Cổ nhân nói rằng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Nhưng đổi sang góc cạnh khác: “Biết ta biết người, trăm trận trăm thua.” Góc cạnh nào đây?
Đó là góc cạnh tự thú. Tự thú có thể được khen là thành thật, can đảm, nhưng người nghe không bao giờ quên những điều xấu. Ví dụ như, tự thú mình có tính ăn cắp vặt. Sau khi ca ngợi, từ đó, nếu đến nhà ai chơi, họ sẽ theo dõi, canh phòng. Vì vậy, ít ai muốn tự thú.
Nhưng theo đúng tôn chỉ Khổng Mạnh, muốn nói chuyện xấu của người khác, thì phải thấy chuyện xấu của mình. Thế thì, tôi xin tự thú.
Người Nói Nhiều.
Ai quen gặp tôi đều biết tôi nói nhiều, quá nhiều. Lại thích uống rượu, nhiều rượu. Rượu vào lời ra. Nói càng nhiều hơn. Rồi giờ đây, bắt đầu điếc tai, không nghe, nghe không rõ, càng nói ghê gớm hơn nữa và lớn tiếng, gần giống như đàn áp công luận.
Tôi chắc rằng bạn đọc đã từng gặp nhiều lần, những người nói không chịu chấm dứt. Và chúng ta thường ca tụng, ngưỡng mộ những ai ra đám đông lầm lầm lì lì không nói gì hoặc cạy miệng mới nói. Trước hết, Xin phân tích hiện tượng này:
Người ít nói chia làm ba loại: 1- Người sinh ra có tính ít nói. 2- Người hiểu biết sâu rộng, thâm trầm không muốn nói. 3- Người không biết gì sợ không dám nói.
Người nói nhiều cũng chia làm ba loại: 1- Người có tính nói nhiều. 2- Người hiểu biết nhiều muốn truyền bá những gì đã biết. 3- Người không biết nhiều nhưng có động cơ nổ. Đối với họ, nói là nhu cầu để chứng minh sự nổi bật .
Dù sao, nói nhiều chủ yếu là khoe trương và giành phần thắng lợi. Cứ tưởng tượng, tập trung nhiều người nói nhiều vào một căn nhà, chuyện gì sẽ xảy ra? Một người bạn ngoại quốc lần đầu tiên đi dự đám cưới người Việt, đã hỏi tôi, chắc các bạn bất đồng ý kiến về cô dâu chú rễ phải không? Một người bạn Mỹ khác đi dự đám giỗ, nói với tôi, người Việt các anh cũng lạ thật, ngày nhớ thương người chết không thấy họ buồn, mà thấy họ giận dữ. Nói to, nói lớn tiếng, tranh nhau nói là đặc tính của người nói nhiều.
Các nhà tâm lý viết nhiều bài báo để hướng dẫn, làm sao để biết mình là người nói nhiều. Thật là vô ích. Muốn biết mình có nói nhiều hay không? Cứ hỏi vợ hoặc chồng thì biết rõ. Nếu còn độc thân, vào đám đông huyên thiên, thấy tình nhân nhăn mặt thì hiểu. Muốn biết mình nói nhiều đến mức độ nào, cứ để ý: tính thời giờ từ khi mình bắt đầu trò chuyện cho đến khi đám người xung quanh nhẹ nhàng bỏ đi. Thời giờ càng ngắn, có nghĩa mình nói càng nhiều, càng ở mức độ cao cấp.
Nói nhiều thì không phạm pháp nhưng có tội với bản thân và những người bị nghe.
Nhưng nói thế nào gọi là nhiều?
“Nói nhiều” hầu như có nghĩa khác nhau tùy theo mỗi người. Có người thích nghe chuyện dài. Có người chỉ muốn nghe ngắn gọn. Có người nói rề rà, chậm rãi. Có người nói nhanh như ăn cướp. Vì vậy, độ ngắn dài và thời gian không thể đo lường ý nghĩa “nói nhiều”.
Nhà tâm lý định nghĩa rằng: “Nói nhiều” là khi lời nói gây áp lực cho người nghe, nói khó ngừng lại, lấn người khác nói, gia tăng độ nói lớn, gia tăng tốc độ nói nhanh, và người nói mất quyền kiểm soát lời đang nói.
Một cách nhận định khác về “nói nhiều” là “nói dư thừa”. Khoa tâm lý phân biệt hai loại người: Loại người hướng nội (introvert) sau khi nói thường dừng lại, thu thập ý nghĩ, dữ liệu trong im lặng trước khi tiếp tục nói. Trong khi loại người hướng ngoại (extrovert) vừa nói vừa suy nghĩ thành tiếng, (tự động những hình ảnh suy nghĩ trong đầu phát nên tiếng nói,) do đó, họ nói liên tục và nói dư thừa.
Một khía cạnh khác cần quan tâm và chia sẻ:
Nói nhiều thường xuất phát từ những mối quan tâm về xã hội, như trường hợp phá thai. Hoặc những suy nghĩ, sở thích về chính trị, như giai đoạn pro-trump và anti-trump. Những lúc này, nói nhiều vì sự phản hồi phức tạp của vấn đề.
Người này nói, người kia cãi, người nọ thuyết phục. Mọi người càng nói nhiều, họ càng lo lắng về bản thân và vấn đề xã hội-chính trị khiến họ càng nói nhiều hơn. Tại thời điểm đó, nói quá nhiều có thể cảm thấy giống như một thói quen không thể kiểm soát. Nhiều người trong chúng ta thỉnh thoảng nói rất nhiều, nhưng không phải thuộc loại nói nhiều thường trực. Sự kiện này bình thường. Chỉ không bình thường khi họ ghét nhau, ẩu đả, hoặc từ biệt vĩnh viễn vì nói khác ý nhau.
Nói là nhu cầu tâm lý về giao tiếp và thông cảm, như đường hai chiều. Nói nhiều là đường một chiều.
Làm Sao Để Bớt Nói Nhiều?
1. Người ta có thể vừa nói vừa nghe, chưa nghe xong đã nói. Việc đầu tiên của người nói nhiều là tập lắng nghe. Chờ người khác nói xong, hãy lên tiếng. Hoặc tốt hơn, đặt câu hỏi với người nghe và nghe họ trả lời.
2. Tập đặt câu hỏi thay vì trình bày vấn đề, vì câu hỏi luôn luôn ngắn hơn câu trả lời. Nhưng nên khéo léo đừng đặt câu hỏi trực tiếp với những người nói nhiều, đang chờ nói.
3. Tập theo dõi ngôn ngữ của thân thể những người đang nói. Sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị. Như một người đang hùng hổ thuyết phục, nhưng bàn chân hoặc ngón tay cho biết họ đang bất an. Làm sao để biết họ nói dối, hãy nhìn cổ họng, nuốt nước miếng nhiều, dấu hiệu không nói đúng sự thật.
4. Chấp nhận những khoảng trống không ai nói gì. Thường khi, sự im lặng gây ra khó chịu hoặc cảm giác thiếu lịch sự. Hãy nhớ rằng, mình không có nghĩa vụ giúp vui, ngoài trừ khi đóng vai chủ nhà cần giải trí cho khách.
5. Tập không nói leo khi người khác đang nói. Giữ khoảng cách im lặng giữa lúc mình nói lần này và lần sau, càng dài mình càng thành công.
6. Nếu biết trước sẽ đi đâu, gặp ai, nên chuẩn bị một số đề tài để người khác nói và những câu hỏi để mình có thể nghe mà không mau chán.
7. Tập chấm dứt nửa chừng, đi đến kết luận những gì đang nói khi nhìn thấy ánh mắt, bộ điệu người nghe muốn bỏ đi.
8. Nói nhiều có thể trở thành bệnh nói không ngừng, có khả năng trở thành tật, nói liên miên nhiều điều vô nghĩa. Ở giai đoạn này, có lẽ phải cần sự giúp đỡ của bác sĩ.
Nói nhiều tựu trung là muốn người khác để ý, công nhận mình về tài năng hoặc một việc làm nào đó; nói nhiều đa số là muốn thuyết phục người khác. Những lối nói nhiều này có khả năng sửa chữa được. Nhưng nói nhiều vì chỉ thích nói nhiều, vô cùng khó chữa.
Những lời khuyên bên trên của nhà tâm lý David A. Morin trong SocialSelf, không phải dễ thực tập. Tôi nghĩ ra một cách khác. Nói đương nhiên phải mở miệng. Nếu ở nhà mà nói nhiều, lấy băng keo dán miệng lại. Tuy nghe tức cười, có vẻ giễu, nhưng vô cùng hữu hiệu. Sau một thời gian, sẽ quen với im lặng.
Nếu đi ra đường, tôi mua một ống vố (tẩu thuốc), nặng một chút, dù đã bỏ hút thuốc lâu ngày. Khi ngậm cống vố trong miệng thì không thể nói vì ống vố sẽ rớt. Cũng có nghĩa, ống vố sẽ rớt nhiều lần cho đến khi quen, không mở miệng nhiều nữa.Nhưng rồi, chuyện đời đâu phải dễ nuốt. Tính tôi hay quên, liên tục mất ống vố, mua hoài tốn tiền. Hơn nửa, uống nhiều rượu vào, thì ống vố đi đường ống vố, nói đi theo miệng. Phương pháp này, có lẽ, thích hợp cho người uống nước trà hay nước lạnh. Cũng có thể vì lý do này mà nhiều người nhai kẹo cao su.
Phụ nữ nói nhiều thì khó tự chữa hơn vì bờ môi là nơi đẹp đẽ, không thể ngậm cây tăm, ống vố, hoặc bất kỳ thứ gì thường trực. Nơi đó, linh thiêng để nhìn ngắm. Như không thể để cây chổi chà trước cửa nhà thờ. Vì vậy, chỉ còn cách tập cười, mỉm chi, nhẹ nhàng, đang cười thì không thể nói.
Phụ nữ nên tập phân biệt sự sự thích thú của đàn ông khi họ nghe mình nói. Đa số trường hợp, họ theo dõi sức duyên dáng trên hai vành môi mềm mại, hơn là nghe nội dung câu chuyện.
Gặp Người Thứ Gì Cũng Biết.
Có lẽ, hầu hết chúng ta đều đã gặp loại người cực đoan này, ít nhất, vài lần trong đời, nếu không muốn nói là thường xuyên. Họ chẳng những nói nhiều và luôn luôn tự động cho rằng, họ có mọi câu trả lời cho mọi trường hợp, mọi vấn đề, mọi câu hỏi. Thứ gì họ cũng biết, kể cả những gì không biết. Và họ nói rất hăng say, rất thuyết phục, và rất duyên dáng cho đến khi người nghe chịu hết nổi.
Người Mỹ gọi họ là “know-it-alls”, nhưng không hay bằng người Việt, cụm từ “chém gió” vừa ẩn dụ văn chương vừa thực tế chính xác. Không thấy gió mà vẫn chém, chẳng phải là nói bừa bãi hay sao?
Jouy Youell trong “betterhelp” số ngày 5 tháng 10 năm 2022, viết: “Những người này có xu hướng phán xét, khắc nghiệt và hống hách. Họ thường tiếp nhận các cuộc trò chuyện và tự chúc mừng khi họ tỏ ra khôn ngoan hơn bạn. Điều khó khăn là đôi khi bạn không thể tránh được những người này hoàn toàn. Nếu bạn phải làm việc với những người có những đặc tính này, bạn bắt buộc phải giao tiếp với họ, bất kể hành vi của họ có gây bực bội đến đâu. Nhưng may mắn, đã có nhiều cách để đối phó với những người này mà không ảnh hưởng đến giá trị và lợi ích của chính bạn.”
Tác giả Darioux Foroux, viết về loại người này, ông nhận xét: “Thật là buồn cười. Một số người luôn muốn chứng minh họ thông minh hoặc hiểu biết như thế nào. Họ tận dụng mọi cơ hội để cho mọi người biết rằng họ đã biết điều gì đó.
Vấn đề ở đây là gì? Bạn không thể chỉ gật đầu và nói đồng ý? Không. “Biết-tất-cả” luôn có điều gì đó để nói. Ngoài ra, họ không bao giờ sai. Bạn có thể tưởng tượng? Một người biết tất cả tự cho rằng họ đã sai lầm? Không thể có chuyện này trong một triệu năm qua. Họ có “CÁI TÔI” quá lớn.
Đó là tự tin hay thiếu tự tin? Nhưng khi tôi nghĩ lại, câu trả lời rất đơn giản: Khi bạn thể hiện hành vi biết rõ tất cả, đó là dấu hiệu của sự bất an. Những người thực sự nghĩ rằng họ biết mọi thứ là ảo tưởng. “
Rồi ông đề nghị ba cách đối phó:
1- Đừng để nỗi bực mình kích thích bạn. Hãy lựa những câu hỏi, câu trả lời, khiến họ chợt thức tỉnh giữa lúc nói nhiều, không phải thức tỉnh về điều họ biết vì họ sẽ không bao giờ tự nhận họ không biết.
2- Đừng nỗ lực chia sẻ kiến thức với người biết tất cả, vì họ đã biết hết rồi, ý kiến của bạn sẽ dư thừa hoặc sai lầm.
3- Nếu có thể tránh xa, nên tránh. Đời bạn sẽ thoải mái và trong sáng hơn.
Không thấy lời khuyên nào của ông về trường hợp nếu vợ hoặc chồng mình là người biết tất cả thì sao? Nếu nhận xét chung, đa số ông chồng Việt Nam đều là những người “biết tất cả” đối với vợ con. Chuyện này gọi là “đàn áp hiểu biết.” Một số trường hợp may mắn khi sống ở nước ngoài, người vợ được tôn trọng hơn và phụ nữ chịu khó tìm hiểu, gia nhập và đời sống mới, họ hiểu biết và cập nhật hơn, nên chồng cũng e dè, ngoài trừ khi nổi nóng. Rồi, tình thế biến chuyển, các bà lại trở thành người biết tất cả, đàn áp hiểu biết của chồng. Chuyện đời vẫn như vậy. Ta tiến, địch lùi. Ta lùi, địch tiến.
Darioux Foroux kết luận. Sau cùng những người biết tất cả đều thất bại. Vì sự hiểu biết mênh mông như đại dương, không ai bơi qua nổi. Những người biết tất cả thường trở nên cô đơn và cô độc lúc cuối đời. Triết gia Socrate đã nói: "Tôi là người khôn ngoan nhất đang sống, vì tôi biết một điều, và đó là tôi không biết gì."
Lời nói này khuyên những ai “biết tất cả” hoặc “chém gió” nếu muốn tự chữa mình, trước hết, cần phải ý thức, tự nhận, sự giới hạn của những gì mình đã biết.
Người biết tất cả và người chém gió sử dụng loại hiểu biết ở trong khu vực trước mặt trán (Useless information), những loại hiểu biết nông cạn. Họ cần gia tăng sự hiểu biết ở vùng Travia, là nơi những thông tin thông dụng có giá trị. Tiếp theo là khả năng sử dụng dữ kiện (facts) những kiến thức trong khu vực thực tế và có cơ sở luận lý để lời nói trình bày sự hiểu biết nghe đáng tin. Quan trọng nhất là khu vực nhỏ kiến thức quan trọng (important Knowledge), nơi chứa đựng những hiểu biết sâu sắc, tinh xảo, gần gũi sự thật. Khi vùng hiểu biết này gia tăng, tự nhiên, người đó sẽ tự hiểu ra và đồng ý với nhà bác học Stephen Hawkings: “Kẻ thù lớn nhất của kiến thức không phải là sự ngu dốt; mà là ảo tưởng về kiến thức”.
Tuy nhiên không dễ có kết quả vì “chém gió” thuộc về bệnh “nói dóc”, “nổ”, một chứng tâm lý tự coi “cái tôi” mình quá lớn và thích khoa trường về mình.
Những người chuyên nghiệp chém gió, có lẽ, nên suy nghĩ về câu nói của Criss Jami trong Killosophy: “Thành thật về điều không biết thì không sao, sẽ tốt hơn là loan truyền chuyện giả dối. Trong khi người ta thường nói, thành thật là cách tốt nhất, thì im lặng là cách tốt thứ hai”.
Gửi ý kiến của bạn