Hôm nay,  

Ngôn Ngữ – Chuyện Đó Đây

27/10/202209:59:00(Xem: 3176)
Tạp ghi

language-post

 

 

Thông Dịch Viên Tí Hon

 

Cu Bê bốn tuổi, đang năm thứ hai trong vườn trẻ Am Goldstein. Cu Bê nói tiếng Việt, tiếng Đức giỏi ngang nhau. Đi học về, cu Bê hào hứng kể chuyện:

 

– Bữa nay trên trường con có một đứa Chinese. Nó người Tàu, mới vô trường. Nó không nói được tiếng Đức. Cô giáo phải kêu con giúp.

 

Mấy ngày sau đó, cu Bê tường thuật đều đặn:

 

– Nó không thích chơi ngoài sân cát. Nó rất ghiền chơi xếp hình...

 

Mẹ cu Bê hỏi:

 

– Sao Bê rành chuyện thằng nhỏ đó vậy?

 

Cu Bê huyên thuyên:

 

– Tại nó không biết nói tiếng Đức. Mà trong trường, chỉ một mình con hiểu tiếng Tàu thôi.

 

Mẹ cu Bê tức cười:

 

– Con học tiếng Tàu hồi nào?

 

Cu Bê lắc đầu:

 

– Con không học, nhưng con hiểu tiếng Tàu thằng đó nói. Mỗi khi nó muốn gì, nó nói với con, con übersetze lại cho cô giáo.

 

Mẹ cu Bê gục gặc:

 

– Ừ, con dịch qua tiếng Đức cho cô giáo nghe.

 

Cu Bê tiếp:

 

– Rồi cô giáo cần biểu nó làm gì, cô giáo nói với con, con dịch lại cho nó.

 

Mẹ cu Bê thắc mắc:

 

– Con nói tiếng Tàu ra sao với nó?

 

Cu Bê tỉnh queo:

 

– Thì cũng như tiếng Việt thôi. Nó hiểu con hết trơn hà.

 

Mẹ cu Bê vẫn băn khoăn:

 

– Hay nó là người Việt?

 

Cu Bê chắc chắn:

 

– Dạ không. Cô giáo nói, nó là người Tàu, Chinese. Mẹ nó cũng Chinese luôn.

                 

Mẹ cu Bê ngẫm nghĩ, có lẽ gia đình đó là người Việt gốc Hoa. Hôm đến họp phụ huynh, mấy cô giáo gặp mẹ cu Bê, khen cu cậu nức nở. Cu Bê thiệt là thông dịch viên giỏi. Không chỉ thông dịch cho thằng bé, mà cả luôn cho mẹ thằng bé. Bà ấy nói tiếng Đức sơ sơ, có lẽ accent quá nặng. Hôm bà ấy đến hỏi thăm về chuyện ăn ở trong trường của thằng bé, hai ba cô xúm lại, tìm cách giải mã các câu nói trục trặc, lơ lớ của bà. Nhưng không ai hiểu rõ bà muốn gì. Cô Gabi chợt nảy ra sáng kiến, kêu cu Bê vào. Thế là, qua thông dịch viên tí hon cu Bê, các cô giáo hiểu được yêu cầu, nguyện vọng của mẹ thằng bé. Bà mẹ cũng hài lòng yên tâm với cách làm việc của vườn trẻ.

 

Anh Giai

 

Anh Giai, người Huế, nói giọng Huế nguyên chất dù đã ở Âu châu trên 30 năm. Có lẽ, do thuận duyên với người Huế, cho nên, nói tiếng Việt với anh Giai, nghĩa là nói giọng Huế. Có lần gặp anh, thằng nhóc con, lúc đó chừng 5 tuổi, sau khi vòng tay chào bác Giai, kéo mẹ nó xuống, hỏi nhỏ: “Mẹ, bác Dai nghĩa là thịt bò dai phải không?” Mẹ nó ậm ừ, không dám nói lớn. Vì, ngại buồn lòng anh Giai. Vì, không muốn để lộ chuyện nhà. Có lẽ ba mẹ nó đi chợ hay mua phải bò dai, cải già nên thằng bé nhập tâm.

 

Ngày kia, anh Giai lần đầu ngao du sang khu chợ Rồng Vàng ở Cheb, Tiệp Khắc, gần biên giới Đức. Lơ ngơ vào chợ, anh tưởng như mình đang ở đâu đó bên Việt Nam. Loa phóng thanh đang lặp đi, lặp lại nếp sống văn minh, yêu cầu đậu xe đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh chung. Các bảng viết quảng cáo cá chép tươi sống, có vẽ thêm bàn tay chỉ hướng đi. Chợt có tiếng chào gọi, giọng Bắc, đầy vẻ thân thiện:

 

– Anh giai, anh giai, vào đây. Xem có gì vừa ý, mua giúp cho em đi nào. Hay anh giai mua thuốc lá nhé. Hiệu nào em cũng có cả anh giai ạ.

 

Anh Giai chậm chân, nhìn quầy hàng chất đầy những dĩa CD nhạc, DVD phim, các dĩa game. Đương nhiên, tất cả đều là dĩa sao chép lại. Anh Giai chẳng có ý định mua gì. Nhưng vẫn lắng nghe và quay qua nhìn thanh niên vừa nói cười, vẫy tay với anh. Anh Giai bỗng thấy phấn chấn. Người bán hàng mau mắn, vui vẻ, lại biết cả tên mình. Anh Giai rẽ vào hàng. Cố nhớ đã gặp anh chàng bán hàng này ở đâu. Có lẽ thời làm ở Siemens, ở đó đông dân Việt Nam lắm. Nhưng chịu thôi, anh chẳng biết quen thế nào. Anh Giai cảm thấy hơi áy náy. Mình vô tình, hay trí nhớ kém mà không hề nhận thấy một tí nét quen biết của người này. Anh Giai vui vẻ hỏi:

 

– Tôi đến chợ đây lần đầu. Cũng chưa định mua gì. Mình quen nhau ở đâu? Sao anh biết tôi là Giai.

 

Anh bán hàng nhíu mày, tắt mất nụ cười:

 

– Quen đâu mà quen. Ôi giời! Sao bác hâm thế. Chứ bác không giai thì là gì hả! Chẳng nhẽ là gái.

 

Anh Giai sượng ngắt, quày quả bỏ đi. Ra thẳng xe, chạy về Đức. Không còn hứng thú tìm đến hiệu tóc thanh nữ người quen giới thiệu.

 

Chân Chó

 

Cô nghe nhiều người nhắc đến chợ Việt Nam ở bên Tiệp Khắc. Nghe đâu, chợ bên đó bán đồ ăn y chang bên Việt Nam. Rau cỏ trăm hồng nghìn tía. Từ rau đay, rau rút đến rau dền, bông bí. Chứ không lơ thơ vài bó ngò úa, mấy lá quế dập như chợ bên Đức chỗ cô ở. Hình như còn có cả hột vịt lộn, lòng heo, lòng gà... Cô nhiều lần rủ chồng, thử làm một chuyến du lịch Việt Nam bên Tiệp. Nhưng chồng cô cứ nại cớ này, cớ nọ không đi. May quá, vợ chồng ông anh qua đó chơi, xe còn đúng một chỗ cho cô. Đến nơi, vợ chồng anh chị lo chăn hai thằng nhóc, lẹ chân chạy tuột vào hàng bán các loại áo đá banh với tên của các cầu thủ nổi tiếng. Ông anh giao hẹn, muốn đi đâu thì đi, hai tiếng đồng hồ sau trở lại. Cùng đi ăn, rồi mỗi người khuân một bao gạo Thái Lan, giá chỉ bằng phân nửa bên Đức. Thế là huề lại tiền xăng. Cô háo hức nhìn quanh. Không biết nên đi hướng nào, tận dụng hai tiếng đồng hồ, để xem cho được nhiều thứ. Cô thấy vui quá. Tiếng chào hàng lao xao, vừa tiếng Đức, vừa tiếng Việt. Cô chậm chân trước quầy hàng bán các loại áo thun, áo khoác, nhái các hiệu nổi tiếng như Chanel, Armani, Polo… Chị bán hàng có vẻ thất vọng. Không chèo kéo được mấy bà Đức ghé vào hàng, mặc dù chị đã chào mời bằng tiếng Đức thật tha thiết. Chị bán hàng thấy cô đang quan sát mấy cái áo khoác để chạy bộ. Chị lại gần, nhỏ giọng thân thiện:

 

– Em gái này! Chị có Chân Chó. Mới về!

 

Cô giật mình. Trời đất! Hổng lẽ mình có tướng mạo của dân nhậu nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm hay sao đây. Cô nghĩ thầm, đúng rồi, xứ này người ta trọng mấy con cẩu lắm. Cấm ăn thịt cầy, cho nên chị ta phải treo... áo quần, bán thịt chó. Chị đang nhìn cô, chờ đợi. Cô gượng gạo lắc đầu, lúng búng:

 

– Dạ, cám ơn chị. Em không… không… biết ăn thịt... cầy.

 

Chị khựng một chút. Hiểu ra, cười rũ:

 

– Không, không phải thế em gái ạ. Cầy, dê, lợn... muốn gì có đấy. Nhưng hàng ăn bên kia đường cơ. Chờ chị một chốc nhé.

 

Chị thoăn thoắt đưa cây cần có móc lên cao, thiện nghệ đẩy mấy cái áo treo san sát thành dãy. Chị móc xuống cái áo khoác màu rêu. Gác cần qua một bên, chị căng áo cho cô xem:

 

– Hàng Chân Chó đây. Cực đẹp! Em gái ạ.

 

Trong tích tắc, cô chợt hiểu, chân chó đây là nhãn hiệu Jack Wolfskin, chớ nào có phải là “nguyên vật liệu” để nấu rựa mận đâu.

                             

Nói Tiếng Anh

 

Ông sang Mỹ, bữa trước, bữa sau là lao vào đi làm việc ngay. Tiếng Anh của ông theo nguyên tắc “tri túc tiện túc”... biết đủ thì đủ. Một hôm, ông đi chợ. Đang rà rà chạy xe vào bãi đậu. Bỗng đâu, có một chiếc xe to tướng xẹt ngang, quẹo gấp, chẳng có báo hiệu đèn đóm gì sất, xém quẹt vào xe ông. Ông nhấn còi cảnh cáo. Tài xế đằng trước tấp vào lề, một bà Mỹ thiệt đô, rất “môn đăng hộ đối” với tầm cỡ chiếc xe, chạy ra làm dấu với ông, có vẻ như bất bình chuyện ông bấm còi. Ông bỗng bực, chà, đã làm lỗi, mà còn gây sự. Đàn bà chạy xe lạng quạng là thường, ông nghĩ vậy. Thôi, để mình cắt nghĩa cho bà ấy hiểu. Thế là ông mở cửa, vận dụng toàn bộ vốn tiếng Anh trong đầu. Ông vừa nói, vừa hoa tay làm điệu bộ. You know, you go straight, but you turn right, you don't let me know. Ông đang ngon trớn, you thế này, you thế kia, bà Mỹ nghệch mặt ra. Sau đó, như hết kiên nhẫn, gằn từng tiếng, chậm, rõ: ENGLISH ONLY, PLEASE!

 

Mỗi lần kể lại chuyện này, ông hậm hực mãi:

 

– Con mụ tây cà chớn, tui nói tiếng Anh với nó cả buổi, chứ tiếng gì, mà nó lại bảo English only.

 

Bạn của ông trầm ngâm:

 

– Chắc ông phát âm ghê rợn quá nên bả mới không hiểu. Chớ hồi nẳm tui qua Mỹ, đi với bà chị dâu, tui trót lọt ngon lành. Khi cảnh sát Mỹ hỏi giấy tờ, tui chỉ bà chị rồi nói, mai xít– tơ (my sister). Ông cảnh sát bèn mở sổ thông hành của tui và bà chị, đọc lui đọc tới, rà ngón tay chỗ họ tên. Chắc là ổng hỏi chị em sao khác họ. Lúc đó, tui có biết chị dâu gọi là gì đâu. Nên phải diễn tả, chị em nhưng không máu mủ, ruột thịt. May, mà còn nhớ chữ “máu” trong tiếng Anh. Tui bèn phán ngay, dét, xít– tơ, bớt nô bờ– lớt (yes, sister, but no blood). Đó, vậy mà ổng hiểu ngay, ok cái một, cho tui với bà chị nhập cảnh liền tù tì.

 

Nghe Tiếng Mỹ

 

Cô qua Mỹ chơi. Cô hỏi thăm cách thức để mua thẻ điện thoại. Con em họ bảo:

 

– Thôi, cần có mấy ngày. Chị mua làm gì, tốn tiền vô ích. Em đưa cho chị xài.

 

Con em ở Mỹ đã lâu, có chồng Mỹ, nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Mỹ khá nhiều. Chiều, con em gọi cho cô, hỏi thăm:

 

– Chị cần thêm gì không?

 

Cô nhanh nhẩu:

 

– Đầy đủ hết rồi. Bây giờ có điện thoại của em, liên lạc được bạn bè. Rất tiện.

 

Con em nhắc nhở đôi điều, cô nghe loáng thoáng:

 

– Nhớ chặt nghe.

 

Cô nghĩ ngay, có lẽ điện thoại này rất dễ vỡ. Bởi vậy, con em nhắc mình phải giữ chặt. Cô đang cầm điện thoại trong bàn tay, vội đưa thêm tay kia lên điện thoại cầm cho thật chặt. Nghĩ thầm, con em tốt bụng, cho mình mượn điện thoại. Mình lắt xắt, lỡ làm rớt, bị hư, biết ăn nói làm sao. Cô gật gật đầu, tưởng như đang đứng trước mặt con nhỏ em:

 

– Em yên tâm, chị đang cầm chặt lắm.

 

Sợ nó chưa hiểu, cô nhắc lại:

 

– Chị để ý lắm. Sẽ cầm điện thoại thật chắc khi dùng.

 

Hình như nhỏ em cười xòa:

 

– À không, I mean, chị nhớ charge cái điện thoại, kẻo nó mau hết pin lắm.

 

Cô ghé thăm mẹ của người bạn. Bác thật xốc vác. Cao tuổi, mà đi đứng nhanh nhẹn, cười nói rôm rả. Bác nói:

 

– Bác khỏe như ri, nhờ ăn cháo ốc miêu đó con.

 

Cô nghĩ, mấy món ốc thường rất hấp dẫn. Nào là ốc hương xào tỏi, ốc bưu nhồi thịt hấp sả. Nghe nói, bên Mỹ có ốc vòi voi, cao lương mỹ vị, bên Âu Châu chưa từng thấy. Bác hăng hái kể:

 

– Sáng mô bác cũng ăn một tô cháo ốc miêu nấu sữa. Ăn miết thấy ngon đó con.

 

Chà, ốc nấu với sữa chắc còn mùi tanh. Không biết mình có chế biến theo kiểu ốc len xào dừa được không. Bác hỏi:

 

– Chớ bên Âu châu có ốc miêu không hả con?

 

Hồi giờ cô chưa nghe tới món ốc miêu, nên đoán là ở Âu châu không có.

 

– Dạ, con chưa thấy ốc miêu bao giờ. Ở Đức, các món hải sản không đa dạng như bên Mỹ đâu bác.

 

– Khi mô về lại Đức, con nhớ mang ốc miêu về cho Ba con dùng. Rất tốt đó con.

 

Ô, vậy chắc là khô ốc như khô mực, khô cá, hay loại đóng hộp chứ không phải là đồ tươi.

 

– Dạ, dạ, con cám ơn bác. Nhưng Ba con không dùng được món ni. Ba con ăn chay trường.

 

– Ăn chay lại càng hạp với ốc miêu hơn.

 

Cô hòa hoãn:

 

– Dạ, bác cho con coi thử con ốc miêu ra sao, rồi con theo đó mà mua.

 

Bác phăng phăng đi lại tủ bếp, lục lọi một chút, rồi rút ra một hộp giấy. Bác đem hộp lại đưa cho cô:

 

– Đây, bác biếu hộp ni cho Ba con.

 

Cô nhìn kỹ bao bì của hộp, hình hột lúa kiều mạch. À, thì ra là oatmeal. Gì chớ Haferflocken bày hàng hàng, lớp lớp trong siêu thị Đức. Cô đón hộp oatmeal bà bác đưa:

 

– Con cám ơn bác nhiều. Con sẽ về giới thiệu món ốc miêu cho Ba con.

 

Thời gian ở lại khu quận Cam, cô rất thích nghe radio tiếng Việt. Buổi sáng, cô ở nhà với mẹ của bạn. Vừa chuyện trò rỉ rả với bà cụ, vừa nghe radio. Mục nào cũng vui tai. Từ nhạc yêu cầu, đến màn giải đáp thắc mắc. Cả những đoạn quảng cáo lao xao, vui nhộn ra trò. Đối với người ở California, radio tiếng Việt là chuyện bình thường trong xóm nhỏ. Nhưng so với xứ lạnh bên trời Âu, nghe radio tiếng Việt là loại hàng... hiếm quý. Bỗng, cô nghe lời quảng cáo về chương trình ca nhạc thính phòng, tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với ban hợp xướng Ngàn Khơi và nhiều ca sĩ “ruột” của cô. Câu cuối của cô xướng ngôn viên: “Số ghế rất hạn chế. Quý vị hãy đặt vé sớm tại tiệm nhạc Beethoven. Số điện thoại…” Nhanh quá, cô không kịp ghi số. Trời ơi, chương trình nhạc hay như vầy, nhất định không thể bỏ qua. Nhỏ bạn đi làm vừa về đến cửa, cô háo hức kể ngay. Nhỏ bạn đủng đà, đủng đỉnh:

 

– Ôi chào, mày khéo lo. Chờ đến ngày diễn, mua tại chỗ cũng còn vé.

 

Cô nằng nặc:

 

– Không! Mày phải dẫn tao ra tiệm Beethoven mua vé, kẻo hết.

 

Nhỏ bạn nghiêng nghiêng đầu, chắc nghe không rõ:

 

– Tiệm gì?

 

– Tiệm nhạc Beethoven, chắc là tiệm chuyên về nhạc cổ điển chứ gì.

 

Cô nghĩ thầm: “Hay là mụ ‘ngố’ bạn mình không biết Beethoven là ai?

 

Như đọc được ý nghĩ của cô, nhỏ bạn hỏi:

 

– Beethoven? Ông nhạc sĩ người Đức? Tao chưa nghe tiệm này bao giờ. Chắc là tiệm của Mỹ. Lạ thiệt. Thường, mấy vé ca nhạc Việt Nam toàn bán ở tiệm Việt Nam không à.

 

Mẹ của bạn góp ý:

 

– Mình chờ chút nữa người ta đọc quảng cáo lại, ghi số điện thoại, gọi tới, hỏi địa chỉ là xong.

 

Cô ngồi chầu gần radio, thủ sẵn bút viết để ghi số điện thoại, chờ đoạn quảng cáo. Vừa nghe đến câu Chương Trình Nhạc Thính Phòng, cô vội vàng ra dấu cho nhỏ bạn. Mẹ của bạn cũng vui vẻ đến gần lắng tai nghe.... “Quý vị hãy đặt vé sớm tại tiệm nhạc Beethoven.”

 

Mẹ của bạn bật cười vui vẻ:

 

– À, tiệm Bích Thu Vân bán băng nhạc gần bên siêu thị Á Châu đó. Khỏi ghi điện thoại con ơi. Ngày nào ra chợ, Mẹ chả đi ngang qua đó.

 

Ừa hén, Bích Thu Vân chớ có phải Beethoven đâu. Chắc tai của cô nghe tiếng Đức riết, nên nghe… gà hóa cuốc.

 

Chị của người bạn chở cô đi shopping. Vừa quẹo vào bãi đậu xe, chị dừng, nói với cô:

 

– Em xuống đi! Chị phải chạy ra xa để “phạc”.

 

Cô giật mình, ồ, chị sao ý tứ quá. Chỉ “thả hơi” mà cũng ngại, kêu mình xuống để tìm nơi thích hợp.

 

Cô vui vẻ:

 

– Đâu sao chị. Em đi theo chị được mà.

 

Chị lúc lắc đầu:

 

– Không, ở đây chị không “phạc” được. Phải chạy ra ngoài kia thôi.

 

Cô hơi tức cười. Nhiều người cũng lạ, những chuyện “tiện”, từ tiểu, đến trung, đến đại đều phải cần chỗ thuận tiện mới được. Thôi, thì mình đứng đây chờ, cho chị thoải mái. Nhưng cô lo lắng:

 

– Em lạ chỗ. Đứng một mình, hơi sợ chị ạ.

 

Chị chặc lưỡi:

 

– Ừ, em đi theo chị vậy.

 

Chị chạy ra xa, tìm chỗ rộng đậu xe. Rồi chị rút chìa khóa bước ra. Cô ngạc nhiên, ủa, vậy chị “phạc” hồi nào vậy ta. Cô theo chị. Vừa rảo bước, chị kể:

 

– Em chị nó ghẹo chị hoài. Chị chạy xe có thấy tiến bộ. Nhưng “phạc” thì dở lắm. Phải tìm chỗ rộng. Chớ mấy “phạc kinh” của phi trường thì chả dám.

 

Ô là la! Nãy giờ chị lo tìm chỗ để park chớ có phải để... fart đâu.                  

 

Tăm Bông

 

Ngày tháng ở ký túc xá của cậu bỗng dưng rộn ràng hẳn lên. Số là, có con bé mới đến dự học lớp Đức Ngữ sơ cấp. Sau khi truy cập tung tích, cội nguồn, lăng lăng líu líu, cậu khám phá ra, cậu và con bé có họ hàng xa xa với nhau. Bà con theo kiểu gọi ông già hói trên lon sữa là Ông Thọ. Sao cũng được, miễn là con bé có vẻ tin tưởng cậu, thắc mắc gì, chạy qua hỏi ý cậu. Cậu ta đây là người đi trước, trước được cả hai năm trời, đã vào đến lớp 11 của trung học Đức (mặc dù cậu đã xong trung học Việt Nam trước đó 6 năm). Trưa hè đậm nắng, đám học sinh Việt rủ nhau đi hồ bơi. Cậu qua thông báo cho con bé, cho biết cậu định ra siêu thị mua ống kem chống nắng. Con bé vui vẻ:

 

– Tiện quá, sẵn nhờ anh mua cho em một ít tăm bông. Đi bơi cũng cần thứ này.

 

Cậu khựng lại. Cái gì! Con bé nhờ mình mua “tampon”. Cậu lầm bầm:

 

– Được, được.

 

Rồi quày quả bước đi. Mới mấy năm mình xa Việt Nam. Không dè con gái bây giờ quá sức tự nhiên. Dám mở miệng nhờ đàn ông con trai đi mua món hàng... tối mật đó. Nói cho ngay, cậu biết được công dụng của món hàng cũng mới đây thôi. Khi đang coi ti– vi thấy quảng cáo, cậu buột miệng hỏi thằng bạn bên cạnh. Nó nheo mắt nhìn cậu như thằng ngáo. Rồi vênh váo bằng giọng đàn anh, cắt nghĩa cho cậu nghe. Cậu bỗng đâm ra bực bực cái con bé này, cảm thấy nó hơi dễ ghét. Biết lấy lý do gì để từ chối. Mua cho nó, lỡ đứa bạn nào bắt gặp, chỉ có nước độn thổ. Cậu lẩn quẩn khu vực cấm kỵ một hồi, lấm lét ngó quanh. Mong đừng gặp người Việt nào trong lúc này. Cậu nhanh tay chụp một hộp, bỏ vào xe. Đến quầy, cậu còn cẩn thận lấy thêm tờ báo chương trình ti– vi, phủ lên hộp tampon. Cậu nóng cả mặt, khi cô bán hàng cầm hộp lên xem giá tiền. Hình như cô ta đang nhìn cậu soi mói. Cậu lẹ tay bỏ món hàng “quốc cấm” vào túi. Thở phào nhẹ nhõm, vừa xong sứ mạng khó khăn. Về ký túc xá, cậu dùng bao to quấn hộp hàng nhỏ năm bảy bận. Cậu đem món hàng qua giao cho con bé, lắc đầu nguầy nguậy khi con bé hỏi, xin gởi lại tiền. Lật đật ra về, sợ lỡ ai bắt gặp. Cậu đang bận rộn bỏ mấy món đồ bơi vào túi. Có tiếng gõ cửa. Cậu không tin ở mắt mình. Con bé đang đứng trước cửa, tay cầm hộp tampon, trơ trụi, không che giấu gì sất. Trời cao đất rộng ơi, nó có ý định gì đây. Con bé rụt rè:

 

– Anh ơi, loại tăm bông này lạ quá. Không giống như mấy cái tăm bông be bé để ngoáy tai, hôm trước mấy chị cho em ở hồ bơi.

 

Cậu sực hiểu:

 

– À, cái đó tiếng Đức gọi là “Wattestäbchen.”

 

Con bé rùn vai:

 

– Eo ui, chữ gì khó nhớ quá. Em cứ gọi tăm bông cho dễ.

 

May quá, con bé mới qua, chữ nghĩa chưa đủ để đọc hướng dẫn trên bao bì. Bởi vậy, nó không biết cái món cậu “bé cái nhầm” là gì. Lòng cậu thơ thới. Cậu sẽ chạy ù ra siêu thị, đường đường chính chính, khuân vài hộp tăm bông cho con bé. Cậu thấy con bé vẫn dễ thương như hôm nó mới đến.

 

Hoàng Quân

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một tay cầm micro, tay kia cố gắng lật trang sách để giữ nó cố định, Thái Nguyễn chỉ vào hình ảnh cô tài tử Hollywood gốc Việt đang tiếp nhận những ‘hào quang ánh sáng’ của báo chí điện ảnh Mỹ, trong tà áo dài màu xanh lá cây đậm, giới thiệu về sách thiếu nhi Mai’s áo dài: “Đây là lần đầu tiên áo dài Việt Nam hiện diện trên thảm đỏ Oscar!”
Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ)(*). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn.
“Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?” Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu & Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Bước vào phòng triển lãm, ba bức tranh đầu tiên bên tay phải đập vào mắt người thưởng ngoạn là ba tác phẩm của họa sĩ Ann Phong: “I Told You, The Earth Is Warming Up”; “Looking Back, Looking Forward”; “If We Don’t Care For Nature, It Will Disappear.” Chọn ba tác phẩm này cho cuộc triển lãm, họa sĩ giải thích: “Các tác phẩm nghệ thuật của tôi phản ánh mối quan hệ giữa người với người; trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với trái đất nơi chúng ta đang sống. Thật đau lòng khi chứng kiến ​​thiên nhiên bị tàn phá bởi lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Có vẻ như khi chúng ta càng làm cho cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, thì chúng ta càng tạo ra nhiều ô nhiễm hơn; càng làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất một cách bất cẩn hơn…”
Quý bạn yêu nhạc muốn ủng hộ đêm nhạc Mắt Nâu với những tình khúc của Hoàng Tử Bé - Jayden Nguyễn tại Coffee Factory (15582 Brookhurst St, Westminster, CA 92683) vào ngày Lễ Tình Nhân, Thứ Sáu, 14 tháng 2, xin vui lòng nhắn tin đến 714-592-8941 để đặt vé.
Tuyết rơi như lông ngỗng, như hoa rụng tùng chùm, bám trên nóc xe, trắng xóa mặt đường và tan dưới lằn bánh xe cán ngang. Hơi lạnh len cả vào chân tóc. Mùa Đông thật sự đã đến.
Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970. Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu ".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.
Bài viết của nhà thơ Ngu Yên ở Texas “Cảm Xúc Trong Tiếng Hát” có nhiều điều lý thú trong lãnh vực âm nhạc. Ngu Yên đã dấn thân trong hai lãnh vực Thơ, Nhạc… Ngoài các tập thơ đã được ấn hành, khoảng cuối năm 1995 ở Houston, Ngu Yên tổ chức những buổi ra mắt sách, băng nhạc, CD và tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc. Năm 1998, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions để thỏa mãn sự ham vui theo sở thích cùng nhau vui chơi, tổ chức trên 50 buổi trình diễn như đại hội chợ, trong những dịp lễ, sinh hoạt cộng đồng… ngoài Texas còn có nhiều nơi khác. Vì vậy trong lãnh vực âm nhạc, Ngu Yên có kinh nghiệm và khả năng viết về đề tài nầy… Qua bài viết của tác giả Ngu Yên tạo cho tôi cảm hứng góp phần chia sẻ với “lời bàn Mao Tôn Cương” tế nhị vì cũng ngại làm phật ý với “ca sĩ” trình diễn và góp ý thêm cho sinh động trong chuyện vãn.
Thứ Tư, ngày 15 tháng 1, 2025, gia đình và đông đảo bạn hữu đã đưa tiễn họa sĩ/nhà văn Khánh Trường về nơi an nghỉ ở Peek Family, Westminster. Chương trình tang lễ ngắn gọn nhưng ấm cúng, thân tình, và thật cảm động với nhiều lời phát biểu chia sẻ của gia đình và nghệ sĩ thân hữu. Việt Báo đã đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết từ bạn bè, văn hữu trong số báo đặc biệt về Khánh Trường ngày 3 tháng 1, 2025, sau đây là bài điếu văn của con gái út của Khánh Trường, Annie Nguyễn Trường An, đọc bởi chồng Cô trong buổi tang lễ bằng tiếng Anh, Lê Anh Dũng biên dịch sang tiếng Việt.

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.