ bị bạn đồng nghiệp nói mình không hoà đồng. Lo, mình có thể trở thành lạc hậu, vì hụt những tin hành lang nóng bỏng về công việc của hãng được chuyền tai trong những dịp đó. Vậy, nên cứ phải có mặt trên bốn vùng chiến thuật.
Sau mấy ngày dài làm việc mờ cả mắt với tổng kết quý một, cả nhóm thở phào khi report đã được chấp thuận. Một cô trong nhóm đề nghị đi nhậu nhẹt lai rai, để mừng trút đi những ngày làm việc căng thẳng. Hẹn nhau ở một Irish Pub. Thật lòng, tôi chẳng muốn đi chút nào. Ngày hơn tám tiếng quay mòng mòng với các con số, các biểu đồ, tôi mong chiều tối về nhà, ăn cơm chung cả nhà. Cùng với con xem chương trình tin tức tổng hợp đặc biệt. Vào hộp thư xem có bạn bè có gởi dăm ba chuyện cười nhảm nhí gì không. Thỉnh thoảng, lang thang đi chợ trong… thị trường chứng khoán. Rồi rửa chén, giặt giũ. Săm soi mấy chậu hoa. Dí mũi đọc ngấu nghiến những sách báo tạp chí và đều đặn “luyện” chưởng. Vậy là cũng xong một buổi tối êm ả, đủ “nạp” nhiên liệu cho ngày hôm sau có sức đi cày. Tuy tiếc buổi tối của một ngày như mọi ngày, tôi vờ hoan nghênh lời đề nghị rủ nhau đi ăn uống với đồng nghiệp. Rồi dọn dẹp quang gánh, để “liên hoan” bất đắc dĩ.
Khi người tiếp viên đến hỏi uống gì, tôi chưa chuẩn bị tinh thần. Không lẽ vào quán bia mà gọi nước trái cây hay trà xanh. Anh bạn đồng nghiệp gọi ly Guinness. Thế là tôi rất tỉnh, hô to:
– Cho tôi một Guinness.
Mà tôi nào có biết Guinness mặt tròn, mặt méo ra sao đâu. Hình như là một loại bia đen đặc biệt của Ái Nhĩ Lan, tuổi đời hơn tôi năm sáu lần thì phải. Khi đặt món ăn, trên thực đơn tôi chỉ đọc được mỗi món Mexican Basket, in chữ to hơn, chắc hẳn là món đặc sản của tiệm. Thêm dòng chữ dưới, có lẽ diễn tả, gồm có những gì trong đó. Tôi có đọc được đâu, chỉ thấy dòng chữ li ti. Tôi tần ngần, định lấy cái kính đọc sách trong ví ra để nghiên cứu kỹ càng. Rồi bỏ ý định, sợ đám bạn đồng nghiệp thắc mắc chức năng của mắt kính. Tôi đành dõng dạc:
– Cho tôi 1 Mexican Basket.
Bồi bàn mang phần ăn của tôi ra. Đúng là cái rổ, không chối cãi vào đâu được. Trong rổ lổn ngổn mấy món chiên, nồng nặc mùi dầu. Có đôi cuốn tròn tròn dài dài, rất dáng dấp chả giò Việt Nam. Sau mấy ngụm Guinness đắng nghét, tôi nhón lấy “cuốn chả giò”. Tôi nhận ra ngay, chỉ vị dầu chiên là chung hương vị của chả giò. Còn lại, lổm cổm đậu, khoai tây, và những gia vị tôi không thể nhận ra. Không chừng, người Mễ Tây Cơ chưa ăn món này bao giờ. Tôi rất thảo ăn, chuyền rổ cho mấy bạn cùng bàn, mời dùng thử. Sau đó, tôi dốc tâm, dốc sức thử mỗi món, cho trí tưởng tượng bay nhảy. Cục phô mai lăn bột chiên là nem nướng. Miếng khoai tây chiên là chạo tôm. Mấy rẻo xà lách trong nước sốt beo béo là gỏi gà. Đầu óc “sáng tạo” như vậy đó, mà tôi chỉ trị chưa tới phân nửa phần ăn. Cái thúng Mễ Tây Cơ này ngó bộ giống nồi cơm Thạch Sanh. Ăn bao nhiêu rồi, rổ vẫn không lưng được. Thôi kệ, lát nữa khi người tiếp viên đến dọn bàn, thể nào cũng quen miệng hỏi:
– Cô ăn ngon không?
Tôi sẽ đáp lại một câu, vẫn hay dùng để biện hộ cho phần ăn còn thừa trên dĩa:
– Ngon lắm, nhưng hơi nhiều đối với tôi.
Đâu ai kiểm chứng xem tôi có thiệt lòng hay không? Cái rổ đó mà đựng bò bía, gỏi cuốn, thì tôi có thể cắt nghĩa cho người không phải Việt, thành ngữ ăn như rồng cuốn là thế nào. Coi như xong nghĩa vụ. Chẳng ai có lý do than phiền rằng tôi xa cách, xé lẻ.
*
Xếp lớn của tôi thuộc tuýp chơi thanh lịch, ăn đài các. Thấy tụi tôi lao tâm, lao lực dữ quá, ông bảo chọn hai ngày cả nhóm dẫn nhau đi trượt tuyết. Quanh Munich, biết bao đồi núi, chạy thêm một chút, qua Áo, hướng Salzburg, tha hồ chọn lựa. Ông diễn tả, này nhé, khi trượt từ trên cao xuống, trong không khí lạnh của tuyết trên núi cao. Nếu thời tiết tốt, có trời xanh, có ánh nắng. Tuyệt diệu. Bảo đảm quí vị sẽ quên phắt đi những chỉ tiêu, dự đoán. Hoàn toàn thoải mái, thư giãn. Ông gật gù cười cười với tôi:
– Tin tôi đi, sẽ là hai ngày hứa hẹn bù đắp cho mấy tuần lễ qua.
Tôi nói nhỏ:
– Kìa Mike, tôi không có khái niệm gì về trượt tuyết.
Chẳng lẽ tôi kể cho ông nghe rằng, tự đó đến giờ, tôi chỉ thấy người ta trượt tuyết trên ti– vi. Còn những “giao lưu” của tôi với tuyết chẳng mặn mà tí nào. Là những ngày lội tuyết ra trạm xe, đứng chờ xe, phải chạy tới, chạy lui cho đỡ lạnh, đỡ bị cóng chân. Và trượt, là trợt té, là chụp ếch đo đường. May, đôi lần trượt bất đắc dĩ, tuyết cũng nhiều, không ê ẩm, vì nhờ mặc nhiều lớp áo quần, nên coi như có phòng chống. Xếp tôi hứa hẹn:
– Yên tâm, tôi tìm cho Thi một ông thầy dạy trượt tuyết.
Ông ngừng một chút, nháy nháy mắt:
– Một chàng đẹp trai, a good-looking man.
Khi chuẩn bị lên lịch, trong nhóm có hai ông đồng nghiệp khác, bỗng nổi máu chướng, bảo ngại, bởi vì chơi tuyết rất dở. Xếp có lẽ lo lắng, không tìm được hai cô giáo đẹp gái cho hai người này, nên cuối cùng chuyển mục trượt tuyết thành đi nếm rượu.
Tôi nghe Richard trầm trồ, tiệm rượu này không lớn, nhưng thuộc hàng cao cấp có hạng của thành phố này, nằm ở Haidhausen, một khu phố nho nhỏ, dễ thương của Munich. Đến nơi, chúng tôi được đưa xuống hầm rượu. Dãy bàn dài, tám người chúng tôi và ông chủ xị. Trước mặt mỗi người lủ khủ bao nhiêu là ly. Ông chủ xị, có mái tóc của người Ý, trau chuốt, trai lơ. Nói tiếng Anh với âm giọng Pháp. Ông kể một hồi, tôi mới biết ông là Đức chính hiệu. Bắt đầu đường công danh bằng chạy bồi, rồi đứng quầy rót rượu. Đi làm khắp Âu Châu. Cuối cùng về Đức, mở hai ba nhà hàng không lớn, nhưng rất kén khách. Xếp của tôi là khách hàng đặc biệt lắm, ông mới đích thân ngồi bồi tiếp. Đèn trong hầm rượu ấm cúng, tức là mờ mờ. Đối với cặp mắt bắt đầu nghe gió heo may đã về của tôi, loại ánh sáng này đúng là… thiện tai, thiện tai. Ông giới thiệu loại rượu, rót rượu cho mọi người. Ông ngậm rượu rồi phân tích và chuyền chai cho mọi người xem. Dù ông đã giới thiệu rượu làm năm nào, nho trồng của mùa vụ nào. Nhưng tôi cứ như vịt nghe sấm. Chẳng thể giữ nổi trong trí, mùa nho năm này nhiều nắng, năm kia lắm mưa, nên rượu có vị như thế này, thế nọ. Cầm chai rượu trên tay, cũng chẳng giúp tôi gì hơn. Đèn quá mờ, tôi lại mắc cỡ không dám đem mục kỉnh ra xài. Chỉ thấy đám chữ dính chùm, dính lũ vào nhau. Tôi đành làm người trầm lặng, chuyền chai tiếp cho người bên cạnh. Không dám có lời bàn nào, dù là lời bàn ba phải, huề vốn. Tôi làm đủ mọi thao tác như ông chủ xị hướng dẫn. Cũng ngửi rượu, ngắm rượu, nghe rượu, cảm rượu, rồi cuối cùng mới nuốt ực xuống. Hơn tám giờ tối, người ta mới dọn món khai vị, hai ba lát thịt bò lành lạnh mỏng dính. Vài ba cọng rau vị hăng hăng, the the đi kèm. Dao nĩa rình rang. Phải chi, lát thịt được chút đậm đà của bò khô, nai khô quê nhà cho tôi phá mồi thì đỡ biết mấy. Có lần trong bàn ăn bạn bè, cô bạn kể chuyện, con cò rủ con chuột vượt biển tìm vùng đất hứa. Cò kẹp chuột rồi bay. Dọc đường sơ sảy thế nào. Chuột rơi tòm xuống nước. Cò ráng gắp, nhưng trật vuột mãi. Cuối cùng cò gắp được chuột, nhưng chuột đã phải ních một bụng nước. Chuột bực quá gắt inh ỏi, chú mày cắm đầu gắp thế nào, mà ông đây uống gần chết. Thường trong những lần họp mặt bạn bè, tôi rất thích làm con cò, siêng năng gắp, mặc cho ai thích làm thân chuột. Ôi chào, ở bàn nhậu này có món gì đâu cho tôi gắp. Còn những người khác, muốn uống hơn cũng không được. Nửa tiếng đồng hồ sau, lại thêm một món cũng khai vị, trông tròn tròn như bánh kem, nằm khiêm tốn một góc, với vài cọng rau mùi trang trí chung quanh. Ông chủ xị vẫn thao thao giảng giải về ông Robert Parker nào đó. Ngày xưa là luật sư, đi làm đã đời, bỏ nghề thầy cãi, phóng bút viết về rượu. Ông nếm rượu, cho điểm, từ 50 điểm đến 100 điểm. Hiệu rượu nào được ông cho cao điểm, giá cả tăng vọt như phi thuyền phóng lên không gian. Ông chủ xị tiếp tục rót rượu. Mọi người trầm trồ xuýt xoa khen ngon. Tôi cứ ngay ngáy lo, ông chủ xị hỏi tôi thích loại nào. Chắc tôi sẽ lúng búng câu trả lời, chẳng ai hiểu mà tôi cũng không hiểu nốt. Với tôi bây giờ, đúng thiệt, cả ẩm lẫn thực đều bất tri kỳ vị. Tôi cố nén những cơn ngáp. Tưởng như đang ngồi trong lớp vào những giờ chính trị nhàm chán khô khan thuở sinh viên ở quê nhà. Thời gian sống nơi xứ người đã dài hơn những năm tháng tôi trải qua ở Việt Nam. Thời gian tôi sinh hoạt với đồng nghiệp chắc chắn vượt hẳn những giờ giấc quý giá, hiếm hoi tôi có thể đùm túm với những bạn bè đồng hương. Cũng chẳng thể đổ tội cho trở ngại ngôn ngữ. Tiếng Anh, tiếng Đức tôi có rủng rỉnh trong túi xem ra dư xài. Vậy mà tôi luôn cảm thấy thiêu thiếu những điều nào đó, thật mơ hồ nhưng rất cần thiết. Không biết làm gì, tôi đưa tay vọc vọc dây đồng hồ. Marcel bỗng nói:
– Cổ tay của Thi gặp vấn đề với dây đồng hồ há!
Tôi cười cười:
– Không, ngược lại chứ. Dây đồng hồ gặp rắc rối chứ không phải tôi.
Barbara góp chuyện:
– Cổ tay của Thi nhỏ nhưng mà tròn. Mình thấy ngồ ngộ.
Tôi chống tay lên bàn, cười, gục gặc, như thể xác nhận cái sự ngồ ngộ dễ thương của cổ tay mình. Chợt nhớ câu thơ người bạn xưa ngâm nga: Cổ tay em tròn như đẵn mía, anh về thèm ngọt hết mấy năm. Cổ tay tôi, dường như không phụ thuộc vào thăng trầm của trọng lượng cơ thể, lúc nào cũng có chút hình dáng của lóng mía. Không biết mấy năm của bạn xưa là mấy năm nhỉ. Ly rượu tôi đang uống thử đây có thể được 80, 90 điểm của ông Parker, nhưng sao nhạt quá. Chao ơi, tự dưng tôi thèm ly nước mía dễ sợ.
– Hoàng Quân
Ghi thêm:
Ngày lễ tình yêu năm nọ, đọc bài thơ Đôi Ta của thi sĩ Trần Mộng Tú, tôi đã ngẩn ngơ thật lâu và nhớ đến “Mía” của tôi. Thắc mắc của tôi sau nhiều năm, xem như có câu trả lời. Thi sĩ Bùi Giáng, tác giả câu thơ Mía bảo rằng:
Cổ tay em tròn như đẵn mía
Anh về thèm ngọt đến trăm năm
Tôi lại vẩn vơ nghĩ tiếp, bạn xưa của tôi có trí nhớ tốt như thi sĩ Bùi Giáng không nhỉ?
Trích lời ca trong nhạc phẩm:
Sao Vẫn Còn Mưa Rơi của nhạc sĩ Đức Huy.